Thursday, April 29, 2010

PHƯƠNG THUỐC NÀO XÓA BỎ HẬN THÙ

Phương thuốc nào xóa bỏ hận thù, đoàn kết dân tộc và xây dựng quốc gia vững mạnh?

LÊ TÂM

Thứ Tư, 28/04/2010

http://danluan.org/node/4822

1. Những kỷ niệm tháng Tư

Ngày 30 tháng Tư năm 1975. Buổi sáng, đi học, như thường lệ quản ca bắt nhịp "giải phóng Miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước ...". Mười một giờ mười lăm trưa, tan trường, cùng đám bạn nhẩn nha vừa đi vừa chơi để về nhà là có cơm ngay (khỏi phải vào bếp). Qua cổng nhà ông bác sĩ Thuận, chợt nghe đài phát oang oang "xe tăng ta đã húc đổ cổng dinh độc lập, cờ giải phóng đã tung bay trên khắp Sài Gòn ...". Cả bọn cùng cởi hết áo, tung cặp sách và áo lên trời, hét ầm cả làng xóm "giải phóng miền nam rồi, bu ơi thày con sắp về".

* * *

Nhiều năm sau, cái cảm giác mừng vui chiến thắng ấy vẫn còn dư âm rất là xúc động. Mỗi dịp tháng Tư về, mắt rưng rưng mũi cay cay khi nghe những ca khúc như "Đất nước trọn niềm vui", "Tiến về Sài Gòn", "Như có bác trong ngày vui đại thắng". Tất nhiên, đã vui với chiến thắng như vậy thì mặc nhiên coi việc giải phóng Miền Nam là đúng, quân TA thật anh hùng dũng cảm, đảng TA và Bác Hồ thật thiên tài.

Ngày hội mừng chiến thắng, ăn tập đoàn ở sân kho hợp tác xã, bên cạnh những người vui cười vì người thân mình còn sống cũng có những bà sụt sùi khóc con, những cô thút thít khóc chồng và những đứa trẻ mắt đỏ hoe vì khóc thương anh nhớ bố. Nhưng các ông, các bác, các chú lãnh đạo bảo phải kìm nén lại vì niềm vui chung, tối về nhà khóc thoải mái.

Mấy tháng sau, thày trở về cùng với mấy đồng đội. Thày chưa kịp nói gì thì thằng con đã nhào tới ôm đúng cha mình giữa đám đông không cần ai chỉ bảo, mặc dù ngày thày vào Nam, nó vừa mới chào đời. Một trong những chi tiết không thể nào quên là buổi tối ấy, khi thày tắm giặt thì nhà chỉ còn mỗi bánh xà phòng 72 đã mòn già nửa, thày ngạc nhiên "trong ấy được tuyên truyền là xã hội chủ nghĩa ngoài Bắc đầy đủ lắm, các đồng chí đừng mang hàng hóa gì về, người ta cười cho. Thành ra, xà phòng bánh cả cây, xà phòng bột cả ký, xà phòng thơm cả bịch nhưng không mang về".

Thày đạp xe chở thằng con đi khắp làng xóm huyện xã chào hỏi họ hàng. Trên con đường trục chính ở quê, thày bảo "đường này giờ xấu hơn ngày thày đi chiến đấu nhiều", rồi thày hóm hỉnh "đường lên hạnh phúc nảy tưng tưng chứ không phải đường lên hạnh phúc rộng thênh thang như trong thơ". Mỗi buổi tối, làng xóm thường đến chia vui, uống trà, ăn bánh kẹo và nghe kể chuyện Miền Nam. Ai cũng tròn mắt khi nghe thày kể trong Nam rất sẵn thịt, cá, gạo, mì ăn liền, đường, mì chính, kem, bia, sữa, nước ngọt, bánh kẹo, đài thường (radio), đài đĩa, máy quay băng (cassette), vô tuyến (tivi), tủ lạnh, quạt trần, xe đạp. Đặc biệt, mọi người đều suýt soa khi biết nông dân trong ấy thường đi thăm đồng bằng xe máy Honda Nhật Bản, máy xay xát vù cái chuyển thóc ra gạo tách cám trấu riêng không cần xay giã sàng sảy cả nửa ngày, máy tuốt lúa ngay ngoài đồng vứt rơm đi chỉ lấy thóc và nhà nào cũng có bơm nước mini chứ không phải gầu, guồng cực nhọc. Bác đội trưởng sản xuất (và là bí thư chi bộ) vừa mơ màng trong khói thuốc lào vừa nói như hỏi "sướng nhỉ, bao giờ xã hội chủ nghĩa ở ta mới được thế!".

