Tuesday, May 25, 2010

TRỰC DIỆN VỚI SỰ THUA KÉM CỦA CHÍNH MÌNH

Trực diện với sự thua kém của chính mình

Nguyễn Gia Kiểng
Đăng ngày 25/05/2010 lúc 18:27:04 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4835

.

Trực diện với sự thua kém của chính mình
(về viện trợ và hợp tác quốc tế)
Nguyễn Gia Kiểng

.

(Ký giả Đinh Quang Anh Thái của nhật báo Người Việt phỏng vấn ông Nguyễn Gia Kiểng)

.

ĐQAT: Trong cuốn Lạc Ðường, nhà văn Ðào Hiếu hiện sống tại Việt Nam, viết rằng: “trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, thân phận của các nước nghèo không khác một cô gái điếm, phải sống bằng ‘vốn tự có’ của mình là dầu thô, cao su và các tài nguyên thiên nhiên khác; nhân dân chỉ được hưởng một phần lợi tức nhỏ, còn phần lớn đều chảy vào túi những mụ tú bà là các tập đoàn kinh tế Anh, Mỹ, Pháp, Ðức, Nhật...và những tên ma cô dắt mối là chính quyền bản xứ”. Ông nghĩ sao về quan điểm này của Ðào Hiếu?

Nguyễn Gia Kiểng: Đây là một cái nhìn quá đen tối và sơ sài để có thể đúng. Trong thập niên 1960 và đầu thập niên 1970 quan điểm này rất thời thượng và đã được phong trào cộng sản thế giới vận dụng triệt để để hô hào chống chủ nghĩa tư bản, chống phương Tây, chống đế quốc Mỹ. Lúc đó đa số các công ty đa quốc gia là những công ty Mỹ. Hiện nay ít ai còn lặp lại nữa. Vấn đề giao lưu và hợp tác quốc tế phức tạp và cần được nhìn một cách bình tĩnh và chính xác hơn.

Dĩ nhiên các công ty đa quốc gia và các tổ hợp tư bản không phải là các hội từ thiện, họ đầu tư vào các nước chưa phát triển không phải với mục đích giúp các quốc gia đó trở thành giầu mạnh mà để tìm lợi nhuận. Nhưng họ cũng không phải là những tổ chức tội ác. Chính vì mục đích lợi nhuận mà họ cũng mong muốn các nước mà họ đầu tư được ổn vững và phát triển lên để vốn đầu tư của họ được bảo đảm, nguồn lao động có phẩm chất hơn, thị trường tiêu thụ cho hàng hoá của họ mạnh hơn, nhưng đó không phải là ưu tư chính của họ, ưu tư chính của họ trước hết là kiếm lời. Và ta không thể lên án họ về điểm này. Chức năng của một công ty là để kiếm lời, dù ở nước ngoài hay trên chính đất nước họ cũng thế thôi. Phát triển một quốc gia chỉ có thể là quan tâm của quốc gia gia đó. Đây là một sự hợp tác giữa hai đối tác với hai mục tiêu khác nhau, một bên tìm lợi nhuận, một bên muốn phát triển đất nước mình. Cũng không khác sự hợp tác bình thường giữa các công ty mỗi bên bảo vệ quyền lợi của mình, hồn ai nấy giữ, vừa hợp tác vừa đấu tranh với nhau. Mâu thuẫn và thoả hiệp. Thế thăng bằng lý tưởng là mọi bên đều có lợi.

Các công ty cũng không phải chỉ đến các nước nghèo để khai thác các tài nguyên thiên nhiên như trong cách nhìn giản đơn này. Trong đa số các trường hợp họ đầu tư vào một nước nghèo vì những lý do khác, như vị trí thuận lợi, thuế nhẹ, nguồn nhân công rẻ, dồi dào và có phẩm chất cao, thị trường tiêu thụ nhiều tiềm năng v.v.

ĐQAT: Nhưng theo nhiều người thì trong quan hệ hợp tác này phần thiệt thòi luôn luôn là về phía các nước nghèo.

