Thế hệ 2000, lịch sử đã thuộc về chúng ta
Tạ Dzu
29.05.2010
http://www.x-cafevn.org/node/403
Mỗi giai đoạn lịch sử đều do một thế hệ đứng ra lãnh đạo. Khi thời khắc đến, họ phải mạnh mẽ hiên ngang tiến lên nắm lấy thời cơ, nốt gót cha anh mà dẫn dắt dân tộc bước đi. Lúc vai trò chấm dứt, họ cũng phải an tâm, dứt khoát lui về vị trí người dân bình thường mà hỗ trợ, khuyến khích góp ý với thế hệ lãnh đạo hiện tại. Có như thế thì hướng tiến của dân tộc mới liền lạc không bị khấp khiểng, đứt quãng; giòng sống dân tộc mới vững bền, trường tồn và tiến hoá luôn mãi.
Thế hệ 1940, 50 của thế kỷ trước đã hoàn thành công cuộc đánh đuổi phát xít Nhật và thực dân Pháp. Sau đó, quốc dân ta đành phải đau đớn nát lòng nhìn đất nước phân ly, anh em lìa bỏ nhau.
Những Nguyễn Thái Học, Trương Tử Anh, Huỳnh Phú Sổ, Lý Đông A… cùng với thế hệ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh… trước đó, tuy không hoàn thành sự nghiệp giành độc lập nhưng đã xây dựng được một nền tảng ý thức dân tộc rất vững chãi cho các thế hệ mai sau. Thế hệ kháng Pháp đã thành công và là chiến thắng của toàn dân, không phải chỉ của Đảng CSVN, tuy rằng đã có những phương cách khác hơn là đẩy tổ quốc vào chiến tranh đẫm máu mới giành được độc lập như các quốc gia khác đã hưởng nền độc lập một cách hoà bình trật tự, như nhiều người đồng ý. Đó là ý chí và trào lưu chung của thế giới sau thế chiến 2: chế độ thực dân phải cáo chung. Các chính quyền thực dân rất suy yếu sau Thế chiến 2. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng các chế độ thực dân không hề muốn nhả, dù là một hòn đất nếu không bị ép buộc.
Hiến pháp 1946 của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà kết hợp nhiều đảng phái, tầng lớp xã hội khác nhau không nhắc đến việc đi theo chủ nghĩa hay thiết lập chế độ cộng sản ở nước ta. Đa số đảng viên cộng sản tham gia kháng chiến chống Pháp là vì lòng yêu nước chứ hoàn toàn không vì tin theo cộng sản. Thế nhưng đảng chẳng hề muốn thiết lập một nhà nước cho dân và vì dân nên họ đã nhẫn tâm bằng mọi thủ đoạn giết hại đảng viên các đảng phái đối lập, nhằm biến đảng cs thành đảng duy nhất nắm quyền. Đây là sự yếu kém của phe “quốc gia” trong giai đoạn ấy mà chúng ta cần rút tỉa kinh nghiệm máu xương.
Công cuộc “thống nhất đất nước” gây ra bao hận thù, chia rẽ cùng cực trong lòng dân tộc. Miền Bắc quyết tâm áp đặt chế độ cs trên toàn lãnh thổ. Miền Nam đã cố gắng giữ gìn nền văn hóa cha ông đã bị miền Bắc chà đạp nhưng cũng không xây dựng được chính nghĩa dân tộc thực sự nhằm lôi kéo toàn dân chống lại chủ nghĩa ngoại lai. Thế hệ lãnh đạo của đảng cs thời điểm 1975 kiêu ngạo với chiến thắng nên bị cận thị lịch sử, không biết nắm lấy thời cơ vàng mà hoà giải dân tộc ngay lúc ấy nhằm hàn gắn lòng người. Gần đây, họ đã nhìn nhận sự việc đó. Giá mà, phải chi...., cái giá mà tai hại thật quá trễ! Thế hệ cs sau đó cũng không nhìn ra vấn đề, lập Hiến pháp 1991 còn tệ hại phản động, phản tiến bộ hơn nữa khi đưa đảng cs vào vị trí độc quyền lãnh đạo ở Điều 4.