* * *

Rồi thì xã hội chủ nghĩa ở ta cũng gần được như thế, nhưng là mãi 30 năm sau, tức năm 2005. Bác đội trưởng bí thư chi bộ đã về với cụ Cac Mac, cụ Lenin từ lâu, không được chứng kiến cảnh rơm đốt đồng, máy xay xát thóc gạo chạy rông khắp làng xã, nhà nào cũng có tivi, xe đạp, quạt điện và nhiều người thường đi thăm đồng bằng xe máy dream Tàu.

Ngày 30 tháng Tư. Đồng đội của cha cùng mấy cô, chú, bác trong nhà quây quần tụ họp. Sau những ly bia rượu mừng còn được sống, còn được gặp nhau và cười, mọi người trầm giọng khi nói đến hiện tại, làm gì cũng phải có thủ tục "đầu tiên", tham nhũng, biến chất nhan nhản không sao triệt tiêu được... Một chú kể "hồi đó các bố lãnh đạo quán triệt anh em không được mang gì về Bắc nhưng chính các bố ấy thì tháo cả đến cái bệ xí chuyển ra ngoài này. Năm 75-76 em còn dại chứ mấy năm sau thì nhà chuyển tiền vào để em mua ra đủ thứ từ đài đĩa, cát-xét đến bát, chén, đệm mút, máy bơm, xe máy, xe đạp, nồi cơm điện. Đúng là ba năm đi Đức không bằng một lúc miền Nam". Một bác đại tá già cười nhẹ nhàng "Hà Nội bây giờ cũng đã có nhiều cửa hàng rượu như thời Pháp hồi trước, như Sài Gòn thời Mỹ Ngụy, nhưng hơn đứt thời Pháp là có nhiều hơn các quán cô đầu". Mấy đứa cháu trẻ thắc mắc "cô đầu là gì ạ!". "Như là quán karaoke ngày nay, ngày xưa các cụ gọi là cô đầu, bây giờ thì các cháu gọi là cave, cũng đều vần (c) cả".

Một chú trẻ nhất, từng làm liên lạc cho cha, rụt rè góp chuyện "nói thật với các anh, em cứ nghĩ mãi mà không ra, đánh nhau bao nhiêu năm, khốn khổ bao nhiêu năm giờ mới được như ngày xưa thì đánh nhau làm gì? Như Đức, Triều Tiên, Trung Quốc - Hồng Kông - Ma Cao - Đài Loan họ có cần đánh nhau đâu?". Cha giải thích "ngày xưa đã quán triệt rồi, chú quên à. Thống nhất sớm, tuy chiến tranh có ác liệt nhưng sẽ còn ác liệt ngàn lần hơn nếu để dây dưa chia cắt kéo dài. Khi hai miền Nam Bắc phát triển mạnh rồi mới thống nhất thì với tính cách xung lên là máu chiến liều mạng hết mình của người Việt, có thể vác bom nguyên tử choảng nhau, sẽ chết cả nước chứ không phải chỉ vài triệu người thương vong. Đấy, như Triều Tiên bây giờ đấy, nay đe bắn tên lửa hạt nhân, mai dọa bỏ bom nguyên tử".