NGK: Sai! Sở dĩ quan điểm này có lúc đã thời thượng và thỉnh thoảng còn được nhắc lại là vì tiếp xúc và hợp tác với người hơn mình luôn luôn là một điều đau nhức và tủi nhục; trực diện với sự thua kém của chính mình không bao giờ thoải mái, nó đòi hỏi nhiều cố gắng và nhẫn nhục để rút ngắn dần sự thua kém nhưng có như thế mới tiến lên được. Đó là chọn lựa của các dân tộc thông minh, một chọn lựa khác là ngủ quên trong sự thua kém, sự thức dậy sẽ chỉ càng đau đớn hơn. Thực tế là trong giao lưu và hợp tác giữa các dân tộc cuối cùng thì các dân tộc chậm tiến vẫn được lợi hơn. Các con số đã rất thuyết phục. Sau thế chiến II tổng sản lượng (GDP) của Hoa Kỳ bằng một nửa GDP của cả thế giới, hiện nay nó chỉ còn là 23%. Vào năm 2000 bẩy nước phát triển nhất với dân số gộp khoảng 11% dân số thế giới có GDP gộp bằng 67% GDP của thế giới, hiện nay, nghĩa là mười năm sau, tỷ lệ này là 52%. Rõ ràng là phong trào toàn cầu hoá đã thu hẹp khoảng cách giữa các nước giầu và nghèo một cách nhanh chóng. Giao thương và hợp tác có lợi cho các nước nghèo, đó là điều không thể chối cãi. Và cũng có lợi cho các công nhân các nước nghèo, bằng cớ là họ thường thích làm cho các công ty nước ngoài. Nói chung họ học hỏi được nhiều hơn và cũng được trả lương cao hơn. Tuy nhiên những trường hợp như Đào Hiếu mô tả theo ngôn ngữ cảm tính của nhà văn không phải không có, nhưng là ngoại lệ chứ không phải thông lệ. Ngoại lệ này xảy ra khi một quốc gia không may rơi vào tay một tâp đoàn độc tài tham nhũng và vơ vét, đặt tham vọng quyền lực và lợi ích của mình lên trên quyền lợi của đất nước; lợi tức quốc gia không được phân chia một cách hợp lý mà tập trung vào tay một số cường hào. Tình trạng này khiến người dân mất lòng tin vào đất nước và ứng xử một cách vô trách nhiệm, mỗi người tìm cách luồn lách để sống, để giải quyết những vấn đề cá nhân bằng ngững giải pháp cá nhân, với hậu quả là nhân dân chia rẽ và bất lực, thù ghét chính quyền nhưng không lay chuyển được nó, mặt khác chính quyền thấy mình vừa không bị đe dọa lại vừa bị thù ghét nên lại càng vơ vét hơn, nhân dân vì thế lại càng chán nản và thù ghét chính quyền hơn v.v. Đây là một vòng xoắn độc hại rất khó thoát ra. Đó cũng là trường hợp của Việt Nam hiện nay và khiến nhiều người có cái nhìn đen tối về trào lưu toàn cầu hoá, một trào lưu tốt, rất tốt, về bản chất.

ĐQAT: Có quốc gia nào ngửa tay nhận viện trợ nước ngoài mà tránh khỏi thân phận bị lệ thuộc, thưa ông?

NGK: Sau thế chiến II, Đức và Nhật đã nhận rất nhiều viện trợ cũa Mỹ và cả hai đã trở thành những đại cường. Do Thái nhận một khối viện trợ khổng lồ của Mỹ nhưng vẫn giữ được chủ quyền. Đài Loan và Hàn Quốc cũng thế. Họ đã vươn lên mạnh mẽ trong những điều kiện khó khăn. Hàn Quốc hiện nay là một trong mười cường quốc kinh tế hàng đầu của thế giới và trở thành một nước cung cấp thay vì nhận viện trợ. Vả lại, viện trợ, nhất là viện trợ song phương giữa một nước giầu và một nước nghèo đã giảm đi rất nhiều và không còn quan trọng nữa, điều quan trọng hơn nhiều trong thế giới hiện nay là quan hệ ngoại thương, là vào được thị trường của các nước giầu mạnh trong những điều kiện ưu đãi. Một thí dụ cụ thể là viện trợ Mỹ. Hiện nay tổng số viện trợ trực tiếp của Hoa Kỳ cho mọi nước trên thế giới chỉ sấp sỉ 20 tỷ USD, nghĩa là chưa bằng hai phần ngàn GDP của họ.

Viện trợ kinh tế hiện nay chủ yếu do các định chế quốc tế như Nhân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, Ngân Hàng Phát triển Chậu Á, Hiệp Hội Các Quốc Gia Viện Trợ v.v. Các định chế này không trao tiền cho các chính quyền để làm gì tùy ý, họ viện trợ cho từng dự án mà họ thấy là đúng và khả thi, sau đó họ theo dõi việc thực hiện. Sự theo dõi này là cần thiết và có lợi cho các nước nhận viện trợ ngay cả khi nó không thoải mái cho các chính quyền nhận viện trợ, nó không xâm phạm chủ quyền của các quốc gia mà chỉ nhắm tránh những sai lầm và lạm dụng, đặc biệt là để ngăn chặn tham nhũng.

Trong những trường hợp viện trợ khẩn cấp, như khoản viện trợ 10 tỷ USD cho Haiti sau cơn động đất vừa rồi thì viện trợ chỉ thuần túy nhắm mục đích nhân đạo nhất thời.

ĐQAT: Một số người cho rằng, chính quyền của quốc gia nghèo nào nhận viện trợ của Mỹ thì trước sau gì cũng đối diện nguy cơ, hoặc bị lật đổ vì không nghe lời Mỹ, hoặc trở thành gia nô của Mỹ; xin nghe ý kiến của ông về suy nghĩ này.