Ta có thể hình dung các thế hệ tiếp nối nhau như những mắt xích không rời. Nếu một thế hệ không làm tròn phận sự, mắt xích bị đứt và giòng sống dân tộc do vậy mà đứt quãng. Từ 1975 tới nay, mạch sống dân tộc đã bị gãy đứt vì thế-hệ-chủ lạc đường lịch sử, không hoàn thành trách nhiệm nhân dân trao phó. Thế hệ những người cs hiện nay đã thất bại và đang loay hoay tìm lối ra. Họ biết sai lầm nhưng vẫn không phản tỉnh triệt để, vẫn gạt phắt quốc dân ra khỏi công cuộc kiến thiết đất nước, không biết dựa vào dân, tham khảo ý dân để tạo bứt phá gây cảm hứng mới trong xã hội, nối lại mạch sống lâu nay đã bị xã hội chủ nghĩa mù mờ làm nghẽn mạch.
Các thế hệ kế tục nhau cũng tựa như một thân cây. Cây phải đào thải, trút đi những lá úa vàng cằn cỗi để mầm non can đảm nhú ra những chồi lá xanh tươi, cây mới lớn mạnh và trường tồn được.
Thế hệ đã qua phải biết chỗ đứng của mình, lui về đúng vị trí rồi trao truyền kinh nghiệm, góp ý và tiếp sức cho thế hệ chủ lực dân tộc.
Thế-hệ-chủ của đất nước phải biết nắm lấy thời cơ, mạnh mẽ hiên ngang tiến lên ngôi báu thời đại mà chỉ huy, làm tròn sứ mệnh nhân dân trao phó.
Thế hệ dự bị phải biết thâu tóm hết những trí tuệ và kinh nghiệm của thế-hệ-chủ-đang-là, đồng thời trau dồi thêm những điều kiện thiết yếu cho tương lai sắp tới, kịp thời nối liền con đường tiến hoá của dân tộc.
Những tổ chức trẻ như Hướng Đạo, Gia đình Phật Tử, Thiếu nhi Thánh Thể, các lớp võ thuật, các hội sinh viên, hội chợ Tết, các buổi văn nghệ văn hoá dân tộc v.v…, nhất là các lớp tiếng Việt đóng một vai trò rất quan trọng trong công cuộc bảo toàn và phát huy văn hoá dân tộc. Họ là những con người thầm lặng, là đáy tầng quốc dân đang ngày đêm nỗ lực níu kéo mảnh hồn dân tộc, đang nhọc nhằn kiên trì bảo tồn Hồn Sử, Hồn Nước và xây dựng thế hệ dự bị cho tương lai.
Về mặt lý luận, khi thế hệ chủ được trao trọng trách nặng nề, các thế hệ còn lại phải “tuân phục” thế hệ này.
Hiện nay, những ai là thế hệ chủ thời đại, đứng lên nhận lãnh trách nhiệm mà dẫn dắt dân tộc tiến bước?
Thưa, đó là thế hệ 2000, bao gồm những người trong lứa tuổi 30 và 40, cả những ai ở lứa tuổi 50 nữa. Nói như thế không có nghĩa những lớp tuổi khác không thể góp phần, họ còn đóng góp tích cực rất nhiều là đàng khác, nhưng nhằm đưa ra một ý niệm mới, khuyến khích thế hệ chủ lực đứng lên đấu tranh trực diện cho một tương lai tốt đẹp khác hơn hiện giờ, không thể để bế tắc chính trị lâu nay tiếp tục tồn tại: ngoài nước mong mỏi đóng góp mà không được; trong nước cứ đàn áp bóp họng toàn dân mãi.
Quốc nội, họ là những trí thức, những nhà dân chủ không mỏi mệt tranh đấu và chấp nhận tù đày, quyết giành lại thế chủ động từ Đảng CSVN. Quốc ngoại, họ cũng đang nêu cao chính nghĩa dân tộc, kiên trì tìm mọi cách bắt tay với các nhà dân chủ trong nước đấu tranh.
Trong nước có ưu thế vận động nhân dân trực diện tranh đấu với cs. Ngoài nước có lợi thế tiếp cận, thuyết phục quốc tế hỗ trợ cho tiến trình dân chủ hóa quê hương.
Quan trọng không kém, phải kết hợp những ưu điểm của tinh thần độc lập dân tộc với xu thế thời đại mà tìm ra xuất lộ cho đất nước. Đó là một tư tưởng chính trị nhằm hướng dẫn dân tộc bước đi. Không có tư tưởng chính trị đúng đắn dẫn lối, chúng ta dễ lạc đường và dễ bị mờ mắt tin theo tư duy lệch lạc mà cứ nghĩ là cứu tinh, như Hồ Chí Minh và đảng ông đã lầm lỡ vay mượn chủ nghĩa cs làm phương tiện chỉ đường. Tư tưởng ấu trĩ sai trái dẫn đến những sai lầm tệ hại nghiêm trọng cho đất nước bao lâu nay. Với một dân tộc đã kinh qua ngút ngàn thương đau uất nghẹn, thiết nghĩ không khó để có một tư duy sáng suốt mở đường. Chúng tôi sẽ lần lượt trình bày mong mọi người đóng góp ý kiến. Chúng tôi cũng thiết tha yêu cầu các tổ chức khác nhau - ngay cả trong Đảng CSVN, vẫn có những người yêu nước chân chính mong tìm một đường lối khác dẫn đưa dân tộc - trình bày tư tưởng, quan điểm của tổ chức mình trên những trang mạng toàn cầu để mọi người tìm hiểu, so sánh đối chiếu nhằm tìm ra con đường phù hợp tối ưu nhất cho VN trong thời đại mới.
