Hồ Phú Bông
01/05/2010 1:52 chiều 1 phản hồi
http://www.talawas.org/?p=19745
Những ngày vừa qua rất nhiều người đã kể lại cách giải quyết giữa hai vị chỉ huy chiến trường Nam-Bắc của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ, là tướng Robert E. Lee (phe miền Nam bại trận) với tướng Ulysses S. Grant (phe miền Bắc chiến thắng) khi kết thúc cuộc nội chiến vào ngày 9 tháng 4 năm 1865. Trong đó tướng Grant cấm quân sĩ phe chiến thắng reo hò mừng rỡ, để tôn trọng nhân phẩm bên chiến bại. Và bên chiến bại được tiếp trợ lương thực cũng như được mang theo tài sản đem về quê hương, sum họp với gia đình trở lại đời sống dân sự và tiếp tục canh tác! Người Việt Nam thường chế giễu người Hoa Kỳ là “dân tạp chủng” với niềm tự hào mình là đồng chủng, lại không học được bài học lịch sử 110 năm trước của người “tạp chủng” Hoa Kỳ! Vì thế bây giờ, đã 35 năm sau ngày 30-4-1975, một thời gian dài đằng đẵng trong tình cảm thiêng liêng, vẫn còn phải kêu gọi hòa giải hòa hợp!
.
Việc “hòa giải hòa hợp” thể hiện qua ngôn ngữ không thể được xem như là phương pháp. Ngược lại, vì đã có quá nhiều ngôn ngữ, đã và đang sử dụng mang tính ngụy biện, che giấu, nên bị nghi ngờ có mưu đồ hơn là thực tế, vì trước đó, thời gian đã chứng minh loại ngôn ngữ như đã và đang dùng chỉ là thứ âm mưu!
.
Ngôn ngữ đầu tiên đánh mạnh vào tiềm thức của người miền Nam là thông cáo “10 ngày tập trung cải tạo” để biến thành hàng chục năm dài bị đói khát, bị hành hạ trong các trại giam nơi rừng sâu nước độc đối với những người trót tin về tính “khoan hồng nhân đạo” của nhà nước. Rồi kêu gọi thân nhân họ bán nhà cửa “đi kinh tế mới, để sớm được cho về đoàn tụ”. Sau đó đến “đánh tư sản mại bản” làm khốn đốn cả miền Nam. Tiếp theo, cái gọi là “đổi mới”, từ năm 1986 cho đến bây giờ! Hầu hết những danh xưng được dùng trong ngoặc kép nêu trên đều gây ấn tượng rất mạnh trong tâm thức người miền Nam!
Thử phân tích, chỉ 2 chữ sau cùng trong các ngoặc kép bên trên, đó là 2 chữ “đổi mới”.
.
Đối với người miền Nam có phải là “đổi mới” về kinh tế hay không? Xin thưa, không! Vì kinh tế của miền Nam vốn đã là kinh tế tư bản. Cho nên không có lý do gì khi nền kinh tế tư bản đang tốt đẹp bị đánh sụp toàn bộ để áp dụng theo kinh tế xã hội chủ nghĩa, và kết quả là cả nước rơi vào tình trạng dở sống dở chết, để rồi cuối cùng quay lại “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa” như hiện tại! Có “đổi mới” chăng là dòng chữ dài lòng thòng ngụy tạo để che đậy thực chất kinh tế tư bản thời còn sơ khai! Chính chỗ sơ khai nầy gây nên “đục nước béo cò”. Nhà nước mời gọi tư bản trên thế giới đổ tiền của vào để cùng với quan chức chế độ thi nhau bóc lột sức lao động rẻ và tài nguyên đất nước làm giàu, dù trước đó vẫn ra rả “tận diệt bọn tư bản bóc lột”! Vì thế khoảng cách giàu nghèo ngày một cách biệt trong xã hội. Khỏi cần phân tích, chỉ nhìn bằng mằt thường người dân cũng đã có kết luận, ai đang bóc lột họ!
