Sunday, April 4, 2010

CÁI CƯỜI TRONG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA (I)

Cái cười trong Xã Hội Chủ Nghĩa (I)
Võ Phiến

Trịnh Bình An biên tập và giới thiệu

03-04-2010

http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7290

Trịnh Bình An Vừa qua, một bài báo trong nước có tựa “Văn chương trào phúng: Âm thầm và mạnh mẽ” đã nêu lên vài điểm chính của văn chương trào phúng Việt Nam hiện nay. Người đọc rất ưa chuộng loại văn hài hước dí dỏm này, nhưng tiếc thay, người viết thể loại trào phúng không nhiều, còn tác phẩm văn trào phúng còn quá ít ỏi.

Bài viết cũng kể ra,

“Trong làng văn học Việt Nam, thể loại trào phúng trước đây khá phát triển. Nổi tiếng nhất có thể kể đến Vũ Trọng Phụng với tác phẩm để đời, “Số đỏ”. Tác phẩm đã được chuyển thể thành tác phẩm sân khấu, điện ảnh. Trước đó, trào phúng, châm biếm cũng đã rất quen thuộc trong văn học Việt Nam thông qua các tác phẩm thơ với những tên tuổi như Tú Xương, Hồ Xuân Hương… sau này có những Tú Mỡ, Bút Tre…”

Từ đó tác giả cho rằng: Tuy một số tờ báo chuyên về trào phúng vẫn sống được mạnh mẽ nhưng chính vì thiếu hụt các tác phẩm lớn nên văn chương trào phúng bị cho là chỉ quanh quẩn bên trong các tờ báo, tập san mà không thể đứng riêng trong thị phần văn học trong nước.

Tại sao văn chương trào phúng không cất cánh được? Không phải văn chương nghệ thuật Việt Nam, từ rất lâu, đã luôn luồn tràn đầy tiếng cười hay sao? Nếu nói rằng không có được những tác phẩm văn học lớn như “Số đỏ” thì cần hỏi thêm, “Tại sao không có?”

Trong loạt bài “Chúng ta qua cách viết”, nhà văn Võ Phiến đã phân tích tỉ mỉ lý do tại sao văn chương trào phúng bị nghẽn mạch khi nằm dưới sự kiểm soát gắt gao của chế độ cộng sản. Những bài viết này đã được đăng từng kỳ trong một tờ tuần báo vào khoảng cuối năm 1969 tại Sài Gòn và trong tập “Tiểu Luận” do nhà xuất bản Văn Nghệ phát hành năm 1988 tại California.
-------------------------------------

Cái vui dưới sự lãnh đạo

Thời tiền chiến, người viết trào phúng bằng văn vần xuất sắc nhất của chúng ta là Tú Mỡ. Tú Mỡ nổi bật hẳn lên, lấn át tất cả, đến nỗi nói đến thơ trào phúng bấy giờ cơ hồ ai nấy chỉ nghĩ đến Tú Mỡ, như người duy nhất.
Người ấy đã sang phía bên kia từ hăm bốn năm nay (Từ 1945 - DCVOnline). Thế mà tiếng cười không cùng sang với người ấy.
Mặc dầu tiếng cười hay lôi cuốn kẻ xung quanh, hăm bốn năm vẫn chỉ có Tú Mỡ tiếp tục cười, gần như một mình. Nhà nước có cổ võ, nhưng không có ai phụ họa.

Biết thế, là căn cứ vào Tạp chí Văn học của Hà Nội số 9-1965, đăng bài “Phỏng vấn một số nhà văn”. Phỏng vấn Tú Mỡ là một cán bộ nghiên cứu trong Tổ Nghiên cứu Văn học Hiện đại Việt Nam của Viện Văn học. Trong các câu hỏi đặt ra cho Tú Mỡ, có câu, “Có người cho rằng trong phong trào chống Mỹ sôi nổi hiện nay, thơ trào phúng có phần thưa thớt so với các loại thơ văn khác.” Lại có câu, “Có người ngại rằng thơ trào phúng sẽ sút kém khi nhà thơ Tú Mỡ trăm tuổi.” Dù dè dặt, khéo léo, các cán bộ nghiên cứu vẫn tiết lộ cho thấy văn học ngoài Bắc đang thiếu tiếng cười, và Tú Mỡ tuy già nua héo hắt vẫn là kẻ “tươi” nhất nước: một mai ông cụ ấy đi đời thì cả xứ sẽ tối sầm.