2. Kinh nghiệm từ Y học, Thiền và Lịch sử

Hằng ngày, cơ thể con người phải chịu nhiều tác động từ thời tiết, khí hậu và môi trường bên ngoài. Khi cơ thể cân bằng, mạnh khỏe thì sức đề kháng tốt, không bị ốm. Khi cơ thể mất cân bằng, suy yếu thì vi trùng, vi khuẩn dễ xâm nhập gây ra ốm bệnh. Chúng ta không thể chỉ trách sao mà thời tiết lắm đổi thay, sao mà có lắm vi trùng vi khuẩn thế, và cũng không có cách gì ngăn ngừa và tránh tuyệt đối ngoại tà xâm nhập, bởi vì đó là cuộc sống tự nhiên và chúng ta phải sống trong cuộc sống ấy. Để cơ thể có sức đề kháng tốt thì không gì tốt hơn là luôn chủ động duy trì sự cân bằng mạnh khỏe của cơ thể.

Chẳng may bị ốm bệnh thì phải dùng thuốc. Đã bị bệnh không nhẹ thì phải dùng kháng sinh (đôi khi rất mạnh) kết hợp với thuốc bổ, tức là tả nhiều hơn bổ. Bệnh đã lui thì dùng nhiều thuốc bồi bổ hơn là kháng sinh. Không dùng kháng sinh rất khó khỏi bệnh nhưng dùng kháng sinh mãi và quá liều thì sẽ bị tác dụng phụ làm rối loạn, gây mất cân bằng cơ thể trầm trọng, bệnh cũ chưa xong bệnh mới đã lại nảy sinh, có khi còn tai hại hơn cả bệnh cũ.

Cho nên, một khi bệnh đã lui thì phải giảm kháng sinh đến tối thiểu hoặc ngừng hẳn, thay vào đó là tăng cường bồi bổ và khôi phục cân bằng cho cơ thể. Thế mới mong chóng khỏe và khỏe lâu, ít ốm bệnh. Để duy trì cân bằng cơ thể, theo nguyên tắc y học cổ truyền, phải thường xuyên liễm chỗ cần thu, bồi nơi cần bổ và làm cho máu huyết lưu thông, tinh thần sảng khoái. Một khi cơ thể cân bằng thì ngoại tà không thể xâm nhập và có xâm nhập thì cũng nhanh chóng bị diệt và không thể tác quái gây họa được.

* * *

Để cơ thể luôn cân bằng, khỏe mạnh, ngoài việc ăn uống, rèn luyện thẻ dục thể thao còn có một cách hay và hiệu quả, đó là Thiền. Thiền định không chỉ giúp cơ thể cân bằng và khỏe mạnh mà còn giúp con người ta tỉnh táo khôn ngoan. Lê Quý Đôn từng viết "tĩnh cực sinh trí".

Bản chất của Thiền là lập lại và duy trì sự cân bằng trong cơ thể. Hằng ngày, chúng ta tiếp nhận những tác động từ trong và ngoài cơ thể nhờ các giác quan và hệ thống dây thần kinh, thế là chúng ta cảm thấy và biết. Bộ não chúng ta tổng hợp, xử lý những thông tin thâu nhận được rồi truyền tải ngược lại khắp cơ thể, thế là chúng ta tư duy và hiểu.

Khi chỉ có một vài cơ quan nào đó hoạt động mạnh, thông tin từ những nơi đó truyền về não bộ nhiều và có cường độ lẫn át các cơ quan khác, năng lượng sẽ được tập trung cho các cơ quan này nhiều hơn các cơ quan khác, cơ thể sẽ mất cân bằng, ngoại tà dễ xâm nhập, dễ sinh ốm bệnh. Mặt khác, vì não bộ và cơ thể tràn ngập thông tin tác động chỉ từ một số cơ quan thì sẽ sinh ra suy nghĩ không thật vì một số cơ quan không phải là toàn bộ cơ thể.

