Thursday, April 1, 2010

TIN TẶC KHÔNG CHỈ NHẮM VÀO CÁC NHÀ DÂN CHỦ Ở TRUNG QUỐC

Tin tặc không chỉ nhắm vào các nhà dân chủ ở Trung Quốc

Ngọc Trân, thông tín viên RFA

2010-04-01

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Google-online-attacks-aimed-at-vietnam-s-critics-NTran-04012010110814.html

Các cuộc tấn công nhắm vào email khách hàng của Google ở Trung Quốc đã gây ra bất đồng lớn giữa Google và chính phủ nước này, dẫn tới việc Google đã rút ra khỏi Trung Quốc.

Thế nhưng Google cho biết các tin tặc có nguồn gốc từ Trung Quốc không chỉ tấn công vào những nhà hoạt động nhân quyền ở đây mà còn nhắm tới các nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam. Vậy, những ai đã đứng đằng sau các vụ tấn công này?

.

Tấn công trang bauxite Việt Nam

Mới đây, Google cho biết họ đã tìm thấy thêm trường hợp tấn công trên mạng khác, xuất phát từ một công ty của chính phủ Trung Quốc, có liên quan tới chính phủ Việt Nam, nhắm vào các nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam cũng như tấn công và đánh sập trang bauxite Việt Nam do GS Nguyễn Huệ Chi, nhà giáo Phạm Toàn và GS Nguyễn Thế Hùng khởi xướng.

Cũng xin nhắc lại rằng, dự án khai thác bauxite ở Việt Nam có liên quan đến Công ty Nhôm Chinalco do chính phủ Trung Quốc sở hữu, đã thu hút nhiều tiếng nói phản đối mạnh mẽ trên cả nước, do có sự lo ngại rằng các dự án này sẽ tàn phá môi trường cũng như công nhân Trung Quốc đổ vào làm ăn ở khu vực chiến lược nhạy cảm này, có thể gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.

Hồi mùa thu năm ngoái, chính phủ đã cho bắt giữ một số blogger chỉ trích việc khai thác bauxite. Vài tháng sau đó thì trang web chống lại dự án khai thác bauxite ở Việt Nam, có hàng triệu lượt người truy cập, trang bauxitevietnam.info, đã bị tấn công.

Google cho biết là các cuộc tấn công ở Việt Nam ít phức tạp hơn là các cuộc tấn công vào khách hàng của họ và mấy chục công ty khác hồi cuối năm ngoái ở Trung Quốc, nhưng các cuộc tấn công này đều có cùng một mục đích là ngăn chặn các tiếng nói đối lập. Ông Neel Mehta, kỹ sư an ninh mạng của Google đã viết trên blog như sau: “Cụ thể là các cuộc tấn công đã cố gắng bóp nghẹt tiếng nói đối lập, chống lại việc khai thác bô xít ở Việt Nam, một vấn đề quan trọng và gây nhiều cảm xúc mạnh mẽ đối với đất nước.”

Mặc dù các cuộc tấn công trên mạng ở Việt Nam không trực tiếp nhắm vào Google, thế nhưng công ty này cho biết, nó có liên quan tới các vụ tấn công vào Google ở Trung Quốc, là do các nhà bất đồng chính kiến đều là mục tiêu tấn công. Google cũng nói rằng họ chú ý tới các vụ tin tặc tấn công ở Việt Nam, bởi vì họ muốn nhấn mạnh sự cần thiết của cộng đồng quốc tế “xem an ninh mạng là quan trọng, nhằm giúp mọi người được tự do bày tỏ ý kiến”.

.

Phương pháp tấn công

Hôm 30 tháng 3 vừa qua, Google đã viết trên blog của mình rằng, những kẻ đứng đằng sau vụ tấn công này đã sử dụng Malware, tức phần mềm độc hại nhắm vào hầu hết những người Việt Nam sử dụng máy tính trên khắp thế giới. Máy tính của những người này có thể bị nhiễm malware do tải phần mềm sử dụng font chữ tiếng Việt từ một trang web về máy tính của mình.

Trang web này do Hội Chuyên Gia Việt Nam điều hành, có trụ sở tại California, thế nhưng đã bị ai đó xâm nhập vào trang này và đã cài malware vào chương trình cho phép sử dụng font chữ tiếng Việt.

Theo tin từ blog McAfee, công ty chuyên sản xuất phần mềm diệt virus máy tính cho biết, malware này có lẽ bắt đầu lưu hành trên mạng hồi mùa thu năm ngoái, cùng thời điểm các bloggers chỉ trích việc khai thác bauxite ở Việt Nam bị bắt.

