Tổng kết một số hoạt động của tàu ngư chính Trung Quốc tại Trường Sa của Việt Nam
Cao Phong
(Tổng hợp)
Đăng bởi bvnpost on 05/05/2010
VIT – Trong thời gian vừa qua, bất chấp những phản đối mạnh mẽ của Việt Nam, Trung Quốc vẫn liên tục đưa tàu ngư chính xuống quần đảo Trường Sa của Việt Nam tác nghiệp. Một mặt Trung Quốc bắt giam ngư dân và tàu cá của Việt Nam khi đang đánh cá trên vùng biển của Việt Nam để đòi tiền chuộc, một mặt các tàu có vũ trang này hộ tống cho ngư dân Trung Quốc khai thác hải sản trái phép ở vùng biển của Việt Nam.
Hiện nay hầu hết các tàu ngư chính của Trung Quốc hoạt động tại Hoàng Sa và Trường Sa chủ yếu thuộc biên chế Cục Ngư chính khu vực Biển Đông. Cơ quan này do Bộ Nông nghiệp Trung Quốc điều hành và quản lý. Ngoài ra Trung Quốc cũng biên chế một số loại tàu có cùng chức năng khác như tàu kiểm ngư, tàu hộ ngư, tàu hải tuần, tàu hải giám, hải cảnh…
Trong đó nhiệm vụ chủ yếu của các tàu ngư chính là: kiểm tra, tuần tra các khu vực được giao, xua đổi tàu cá nước ngoài xâm phạm lãnh hải, bảo vệ ngư dân và duy trì quyền lợi trên biển của Trung Quốc. Do nhiệm vụ đặc thù trên nên đa số các tàu ngư chính được trang bị thiết bị điện tử hiện đại, một số tàu còn được trang bị vũ trang.
Trong thời gian vừa qua, bất chấp Việt Nam nhiều lần lên tiếng phản đối, Trung Quốc vẫn cố tình đưa một số tàu ngư chính hiện đại xuống Trường Sa tác nghiệp.
Ngày 05.01.09, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc NiuDun và Phó Cục trưởng Cục Ngư nghiệp TuiLiFeng đã tới thị sát Tổng đội Nam Hải thuộc ngư chính Trung Quốc.
Ngày 06.01, tàu ngư chính 301 tới đảo Vành Khăn thực hiện nhiệm vụ giữ đảo đá này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trung Quốc NiuDun đã động viên nhân viên trên tàu 301 phát huy tinh thần Trường Sa, làm tốt công tác giữ đảo vì lợi ích của Trung Quốc đồng thời yêu cầu Cục Nam Hải làm tốt công tác chăm lo đời sống cho các nhân viên trên tàu.
Ngày 06.03.10, Trung Quốc chính thức hạ thủy tàu ngư chính hiện đại nhất – 310 tại Trạm Giang – Quảng Đông. Theo kế hoạch tàu này sẽ tiến hành chạy thử nghiệm một thời gian trước khi đưa vào chính thức sử dụng trong vòng từ 4 đến 6 tháng nữa. Theo đó, nhiệm vụ chính là kiểm tra giám sát, quản lý khu kinh tế vùng thuộc các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Kiểm tra và hộ tống tàu cá khu vực tây nam Trung Sa, duy trì kiểm tra, tuần tiễu trên vịnh Bắc Bộ, và giải quyết các sự việc có liên quan phát sinh trên biển.
Ngày 18.03.09, tàu ngư chính 311 sau khi tác nghiệp tại Hoàng Sa bắt đầu khởi hành xuống Trường Sa tiếp tục thực hiện giai đoạn hai của nhiệm vụ. Tuy nhiên, trước đó tàu này sau khi rời cảng Tam Á đã tới đảo Phú Lâm, đảo Thất Liên, đảo Đông, đảo Lương Hoa, đảo Thâm Hàng, đảo Kim Ngân tại quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Đến ngày 1 tháng 4 năm 2010, Trung Quốc tiếp tục cử một biên đội tàu ngư chính tới Trường Sa tác nghiệp. Theo như đại diện cục ngư chính cho biết, lần tác nghiệp này chủ yếu nhằm tiến hành các hoạt động tuần tra và bảo vệ các tàu cá với thời gian tác nghiệp là 1 tháng. Được biết, trong lần ra khơi tác nghiệp này có tàu ngư chính hiện đại nhất hiện nay của Trung Quốc – 311(thuộc Cục Ngư chính Nam Hải) và tàu ngư chính 202 (thuộc Cục Ngư chính Đông Hải). Trong đó đây là lần đầu tiên tàu ngư chính 202 đến Trường Sa tác nghiệp.
Đến ngày 25.04.10, để thay trực cho hai tàu ngư chính đã đến Trường Sa tác nghiệp, Trung Quốc đã cử hai tàu có phiên hiệu là 301 và 302 tiếp tục xuống đây thực hiện nhiệm vụ.
Ngoài ra, trong hội nghị biểu dương công tác bảo vệ hải đảo của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc tổ chức ngày 09.02.10 vừa qua tại Quảng Châu, ông NiuDun – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp nước này cho biết, căn cứ vào tình hình hiện tại và tư duy quản lý phát triển nghề cá tại Trường Sa của chính phủ Trung Quốc, trong thời gian tới TQ sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động của các tàu ngư chính tại khu vực này nhằm bảo vệ chủ quyền, lợi ích của TQ trên biển, đồng thời qua đó tạo điều kiện để ngư dân nước này tác nghiệp tại vùng biển này.
CP
Nguồn: http://vitinfo.com.vn/MMuctin/Quocte/LA76037/default.html
.
.
.
No comments:
Post a Comment