Friday, April 2, 2010

NHỮNG CHIÊU "RÚT RUỘT" BỆNH NHÂN CỦA BÁC SĨ

Những chiêu 'rút ruột' bệnh nhân của bác sĩ

Chiêu kê toa kiếm tiền của nhiều bác sĩ

Thứ sáu, 2/4/2010, 09:29 GMT+7

http://vnexpress.net/GL/Doi-song/2010/04/3BA1A491/

Đưa mẹ đi khám thoát vị đĩa đệm tại một phòng mạch tư ở gần Bệnh viện 103, chị Nhu (Phúc Thọ, Hà Nội) ngẩn người khi bác sĩ kê thuốc tiêm rồi dặn "phải ra đúng nhà thuốc X, ngay đầu ngõ mua về đây tôi mới tiêm cho".
>
Hãng dược tiết lộ chuyện chung chi cho bác sĩ

Sau này, chị Nhu biết thêm, ai đến khám cũng được vị bác sĩ này cho loại thuốc tiêm đó và dặn mua ở đúng nhà thuốc như vậy. Một lần, chị cầm đơn thuốc rồi mua ngay ở một đại lý trên đường Ngọc Khánh thì thấy giá rẻ hơn rất nhiều.

Đưa con gái đi khám ở nhà riêng một bác sĩ da liễu quân đội, chị Mai, ở Hà Đông, Hà Nội được bác sĩ thăm hỏi rất nhiệt tình, vì thế, chị quyết định bám trụ ở đây cả tháng trời để điều trị cho con. Có lần được bác sĩ nhắc khéo là mua thuốc "Noni" để bồi bổ cơ thể cho cháu, dù không biết thực hư tác dụng thế nào, nhưng chị Mai vẫn phải bấm bụng mua một chai có giá đến 800.000 đồng, chỉ vì "sợ bác sĩ tự ái, không chữa cho con mình nữa".

Uống cả tháng, thấy con chẳng có gì khá hơn, mà bác sĩ lại nhắc mua tiếp, chị Mai đành lấy cớ "cháu uống chưa hết". Mãi về sau, chị mới biết vị bác sĩ này là đại lý bán hàng đa cấp cho thực phẩm chức năng Noni. Không chỉ có chị, nhiều bệnh nhân khác đến chữa ở nhà riêng của ông đều nhận được gợi ý như vậy, và đa số họ đành mua để chiều lòng người chữa bệnh cho thân nhân mình.

Không trực tiếp như vậy, nhiều bác sĩ khác gián tiếp "câu" người bệnh bằng cách liên kết với một hãng dược "ruột" nào đó, và chỉ kê thuốc của riêng hãng ấy, trong khi, nhiều trường hợp bệnh nhân có thể dùng thuốc khác, thậm chí chỉ cần những thuốc nhẹ, rẻ tiền hơn là khỏi.

Chị Loan (Thanh Xuân, Hà Nội) từng đưa con trai 2 tuổi bị viêm phế quản đến chữa ở nhà riêng một bác sĩ nhi gần khu Trung Hòa, Nhân Chính, đã tấm tắc vì "đơn thuốc" của bác sĩ hiệu nghiệm quá, chỉ một ngày con chị đã thấy lui bệnh. Thuốc con chị được kê có một loại kháng sinh rất lạ, đắt tiền, được cô phụ việc bán ngay tại chỗ.

Tuy nhiên, vài ngày sau chị giật mình khi thấy đơn thuốc của hai đứa cháu cũng có loại thuốc y chang. Khi đưa bé đến khám lại tại một bác sĩ quen gần nhà, chị được người này cho biết loại "kháng sinh lạ" kia thực chất là kháng sinh thế hệ mới, ít được dùng, thường là bác sĩ kê cho một hãng thuốc quen nào đó. Trường hợp con chị chỉ cần dùng các loại kháng sinh thông thường là đủ chữa bệnh. Một vài lần sau có việc tình cờ qua phòng khám này, chị vẫn thấy đơn thuốc y nguyên được bác sĩ áp dụng cho các bệnh nhân khác.

Còn anh Thanh (khu đô thị mới Pháp Vân, Hà Nội) cho biết, mấy lần con anh bị ho, đưa lên khám một bác sĩ nhi có tiếng ở phố Đội Cấn thì đều được cho kháng sinh Cefimed hoặc nặng hơn thì Zithromax (cả hai đều là thuốc thế hệ mới, khá đắt tiền) và thường là mua ngay tại chỗ. Có lần, bác sĩ này kê thêm một loại cốm để tăng miễn dịch. Thấy mỗi gói thuốc bổ nhỏ xíu tới 6.000 đồng, chị không đành lấy tại phòng khám mà nghĩ về gần nhà cho rẻ, ai ngờ đi khắp các cửa hàng không có, đành quay lại phòng khám để lấy. Khi ấy chị mới biết đó chỉ là thuốc nội, do một công ty ít tên tuổi sản xuất.

Không chỉ ưu tiên kê toa những loại thuốc mình được nhận hoa hồng, nhiều bác sĩ còn có những chiêu "bắt" bệnh nhân mua thuốc tại các nhà thuốc thân quen của mình.

Chị Duyên (ở Ngã Tư Sở) khi đi khám phụ khoa ở một bệnh viện phụ sản lớn tại Hà Nội được bác sĩ kê đơn, và dặn chị ra nhà thuốc ở cổng viện mua, sau đó quay lại mới hướng dẫn cách sử dụng.

