Saturday, April 3, 2010

NGHĨ SUY TỪ ẤN ĐỘ

Nghĩ suy từ Ấn Độ

Phạm Đình Trọng
Đăng ngày 24/03/2008 lúc 02:35:46 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=2645

Ấn Độ là đất nước của thần linh. Đó là điều đầu tiên tôi cảm nhận được khi đến nước này. Thần linh hiển hiện trong đền đài kì vĩ có ở khắp nơi trên đất nước mênh mông. Thần linh hiển hiện trong phong tục, tập quán, trong những tín điều, những niềm tin vào một thế giới vĩnh hằng. Thần linh hiển hiện trong tấm lòng nhân hậu, bao dung, thân thiện của con người. Thần linh hiển hiện ở những vị thánh có thật trong cuộc đời: Mahatma Gandhi, Jawahar Lal Nehru, Rabindranath Tagore… Những tấm lòng nồng nàn, trân trọng dành cho Việt Nam của Ông Geetesh Sharma, Bà Kusum Jain, những người sáng lập và tự kiếm tiền duy trì hoạt động phong phú, hiệu quả của I-VSC (Indo – Vietnam Solidarity Committee) suốt nhiều năm qua cũng là những thần linh của tình hữu nghị Việt-Ấn. Những thần linh ấy đang có mặt trong cuộc sống bề bộn, tất bật của Ấn Độ hôm nay.

Có thần linh là có đức tin, có những tín điều tốt đẹp của mỗi người và của cả xã hội. Vì thế ở Ấn Độ tôi không hề thấy một quán nhậu. Không tìm thấy ở thành phố Kolkata mười ba triệu dân một quán bia. Puri là thành phố du lịch, trên đường phố nườm nượp khách Âu Mỹ, khách Tây Tạng, khách Nhật Bản… cũng chỉ có những quán giải khát với những loại nước uống: Tea giá 3 Rs (Rupees) một li, Coffee 5 Rs, Milk 5 Rs, Masala, nước trà pha sữa tươi đun nóng, 5 Rs. Thống đốc bang Tây Bengan đãi tiệc các nhà đầu tư và khách văn chương nước ngoài dự World Poetry Festival cũng chỉ có nước tinh khiết đóng chai. Các nhà văn, nhà thơ, nhà hoạt động xã hội nước chủ nhà mời cơm chia tay khách văn chương Việt Nam ở khách sạn ba sao cũng chỉ có nước tinh khiết và những lời nói nồng nàn hơn rượu mạnh.

Việt Nam cũng là đất nước của thần linh. Hơn ngàn năm bị phương bắc cướp nước, hơn trăm năm bị phương tây xâm lược mà những đền, chùa, đình, miếu cổ kính vẫn yên ả dưới tán đa, tán trúc. Nhưng chỉ vài chục năm cách mạng vô sản, nhiều đình chùa có tự ngàn xưa bị san phẳng, thần linh bị báng bổ. Đức tin và tính bản thiện trong con người mất đi, thay vào đó là sự đố kị, tranh giành, đấu đá nhau. Người hiền có tâm và có tài đành lui về trong dân dã. Kẻ bất tài tham lam thắng thế. Những thần linh giả được đôn lên. Thần tài được tôn thờ. Ở cơ quan nhà nước thay vì thờ thần dân, nguyện làm công bộc cho dân, người ta chỉ biết có thần tài. Lập bàn thờ thần tài ở cơ quan rồi lại dùng thời gian của dân, tiền bạc của dân, xe công của dân đi chùa xa, chùa gần cầu tài cầu lộc cho riêng mình!

Với người có đức tin thì thần phật ở ngay trong tâm họ. Đó là thế giới tâm linh sâu thẳm, yên tĩnh của họ. Còn với người vụ lợi, không có thế giới tâm linh, họ chỉ có thế giới vật chất, thế giới ô trọc của ăn nhậu. Công chức nhà nước hết giờ làm việc hẹn nhau ở nhà hàng, quán nhậu. Buổi trưa, buổi chiều, bàn nhậu tràn ra kín vỉa hè. Những tiếng gào “Dzô!” đầy hứng khởi vang rền từ phố phường đến làng mạc.

