Tuesday, April 6, 2010

ƯƠM MẦM DÂN CHỦ QUA HỘI NHẬP HẠ TẦNG

ƯƠM MẦM DÂN CHỦ QUA HỘI NHẬP HẠ TẦNG

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Monday, April 05 @ 14:31:44 EDT

http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1851

Kể từ giữa thập niên 1980, Việt Nam chủ trương hội nhập vùng và quốc tế về các lãnh vực kinh tế, mậu dịch, quốc phòng, giáo dục, văn hoá Lúc nhanh lúc chậm, khi tiến khi thoái, nhưng chiều hướng chung vẫn là hội nhập, hội nhập trong phạm vi khối ASEAN, trong tập thể các quốc gia vùng Biển Thái Bình, hoặc trên trường quốc tế. Tuy nhiên cho đến nay mới chỉ là sự hội nhập ở thượng tầng--giữa chính phủ với chính phủ. Muốn có dân chủ thì còn phải hội nhập ở hạ tầng--của mọi thành phần trong xã hội với các nền dân chủ trong vùng và trên thế giới.

Từ năm 2005, BPSOS đã thực hiện nhiều chương trình nhằm thúc đẩy sự hội nhập ở hạ tầng. Các chương trình này có thể gom lại thành ba lãnh v ực.

Lãnh vực thứ nhất là huấn luyện để chuẩn bị cho nhân sự trong nước về bản lãnh, kiến thức, kỹ năng và tập quán sinh hoạt nhằm dễ dàng hoạt động và hoà nhập trong môi trường xã hội dân sự vùng và quốc tế. Một số người có lẽ đã biết về một chương trình của BPSOS thuộc lãnh vực này qua vụ án của hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân. Chương trình ấy huấn luyện một số luật sư, luật gia, và sinh viên luật về luật quốc tế về nhân quyền, tị nạn, tự do tôn giáo, và buôn người. Chương trình ấy còn tạo cầu nối cho những nhân sự đã được huấn luyện để tiếp xúc và hợp tác với một số tổ chức quốc tế và giới chức chính quyền dân chủ để trao đổi và học hỏi.

Lãnh vực thứ hai là giúp một số tổ chức thực sự là phi chính phủ (NGO) ở Việt Nam hội nhập vào cộng đồng của những tổ chức NGO vùng và quốc tế. Qua đó, các tổ chức NGO này học hỏi được kinh nghiệm hoạt động trên bình diện quốc tế và tạo được mối quan hệ liên kết với các tổ chức quốc tế đồng chí hướng để tiến đến hợp tác lâu dài. Qua những hợp tác ấy, các tổ chức NGO ở trong nước không những có cơ hội để phát triển về năng lực và kinh nghiệm mà còn có thể sẽ nhận được những ngân khoản từ các tổ chức hay chính quyền quốc tế. Một ví dụ điển hình là từ năm 1999, chúng tôi đã giới thiệu LM Nguyễn Văn Lý với một số tổ chức tôn giáo và từ thiện trên thế giới; một số tổ chức quốc tế sau đó đã hỗ trợ LM Lý trong công tác huấn nghệ, cứu trợ, và giáo dục.

Lãnh vực thứ ba là thay đổi cách suy nghĩ và nếp sinh hoạt của người trong nước nói chung. Trong thời gian gần đây tôi lên tiếng kêu gọi cộng đồng người Việt ở hải ngoại đặt điều kiện cho mỗi đồng tiền đóng góp cho các công tác từ thiện ở Việt Nam. Đó là những điều kiện về nguyên tắc minh bạch, về nguyên tắc cân bằng và kiểm soát, về nguyên tắc trách nhiệm, về nguyên tắc thành quả thay vì thành tích, về nguyên tắc phát triển thay vì phát chẩn, v.v. Đấy là những nguyên tắc cốt lõi để chuẩn bị cho một ngày xã hội Việt Nam sẽ hội nhập vào cộng đồng xã hội dân sự của thế giới.

Tuy chủ trương không ồn ào, trong sách lược 10 năm để chuyển biến cộng đồng và thay đổi Việt Nam, tôi thấy cần trình bày, ở mức độ nào đó, một số chương trình điển hình đã thực hiện để kêu gọi sự yểm trợ và hợp tác. Thực ra có nhiều cách khác nữa để thúc đẩy sự hội nhập ở hạ tầng mà tôi sẽ trình bày khi có dịp.

Cùng chung sức, cộng đồng người Việt ở hải ngoại có thể giúp ngày càng nhiều nhân sự và tổ chức dân sự ở Việt Nam vượt ra khỏi môi trường thiếu dân chủ ở trong nước để hội nhập thẳng vào nền dân chủ trong vùng và trên thế giới.

Khi tốc độ hội nhập ở hạ tầng vượt xa tốc độ hội nhập ở thượng tầng thì lúc đó khó ai có thể cưỡng lại trào lưu dân chủ hoá.

.

.

.

No comments:

Post a Comment