NGK: Cần nhắc lại một lần nữa là viện trợ song phương trực tiếp của Hoa Kỳ không đáng kể, chưa tới 2 phần 1000 GDP của họ. Trong những trường hợp đặc biệt như đối với Iraq, Afganistan và Pakistan hiện nay các khoản viện trợ này không nằm trong ngân sách viện trợ bình thường và nhắm mục đích nhất thời là chống khủng bố và bảo đảm an ninh cho Hoa Kỳ và thế giới, và Hoa Kỳ cũng được sự tiếp tay của nhiều nước khác. Mục tiêu chính trị nếu có của những viện trợ này đáng hoan nghênh, nó nhắm thúc đẩy các quốc gia này trở thành dân chủ hơn, mạnh hơn, được lòng dân hơn, nhiều khả năng tự lập hơn để chống lại các lực lượng khủng bố một cách hiệu quả hơn.

Cũng cần lưu ý là chính sách ngoại viện và đối ngoại nói chung của Hoa Kỳ đã thay đổi hẳn sau chiến tranh lạnh. Trước đây, do như cầu đối địch với khối cộng sản, Hoa Kỳ có thể hỗ trợ cả cho các chính quyền độc tài quân phiệt; từ thập niên 1990 trở đi, sau khi khối cộng sản đã tan vỡ, nhu cầu này không còn nữa và Hoa Kỳ tẩy chay thay vì tiếp tay cho các chế độ vi phạm nhân quyền. Hoa Kỳ là cường quốc đưa dân chủ và nhân quyền vào chính sách đối ngoại một cách tích cực nhất. Trên thế giới hiện nay không có nước nào là "gia nô" của Hoa Kỳ cả.

Cần nhắc lại một lần nữa là điều quan trọng hiện nay không phải là xin được viện trợ của Hoa Kỳ mà là tranh thủ được sự hợp tác tận tình của Hoa Kỳ để học hỏi về mặt khoa học kỹ thuật và để tận dụng khả năng của thị trường to lớn của Hoa Kỳ. Nhưng muốn tranh thủ được sự hợp tác tận tình với Hoa Kỳ cũng phải chấp nhận một số hậu quả. Hoa Kỳ là một nước dân chủ và nếp sống Hoa Kỳ, the American way of life, có sức thu hút đặc biệt, nó có thể thay đổi những con người tiếp cận với nó, nghĩa là thành phần ưu đãi của các nước hợp tác với Hoa Kỳ. Mặt khác Hoa Kỳ không thể hợp tác tận tình với các chính quyền cấm đoán các ký giả của họ, như thế các bê bối và vi phạm nhân quyền sẽ bị phanh phui, trong khi dư luận Hoa Kỳ có ảnh hưởng đặc biệt quan trọng, nó có thể khiến quốc hội biểu quyết những biện pháp trừng phạt. Nói chung hợp tác với Hoa Kỳ thì chắc chắn sẽ phải chịu nhiều áp lực, nhưng là những áp lực tốt, có lợi cho các dân tộc đang cần dân chủ và chỉ bất lợi cho các chính quyền độc tài bạo ngược.

ĐQAT: Việt Nam hiện nay đang nhận đủ loại viện trợ quốc tế, theo ông, tình cảnh Việt Nam ra sao?

NGK: Mỗi năm Việt Nam nhận khoảng 5 tỷ USD viện trợ nước ngoài, chủ yếu là qua các định chế quốc tế. Các khoản viện trợ song phương trực tiếp tôi không có con số chính xác nhưng chắc chắn là không tới một tỷ USD và thường nhắm vào những dự án nhỏ hoặc trung bình. Gần một nửa khối viện trợ 5 tỷ USD là viện trợ không bồi hoàn, nghĩa là cho không, phần còn lại là các khoản cho vay dài hạn với lãi xuất thấp. Các khoản viện trợ này dùng để tài trợ cho các dự án phát triển. Hai nguồn viện trợ quan trọng nhất là Nhật, khoảng một tỷ rưỡi USD và Liên Hiệp Châu Âu, khoảng một tỷ USD. Cần lưu ý là chính quyền CSVN không sử dụng hết khối viện trợ này vì không đệ trình được những dự án đủ nghiêm túc. Điều đáng tiếc không phải là các khoản viện trợ này đã đi kèm với những áp lực chính trị mà, ngược lại, chính là ở chỗ chúng không tạo đủ áp lực, không đi kèm một cách mật thiết với những đòi hỏi gia tăng dân chủ và nhân quyền, và cũng chưa ngăn chặn được tham nhũng một cách thực sự có hiệu quả.

Nguyễn Gia Kiểng
Nguồn : báo Người Việt, ngày 25/05/2010

.

.

.

No comments:

Post a Comment