Dzô! Tiếng gào thèm khát ấy làm méo mó cả nền kinh tế. Đất nước chỉ có hơn tám mươi triệu dân còn ở mức sống nghèo khổ, thu nhập vào loại thấp nhất thế giới mà có cả gần chục nhà máy bia trải đều từ bắc vào nam! Thác bia xối xả đổ vào cuộc sống làm sạt lở cả nền văn hiến do dòng chảy văn minh sông Hồng hàng ngàn năm bồi đắp nên. Tiền nộp ngân sách nhà nước của nhà máy bia Hilda trở thành nguồn thu ngân sách lớn nhất tỉnh Thừa Thiên Huế. Vì thế, người dân càng uống nhiều bia thì ngân sách nhà nước càng có nhiều tiền cho các quan tham bòn rút! Nền kinh tế trông nhờ vào những li bia sủi bọt là nền kinh tế ăn xổi ở thì, nền kinh tế bóc lột hiện tại và lạm thu vào tương lai vì tương lai sẽ phải trả giá cho nguồn thu từ những li bia hôm nay!

Dzô! Tiếng gào khoái trá, ham hố ấy làm băng hoại cả xã hội. Hầu hết những thỏa thuận khuất tất, những liên minh làm ăn phi pháp, những lối đi đêm ma quỉ, những cuộc mua bán lương tâm đều diễn ra ở những quán nhậu đãi đằng nhau. Tiền chi cho những bữa nhậu đó nếu không là tiền chùa thì cũng là tiền “đầu tư ban đầu” của những “phi vụ” làm ăn phi pháp!

Dzô! Tiếng gào man rợ ấy tàn phá xã hội từ tế bào nhỏ nhất là gia đình. Bữa cơm gia đình là giây phút đầm ấm, thiêng liêng của mỗi gia đình, nó tạo nên lực hướng tâm bền vững của tế bào gia đình, trong đó người đàn ông, người chồng, người cha là trung tâm, là hạt nhân tế bào đó. Những cuộc hẹn hò triền miên ở nhà hàng, quán nhậu đã rứt những hạt nhân ấy ra khỏi tế bào gia đình. Thiếu vắng hạt nhân tế bào, lực kết dính của tế bào gia đình suy giảm, sự bền vững của gia đình cũng suy giảm theo. Thiếu vắng hạt nhân gia đình, giáo dục gia đình cũng thiếu vắng, những đứa trẻ trong gia đình trở nên bơ vơ sẽ bị lực hút của những tội lỗi xã hội lôi cuốn!

Không gian ăn nhậu trải rộng khắp nước, không khí ăn nhậu bao trùm xã hội đã tạo ra một hạng người “ăn lấy được” khá đông đảo. Và tham nhũng cứ tràn lan!


Thế kỉ hai mươi sôi sục những cuộc cách mạng xã hội giành lại phẩm giá dân tộc và ào ạt những cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật đưa con người bước những bước dài vào khám phá thế giới tự nhiên. Đó là thế kỉ con người nhận thức lại thế giới và các dân tộc nhận thức lại mình. Bùng nổ domino, những cuộc cách mạng ấy cuốn hút cả loài người vào dòng thác tiến hóa, không dân tộc nào có thể đứng riêng lẻ, biệt lập. Các dân tộc đều cần có nhau, liên quan với nhau. Vì thế, nhận thức lại dân tộc mình, nhận thức lại thế giới cũng đòi hỏi phải nhận thức ra bạn đường của dân tộc mình và nhận thức ra hướng đi cần thiết, phù hợp cho dân tộc mình. Ấn Độ là một dân tộc rất gần gũi với chúng ta. Gần gũi về địa lí. Gần gũi về văn hóa. Gần gũi về tâm hồn. Gần gũi về lối sống. Gần gũi cả về trình độ phát triển xã hội. Ấn Độ và Việt Nam lại cùng có chung hoàn cảnh lịch sử, cùng là nước nông nghiệp lạc hậu bị tư bản công nghiệp phương tây xâm chiếm, bị tước đoạt độc lập, cướp bóc tài nguyên, bóc lột sức người. Nhưng để giành lại phẩm giá dân tộc, mỗi nước đã chọn một con đường khác nhau, phải trả giá khác nhau và các hệ hụy còn đến hôm nay cũng khác nhau. Đến Ấn Độ, tôi cứ suy nghĩ về cái khác nhau ấy.