Ngoài vấn đề thế hệ chủ lực và xây đắp một tư tưởng chính trị dân tộc, chúng ta phải thấy được thực tế chính trị VN. Người cs không dễ gì từ bỏ quyền lực. Phe quốc gia có nắm được chính quyền có lẽ cũng thế thôi! Ba cái danh chủ tịch rởm ở hải ngoại còn không muốn bỏ huống hồ cái tạo ra quyền, danh và lợi? Cái bả quyền lực, danh lợi nó rất lớn, rất khó chặt đứt nếu không bị ép buộc. Cả cuộc đời đảng cs tranh đấu cướp chính quyền bất chấp thủ đoạn, chúng ta đòi họ tình nguyện từ bỏ quyền lực khơi khơi? Ai cũng biết chỉ khi không còn cs, khi đất nước dân chủ sẽ giải quyết được mọi vấn đề. Không ai phản đối chuyện đó. Nhưng làm thế nào để “hết” cs, để dân chủ hoá đất nước thì hầu như chúng ta đều mơ hồ chưa tìm thấy lối ra.
Phải nhận rõ một thực tế đau buồn rằng: muốn cs từ bỏ Điều 4 Hiến Pháp để chia sẻ quyền lực với nhân dân nhưng ta không có gì “đóng góp” thì có chia sẻ được không? Hòn đất ném đi phải có hòn chì quăng lại. Trong chính trị, không ai làm chuyện “tình cho không biếu không” cả, nhất là với những người cầm quyền đang ngồi xổm trên luật pháp và quyền lực. Ở thập niên 80 của thế kỷ trước, trong tình hình chính trị VN và thế giới xưa cũ, đường lối đấu tranh tất nhiên có khác. Thời điểm hiện tại, với VN là ước mơ vươn ra biển lớn, với thế giới là dân chủ hoá và hội nhập toàn cầu, tất nhiên phương pháp tranh đấu tuyên truyền giành dân nhằm thay đổi chế độ cũng phải đổi mới cho phù hợp. Chúng tôi chỉ xin nhấn mạnh điều này với những người Việt ở nước ngoài. Hoàn cảnh trong nước có vị thế đấu tranh trực diện khác chúng ta. Phối hợp hai phương cách đấu tranh khác nhau cho cùng một mục đích là sự áp dụng uyển chuyển, chọn lựa chiến thuật tối ưu của từng trường hợp.
Chúng ta đang ở những đất nước tự do dân chủ được kiên trì tranh đấu và hy sinh đổ máu hơn hai trăm năm mới tạo được nền tảng thế này, khi người dân thơ thới hân hoan cầm lá phiếu bỏ cho người đại diện mình trong quốc hội mà không lo sợ bị trù dập. Nó khác xa hoàn cảnh VN, một đất nước vừa ra khỏi chiến tranh và là nơi từ cán bộ trung ương đến phường xã không rõ lắm về một thể chế dân chủ phổ thông đầu phiếu hiện đại. Họ chưa thấy hết nền dân chủ tập trung chuyên chính chỉ có thể hữu hiệu cho chiến cuộc chứ không thành công trong thời bình, nên nhất quyết cầm súng chống lại và đàn áp những ai thách thức quyền lực của đảng. Ngược lại, với chúng ta ở nước ngoài nghĩ rằng không đa nguyên ngay thì đất nước tụt hậu và còn có cơ mất hẳn về tay kẻ lạ. Làm thế nào kết hợp hai chiến thuật đấu tranh trong ngoài là điều cần được mọi người góp ý, nhất là thế hệ 2000 cả trong lẫn ngoài nước.
Khoảng sáu, bảy mươi phần trăm dân số VN là nông và ngư dân, chúng ta có thể mua tặng sách báo, bảo trợ mỗi làng năm mười máy vi tính và gắn đường truyền lướt mạng nhằm tri-thức-hoá người dân, là những công tác thiết thực mà bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào cũng có thể thực hiện được, chỉ cần sự quyết tâm.
