Sunday, May 2, 2010

NHỮNG TRANG SỬ THUYỀN NHÂN

Những trang sử Thuyền Nhân

Ðinh Quang Anh Thái/Người Việt

Friday, April 30, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=112255&z=191

(Dựa theo tài liệu của SOS Boat People)

.

Cuộc di tản năm 1975

Ngày 21 tháng 4, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu từ chức. Thượng Viện Hoa Kỳ chấp thuận đón nhận vào Hoa Kỳ 150 ngàn người tị nạn Ðông Dương. Tuần lễ sau đó, 7,500 người được di tản bằng phi cơ đến căn cứ không quân Clark Air Force Base ở Phi Luật Tân và đến đảo Guam.

Ngày 29 tháng 4, Hoa Kỳ dùng trực thăng, chuyển thêm bảy ngàn người nữa đến các chiến hạm đậu sẵn ở ngoài khơi.

Tàn cuộc chiến, Hoa Kỳ di tản tổng cộng 65 ngàn người Việt Nam, bên cạnh 65 ngàn người tự tìm đường vượt thoát bằng ghe thuyền và máy bay.

Tổng cộng có 130 ngàn người miền Nam Việt Nam ra đi trong bối cảnh cuộc chiến chấm dứt trưa 30 tháng 4, 1975.

.

Những thuyền nhân đầu tiên

Ngày 4 tháng 5, Tàu Clara Maersk đổ lên Hồng Kông 3,743 thuyền nhân. Một số nhỏ thuyền nhân tấp vào đảo Pulau Perhentian ở Malaysia, đảo Pulau Laut ở Indonesia, Singapore, và Philippines.

Cuối năm 1975, năm ngàn thuyền nhân đến Thái Lan, bốn ngàn đến Hồng Kông, 1,800 đến Singapore, và 3,850 đến Philippines.

Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc kêu gọi thế giới đóng góp $12.4 triệu, lo cho số người này và những người di tản nhưng còn kẹt lại ở rải rác 21 trại trên đất Thái Lan.

Philippines đón nhận 2,600 người Việt Nam vốn là vợ con của người Philippines công tác ở Việt Nam trước đây.

Tính đến cuối năm 1977, tổng cộng 15,600 thuyền nhân cập bến các quốc gia Ðông Nam Á.

Năm 1978, Cộng Sản Việt Nam vừa “khuyến khích,” vừa thúc ép người Hoa tại Việt Nam ra đi bằng con đường “bán chính thức.” Người Việt gốc Hoa, phần lớn thương gia, ra đi ngày càng đông.

Riêng tháng 9, 1978, khoảng 7,300 thuyền nhân cập bến các quốc gia Ðông Nam Á.

Qua tháng 10, con số tăng lên thành 14 ngàn. Các quốc gia trong vùng không có chính sách định cư người tị nạn, và xem vấn đề thuyền nhân là “cái đuôi” của chiến tranh Việt Nam, và Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm. Họ không thừa nhận thuyền nhân là tị nạn mà gọi thuyền nhân là “những người bị xê dịch” (displaced persons).

1978, hai trăm ngàn người Việt gốc Hoa ở miền Bắc bị lùa về Trung Quốc. Chính quyền Trung Cộng không tin tưởng họ và đưa họ vào các trại tập trung ở hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam. Một số ít vượt thoát được sang Hồng Kông để xin tị nạn.

.

Cơn khủng hoảng lần thứ nhất

Tháng 9, 1978 tàu Southern Cross chở 1,252 thuyền nhân bị mắc cạn tại một cồn cát gần đảo Pengibu, Indonesia.

Tháng 10, tàu Hải Hồng cặp bến Port Klang, Malaysia, chở 2,500 thuyền nhân. Tháng 12, tàu Tung An cặp bến Manila Bay với 2,300 thuyền nhân. Cũng trong tháng 12, tàu Huey Fong đưa 3,300 thuyền nhân đến Hồng Kông.

Ngay sau chuyến tàu Hải Hồng, chính phủ Mã Lai công bố chính sách đẩy tàu ra biển, đánh dấu cơn khủng hoảng thuyền nhân lần thứ nhất. Thái Lan nối gót Malaysia trong biện pháp đẩy tàu. Singapore chỉ chấp nhận thuyền nhân có quốc gia cam kết sẽ định cư trong vòng 90 ngày.