Chủ sở hữu của các malware này sử dụng nó với hai mục đích: dùng các máy vi tính bị nhiễm malware làm gián điệp, lấy thông tin cho họ cũng như điều khiển các máy tính đã bị nhiễm malware tham gia vào các cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDoS), để đánh sập các trang web như trang bauxite Việt Nam. Các cuộc tấn công này nhắm vào các bloggers phê phán các chính sách của chính phủ như trang bauxite.

.

Những ai đứng đằng sau?

McAfee, công ty tham gia điều tra nguồn gốc malware này cho biết, các thủ phạm tấn công có thể liên quan tới chính phủ Việt Nam. Ông George Kurtz, viên chức đứng đầu về công nghệ của McAfee đã viết trên blog như sau: “Chúng tôi tin rằng thủ phạm tấn công có thể có động cơ chính trị và những người này có thể phục vụ cho chính phủ nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.”

Ngay sau đó, các cơ quan truyền thông nước ngoài đã cố gắng liên lạc với các viên chức Việt Nam để có thêm thông tin liên quan tới vấn đề này, thế nhưng cho đến cuối ngày 31 tháng 3 vừa qua, vẫn chưa liên lạc được.

Cũng như Trung Quốc, chính phủ Việt Nam kiểm soát chặt chẽ các nguồn thông tin và họ cho rằng họ có quyền có "hành động thích hợp" chống lại các trang web nếu thấy có hại cho “an ninh quốc gia”.

Tờ báo Wall Street Journal cho rằng các cuộc tấn công ở Việt Nam tương tự như ở Trung Quốc. Tờ báo này viết: “Các cuộc tấn công này cho thấy các sự kiện xảy ra ở Việt Nam trong thời gian gần đây tương tự như các sự cố xảy ra ở Trung Quốc.

Chẳng hạn như Việt Nam phát động một cuộc đàn áp những nhà bất đồng chính kiến trong vài tháng qua, đã làm cho một số nhà phân tích cho rằng Việt Nam sao chép các chiến thuật của Trung Quốc, trong việc vô hiệu hóa Internet, một công cụ được các nhà hoạt động đối lập với quan điểm của chính phủ sử dụng.

Liên quan tới vấn đề này, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc Phòng Úc cho biết: “Việt Nam rất xuất sắc trong việc tìm hiểu những gì Trung Quốc đang làm để đàn áp các ý kiến bất đồng, có một sự liên hệ chặt chẽ giữa Bộ Công an hai nước. Chính sách của họ là chiếm thế chủ động trong lĩnh vực mạng và đè bẹp mọi tiếng nói đối lập.”

.

Vi phạm quyền tự do

Việc bóp nghẹt các tiếng nói đối lập là vi phạm quyền tự do bày tỏ chính kiến mà hiến pháp Việt Nam đã quy định trong điều 69 Hiến pháp như: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin...và đây là các quyền tự do căn bản của tất cả mọi người dân trên thế giới, đều có quyền được hưởng.

Liên quan tới việc giới hạn quyền tự do bày tỏ chính kiến qua việc tấn công trên mạng, phát biểu hồi tháng giêng vừa qua, Ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà Hillary Clinton, nói: Những cá nhân hoặc quốc gia tham gia tấn công trên mạng phải chịu hậu quả và bị quốc tế lên án. Trong thế giới internet, một cuộc tấn công vào mạng ở một quốc gia có thể là một cuộc tấn công vào tất cả.

Internet là một mạng lưới phô trương sức mạnh và tiềm năng của tất cả mọi thứ.

Và đó là lý do tại sao chúng tôi tin rằng nó rất quan trọng cho những người sử dụng, được bảo đảm các quyền tự do căn bản. Tự do bày tỏ suy nghĩ là quyền đầu tiên trong các quyền đó. Quyền tự do này không chỉ được xác định qua việc người dân có thể đi vào trụ sở thành phố và chỉ trích chính phủ của mình mà không sợ bị trừng phạt.

Blog, email, các mạng xã hội, và tin nhắn đã mở ra diễn đàn mới để trao đổi tư tưởng và đã trở thành các mục tiêu mới cho sự kiểm duyệt.

Liệu chính phủ Việt Nam có liên quan tới các vụ tấn công vào các bloggers như trang bauxite Việt Nam hay không? Có lẽ chúng ta cần chờ thêm các tin tức phản hồi từ phía chính phủ.

.

Theo dòng thời sự:

Google - Trung Quốc: cuộc chiến thương mại? (phần 1)

Google chỉ trích Úc kiểm duyệt Internet

Tin tặc xuất xứ từ Việt Nam tấn công trang web VPS

Email người nước ngoài ở Trung Quốc và Đài Loan bị đột nhập

Google không phải là công ty duy nhất rời Trung Quốc

Đại diện ban quản trị X-Café lên tiếng

Dự luật tự do internet toàn cầu

Hacker đưa thông tin cá nhân sai lạc về thành viên X-Café

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

No comments:

Post a Comment