Monday, May 24, 2010

NHỌC NHẰN NHỮNG MẢNH ĐỜI BÔ LÃO MƯU SINH

Nhọc nhằn những mảnh đời bô lão mưu sinh

Thứ hai, 24/5/2010, 16:53 GMT+7

http://vnexpress.net/GL/Doi-song/2010/05/3BA1C2CB/

Đêm đêm, khi mọi người đã yên giấc, người phụ nữ ngoài 60 tuổi vẫn đi khắp các ngõ chợ đầu mối Bình Điền để tìm đồng nát. Mỗi lần ai hỏi đến gia cảnh, nước mắt bà lại chảy dài trên đôi má còm cõi, đầy vết nhăn.

.

Bà Đông (quê ở Quảng Trị) làm nghề mua ve chai dạo tại chợ đầu mối Bình Điền (TP HCM) tâm sự, 5 năm trước, chồng bà bị bệnh nặng, mọi thứ trong nhà từ đó lần lượt ra đi. Bà vét cạn tất cả những gì có thể bán được, nhưng vẫn không đủ tiền thuốc thang cho chồng, vợ chồng lại không có con.

Từ đó, bà khăn gói vào TP HCM và làm nghề đồng nát dạo dù tuổi đã cao. Hằng đêm, bà Đông đạp xe ra chợ mua lại những hàng phế phẩm của chủ buôn; tìm đến những bãi rác nhặt nhạnh thêm các loại bịch ni lông, chai nhựa, vỏ bia… còn sót lại. Một mình lủi thủi trong đêm nhiều khi khiến bà rất sợ. “Sợ nhất là bị ống thủy tinh hay kim tiêm đâm vào tay”, bà Đông thì thào nói.

Đêm nào cảm thấy trong người quá mệt, bà thường ngồi nghỉ vài ba phút bên lề đường rồi thiếp đi lúc nào không hay biết. Đến khi tỉnh dậy đã 2-3h sáng, bà lại tiếp tục công việc của mình trong ánh đèn đường vàng vọt. Mỗi đêm thức trắng, bà kiếm được khoảng 40.000-50.000 đồng. “Nào tiền nhà, tiền điện nước, đồ ăn thức uống cái gì cũng lên giá vù vù. Tích cóp từng đồng, dè xẻn trong chi tiêu, nhưng tôi cũng chẳng dư được mấy đồng để gửi về cho chồng”, bà nói trong nghẹn ngào.

.

Trường hợp bà Tư, quê Bình Định, khiến nhiều người xót lòng khi hàng ngày thấy bà phải lang thang khắp các ngóc ngách của bến Bạch Đằng ngay trung tâm Sài Gòn để bán hàng rong. Giữa nắng nóng điên người của vùng đất phương Nam những ngày này, người trẻ tuổi còn không chịu nổi, thế mà bà - vì không muốn nặng gánh cháu con - vẫn ngày ngày đội nắng, rảo khắp nơi để mời khách mua từng cái kẹo, xâu bánh...

Bà cho biết đã vào TP HCM bán hàng rong gần 10 năm nay. “Tôi không có chồng con, lúc trước ở với cháu trai và cháu dâu. Nhưng vì “cơm không ngọt, canh không lành” nên phải bôn ba vào đây để kiếm sống. Giờ còn đi được thì cứ cố, khi nào không làm nổi nữa thì thôi”, bà cụ nói bằng ánh mắt buồn rười rượi.

.

Cũng có nhiều người có con cái nhưng vì quá nghèo khổ phải vào xứ người kiếm sống. Cụ Toan (Phú Yên) kể trong nước mắt: “Thấy con cháu nghèo khó quá tui ngồi không không đành lòng. Hơn nữa, nhà cửa ngoài quê đã tan tành theo bão lũ năm 2009, giờ con phải nuôi cả đám con nhỏ nheo nhóc nên tôi nuốt nước mắt vào TP HCM bán vé số để tự nuôi thân".

.