Lịch sử để lại cho Ấn Độ sự phân biệt đẳng cấp rất sâu sắc. Nhưng Mahatma Gandhi, dù ở tầng lớp trên, nhưng với chủ trương không bạo động, ông đã vận động các tầng lớp xã hội không phân biệt giai cấp, tôn giáo, giai cấp và tôn giáo phải hoà tan trong dân tộc. Chỉ còn sức mạnh đoàn kết của dân tộc Ấn đối thoại với thực dân Anh, đấu tranh chính trị và đấu tranh nghị trường với thực dân Anh đòi lại độc lập. Trước sự đấu tranh đó, với tính toán quen thuộc của chủ nghĩa thực dân: Chia để trị, người Anh chia Ấn Độ thành hai quốc gia và trao trả độc lập cho hai quốc gia với hai tôn giáo khác nhau, Ấn Độ giáo và Hồi giáo. Với những mâu thuẫn của lịch sử để lại, lại được chủ nghĩa thực dân khoát sâu thêm, hai quốc gia ấy ắt không thể dung hoà nhau, phải chém giết nhau và lại phải cần đến sự có mặt của người Anh! Trí tuệ thực dân đã đúng một phần, phần logic hình thức. Cuộc chiến tranh của hai quốc gia tôn giáo khác nhau đã nổ ra. Nhưng trí tuệ thực dân đã không tính đến ý thức dân tộc. Cuộc nội chiến tương tàn Ấn – Hồi cho những ý thức dân tộc Ấn nhận ra rằng trong một quốc gia, dân tộc phải cao hơn giai cấp, cao hơn tôn giáo. Mahatma Gandhi đã bền bỉ thức tỉnh ý thức dân tộc Ấn và hơn một năm sau Ấn Độ đã thực sự độc lập, thống nhất và bình yên đến hôm nay.

Đại Hội Thơ Thế Giới (World Poetry Festival) năm 2008 do Ấn Độ tổ chức kéo dài ba ngày ở thành phố Kolkata vừa kết thúc thì đến ngày lễ Độc lập lần thứ 59 của Ấn, ngày 26, tháng Một, năm 2008. Từ hôm đến Ấn Độ hôm nay tôi mới được một ngày thư thả. Hôm nay mới có thể đi ngắm nhìn sinh hoạt của thành phố mười ba triệu dân này. Rời khách sạn, tôi hoà vào dòng người đi bộ đông đúc trên hè phố. Đường phố Kolkata như đường phố Sài Gòn sau ngày mới giải phóng, hàng hóa bày bán tràn ngập vỉa hè. Thượng vàng hạ cám đủ các mặt hàng và nhiều nhất là vải vóc, quần áo, túi xách, va ly. Quanh quẩn thế nào tôi lại đi dọc vỉa hè một vườn cây rộng lớn. A, tôi nhận ra đây chính là vườn cây có tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh mà hôm đầu tiên chúng tôi ở Kolkata, ông Prem Kapoor ở Ủy ban Việt-Ấn đã dẫn chúng tôi đến. Tôi liền tìm đến góc vườn cây nhìn ra ngã tư lớn. Trước tán bồ đề, bức tượng chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh nhỏ nhắn, khiêm nhường. Mặt trước bệ tượng có dòng chữ vàng: Vì tư tưởng lớn của Người, hãy để tinh thần Hồ Chí Minh sống mãi! (For the greal cause to prevail let the spirit rise for ever Ho Chi Minh) Hồ Chí Minh là người có công lớn trong việc xây đắp mối quan hệ Việt Nam – Ấn Độ thời sau thực dân. Nhưng đến Ấn Độ, nhắc đến Gandhi, nhìn lại con đường đòi lại độc lập của Ấn Độ tôi cứ tiếc nuối, cứ ngẩn ngơ nhớ đến cụ Phan Châu Trinh.

Cùng thời với Gandhi, chúng ta có Phan Châu Trinh. Cùng tư tưởng, cùng cách lựa chọn như Gandhi, Phan Châu Trinh cũng chủ trương không dùng bạo lực, không đẩy người dân tay không ra đối đầu với súng đạn thực dân mà phải trước hết nâng cao dân trí cho họ. Dân trí cao, người dân sẽ ý thức được quyền con người, quyền dân tộc mà bền bỉ đấu tranh chính trị, đấu tranh nghị trường giành độc lập. Gandhi đã thực hiện điều đó. Ấn Độ đã giành độc lập theo cách đó và đã thắng lợi!

Định mệnh trớ trêu đưa đẩy, chúng ta đã chọn con đường cách mạnh vô sản! Sự lựa chọn ấy đã xác định luôn cả bạn đường cho dân tộc ta là giai cấp vô sản thế giới! “Vô sản tất cả các nước liên hiệp lại” Tiêu chí giai cấp được đưa lên trên hết. Dân tộc không còn được tính đến. Dân tộc phải hoà tan trong giai cấp. Từ một khái niệm còn mơ hồ, giai cấp bỗng hiện hình sừng sững trùm lên xã hội, đè xuống từng số phận con người! Từ đây con người Việt Nam vốn bao dung, nhường nhịn “Chín bỏ làm mười”, “Tranh quyền cướp nước chi đây / Coi nhau như bát nước đầy là hơn”, con người Việt Nam vốn chan chứa thương yêu “Thương người như thể thương thân”, dân tộc Việt Nam vốn rộng lòng đùm bọc “Nhiễu điều phủ lấy giá gương / Người trong một nước phải thương nhau cùng”, bỗng thành con người khác, dân tộc khác.

