Nền học vấn bong bóng xà phòng và sản xuất “găng tay ATM”
Trực Ngôn
Đăng bởi boxitvn on 24/04/2010
Những điều bác Trực Ngôn nói đều là những điều đáng nói, bởi đang diễn ra như cơm bữa trong thực tế hàng ngày. Nhưng cũng có những điều bác kiểm nghiệm chưa đến nơi, hoặc vì vấn đề nhạy cảm nên chỉ mới hé lộ một phần.
Chẳng hạn bác Trực Ngôn đâu biết rằng trong khi đi tìm mua một tờ báo chính thống ở những người bán báo dạo không ra thì lại có một nơi bán những loại báo ấy rẻ rề, mà muốn mua bao nhiêu cũng có. Không những báo, cả những sách kinh điển được xem là gối đầu giường, đến đấy cũng thấy bị xé bìa, chồng đống không biết bao nhiêu mà kể. Đó là các cửa hàng bán giấy lộn và giấy gói đồ. Lạ một cái, năm 1979, người viết những dòng này nhân có việc đi qua chợ Cồn, Đà Nẵng đã thấy những sách báo nói trên chất chồng ở đấy.
Vì sao thế nhỉ? Phải chăng vì loại xuất bản phẩm này không được coi là hàng hóa nên được in vô tội vạ nhằm thỏa mãn tâm lý “kiêu ngạo cộng sản”: chắc chắn các điều hay lẽ phải như kia thì phải có nhiều người đọc chứ. Và chính vì vậy, quy luật thị trường khắc nghiệt đã đặt chúng trở lại đúng với tính chất hàng hóa của chúng, mà hàng hóa ở đây đã chuyển đổi chức năng thành… giấy bao bì. Cho hay, không tính toán giữa cung và cầu thì phải trả giá rất đắt. Mô hình kinh tế nhà nước thua lỗ cũng chính trên cơ sở duy ý chí như vậy.
Chuyện chiếc máy ATM giết người thì giản đơn thôi. Cơ quan nào cho dựng máy lên tất phải chịu trách nhiệm về cái chết của những người rút tiền ở máy. Khốn nỗi nước ta có đủ các bộ luật dày cộp, nhưng xử án thì không cần căn cứ vào luật, nên người phạm luật mới không bị tội, hoặc thoát tội nhờ luật này cãi nhau với luật kia, hoặc nữa dưới luật còn bao nhiêu điều khoản phải chiếu cố, nào thành tích, nào nhân thân. Cái chết tức tưởi của người dân, bởi thế đều rơi tõm vào im lặng, lặp đi lặp lại mãi, khiến dây thần kinh xúc cảm của đám đông cũng mất nhạy bén. Sự phó mặc của cơ quan chức năng trở thành điều nhức nhỗi.
Còn chuyện đạo văn thì không nói hết nữa, bởi vì tệ nạn đạo chích xét từ nhiều phương diện đã phổ biến đến mức án từ chồng đống, chưa nói đến loại trộm cướp ngang nhiên như lâm tặc không coi kiểm lâm ra gì, công an giao thông “làm luật” trên các nẻo đường không coi phép nước là cái gì cả. Hay như gần đây ở các tỉnh miền Trung kẻ cướp dùng mọi phương tiện chặt phá, chuyên chở tối tân, đang đêm kéo đến chặt hết cả một trang trại cà phê hay hồ tiêu đang sắp thu hoạch rồi rùng rùng kéo nhau chở đi. Nhưng quan trọng hơn là cái loại trộm cướp hợp pháp, trắng trợn cướp không đất đai nhà cửa của dân mà lại được coi là đúng luật, người bị cướp gõ khắp mọi cửa đều vô vọng, chuyện ấy còn gây chấn động tâm lý sâu rộng hơn mấy cái thứ trộm cướp táo tơn kể ở trên. Cũng tương tự như thế, chẳng phải trong nhiều năm từ 2009 trở về trước, Tập đoàn Than – Khoáng sản từng đưa hết xe lớn xe nhỏ đi khai thác than lậu ùn ùn giữa ban ngày ban mặt ở Quảng Ninh, vét sạch than bán sang Trung Quốc, thế mà Chính phủ có làm gì họ đâu nếu không nói là còn giao cho họ những trọng trách kiếm bộn tiền hơn.
Thế thì mấy cái việc “luộc” văn giữa nhà giáo nhà văn với nhau, tuy rất xấu hổ nhục nhã thật, đứng về ảnh hưởng xã hội mà nói đã thành ra chuyện nhỏ. Sự thoái hóa phẩm cách làm người trong xã hội hình như đang là một tệ nạn vô phương mà nguồn gốc đầu tiên là bài học trực quan từ những vụ cướp đoạt “danh chính ngôn thuận” do các tập đoàn lợi ích được chính quyền các cấp tiếp tay hoành hành. “Hạ tắc loạn” là hậu quả không sao tránh được.
Nguyễn Huệ Chi
-------------------------
Nguồn: http://www.tuanvietnam.net/2010-04-23-nen-hoc-van-bong-bong-xa-phong-va-san-xuat-gang-tay-atm-
.
.
.
No comments:
Post a Comment