Saturday, May 29, 2010

Thầy Giáo ĐỖ VIỆT KHOA : "NGƯỜI ĐƯƠNG THỜI" hay "LỖI THỜI" ?

Thầy giáo Đỗ Việt Khoa-”Người đương thời” hay lỗi thời?

http://www.danchimviet.com/archives/9629

Cách đây 4 năm, từ một ngôi trường ít ai biết đến thuộc tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), trường phổ thông cơ sở Vân Tảo, thầy Đỗ Việt Khoa bỗng trở nên nổi tiếng vì những hoạt động chống tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục. Hàng chục bài báo viết về thầy, rồi trả lời phỏng vấn trên truyền hình, trở thành khách mời của chương trình “Người đương thời”, được Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân tặng bằng khen, tặng hoa. Ông Bộ trưởng đã đích thân tới tận nhà để thăm thầy.

Bạn đọc ủng họ thầy, khán giả truyền hình ủng hộ thầy. Người ta cứ ngỡ rằng, đây là cơ hội cho một cách mạng lớn trong giáo dục. Nhưng rồi mọi sự ủng hộ cũng chìm dần xuống và mọi việc vẫn như cũ, chỉ có “Người đương thời” thưở nào là gặp hết rắc rối này tới rắc rối khác.

Phụ huynh học sinh, nhiều người trách thầy vì thầy chống tiêu cực trong thi cử mà con cái họ bị trượt. Đồng nghiệp xa lánh thầy vì thầy “nhòm vào nồi cơm của họ”. Người dân địa phương nhìn thầy như nhìn người từ hành tinh khác xuống. Đầu gấu rình rập nhà thầy, cướp máy ảnh của thầy, hành hung thầy. Đêm khuya, chuông điện thoại đổ dồn, phá hoại giấc ngủ gia đình, rồi những tiếng cười quái đản trong điện thoại, những tin nhắn đe dọa.v.v.

Cuộc sống gia đình bị đảo lộn. Con đi xin học, người ta không nhận, lấy lý do là “nộp đơn muộn”. Thực ra, không trường nào muốn nhận con của một kẻ “rách việc” như thầy, rồi sẽ bị nhòm ngó vào các khoản thu ngoài quy định.v.v. Thầy bị những kẻ ác mồm đặt cho đủ các biệt danh “Khoa hâm”, “Khoa khùng”… Người vợ trẻ của thầy khóc ròng vì lo lắng.

Vừa rồi, thầy Khoa đã làm đơn xin nghỉ việc. Người thầy 17 năm đứng bục giảng với 2 bằng đại học (ĐH Tổng hợp Hà Nội khoa Địa chất và ĐH Quốc Gia Hà Nội khoa Toán- Tin học) đã ngầm ngùi quyết định chia tay với trò, với trường, với sự nghiệp giáo dục dang dở để về nhà phụ việc cho vợ.

Ngành giáo dục Việt Nam không còn chỗ đứng cho thầy nữa, hay chính xã hội Việt Nam, xã hội đang thối nát, mục ruỗng vì tham nhũng không còn chỗ cho một con người chính trực và kiên quyết chống tiêu cực?

Và phải chăng, như người ta thường nói, “đấu tranh là tránh đâu”. Khi cả xã hội đều tiêu cực thì người chống tiêu cực như thầy, trở thành kỳ dị, lạc lõng và khó tìm được một chốn nương thân cho mình.

Cả tuần “lăn tăn” về chuyện thầy Khoa, nhưng rồi cuối tuần mới gọi điện thoại hỏi chuyện được. Chuông reo tới lần thứ 2, thì thầy Khoa nhấc máy.

.

Và dưới đây là trao đổi giữa chúng tôi:

Mạc Việt Hồng (MVH): Tôi gọi từ một tờ báo ở hải ngoại, tờ Đàn Chim Việt. Câu đầu tiên xin được hỏi anh, anh đã nghe nói tới tờ báo này bao giờ chưa, thưa anh?

Thầy Đỗ Việt Khoa (ĐVK): Ồ, tôi nghe rồi, thưa chị.

MVH: Anh đã nộp đơn xin thôi việc, họ trả lời thế nào, thưa anh?

ĐVK: Đơn cho Sở Giáo Dục (GD) tôi nộp hôm 27/5, người ta đã nhận rồi và họ nói sẽ giải quyết theo yêu cầu của tôi.

Còn nhà trường thì tôi nộp trước đó, nhưng hôm nay họ vừa cho người đem tới nhà trả lại. Họ nói tôi phải viết đơn lại theo đúng thủ tục, đúng trình tự và nộp lại cho họ trước ngày 31/5.

MVH: Họ có nói trình tự là như thế nào không?

ĐVK: Họ không nói gì hết, không giải thích gì, họ phê vào đơn như vậy và cho người đem tới. Tôi muốn nghỉ việc, tôi viết đơn, sao lại phải bắt tôi viết thế này, viết thế kia, sao lại chỉ được nộp tới 31/5. Nếu không nộp trước ngày đó, thì chuyện gì sẽ xẩy ra, tôi cũng không rõ nữa.