Để lập lại cân bằng, phải giữ cho tâm tĩnh không, tức là đưa hệ thống thần kinh về KHÔNG - không ưu tiên thông tin từ bất cứ cơ quan, bộ phận nào. Khi tâm đã tĩnh không thì đắc khí - máu huyết lưu thông đều đến toàn bộ cơ thể, lượng ô-xy và dưỡng chất được hệ tuần hoàn đưa đến đồng đều khắp các tế bào trong cơ thể. Dưỡng chất đều khắp thì cơ thể mạnh khỏe, thông tin thông suốt thì bộ não nhận được thông tin từ tất cả các tế bào, kết quả xử lý sẽ khách quan và tiến đến hợp với thực tế - đó chính là trạng thái mà nhà Phật thường gọi là trí huệ.

(Ghi chú: Phải mất 17 năm suy ngẫm mới hiểu ra những điều kể trên).

* * *

Vì ổn định chính trị, thống nhất quốc gia, Thái Tông Trần Cảnh (theo sự sắp xếp và ép buộc của thái sư Trần Thủ Độ) đã lấy công chúa Thuận Thiên - vợ yêu của anh ruột là Phụng Kiền Vương Trần Liễu. Liễu hận, nổi loạn. Sau khi Trần Thủ Độ dẹp xong loạn, Trần Liễu qui hàng, Trần Cảnh không những không giết anh mà tha tội, lại phong cho anh là Hiển Hoàng (coi như cũng là vua).

Hơn mười năm sau. Con Trần Liễu là Trần Quốc Tuấn và công chúa Thiên Thành yêu nhau nhưng trớ trêu là Thiên Thành lại được hoàng gia sắp đặt gả cho Trung Thành Vương - con trai thứ bảy của Trần Cảnh, gọi là ông hoàng bảy. Đêm trước ngày vu qui, Quốc Tuấn cắp gươm, trèo tường, vào ngủ cùng người yêu (*). Sự việc phát lộ ngay đêm ấy làm ầm ĩ cả triều đình. Trần Cảnh không những không xử tội Quốc Tuấn mà còn tác hợp duyên tình cho cháu. Còn với con mình, Trung Thành Vương, Trần Thái Tông an ủi và đền mấy ngàn mẫu ruộng (thuộc vùng Thường Tín ngày nay). Có lẽ một phần cũng vì cảm cái ân tình ấy, cho nên, mặc dù được cha di nguyện là phải báo thù rửa hận đoạt lấy ngai vàng nhưng Trần Quốc Tuấn đã không làm vậy mà hết lòng phò giúp chú và các em vững ngôi vua, lãnh đạo toàn dân Đại Việt ba lần chiến thắng quân Nguyên, đội quân mạnh nhất thế giới thời ấy, bảo toàn nền độc lập dân tộc, bảo toàn cơ nghiệp của vương triều Trần.
Thời kỳ đầu của vương triều Trần, các vương hầu ngày thường thì ở các thái ấp địa phương, khi có biến thì tập trung về cùng triều đình quyết chiến với giặc. Không chỉ vua tôi hòa mục, anh em đồng lòng mà còn đoàn kết với toàn dân thông qua hội nghị Diên Hồng. Chính vì thế, nhà Nguyên dùng thủ đoạn chính trị cũng không thắng mà đến ba lần dùng quân sự chiến tranh cũng vẫn thua...

3. Phương thuốc nào xóa bỏ hận thù, đoàn kết dân tộc và xây dựng quốc gia vững mạnh?

Hiện nay, chiến tranh qua đã 35 năm nhưng nước ta vẫn thuộc hạng nghèo của thế giới, giáo dục khoa học kỹ thuật thì tụt hậu và nguy cơ bị đè nén, ức hiếp và xâm chiếm từ láng giềng phương Bắc ngày càng lộ rõ. Để xóa bỏ hận thù, đoàn kết dân tộc, xây dựng nước Việt Nam vững mạnh, có thể vận dụng những kinh nghiệm Y học, Thiền và Lịch sử đã nói trên vào thực tế, cụ thể là:

3.1- Bình đẳng và tự do thông tin. Không thể để hệ thống thông tin quốc gia tràn ngập thông tin theo dẫn dắt chỉ của một đảng và coi đó mới là lề phải, là đúng.