Trong bảy tháng đầu năm 1979, sau khi Malaysia và Thái Lan áp dụng chính sách đẩy tàu ra biển, chỉ có 47 thuyền vượt được cứu vớt; tất cả các thương thuyền còn chịu vớt thuyền nhân đều thuộc ba quốc gia: Na Uy, Hòa Lan, và Anh Quốc.

Tháng Sáu, 1979: 54 ngàn thuyền nhân cập bến các quốc gia trong vùng. Năm quốc gia thuộc Hiệp Hội Các Quốc Gia Ðông Nam Á (ASEAN), gồm có Nam Dương, Mã Lai, Phi Luật Tân, Tân Gia Ba và Thái Lan, ra bản tuyên bố chung báo động rằng họ không còn đủ khả năng dung chứa thuyền nhân và quyết định không nhận thêm thuyền nhân nữa. Vào thời điểm này, 200 ngàn thuyền nhân tràn ngập các trại tị nạn: 75 ngàn ở Mã Lai, 49 ngàn ở Hồng Kông, 43 ngàn ở Nam Dương, 9,500 ở Thái Lan và 5 ngàn ở Phi Luật Tân.

Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc triệu tập Hội Nghị Quốc Tế Về Người Tị Nạn Ðông Dương với sự tham dự của 65 quốc gia trong hai ngày 20 và 21 tháng 7, 1979.

Buổi họp kết thúc với thỏa thuận:

- Các quốc gia nhận định cư đồng ý tăng số định cư từ 125 ngàn lên 260 ngàn và giải quyết định cư nhanh chóng cho thuyền nhân đang ở các trại.

- Các quốc gia tạm dung đồng ý ngưng đẩy tàu. Nam Dương và Phi Luật Tân đồng ý thiết lập các trại chuyển tiếp cho thuyền nhân lên đường định cư.

- Việt Nam cam kết ngăn chặn vượt biên và mở ra chương trình ra đi hợp pháp.

Năm 1979, 131 ngàn thuyền nhân lên đường định cư ở các quốc gia Hoa Kỳ, Gia Nã Ðại, Úc, Nhật Bản, Anh Quốc, Pháp, Ðài Loan, Do Thái, Ý, Tân Tây Lan, Thụy Ðiển, Bỉ, Ðan Mạch, Áo, Á Căn Ðình, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Ái Nhĩ Lan, Lục Xâm Bảo, Na Uy, Vanuatu, v.v.

Cùng lúc đó, Việt Nam chấm dứt chương trình vượt biên bán chính thức và thay vào đó là đi chui.

Số thuyền nhân ra đi giảm từ 54,941 vào tháng 6, 1979 xuống 17,839 vào tháng 7 và 9,734 vào tháng 8.

Tháng 5, 1979: Việt Nam ký Giác Thư Thỏa Thuận với Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc về Chương Trình Ra Ði Có Trật Tự (Orderly Departure Program, hay ODP). Theo đó, Việt Nam cho phép người dân ra đi theo diện đoàn tụ gia đình hay vì lý do nhân đạo, còn Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ thì lo xin chiếu khán với các quốc gia đón nhận. Số người ra đi trong chương trình ODP này lên đến 29,100 trong năm 1984, cao hơn con số thuyền nhân vượt biên.

Tính đến cuối năm 1979, tổng cộng 199,945 thuyền nhân sống sót đến các trại tạm dung trong vùng, gồm có Hồng Kông, Mã Lai, Nam Dương, Thái Lan, Phi Luật Tân, Tân Gia Ba, Ma Cao.

.

Lòng thương mệt mỏi

Cuối năm 1986, các quốc gia đệ tam nhận định cư hầu hết người tị nạn mà họ muốn nhận. Kẹt lại ở các trại là những người không quốc gia nào muốn nhận; con số này lên đến 31 ngàn người.

Ngày 16 tháng 6, 1988, Hồng Kông tuyên bố biến tất cả các trại tị nạn thành trại cấm, mà thực tế là trại tù. Tất cả các thuyền nhân đến sau thời điểm này đều phải qua kỳ thanh lọc về tư cách tị nạn. Với chính sách này, Hồng Kông phủ nhận chính sách của Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ đề ra cuối năm 1978: mọi thuyền nhân Việt Nam đều là tị nạn đặt dưới sự che chở của Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ.

