Monday, May 3, 2010

CHIẾN TRANH, TƯỞNG NIỆM, HỒI SINH

Chiến tranh, tưởng niệm, hồi sinh

Peter R. Kann

Trần Quốc Việt dịch

04/05/2010 1:00 sáng Chưa có phản hồi.

http://www.talawas.org/?p=19779

.

Việt Nam: Từ này gợi tưởng đến một quốc gia và gợi lên một tâm trạng. Đối với hơn 90 triệu người Việt Nam, đa số dưới 26 tuổi, Việt Nam là quốc gia nơi chế độ cai trị thối nát của Đảng Cộng sản và chủ nghĩa tư bản hỗn loạn đang tạo ra, ít nhất tạm thời, sự phát triễn kinh tế mạnh mẽ. Đối với đa số người Mỹ, Việt Nam vẫn chẳng gì hơn là ký ức chua chát về một thất bại mà giới cánh tả phản chiến và làn sóng bi quan hậu chiến đã khắc sâu trong ký ức tập thể của chúng ta. Giờ đây hai cuốn sách bàn đến hai câu chuyện tương phản về Việt Nam. Cuốn đầu tiên là sách vỡ lòng nghiêm túc về thực trạng Việt Nam ngày nay; cuốn kia là sách chỉ nam tha thiết, dẫu không đúng lập trường, về những điều đáng lẽ nên diễn ra.

Trong cuốn Việt Nam: Con rồng trỗi dậy, tác giả Bill Hayton, phóng viên BBC thường trú vài năm tại Hà Nội, cố gắng giải thích tỉ mỉ, tưởng chừng như đang tường thuật, những điều phức tạp và nghịch lý đang diễn ra ở Việt Nam ngày nay. Tác giả tài tình phác thảo ra chủ nghĩa duy vật bát nháo trong xã hội Việt Nam: giai cấp doanh nghiệp đang lên cấu kết với chế độ cai trị; sự tăng trưởng kinh tế mau lẹ đạt được nhờ cho phép các quy luật thị trường dù tồi tệ vẫn được hoạt động; và những mưu chước của tầng lớp quan chức già nua của Đảng Cộng sản mà mối quan tâm hàng đầu của họ là sự sống còn của bản thân. Bên dưới sự thay đổi của Việt Nam “tiềm ẩn chế độ chính trị hoang tưởng và rất chuyên chế”, ông Hayton nhận xét, mặc dù trong toàn bộ cuốn sách còn lại ông dường như không thể nào xác quyết được phải chăng giới cai trị của đảng ngày nay là một lũ quan tham già nua hay là những nhà cách mạng lão thành thực tâm tìm cách giải quyết các vấn đề xã hội qua việc duy trì “sự tôn trọng quyền lực dựa trên nho giáo”.

.

Về vấn đề này, và về những vấn đề khác, sau khi gấp sách lại ta ước gì ông Hayton tường thuật với ít chi tiết hơn và dám liều đưa ra những kết luận rõ ràng hơn một chút. Có một câu nói thường truyền tụng trong giới nhà báo ngoại quốc là nếu ta không biết bài tường thuật của ta đưa đẩy ta đi đến đâu, thì ta cứ hạ bút viết “chỉ có thời gian mới trả lời” để kết thúc bài. Quả thực đấy cũng chính là kết luận của tác giả. Ông nói với chúng ta, “Chuyện gì xảy ra tiếp theo chăng nữa sẽ không thể nào tẻ nhạt”. Hay: “Nào ai biết được chuyện gì có thể diễn ra trong tương lai”? Hay: “Phải chăng số phận của Việt Nam là sẽ lại trở thành một nuớc Đông Nam Á khác do một thiểu số cầm quyền (oligarchy)”? (Câu trả lời, theo tôi, nước Việt Nam được như thế là may mắn lắm).

.

Nhưng ông Hayton đã không do dự khi bày tỏ quan điểm rõ ràng của mình về một vài chủ đề khác. Hiển nhiên là người rất quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường, tác giả ghê tởm khi thấy cảnh quan của Việt Nam (như vịnh Hạ Long) bị tàn phá, rừng và ngư trường ven bờ bị tận diệt, sông ngòi ô nhiễm, thú rừng đúng nghĩa là bị nuốt sạch. Thêm vào đấy tác giả, trong suốt tất cả những năm về sau này, vẫn nhất mực còn căm ghét Mỹ và cảnh “thảm sát hàng loạt ” và ” hoàn toàn ghê tởm ” trước cuộc chiến Mỹ đã tiến hành. Tác giả thất vọng khi thấy nước Việt Nam và người Việt Nam đã tìm cách cải thiện mối quan hệ với nước Mỹ và người Mỹ.

