Tuesday, April 27, 2010

NÓI VỀ HÒA GIẢI

Nói về hòa giải

Mr. DO

Thứ hai, ngày 26 tháng tư năm 2010

http://blogmrdo.blogspot.com/2010/04/noi-ve-hoa-giai.html

Trên Tuần Việt Nam có bài phỏng vấn nhà ngoại giao hưu trí Võ Văn Sung. Khi ông Sung làm "chiến dịch Hồ Chí Minh ở Paris" thì tôi còn là hạt bụi, nhưng tới lúc đã có ý thức chính trị thì tôi có phần ngưỡng mộ ông, bắt đầu tìm hiểu về ông và những cuộc tiếp xúc giữa ông với "người của phía bên kia", chẳng hạn con trai của Minh "lớn".

Giờ thì ông ngồi đây và nói chuyện hòa giải. Tôi hiểu những con người như ông, đã một đời chiêm nghiệm, ý thức được hòa giải dân tộc là lớn lao đến nhường nào, cần thiết đến nhường nào.

Nhưng sau chừng ấy năm tháng, dường như ông vẫn chưa thoát ra khỏi quán tính địch-ta.

Ông nói: "Chúng ta biết rằng vào thời điểm cuối tháng 4/1975 nếu Nguyễn Văn Thiệu và bè lũ còn nắm quyền và thực hiện "tử thủ" như ở Xuân Lộc thì chắc chắn ta không có một Sài Gòn giải phóng còn nguyên vẹn và chắc chắn phải hy sinh nhiều sinh mạng hơn."

"Bè lũ" là một cách diễn đạt chẳng hề có lợi cho hòa giải chút nào. Cũng như, có khiên cưỡng lắm không khi bàn đến hòa giải mà vẫn nhấn nhá những "đại thắng" với lại "giải phóng"?

(Hãy cẩn thận với từng lời nói của anh, vì mỗi một ngôn từ anh dùng có thể làm tôi tổn thương và giận dữ).

*

Lại nhớ, vài năm trước, tôi có viết những lời lẽ thô lậu này: "Việc đòi lại toàn bộ Hoàng Sa và những đảo đang nằm trong tay giặc cướp ở Trường Sa là một chiến dịch trường kỳ, đòi hỏi chiến lược có tầm nhìn xa và phải được tính toán kỹ. Còn những việc làm thiết thực như tôn vinh những người đã hi sinh vì tổ quốc phải được thực hiện ngay từ bây giờ. Đó không chỉ là hành động ghi công mà còn giúp thế hệ hôm nay hiểu đúng hơn về quá khứ đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của cha ông, để từ đó họ ý thức hơn nghĩa vụ của mình.

Tôn vinh những người lính Việt Nam Cộng Hòa trong trận hải chiến Hoàng Sa cũng hợp với chủ trương đại đoàn kết dân tộc, hòa giải dân tộc, xóa bỏ mâu thuẫn quá khứ mà chính phủ Việt Nam hiện tại luôn nhấn mạnh.

Lâu nay chúng ta NÓI đoàn kết dân tộc quá nhiều rồi và đã đến lúc phải LÀM đoàn kết dân tộc.

Mà để LÀM thì không nên chỉ dừng lại ở những người đã tham gia chiến đấu cho Hoàng Sa - Trường Sa.

Năm 2006, nhà thơ Linh Phương (tác giả Kỷ vật cho em) trăn trở:

Những người lính Bắc Việt chết trận được trở về nhà

Những người lính Mỹ chết trận được trở về tổ quốc

Những người lính Việt Nam Cộng Hòa chết trận vẫn nằm nơi rừng thiêng nước độc

Ba mươi mốt năm sau cuộc chiến

Tại sao thù hận vẫn còn?

(chép theo trí nhớ, có thể sai đôi chỗ)

Một thời gian sau chiến tranh, Việt Nam vẫn coi Mỹ là kẻ thù không đội trời chung. Mối thù ấy rồi cũng được hóa giải dần, mà một trong những hành động hòa giải cụ thể nhất là chương trình hợp tác tìm kiếm hài cốt của quân nhân tử trận. Đối với ngoại bang, ta đã làm được điều đó, tại sao giữa những người đồng bào, ta chưa làm được?"

*

Nghe chẳng có lập trường chính trị chút nào, nhưng có lần trong cuộc nhậu, tôi đã nói với một thằng bạn rằng, nếu có một lá cờ biểu trưng cho hòa giải, tôi nghĩ đó là lá cờ-đỏ-sao-vàng-ba-sọc-đỏ. Tất nhiên đó chỉ là ý kiến bên bàn nhậu.

*

Angela Merkel từ Đông Đức đã làm thủ tướng nước Đức thống nhất. Michael Ballack cũng từ một thành phố có tên cũ là Karl-Marx-Stadt đã trở thành thủ quân đội tuyển bóng đá Đức thống nhất. Năm 2006, trong một cuộc nhậu ở Marienplatz trên miền Munich, tôi hỏi một tay tín đồ bóng đá về Ballack, trong sự liên hệ với ranh giới Đông - Tây, anh ta nói "tao đếch quan tâm Đông - Tây gì hết, tao chỉ quan tâm anh ta là một người Đức rất cừ".

Chưa đầy hai mươi năm sau ngày thống nhất, người Đức chẳng hề bận tâm tới hòa giải nữa.

(Mà suy cho cùng, khi ta còn nói tới hòa giải, tức là trong lòng ta thù hận - hoặc quán tính của thù hận ở dạng tiệm cận vô thức - vẫn còn, dù nhiều, dù ít.)

.

.

.

No comments:

Post a Comment