.
Nếu sau khi thống nhất về mặt địa lý, nhà nước Việt Nam áp dụng một mô hình kinh tế nào đó (không phải là tư bản) mà đất nước trở nên giàu mạnh thì thực tế đó tự nó đã nói lên chính nghĩa của 2 chữ giải phóng. Phe miền Nam thất bại, dù có cay đắng đi nữa, nhưng chắc chắn sẽ bị thực tế khuất phục! Được như vậy thì chẳng bao giờ cần đến nhóm từ “hòa hợp hòa giải”!
.
Nhưng thực tế đã trái ngược! Mà máu xương đã đổ ra nhiều đến độ không ai có thể xác nhận bằng con số là bao nhiêu triệu! Núi xương sông máu đó đã đổ cho ai? Để làm gì? Để chống bọn tư bản bóc lột ư? Ai đang là tư bản bóc lột hiện tại?
.
Do đó, là người Việt Nam, ai cũng muốn hóa giải tình trạng bế tắc tình cảm trong lòng dân tộc nhưng chưa thể có kết quả, chỉ vì tệ nạn ngôn ngữ suông!
.
Cho nên muốn hòa hợp hòa giải, trước tiên, phải phát xuất từ tấm lòng! Những nạn nhân của một thời hỗn mang, sai trật, phải được trả lại cho đúng với vị trí lịch sử.
.
Câu nói của ông Võ Văn Kiệt “có triệu người vui và cũng có triệu người buồn” là sự thật! Sự thật nầy phải giải quyết từ nguyên nhân, bằng tấm lòng. Thiện chí để giải quyết không phải là “mua thời gian” cho lớp người trực tiếp liên hệ đến chiến tranh tàn lụi và cố tình thay đổi lịch sử trong cái nhìn của lớp người trẻ!
Công nhận sự thật thì cơ may hòa giải hòa hợp mới có thể tiến triển.
.
(30-4-2010)
© 2010 Hồ Phú Bông
© 2010 talawas
Phản hồi :
Trung Nu Hoang nói:
Hình như trên đất nước ta hiện nay (kể từ khi CS/VN lên nắm chính quyền), có … 2 sự thật khác nhau: một sự thật của chính quyền, do người CS tô vẽ ra và bắt buộc người khác chấp nhận (nếu không thì…mang họa vào thân) và một SỰ THẬT khách quan như tác giả Hồ Phú Bông đã viết. Hai sự thật này xem ra khó gặp nhau, khó hòa hợp hòa giải với nhau lắm. Tôi nghĩ, chừng nào sự thật trước bị dẹp bỏ, người CS, chính quyền VN hiện nay “đổi mới” thật sự từ trong ý nghĩ là “Nói Thật, Làm Thật” đối với dân mình thì mới mong gây dựng “lại” được lòng tin ở người dân trong cũng như ngoài nước, làm cho câu nói để đời của (cố/cựu) TT Nguyễn Văn Thiệu (“đừng nghe những gì CS nói, hãy nhìn những gì CS làm”) trở nên “trật trìa”, không còn được dân chúng (nhất là nhân dân Miền Nam và người Việt ở nước ngoài) coi là…Sự Thật như từ lâu nay nữa.
Hỏi: NN/VN có khả năng làm được việc đó không? Theo tôi, không bao giờ khi họ còn đeo mãi cái ‘vòng kim cô” của chủ nghĩa CS hay XHCN với lý thuyết chơm chỡm (giáo) Mác và (lưỡi) Lê, đề cao: “chính trị là thống soái” và ” cứu cánh biện minh cho phương tiện”, bất kể sự cùng tột của gian ác, mánh mung, dối trá… miễn sao họ đạt mục đích dù là nhất thời, giai đoạn.
.
.
.
No comments:
Post a Comment