MVH: Có lẽ họ lại bắt bí anh, như nhiều lần trước đây?

ĐVK: Đúng rồi, họ kiếm cớ, nói tôi viết đơn không đúng quy định. Đơn xin nghỉ việc thì có quy định gì. Tôi chắc họ đang bàn bạc, không dám quyết định đâu.

Tôi đã từng 10 lần viết đơn thư tố cáo chống tiêu cực gửi tới Sở GD mà họ có dám giải quyết đâu, người nọ đùn đẩy người kia, bộ phận này đẩy sang bộ phận khác.

Đó là tình trạng chung của xã hội Việt Nam hiện nay, quan chức ngành nào cũng thế không riêng gì giáo dục đâu.

MVH: Và vì những là đơn đó, mà anh bị trù dập ở địa phương?

ĐVK: Vâng. Thi cử thì người ta bỏ ngỏ cho học sinh ném phao. Có phòng thi, giám thị còn làm phao tập thể, ném cho học sinh chép rào rào. Không như thế thì trượt hết, thì trường mất tiên tiến, trường mình thua trường khác, giáo viên mất thi đua, không được thưởng, không được tăng lương trước hạn.

Rồi những tiêu cực khác, như thu học phí của học sinh. Quy định chỉ có 1 đô- la một tháng thôi, chừng 20.000 đồng, nhưng người ta cứ thu hơn, rồi cưỡng bức phụ huynh học sinh đóng hết tiền nọ tới tiền kia.

Năm ngoái ấy. bắt học sinh đóng thêm 420.000 đồng để học tin học, mà có học hành gì đâu, phụ huynh người ta kêu. Giáo viên thu đủ các loại tiền học. Bí thư đoàn trường thì thu tiền đoàn. Tay bí thư này, thu quỹ tới 80 triệu, Sở GD người ta đã điều tra và kết luận như thế là sai, nhưng rồi có ai bị kỷ luật gì đâu, và vẫn tiếp tục thu. Mới cách đây vài hôm, tôi còn thấy thông báo trên bảng là thu tiền.

Các em học sinh hay phụ huynh kêu thì người ta cho là chống đối. Họ cứ bịa ra các khoản thu rồi cưỡng bức học sinh, bắt nộp tiền.

Năm ngoái, học sinh chán học, 70 em bỏ học, thế mà vẫn được tuyên dương, hiệu trưởng vẫn được khen thưởng.

MVH: Xã hội hiện nay lĩnh vực nào cũng tiêu cực, từ Y tế, tới Giáo dục, Xây dựng, Khai khoáng, tời Xuất nhập khẩu.v.v. Anh định “làm sạch” lĩnh vực giáo dục thì giáo viên lấy gì mà sống, có khi họ bỏ nghề chạy hết sang ngành khác thì sao?

ĐVK: (cười) Đây là câu hỏi khó. Mỗi công dân Việt Nam có lương tâm, sống trong môi trường nào thì phải đấu tranh làm trong sạch môi trường đó. Tôi trong lĩnh vực giáo dục chỉ có thể làm được những việc liên quan tới giáo dục, ở địa phương mình thôi. Trong những năm rồi, nhiều tiêu cực trong thi cử hay bệnh thành tích cũng giảm đi. Ông Bộ trưởng GD là một người có lòng nhưng ông có ít quyền quá. Ví dụ như tay hiệu trưởng trường tôi, do UBND Tỉnh bổ nhiệm với sự đồng ý của Sở GD. Bộ trưởng có muốn, cũng chẳng cách chức được ông ta. Do vậy, Thủ tướng phải trao thêm quyền cho các Bộ trưởng thì mới có thể tốt được.

Còn chuyện giáo viên bỏ đi ngành khác, cũng có thể một số, nhưng tôi tin rằng đa số yêu nghề và nhiều người vẫn sống được bằng đồng lương trong sạch, trong đó có tôi.

MVH: Địa phương đã trù dập anh, cụ thể thế nào, thưa anh?

ĐVK: Họ bịa ra những lỗi của tôi, họ vu khống tôi. Họ dọa dẫm học sinh, bắt học sinh ký tên vào đơn tập thể, tố cáo tôi “đạp vào bụng học sinh”. Tôi luôn yêu nghề, và thương yêu các em, làm gì có chuyện như thế. Sau này, 5 em đã ký đơn, tới nhà tôi chơi, các em kể cho tôi nghe là bị ép buộc.

Hiệu trưởng từng tuyên bố trong cuộc họp ở trường là sẽ loại bỏ tôi, tiêu diệt tôi tới cùng. Tôi có cả băng ghi âm. Nhưng khi tôi báo Sở thì người ta bảo, những chuyện này cũ rồi, người ta không giải quyết nữa. Tức là tôi bị trù dập nhiều lần rồi, bây giờ lại bị nữa, thì vẫn thế, không có gì mới, nên không giải quyết nữa.