Tại chợ đầu mối Thủ Đức, những chuyến xe chở rau quả tấp nập đổ về chợ. Xen lẫn vào đó là một người đàn ông gầy còm, khắc khổ đang hì hục đẩy chiếc xe ba gác chở rau. Dù cố đẩy nhưng bánh xe của ông vẫn cứ ì ra. Lấy lại đà, tạo sức rồi chiếc xe cũng lăn bánh chạy đi. Gặp phóng viên VnExpress.net, dù mệt nhừ nhưng ông vẫn nở nụ cười móm mém và vồn vã nói chuyện.

Ông Tám (năm nay hơn 63 tuổi, quê Đồng Tháp) cho biết, trước đây ông làm nghề thợ hồ, nhưng vì tuổi cao không còn phù hợp với nghề này, đành chuyển sang chở hàng thuê. “Bây giờ đẩy hàng thuê thu nhập cũng tàm tạm, nhưng giá cả chi tiêu cứ tăng liên tục, cuộc sống do vậy mà trở nên khó xoay sở’, ông tâm sự.

Khoảng 1h sáng, ông tất tả ghé vào quán, ăn vội tô hủ tiếu còn đang bốc khói, sau đó lại hối hả làm công việc của mình. Oằn lưng trong đêm là thế, nhưng thu nhập mỗi đêm của ông cũng chỉ được khoảng trên dưới 80.000 đồng. Tiết kiệm và tằn tiện lắm mới đủ cho sinh hoạt hàng ngày và tiền đóng học phí cho đứa con út (học năm thứ 4 tại Trường Đại học Nông lâm TP HCM).

.

Hàng ngày, quanh những con đường gần công viên 30/4, nhiều người đi đường chứng kiến cảnh một cụ bà ốm yếu đi khắp nơi mời chào khách mua vé số. Cụ kể, nhà cụ có 2 người con, nhưng ai cũng khó khăn. Không muốn làm phiền con cháu nên dù đã trên 80 tuổi, cụ vẫn bán vé số dạo mong kiếm đủ tiền nuôi thân. “Dù phải vất vả để mưu sinh, nhưng mình không bị ức chế trở thành gánh nặng của con cháu”, cụ nói.

.

Không phải bỏ nhà, bỏ quê đi kiếm sống nơi xứ lạ, quê người, nhưng hiện nay có không ít cụ già ở thành phố cũng phải chịu cảnh sống cơ cực. Người dân quận Bình Tân không còn lạ gì với hình ảnh bà Tư, hằng đêm đến từng giỏ rác của mỗi nhà để bới tìm những thứ vụn vặt như vỏ chai, bao nilon...để góp nhặt bán kiếm từng nghìn lẻ.

Bà vốn là người ở địa phương, có hai người con, một gái một trai. Trước kia gia đình bà dù không giàu hơn ai nhưng cũng có của ăn của để. Sau đó, người con trai rơi vào cảnh bài bạc, cá độ dẫn đến nợ nần rồi chìm vào rượu chè. Con gái đã đi lấy chồng, hoàn cảnh cũng khó khăn. Hiện bà đã ngoài 70 tuổi nhưng hằng ngày vẫn phải đi lượm đồng nát về bán để kiếm sống qua ngày. “Có lẽ cuộc đời đã an bài, giờ mình phải chịu chứ biết làm sao”, bà cụ nói trong chua chát.

.

Còn rất nhiều những người già khác đang phải kiếm sống bằng việc bán bánh mì, xôi, ngô... ở khắp nơi trên đất Sài Gòn. Cuộc mưu sinh khổ cực ấy cứ lặng lẽ trôi đi. Mỗi người một công việc. Mỗi người một ước mơ... nhưng họ đều mong có thêm chút ít thu nhập, giảm bớt những khó khăn cho gia đình dù đã ở cái tuổi mà đáng ra phải được con cháu phụng dưỡng.

.

Theo một tiến sĩ tâm lý thuộc trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, TP HCM, nhiều cuộc điều tra gần đây cho thấy, có khoảng 70% người trong độ tuổi từ 60 đến 69 còn phải lao động để kiếm sống, 38% trong số họ phải đóng vai trò chính về kinh tế gia đình.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, mặc dù những năm gần đây đời sống người về hưu được cải thiện hơn so với trước nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Tính chung, cả nước có khoảng 20% người về hưu có mức sống khá trở lên, 60% mức sống trung bình và 20% mức sống kém.

Lệ Thanh

.

.

.

No comments:

Post a Comment