"Tôi thấy lạ, nhưng ngại không dám hỏi lại nên làm đúng theo lời dặn. Quay lại bác sĩ ấy chỉ ghi thêm là dùng ngày mấy lần, mỗi lần mấy viên, trong khi đáng lý phải ghi điều đó ngay trong lúc kê đơn. Lúc về hỏi lại bà chị họ bán thuốc, tôi mới biết mình bị mua đắt hơn đáng kể", chị Duyên nói.

Ở vào tình cảnh tương tự chị Duyên, nhưng anh Bình (huyện Đông Anh) còn ăn mắng vì đã dám "cãi lời" bác sĩ. Đi khám bệnh bazedo tại một bệnh viện nội thành có tiếng, anh Bình được một nam bác sĩ kê đơn và bảo xuống nhà thuốc bệnh viện để mua, mang lên ông sẽ dặn cách dùng.

Nghe theo một lần, biết là mua phải thuốc đắt, nên lần sau đó anh Bình rút kinh nghiệm, đề nghị vị bác sĩ này cứ ghi cách uống vào đơn, để anh mua thuốc ở đại lý gần nhà cho tiện. Nhưng bác sĩ không đồng ý, nói rằng nếu mua thuốc ở các đại lý bên ngoài thì sẽ không đủ chất lượng, bệnh sẽ không giảm, ông sẽ yêu cầu anh phải nhập viện. Trước thái độ kiên quyết của anh Bình, vị bác sĩ nọ giật lại tờ đơn, kê lại vào sổ khám bệnh và tuyên bố “không chịu tránh nhiệm”, và rằng “anh sẽ phải nhập viện”…

"Khi bác sĩ bị chi phối bởi các hãng dược trong quá trình kê đơn, tất nhiên người bệnh phải chịu thiệt rồi", một bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai thổ lộ.

Ông cho biết, mình từng khám chữa cho nhiều người sinh thêm bệnh vì tự ý dùng thuốc hay nhờ người bán thuốc "kê đơn" mà không chịu đi khám và tư vấn bác sĩ. Lý do có nhiều, vì người dân mình ngại cảnh chen lấn ở bệnh viện, chủ quan với bệnh tật, thiếu kiến thức về sử dụng thuốc... Nhưng một nguyên nhân khác, ít ai nói đến, đó là vì niềm tin của họ vào bác sĩ giảm đi sau vài lần nhận được các đơn vô số thuốc với số tiền ngất ngưởng mà hiệu quả chẳng thấy đâu của những bác sĩ được "lót tay".

"Khi nhận hoa hồng từ các hãng dược hay nhà thuốc thì kê càng nhiều thuốc, loại càng đắt tiền, bác sĩ càng được lợi, và gánh nặng thì đổ lên vai người bệnh khiến nhiều khi họ không thể kham nổi nên đành 'bỏ' bác sĩ", ông tâm sự.

Từ năm 2003, để hạn chế tiêu cực bác sĩ nhận hoa hồng từ các hãng dược, Bộ Y tế đã quy định rõ: Khi kê toa, phải viết tên thuốc theo tên quốc tế (tên chất trị liệu chứa trong thuốc) với thuốc có một thành phần. Tuy nhiên, bác sĩ ở các bệnh viện, chứ chưa nói đến các cơ sở tư nhân, đều ít thực hiện quy định này, hầu hết đều kê thẳng tên thương mại của một loại thuốc nào đó.

"Đây là quy định có ý nghĩa tốt, nhằm hạn chế việc bác sĩ kê các tên thuốc cụ thể mà mình được nhận phần trăm, nhưng đó không phải là biện pháp tích cực bởi nó có thể tạo điều kiện cho người bán thuốc trục lợi, bán cho người bệnh những thuốc họ được nhận lợi nhuận cao", ông Hoàng Đình Ngọc, Phó giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương bộc bạch.

Ông lý giải thêm, nếu bác sĩ kê đơn mà chỉ ghi tên gốc thì người bệnh lại phải nhờ nhân viên bán thuốc tư vấn loại biệt dược nên mua, bởi đâu phải ai cũng hiểu biết xem cùng là gốc thuốc ấy nhưng thuốc nào đắt, thuốc nào rẻ, cái nào tốt hơn.

Ông Ngọc cho biết, tình trạng bác sĩ "bắt tay" với hãng dược đã có từ rất lâu và bệnh viện nào cũng biết rõ. Ở Bệnh viện Tai Mũi Họng, để hạn chế tình trạng này, bệnh viện đã cấm trình dược viên vào các phòng khám bệnh và nếu bác sĩ nào bị phát hiện tiếp trình dược viên trong phòng sẽ bị kỷ luật. Tuy nhiên, ông cũng thổ lộ, điều quan trọng là đánh vào lòng tự trọng của người thầy thuốc thôi, chứ "ở cơ quan còn cấm được, nếu họ 'bắt tay' nhau tại nhà hay chỗ khác thì ai hay và xử lý sao được".

Theo ông, dù trong hoàn cảnh nào, cuối cùng người khổ nhất vẫn là bệnh nhân. Ngay cả việc các bác sĩ bị phanh phui về hành vi thiếu lương tâm và trách nhiệm khi kê đơn thuốc thì không chỉ người làm nghề y bị mất uy tín mà chính người bệnh bị thiệt. "Khi đó, họ hoang mang, mất niềm tin vào đội ngũ thầy thuốc - trong đó có cả những người thực sự tận tâm với nghề và bệnh nhân - lại đi nhờ những người không có chuyên môn chữa, kê đơn thì rất tai hại", ông chia sẻ.

Minh Thùy - Thuận An

.

.

.

No comments:

Post a Comment