.

Có lẽ hay hơn nếu một người tỉ mỉ như tác giả nên dàn trải xúc cảm, dù không đúng ấy, cho vấn đề nào đấy khác với môi trường. Ta ước sao nhiệt tình phàn chiến của tác giả ít ra cũng nên mở rộng ra để bao gồm sự cảm thông ít nhiều cho hàng trăm ngàn cựu chiến binh quân đội miền Nam, những người đã bảo vệ miền Nam Việt Nam trước sự xâm chiếm của cộng sản, để rồi sau đó khi cuộc chiến tàn, họ bị lùa đến các trại cải tạo kinh hoàng và hiện vẫn gần như là vong thân ngay trên quê hương mình như là những kẻ bên lề chính thức dưới chế độ cai trị cộng sản. Tình cảnh của họ ít được đoái hoài đến trong sách của ông bằng số phận của gấu nâu hay những thú rừng khác.

Để sang trang mới, hay chính xác hơn, chúng ta hãy cùng lật qua cuốn sách của Peter Jennings Sách chỉ nam không đúng lập trường về chiến tranh Việt Nam. Ở đây độc giả sẽ không bẳt gặp những lời phản chiến trống rỗng, mập mờ nước đôi. Ông Jennings là cựu phi công Thuỷ quân Lục chiến tham chiến ở Việt Nam mà sau này tôi có dịp gặp ở Lào, nơi ông bay những phi vụ khá nguy hiểm cho chiến dịch trên không của CIA mang tên Air America. (Nhiều năm sau, ông Jennings và tôi cùng viết chung bài phê bình về một cuốn phim ngốc nghếch, thiếu trung thực cùng tên).

.

“Trong lịch sử Mỹ không có cuộc chiến tranh nào hiện nay lại đang rất cần được bàn luận đến qua cách nhìn mới không đúng về lập trường (politically incorrect) – hay nói một cách khác qua cách nhìn mới trung thực – như là cuộc chiến tranh Việt Nam”, tác giả mở đầu, “vì những người ngày xưa đã bóp méo cuộc chiến tranh, đã không ngừng nhồi nhét những dối trá độc ác về cuộc chiến vào ý thức quốc gia của chúng ta giờ đây lại ca tụng quá đáng “những bài học” tưởng tượng ra từ cuộc chiến chính là những kẻ ban đầu đã tạo ra cái gọi là “đúng lập trường”".

.

Ông Jennings nhắc lại lịch sử đầy thuyết phục về sự dính líu của chúng ta ở Việt Nam, từ nỗ lực cung cấp viện trợ cho người Pháp của Dwight Eisenhower đến vụ đảo chánh sai lầm lật đổ nhà lãnh đạo miền Nam Việt Nam Ngô Đình Diệm của John Kennedy; từ sai lầm quân sự chiến lược của Lyndon Johnson, với khái niệm chiến tranh tiêu hao lực lượng địch được tính toán cẩn thận (ông Jennings gọi đây là sự “xoa dịu quá mức”) đến cuộc tấn công của cộng sản trong dịp Tết vào đầu năm 1968, mà vốn là một “thảm hoạ” quân sự đối với những người cộng sản nhưng giới truyền thông mô tả đây là một thất bại chính quan trọng về phía Mỹ. Trong trận đánh dịp Tết này tôi là phóng viên ở Việt Nam và giống như bao người khác tôi thoạt đầu không hiểu ý nghĩa của sự kiện này. Tuy nhiên sau đó khoảng độ một năm tôi thường lái xe trên những con đường hầu như an toàn và rất an ninh và ngủ lại những ngôi làng mới được bình định. Quả thực lúc đó chúng ta đang thắng cuộc chiến này.

.