Con người ấy, dân tộc ấy bỗng đằng đằng sát khí ôm súng lao vào hết cuộc chiến tranh này đến cuộc chiến tranh khác, lâu dài và thảm khốc! Con người ấy, dân tộc ấy bỗng lạnh lùng, cay nghiệt tay cầm nghị quyết mê mải đi từ cuộc đấu tranh giai cấp này đến cuộc đấu tranh giai cấp khác. Mất mát của chiến tranh trải rộng trên đất nước, đè nặng xuống số phận dân tộc. Nỗi đau từ đấu tranh giai cấp thấm sâu vào bao số phận con người.


Bước vào cuộc chiến tranh từ Nam Bộ kháng chiến, ngày 23, tháng chín, năm 1945, đến khi quân đội Việt Nam rút khỏi Campuchia, 1989, chúng ta mới thực sự bước ra khỏi chiến tranh. Hơn bốn mươi năm trời liên tiếp mấy cuộc binh đao khốc liệt. Và khốc liệt nhất, mất mát lớn nhất, đau thương lớn nhất, phân rã, li tán dân tộc lớn nhất là cuộc tương tàn nam bắc hơn mười năm trời! Bọc trăm trứng của Mẹ Âu Cơ ngày nào nay tan tác muôn nơi, hàng triệu người trôi dạt tận góc biển chân trời nơi đất khách quê người.

Cuộc đấu tranh giai cấp dai dẳng đến tận hôm nay khởi đầu từ cơn địa chấn Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930: “Trí, Phú, Địa, Hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”! Trí thức và phú nông, giàu có trí tuệ và giàu có của cải là mục tiêu trừ diệt hàng đầu của đấu tranh giai cấp! Điều này đã xuyên suốt toàn bộ lịch sử cuộc đấu tranh giai cấp ở nước ta!

Đấu tranh giai cấp ở nông thôn là nỗi kinh hoàng của cải cách ruộng đất mà đến nay nhắc đến, những người từ thế hệ chúng tôi về trước còn rùng mình sởn gáy! Đấu tranh giai cấp ở thành thị là hai cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, sau năm 1954 ở miền bắc và sau năm 1975 ở miền nam làm đình đốn sản xuất kinh doanh, hủy hoại tài sản, máy móc. Cuộc cải tạo sau thảm hoạ nặng nề hơn cuộc cải tạo trước vì trong cuộc cải tạo sau của cải đồ sộ hơn, máy móc nhiều hơn, hiện đại hơn, sự đình đốn trầm trọng hơn, cuộc sống nghẹt thở hơn. Đấu tranh giai cấp trong hàng ngũ cách mạng là áp đặt những tội danh không có thật, tạo ra những bản án không xét xử, hành xử độc đóan và tàn bạo đối với một loạt nhà cách mạng trung kiên, có trí tuệ sáng láng đi trước thời đại. Cùng căn cốt nông dân, bước đi của cách mạng vô sản Việt Nam thường lặp theo bước đi của cách mạng vô sản bên nước lớn Trung Hoa nhưng với cái gọi là “Vụ án Xét lại, chống đảng” này, chúng ta đã đi trước cả cách mạng văn hóa bên Trung Hoa! Cơn mê sảng cách mạng văn hóa qua đi, nước lớn kia đã khôi phục lại danh dự cho những người bị đấu tố và hãm hại oan sai. Còn chúng ta đến bây giờ vẫn chưa có được sự dũng cảm đại nhân đó! Đấu tranh giai cấp trong trí thức là cuộc đấu tố “Nhân Văn Giai Phẩm”, áp đặt tội danh không có thật để đày đoạ thể xác, tước đoạt quyền lao động sáng tạo của hàng chục nhà khoa học và văn nghệ sĩ hàng đầu, có công, có tài và có tâm huyết. Cuộc đấu tranh giai cấp bạo liệt đạp lên luật pháp kéo dài đến tận hôm nay với những cuộc bắt bớ, tù đày hàng loạt cán bộ cao cấp và trí thức có chính kiến khác biệt không phù hợp với cách mạng vô sản!