Malaysia quay trở lại với biện pháp đẩy tàu ra biển. Thuyền nhân bị đưa vào các trại kín và chỉ vài ngày sau bị gom lại và đẩy ra biển về hướng Nam Dương. Cơn sốt lây sang Indonesia. Ở một vùng duyên hải, hải quân Hoàng Gia Thái Lan bắt thuyền nhân giam vào một trại kín để sau đó kéo họ ra biển, đâm bể thuyền, và xả súng bắn giết thuyền nhân.

Các quốc gia trong vùng theo gương Hồng Kông và ấn định ngày đóng cửa trại: 14 tháng 3, 1989 cho các quốc gia Ðông Nam Á, ngoại trừ Phi Luật Tân là ngày 21 tháng 3.

.

Hội Nghị Quốc Tế Về Người Tị Nạn Ðông Dương Lần 2

Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ triệu tập buổi họp quốc tế gồm 70 quốc gia trong hai ngày 13-14 tháng 6, 1989, gần đúng 10 năm sau Hội Nghị Quốc Tế lần thứ nhất. Chương Trình Hành Ðộng Toàn Diện (Comprehensive Plan of Action, hay CPA) ra đời, mà mục tiêu cuối cùng là đóng lại trang sử vượt biên của người Việt đi tìm tự do, bằng những phương cách sau đây:

- Chấm dứt tình trạng vượt biên.

- Duy trì quyền tạm dung cho thuyền nhân trong một thời gian.

- Thiết lập tiến trình thanh lọc.

- Ðịnh cư các thuyền nhân đã đến trước ngày đóng cửa trại.

- Ðịnh cư các thuyền nhân đến sau ngày đóng cửa trại nếu được xét là tị nạn.

- Hồi hương các thuyền nhân không được xét là tị nạn.

Ngay sau Hội Nghị Quốc Tế này Thái Lan ngưng chính sách kéo tàu ra biển. Malaysia vẫn tiếp tục chính sách này không khoan nhượng.

Ðến ngày 30 tháng 6, 1996, khi lịch sử người Việt vượt biển chính thức chấm dứt, tổng cộng 79 ngàn thuyền nhân được cứu xét là tị nạn và định cư tại các quốc gia đệ tam; 109 ngàn người bị hồi hương. Quốc tế đóng góp cho chương trình này trên $500 triệu, chưa kể những chi phí riêng của chính phủ Hồng Kông cho việc điều hành các trại cấm và của Hoa Kỳ, Gia Nã Ðại, Pháp, Úc trong vấn đề định cư thuyền nhân.

.

Bộ nhân

Nhiều người Việt đã tìm tự do bằng đường bộ nhưng có rất ít tin tức về các bộ nhân này. Phần lớn họ bị chìm lẫn vào trong dòng người tị nạn Cam Bốt trốn chạy Khmer Ðỏ. Các cuộc vượt biên bằng đường bộ gian truân và nguy hiểm hơn các cuộc vượt biển. Người đi đường bộ phải băng qua cánh đồng tử thần của quân đội Pol Pot.

Các người sống thoát được đưa vào trại Site 2 dành cho người tị nạn Cam Bốt, dọc theo biên giới Thái Lan và Cam Bốt. Người Việt, thuộc thành phần thiểu số, sống tập trung trong Khu 19, còn được gọi là Dong Rek Platform.

Mùa Xuân 1988, chính quyền Thái Lan thành lập trại Ban Thad, dành cho những thuyền nhân mới đến. Kế hoạch của chính phủ Thái lúc bấy giờ là đặt trại Ban Thad ra ngoài sự kiểm soát và che chở của Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ và như vậy họ không được hưởng quyền đương nhiên là tị nạn và sẽ không được đi định cư. Mục tiêu của Thái Lan là làm nản lòng những người ở Việt Nam đang chuẩn bị vượt biên. Chính phủ Thái quyết định dồn người Việt Nam từ Site 2 về trại mới này. Lúc ấy chính quyền Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ tuyên bố rằng những thuyền nhân đưa vào Ban Thad sẽ không được định cư tại đệ tam quốc gia mặc dù họ đến trước ngày đóng cửa trại. Thực ra Cao Ủy Tỵ Nạn LHQ vẫn thừa nhận các bộ nhân đến Thái Lan trước tháng ngày đóng cửa trại là tị nạn dù chuyển về Ban Thad nhưng đã không nói rõ. Do sự ngộ nhận, khoảng hai ngàn bộ nhân đã kháng cự, biểu tình và đốt một số căn trại. Cuối cùng phân nửa bộ nhân chấp nhận dời về Ban Thad. Số này được giải quyết cho định cư.

.

.

.

No comments:

Post a Comment