Ngoài những người lính Mỹ và những người lính Việt miền Nam Việt Nam tham chiến, tác giả còn có thêm một vị anh hùng khác, đó là Richard Nixon. Khác với LBJ, Nixon không sợ sử dụng đến không lực để đánh đường mòn Hồ Chí Minh ở Lào, đánh các mật khu Bắc Việt ở Cambodia, và cuối cùng là “những đợt nem bom liên tục vào mùa Giáng Sinh” năm 1972 xuống Hà Nội và Hải Phòng trong nỗ lực nhằm buộc những người Việt miền Bắc đến bàn hội nghị hoà bình. Là phi công, tác giả có thể có niềm tin quá đáng vào ưu thế của không lực, nhưng không có hoài nghi rằng chính do bị đánh nặng nề nên người Việt Miền Bắc ký kết thúc Hiệp định Hoà bình Paris vào năm 1973 (chỉ để ngay lập tức vi phạm các điều khoản của hiệp định). Phần còn lại của cuộc chiến là đoạn cuối đáng buồn và những chuyện không hay: vụ tai tiếng Watergate, quyền lực tổng thống bị suy yếu, quốc hội đầy thách thức do Đảng Dân chủ nắm đa số, cắt đứt sự ủng hộ quân sự như đã hứa với đồng minh miền Nam Việt Nam của chúng ta, miền Bắc xâm lăng ồ ạt miền Nam, rồi sụp đổ.

.

Ông Jennings phẫn nộ chính đáng nhất khi ông phá tan những nguỵ biện về cuộc chiến. Chính quyền miền Nam Việt Nam thối nát nên không đáng cho chúng ta ủng hộ. (Thế so với, ông hỏi, chế độ toàn trị ở miền Bắc Việt Nam thì sao?). Chiến tranh Việt Nam là cuộc nội chiến mà cần phải do chính nhân dân Việt Nam quyết định. (Nhưng cuộc nội chiến lại được quyết định bởi cuộc xâm lăng của miền Bắc Việt Nam). Nhân dân Mỹ không ủng hộ chiến tranh. (Tuy nhiên, ngoài những kẻ phá rối phản chiến, đa số người Mỹ đều ủng hộ mục đích của Nixon là muốn đạt được nền hoà bình trong danh dự). Cuộc chiến ở Việt Nam là vô đạo đức.(Làm sao gọi là vô đạo đức khi bảo vệ một dân tộc khỏi ách nô lệ của chủ nghĩa cộng sản?). Đây là cuộc chiến tranh ta không thể nào thắng được. (Hoa Kỳ cho đến năm 1973 đã thắng lớn trong cuộc chiến này và chỉ cần thực hiện cam kết là cung cấp sự ủng hộ không lực cùng với viện trợ hạn chế khác cho đồng minh của mình). Như tác giả kết luận: “Lập luận cho rằng Việt Nam là một cuộc chiến tranh không thể nào thắng được là không đúng, nhưng những người của đảng Dân chủ trong Quốc hội Hoa Kỳ đã quyết định làm cho nó thua.”

.

Điều ông Jennings đề cập đến, nhưng ông lẽ ra cũng nên nhấn mạnh hơn nữa, là giờ nhìn lại chúng ta có thể xem Việt Nam chỉ là một trận đánh trong một cuộc chiến tranh lớn hơn vì tương lai của Đông và Đông Nam Á. Dù trận đánh đó thua, nhưng chúng ta thắng được cuộc chiến tranh rộng lớn hơn. Chúng ta chỉ cần nhìn vòng cung của các quốc gia hoà bình, thịnh vượng, tư bản, và nói chung là dân chủ trải dài từ Nhật Bản và Nam Hàn ở phía bắc xuống đến Indonesia ở phía nam. Những giá trị mà chúng ta đã cổ vũ, và cũng chính vì những giá trị này mà ông Jennings và những đồng bào của ông đã chiến đấu, đã lừng lững hiện ra trong chiến thắng.

Việt Nam lẽ ra cũng nên nằm trên vòng cung của các xã hội tự do ấy.

.

Peter R. Kann, là phóng viên từng đoạt giải Pulitzer, cho đến năm 2007 là chủ tịch của công ty Dow Jones & Co., công ty xuất bản tờ Wall Street Journal.

Nguồn: Wall Street Journal ngày 9 tháng Tư năm 2010.

Bản tiếng Việt © 2010 Trần Quốc Việt

Bản tiếng Việt © 2010 talawas

.

.

.

No comments:

Post a Comment