Đó là cái giá chúng ta phải trả cho con đường cách mạng vô sản chúng ta đã chọn!

Đòi được độc lập bằng đấu tranh chính trị và đấu tranh nghị trường nên Ấn Độ có nền nếp dân chủ đại nghị từ ngày đó. Dân chủ thực sự, người dân thực sự có quyền công dân và bằng lá phiếu, họ có vai trò quyết định chính trường. Vì thế chính quyền muốn tồn tại phải được lòng dân. Một chính khách lớn, tài giỏi và có uy tín, bà Thủ tướng Indira Gandhi đã đưa Ấn Độ vượt qua thời nghèo khó bước vào thời phát triển nhưng chỉ vì quyết liệt hạn chế sinh đẻ để nâng cao mức sống cho người dân, đàn ông đã có một con phải thắt ống tinh, vì chính sách xã hội tích cực nhưng chưa được lòng dân đó bà Indira Gandhi không nhận đủ số phiếu để thắng cử trong nhiệm kì kế tiếp. Đó, dân chủ là thế đó! Dân chủ cho người dân bé nhỏ nhưng có vai trò quyết định gương mặt chính trường.

Còn chúng ta suốt hơn nửa thế kỉ giành và giữ chính quyền bằng bạo lực cách mạng chúng ta đã coi chính quyền tồn tại bằng bạo lực như một lẽ đương nhiên, như là điều bình thường. Một xã hội dân sự yên hàn nhưng chính quyền vẫn chuyên chính với dân, vẫn dùng bạo lực trả lời những ý kiến khác biệt thì không thể bình thường. Xài bạo lực quá lâu đã trở thành nghiện, khi ấy bạo lực đã trở thành ma túy của chính quyền! Quá ghiền, quá ỷ vào bạo lực, làm sao có thể nói đến dân chủ! Đó là một hệ lụy do con đường chúng ta chọn để lại cho chúng ta!

Bạn tôi, nhà văn THD sau hơn một tháng sang Bangkok ở với con trai trở về, kể: Hôm ấy, hai cha con đang đi trên phố thì thấy một đoàn cả ngàn người biểu tình ủng hộ ông Thaksin, Thủ tướng vừa bị phái quân đội lật đổ. Không quan tâm đến chính trường Thái và mấy ông Thủ tướng của họ nhưng thấy người Thái được công khai, thẳng thắn bộc lộ thái độ, chính kiến chính trị thì sướng quá, hai cha con liền nhập vào đoàn biểu tình. Đi trong tiếng hô vang của người dân xứ Thái ủng hộ ông Thủ tướng vừa bị lật đổ, nước mắt nhà văn xứ Việt của chúng ta cứ úa ra ràn rụa thương cho dân Việt mình bao giờ mới có được cái quyền bình thường này!

Đến Ấn Độ, nhìn lại con đường đi đến độc lập của Ấn Độ và của Việt Nam, tôi hiểu nguyên do nỗi thiệt thòi của dân mình nên chỉ còn biết ngửa mặt lên trời mà than cho định mệnh trớ trêu của lịch sử nước mình.

Phạm Đình Trọng
Nguồn: báo Tổ Quốc, số 37 (15/03/2008)

TIN LIÊN QUAN :

Nhà Văn PHẠM ĐÌNH TRỌNG Từ Bỏ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (nhanquyenchovn)

Nhà Văn PHẠM ĐÌNH TRỌNG Tường Trình BUỔI LÀM VIỆC CUỐI CÙNG với TỔ CHỨC ĐẢNG (nhanquyenchovn)
Thông báo về việc từ bỏ đảng tịch đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam
(thông luận)
Nhà văn Phạm Đình Trọng sinh năm 1944 tại Hải Phòng, hiện sống tại Thành phố Hồ Chí Minh. Một số tác phẩm của ông đã xuất bản bao gồm: Rừng và biển (1981), Một sự nổi tiếng (1987), Sự tích đảo (1993), Cuộc gặp gỡ muộn màng (1994), Ve ve nói chẳng thèm nghe (1995), Niềm vui lớn của mẹ (2004), Một thuở (2008)…Bài liên quan:
“Thư gửi Thủ tướng về vấn đề khai thác bauxit Tây Nguyên”
. Thông Luận, ngày 07/03/2009.
“Ăn mày dĩ vãng – thực chất cuộc vận động học tập tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh”.
Thông Luận, ngày 14/07/2009.
“Thời nghịch lí”
. Thông Luận, ngày 30/09/2009.

.

.

.

No comments:

Post a Comment