Hoà hợp hoà giải dân tộc: với ai? để làm gì?
Lê Quốc Trinh
Chủ Nhật, 02/05/2010
Hoà hợp hoà giải dân tộc: với ai? để làm gì?
Tự dưng mấy hôm nay nổi lên những loạt bài nói về "hoà hợp hoà giải dân tộc" tràn lan trong thế giới Mạng Việt Nam từ trong nước ra đến hải ngoại. Bắt đầu bằng bài phỏng vấn ông Võ Văn Sung, cựu đại sứ Việt Nam tại Pháp trên chủ đề "Nuôi thù hận, cản trở hoà hợp là có tội với tương lai", trên báo TuanVietNam (24-04-2010), tiếp theo là bà Nguyễn Thị Bình, cựu Phó Chủ Tịch nước với câu nói"Cùng một dân tộc, hà cớ gì không thể hoà hợp?". Phản hồi trên TuanVietNam sau đó là tiếng nói của GS Cao Huy Thuần (Một dân tộc không có sông Ngân), rồi bài viết của nhà giáo Phạm Toàn hôm nay (Ba điều ước về ngày 30-04).
Qua bài viết này tôi xin góp ý với hai nhà cách mạng lão thành đến tuổi "gần đất xa trời", ông Võ Văn Sung và bà Nguyễn Thị Bình cũng trên chủ đề "hoà hợp hoà giải dân tộc". Tôi là Việt kiều Canada, năm nay cũng qua lứa tuổi lục tuần, xin phép được đối thoại với với quý vị về những chuyện cũ xa xưa, chắc không gọi là lạc đề cho lắm.
Kính thưa quý vị,
Thực tế, 35 năm trôi qua, tôi nghĩ rằng đất nước đã thật sự hoà bình, mọi người đang mơ ước làm ăn xây dựng, mà ngày nay hãy còn nghe nhắc đến cụm từ "hoà hợp hoà giải dân tộc" sao mà cảm thấy đắng cay, chua chát bờ môi. Điều này hiển nhiên chứng tỏ tập đoàn lãnh đạo ĐCS VN và Nhà Nước tự thú nhận đã thất bại trong chính sách an dân, có nghĩa là "lòng dân không an". Tôi thắc mắc không hiểu tại sao chỉ có Nhà Nước hay tập đoàn lãnh đạo ĐCS VN mới hay kêu gọi "hoà hợp hoà giải dân tộc"? Hoà hợp với ai đây? Để làm gì nhỉ?
Theo lời các cụ nói "Ai có tật thì hay giật mình", phải chăng tập đoàn lãnh đạo ĐCS VN đã làm điều gì sai trái trong quá khứ khiến cho hận thù dân tộc còn âm ỷ không thôi, để rồi sau 35 năm qua, quý vị lãnh đạo lại cứ bị ám ảnh mãi không nguôi? Phải chăng vì thế mà quý vị cán bộ cao cấp trong Đảng thường hay đi lễ Phật, xây chùa hoành tráng, đúc tượng vĩ đại, bày trò cầu an, cầu siêu rầm rộ, say mê đồng bóng, điển hình là chủ tịch Nguyễn Minh Triết, người Cộng Sản đầu tiên trong lịch sử xung phong xin quy y Tam Bảo và đăng đàn tổ chức Đại Lễ Phật Đản Thế Giới 2008?
Nếu đúng thế thật, vậy thì theo giáo lý Nhà Phật chính thống, tôi trân trọng đề nghị quý vị lãnh đạo ĐCS VN hãy cùng nhau tổ chức một buổi lễ hoành tráng gọi là Thành Tâm Sám Hối trước tiên, hãy lấy hết can đảm tự làm một bản kiểm thảo tự phê bình trước toàn dân. Đức Phật đã từng nói rằng "buông dao mổ trâu xuống, tức khắc thành Phật", ở đây phải nói chính xác là buông xả hết những tâm địa đen tối, dẹp bỏ những thủ đoạn gian trá, lừa lọc còn tiếp tục gây hoang mang nghi ngờ trong quần chúng.