Rồi họ vu cáo tôi là được sự hỗ trợ của bọn “phản động” nước ngoài, được bọn “phản động” cung cấp máy ảnh, máy quay phim chống phá đất nước, gây mất ổn định xã hội.

22h đêm hôm 15/11/2008 ấy, 2 bảo vệ trường cùng với 2 đầu gấu đến dọa dẫm tôi, đánh tôi, bắt tôi phải ngừng kiện cáo, thôi tố cáo họ. Họ cướp của tôi cái máy ảnh số vì tôi có dùng nó để chụp ảnh tiêu cực trong thi cử và những tiêu cực khác. Họ ném máy ảnh của tôi xuống ao, cái máy tôi mua 19 triệu đồng, ngâm nước ao một đêm, hỏng toi.

MVH: Và anh báo công an?

ĐVK: Tôi báo công an, báo Sở GD. Hai ngày sau, 2 kẻ đầu gấu đó quay lại nhà tôi, xin vợ chồng tôi đừng tố cáo. Họ nói, “hiệu trưởng đã trả tiền thuê họ đánh dằn mặt thầy Khoa”, họ mới ra tù đang trong giai đoạn thử thách.

Công an nói, phải tách riêng ra thành 2 vụ án: hủy hoại tài sản công dân và thuê đầu gấu hành hung người khác. Vụ thứ nhất thì họ giải quyết rồi, xử rồi. Vụ thứ 2 thì không còn nhắc gì nữa, chắc là cho chìm xuồng luôn.

MVH: Những người mà anh tố cáo, có cả bằng chứng là hình ảnh, là băng ghi âm họ có bị kỷ luật gì không?

ĐVK: Chẳng bị sao cả. Tôi báo cáo lên Bộ, lên Sở người ta không giải quyết. Có người sai phạm giờ lại được cất nhắc lên chức cao hơn, làm quan to hơn.

MVH: Đó là tất cả những lý do khiến anh xin nghỉ việc.

ĐVK: Giờ đây, tôi muốn buông xuôi tất cả vì môi trường ngành giáo dục nó đen tối quá. Mà tôi không xin nghỉ, thì người ta cũng đuổi tôi vì đã 4 năm nay tôi “không hoàn thành nhiệm vụ”. theo luật công chức mới hiện nay, chỉ 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ là đã bị cho nghỉ việc rồi.

MVH: Sao anh không xin chuyển ngành?

ĐVK: Cái này cũng khó, chị à. Muốn xin đi đâu cũng phải có giấy xác nhận là “đã hoàn thành nhiệm vụ” ở cơ quan cũ. Nay tôi 4 năm liền bị phê “không hoàn thành nhiệm vụ” thì ai họ nhận. Với lại, chắc không đâu muốn nhận một người như tôi.

MVH: Theo tôi biết, trước kia, giáo sư Văn Như Cương, hiệu trưởng trường tư thục Lương Thế Vinh từng nói có thể nhận anh, nhưng vừa rồi, ông Cương lại phát biểu khác đí, anh nghĩ sao về chuyện này?

ĐVK: Tôi có đọc bài phỏng vấn của thầy Văn Như Cương trên VietNamNet và tôi rất bị sốc. Tôi buồn lắm. Nhưng tôi không giận thầy Cương, tôi luôn kính trọng ông. Thầy Cương là tác giả của nhiều quyển sách giáo khoa mà tôi đã giảng dậy 10 năm qua.

Tôi nghĩ rằng, do nhiều thông tin mà báo chí không đưa hoặc đưa sai, đưa không đủ dẫn tới thầy Cương cũng như nhiều người khác, có cái nhìn sai về tôi.

MVH: Anh dự tính thế nào về tương lai?

ĐVK: Nếu không nơi nào nhận tôi cả, tôi về phụ giúp vợ chụp ảnh và trông cái quán Nét nhỏ, dậy 2 đứa con học. Cũng phải làm gì, không thì chết đói mất.

MVH: Khi cả xã hội tiêu cực, một vài người chống lại thật là khó và trở nên lạc lõng. Có vẻ như từ “Người đương thời” anh đang trở nên “lỗi thời”?

ĐVK: Có thể đúng thế, chị ạ. Tôi nghĩ mình bất lực!

Tôi chỉ muốn có một cuộc sống bình dị. Nhiệm vụ của tôi là giáo dục, là dậy các em học. Chuyện tôi phải chống tiêu cực này nọ là bất đắc dĩ, do nó đập vào mắt tôi, khiến tôi phải lên tiếng.

Thực ra, tôi cũng đã qua nhiều trường, giáo viên tốt, sống yêu thương nhau, hiệu trưởng với giáo viên gắn bó nhau. Không đâu, tôi thấy có tay hiệu trưởng như ở đây.

MVH: Cám ơn anh đã trả lời phỏng vấn của tờ báo chúng tôi.

ĐVK. Cám ơn chị.

.

.

.

No comments:

Post a Comment