3.2- Tạo sự thông suốt và bình đẳng trong việc tiếp cận, sử dụng, khai thác các nguồn của cải vật chất, bình đẳng trong tiếp cận cơ hội lao động sản xuất kinh doanh, học tập, đi lại, chăm sóc y tế và hưởng phúc lợi xã hội. Có biện pháp thiết thực, kiên quyết giảm chênh lệch giàu nghèo, ít nhất cũng là các biểu hiện rất dễ nhận thấy (**), triệt tiêu quan liêu tham nhũng, thông suốt tài chính vận tải và thương nghiệp. Tức là để tài chính, nguyên nhiên liệu và hàng hóa được lan tỏa đều khắp không bị tắc hay ăn chặn ở hệ thống lưu thông phân phối.

3.3- Dân chủ, đa đảng trong chính trị. Chỉ có dân chủ, đa đảng chính trị thì của cải vật chất mới không bị dồn vào tiêu dùng chỉ theo ý muốn của một nhóm người, một tầng lớp. Không có dân chủ đa đảng thì không có tự do thông tin, không xóa bỏ được chênh lệch cách giàu nghèo.

3.4- Tin dùng người Việt Nam trong nước cũng như ở nước ngoài. Đất đồi rừng, núi non chỉ do người Việt Nam sử dụng. Tài nguyên Việt Nam chỉ do người Việt Nam khai thác (***). Khi chiến tranh đã qua thì tập trung vào kinh tế, đừng dấy lại hận thù giai cấp, mâu thuẫn Bắc Nam nữa. Cũng như bệnh đã qua rồi thì tập trung ăn uống bồi bổ chứ đừng tiếp tục triền miên lạm dụng kháng sinh. Thay vì tưng bừng nghỉ lễ ăn mừng vào ngày 30 tháng Tư thì chuyển sang ngày 25 tháng Tư vì đó (25/4/1976) là ngày họp quốc hội thống nhất toàn quốc (trong đoàn đại biểu có cả ông Dương Văn Minh), kết thúc chiến tranh chia cắt Bắc Nam và non nước Việt Nam độc lập, thống nhất, sạch bóng ngoại tặc (ngày 6 tháng Một năm 1946 vẫn còn quân Tàu Tưởng, quân Anh, quân Pháp).

3.5- Mềm mỏng nhưng cương quyết không nhượng bộ ngoại bang xâm lấn, cưỡng ép. Khi ta đã hết sức nhũn nhặn mà ngoại bang cứ lấn tới thì lòng dân căm phẫn tột cùng "còn cái lai quần cũng đánh", lúc ấy thì mười Trung Quốc cũng phải thua. Binh pháp có câu "trong chiến tranh, vua tỉnh táo, tướng không sợ đánh, sĩ tốt không sợ chết, dân không tiếc của cải, ấy là quốc gia vô địch".

Làm được năm điều trên, nước ta sẽ giàu mạnh, ngoại bang không dám xâm lấn, khinh nhờn. Dân ta giữ được độc lập, tự do, hạnh phúc và sự nghiệp của đảng (csVN) cũng trường tồn cùng dân tộc. Không làm được năm điều trên thì chỉ mươi năm nữa thôi, vì sự trường tồn và phát triển của dân tộc Việt, đảng (csVN) chắc chắn sẽ bị thay thế như trường hợp vương triều Lý ngày trước.

Thăng Long năm Hổ - 28/4/2010

________________________

(*) Xem ra đức thánh Trần không chỉ giỏi trên chiến trường mà trong tình trường cũng giỏi.

(**) Ví dụ: Nước còn nghèo thì cấm dùng hàng hóa xa xỉ phẩm. Tiền của ai người ấy có quyền sở hữu và sử dụng nhưng muốn tự do tiêu dùng hàng hóa xa xỉ phẩm thì xin mời đi định cư ở các nước giàu.

(***) Nên khuyến khích đầu tư nước ngoài trong các lĩnh vực chế biến (hóa sinh, hóa dược, hóa thực phẩm, hóa công nghiệp), tư vấn, bảo hiểm và đào tạo nghề.

.

.

.

No comments:

Post a Comment