Chưa hết, đó mới chỉ là bước đi đầu tiên để tái lập lòng tin sơ khởi, bước kế tiếp là đề nghị tập đoàn lãnh đạo ĐCS VN và Quốc Hội hãy có can đảm tu chỉnh Hiến Pháp, xoá bỏ Điều 4(*), chấp nhận mọi chính kiến trái chiều, công nhận đa nguyên đa đảng, từ bỏ cương vị độc quyền độc đảng, và từng bước tiến hành một cuộc tổng tuyển cử, phổ thông đầu phiếu dân chủ và tự do để cho toàn thể dân tộc Việt Nam, đến tuổi trưởng thành, tự tay cầm lá phiếu bầu lên một chính phủ đại diện dân "danh chính ngôn thuận". Đó mới đúng là hoà hợp hoà giải dân tộc, hãy để dân tộc VN nói lên tiếng nói của họ, vì hơn nửa thế kỷ qua họ đã phải âm thầm ngậm miệng cay đắng chịu đựng. Hãy thử học tập theo gương đất nước CamPuChia bên cạnh, họ đã có can đảm dám chấp nhận đa nguyên đa đảng và tổ chức bầu cử dân chủ sau một thời kỳ đen tối suýt bị "diệt chủng".
Ngày nào mà tư cách đại diện của tập đoàn lãnh đạo ĐCS VN và Nhà Nước chưa thực sự "danh chính ngôn thuận" thì những lời kêu gọi "hoà hợp hoà giải dân tộc" của quý vị chỉ là những câu tuyên truyền rỗng tuếch, vô nghĩa, không khác gì những ngọn đèn nhỏ xanh đỏ nhấp nháy dùng để trang hoàng cho một thân cây Noel mục nát, trong mùa lễ Giáng Sinh. Ngày nào đất nước Việt Nam có được một chính phủ đại diện chính thức do toàn dân tín nhiệm bầu lên trong bầu không khí tự do, dân chủ thì tức khắc quý vị sẽ thấy ba triệu người con thân yêu ở hải ngoại lần lượt khăn gói kéo về chung vai sát cánh xây dựng tổ quốc hùng cường và lương tâm quý vị lãnh đạo sẽ không còn bị cắn rứt ám ảnh nữa. Quý vị tin tôi đi!
Kính chào quý vị,
Lê Quốc Trinh, Canada
.
Tái bút: Nhân tiện đây, tôi xin phép Talawas (26-04-2010) trích dẫn bài thơ Đêm Bến Xe của Song Xuyên tặng ông Võ Văn Sung và bà Nguyễn Thị Bình, để cùng nhau thấm thía một "hình ảnh hoà hợp hoà giải" thứ thật:
Đêm Bến Xe
(Sáng tác: Song Xuyên)
hai người thương binh
hùn nhau được
một mắt ba chân
lên xe khách kiếm ăn bằng nghề ca hát
cây đàn gỗ cũng hòa theo khúc nhạc:
“đoàn giải phóng quân một lần ra đi
nào có mong chi đâu ngày trở về
ra đi ra đi bảo tồn sông núi
ra đi ra đi thà chết chớ lui…”
khách trên xe ai cũng ngậm ngùi mà trong mũ không có đồng bạc
không nản người kia lại hát:
“Em hỏi anh
Em hỏi anh bao giờ trở lại
xin trả lời
xin trả lời… có thể là hòm gỗ cài hoa…”
khách trên xe ai cũng xót xa mà đồng bạc không có trong mũ
hai người thương binh
nét buồn ủ rũ
chụp mũ lên đầu dìu nhau bước xuống
xe lăn bánh chuyến xe chiều ghé muộn
bến thưa người mưa rả rích đìu hiu
hai bạn dìu nhau vào góc quán xiêu
nhìn mưa rơi mà lòng se sắt
qua màn mưa hay qua nước mắt
của con mắt còn sót lại
“anh như thấy cái đêm dài kinh hãi
trận xáp lá cà tử thủ Bình-Long
để rồi ra ai mất ai còn
giá như còn đôi mắt tôi ngó
tìm cái thằng cùng tổ đặc công
hai đứa tôi ôm bộc phá vào đồn
đến bãi mìn nó đùn tôi lên trước
bây giờ thì nó được
làm giám đốc
ở villa
đi mazda
vợ mấy bà
gặp nó chắc tôi hả giận”
“thôi anh ơi!
xưa, anh AK tôi M16, hai ta cùng đổ máu
giờ, hai ta cùng hát dạo kiếm ăn”
ngoài trời mưa càng rơi nặng hạt
lòng họ càng đắng cay chua chát
ôi, hạnh phúc… mà dân tộc lầm than!
độc lập… mà lệ thuộc ngoại bang!
.
Chú thích:
(*) Điều 4:
Đảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác - Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.
Mọi tổ chức của Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Hiến Pháp Việt Nam (1992)
.
.
.
No comments:
Post a Comment