Xin nêu một thực tế khác nữa: ông Nguyễn Văn A nào đó về VN mở công xưởng làm ăn. Trong Nam ông ta mướn năm chục ngàn người; ở Trung ông ấy thu dụng hai chục ngàn người; miền Bắc, xí nghiệp cần đến ba bốn chục ngàn, chưa kể ông ta có liên hệ với các tập đoàn kinh tế đa quốc gia, và đã từng vận động thành công đưa được đồng hương Việt vào quốc hội Hoa Kỳ. Khi thời thế thay đổi, quốc hội VN bắt buộc phải thu hẹp tầm kiểm soát và chia sẻ quyền lực, cần một hai “ghế” cho hải ngoại, liệu ông “A” này hay ông Trần Văn B nào đó lâu nay vẫn tích cực chống cộng bằng miệng tại hải ngoại thắng cử? Hỏi, tức là đã trả lời.
Tất nhiên, đó là tưởng tượng nhưng nó thực tế, với tính khả thi cao hơn là chỉ đấu tranh theo đuôi, chờ cán bộ cs ra ngoài mới đi biểu tình như hiện nay, ngoại trừ phải có thật nhiều tiền và nhiều phiếu – những thứ chúng ta chưa hề có - để đạt được một ảnh hưởng lớn lao đến chính trường Mỹ. Tuy vậy, công tác vận động hành lang chính trị (lobby) chưa được các cộng đồng người Việt hải ngoại, đặc biệt là tại Hoa Kỳ quan tâm đúng mức. Với khoảng hơn một triệu đồng hương Việt ở Mỹ và ba triệu toàn thế giới, nhất là với sự đóng góp của thế hệ thứ hai, tích cực vận động hành lang sẽ góp phần lớn lao vào quá trình dân chủ hoá đất nước. Mỗi người hãy là một nhà ngoại giao khôn ngoan và tinh tế từ nơi mình ở và sinh hoạt hàng ngày. Đã có những cố gắng nhưng chưa được đẩy mạnh, ví dụ như VPAC (Vietnamese Political Action Committee). Chúng ta cần thành lập những tập hợp đáng tin tưởng bao gồm những người uy tín đức độ - đứng mũi chịu sào nhằm lôi kéo quần chúng, bên trong là thế hệ 2000 đảm nhiệm - nhìn ra được xu hướng dân tộc và xu thế thời đại, vì dân vì nước thực sự để đồng bào an tâm đóng góp ngân quỹ mới có thể hoạt động hữu hiệu được.
Trong bất kì nhà nước nào cũng luôn luôn có ít nhất hai thế lực tranh chấp nhau quyền bính cai trị dù chỉ do một đảng sắt máu cầm quyền. Khi ta hiện hữu và có tiếng nói ở đó thì mới có cơ may kết hợp hoạt động các tổ chức đấu tranh khác nhau nhằm kéo phe “thân” dân tộc về với chúng ta chống lại phe tà theo kẻ lạ. Thế hệ chủ lực - nhất là giới trí thức và doanh gia – là những thế lực có tiềm năng đóng góp rất lớn cho công việc này. Tất nhiên, về nước hoà vào lòng dân tộc đấu tranh chính trị là chấp nhận thách thức, chấp nhận gian khổ mà cũng là thể hiện quyết tâm, khôn khéo và sáng tạo để đạt mục tiêu mong mỏi.
Đối với quốc dân, cần có lòng nhân đạo. Đối với những kẻ phản bội quyền lợi dân tộc, ta không thể nhân nhượng khi thời điểm đến. Trong đấu tranh tất nhiên cần sự uyển chuyển tuỳ hoàn cảnh thực tế. Nhưng khi phải quyết liệt và hy sinh, không thể làm khác được vì không quyết liệt sẽ lỡ việc và không xoay chuyển được xã hội.
Thế hệ 2000 hãy tìm đến nhau, kết hợp nhau phất cành lau của Vạn Thắng Vương Đinh Bộ Lĩnh để chiến thắng hết những ươn hèn, những ác lực mông muội và chia rẽ đau thương mà hướng dẫn dân tộc bước đi.
Thế hệ 2000 cả trong ngoài nước, trong ngoài đảng, còn nợ nhân dân món nợ từ cả trăm năm tồn đọng lại.
Bao giờ thì của nợ cộng sản và món nợ trách nhiệm tinh thần, tình nghĩa nặng nề này được thế hệ 2000 trả đủ, trả hết cho dân tộc khốn khổ VN?
.
.
.
No comments:
Post a Comment