“Có người cho rằng”, “có người ngại rằng”... cái “người” ấy không thể là một ông A, ông B nào đó. Không phải ai cũng được phép lo ngại những điều bi quan như thế. Ấy có lẽ chính là nhận định của Tổ Nghiên cứu Văn học Hiện đại, hay là của Viện Văn học cũng nên. Tức một nhận định chính thức của giới hữu quyền.

Sự tiết lộ của các cán bộ tổ nghiên cứu được xác nhận bằng tác phong, ngôn ngữ của những người từ Bắc mới vào Nam, bằng cách tác phẩm văn nghệ miền Bắc.

Nam Hải, tác giả truyện Trời phương Bắc hiện đang đăng trên Tiền Tuyến, theo lời Thi Thạch là một thanh niên hồi 1954 mới vừa tới tuổi học mẫu giáo. Như vậy hiện nay anh chừng hăm một hăm hai. Thi Thạch cũng là người miền Bắc, tuy có hơn Nam Hải mấy tuổi nhưng cũng thuộc một lớp trẻ, hai bên suýt soát nhau. Thế mà Thi Thạch lấy làm bỡ ngỡ trước ngôn ngữ của Nam Hải:

“Hỏi anh, Anh viết vào lúc nào?
Anh trả lời, Thường thường, tôi “tranh thủ” vào buổi trưa.
Và, sau câu chuyện, anh lễ phép kết luận, Tôi xin “tiếp thu” ý kiến của anh” (1)

Nam Hải lọt lòng ra trong chế độ, còn Xuân Diệu chẳng hạn thì được chế độ tái sinh. Xuân Diệu cũng nói tiếng nói mới, nghe cũng ngộ nghĩnh lắm, “Lần đi “thực tế” vừa qua, đòi “thâm nhập” ngành Bưu Điện...”(2)... “có hai người bấm đèn pin đến tìm tôi: Anh em đang chờ anh đến “phục vụ thơ” (3)... “Tôi đi hai tháng vào khu 4, về thì một người em đã “đi ba sẵn sàng” rồi, vào bộ đội cao xạ pháo bắn máy bay Mỹ...” (4). Giả sử một thi sĩ khác cùng là người Bắc, cùng lứa tuổi với Xuân Diệu, là Vũ Hoàng Chương chẳng hạn, mà tình cờ có dịp tiếp chuyện với Xuân Diệu thì cảm tưởng của ông Vũ chắc chắng không khác Thi Thạch.
Cảm tưởng ấy là “ngôn ngữ hình như cũng biến dạng”. (5)

Ngôn ngữ vẫn là một hình thức phản ảnh tâm hồn. Ngôn ngữ ở miền Bắc đã đổi thay theo một chiều hướng khác với miền Nam như thế, tâm hồn con người hai nơi tất nhiên cũng dần dần xa cách nhau.
Nhưng tâm hồn là cái gì rắc rối phức tạp, không hy vọng tìm hiểu toàn diện một cách nhanh chóng dễ dàng. Thôi thì hãy tạm ngắm nghía qua loa phong thái con người ngoài Bắc gần đây: phong thái cũng phản ảnh tâm hồn nữa. Bắt gặp nhiều phản ảnh, có thể có một ý niệm về tâm hồn.

Thi Thạch mô tả Nam Hải, “Nam Hải có vẻ trầm tĩnh, chịu khó, và lúc nào cũng như sẵng sàng chấp nhận sự ghép mình trong kỷ luật”. (6)
Cái nhìn săn sóc thân thiện của Thi Thạch đã phơi bày khía cạnh đẹp đẽ của phong thái nọ. Một cái nhìn khác - cái nhìn của Như Mai đối với Nghiêm Văn Túc (trưởng ban nội quy tại nông trường tập thể Con Én) (7), cái nhìn của Trần Lê Văn đối với Lê Hùng Tiến (tức Nguyễn Vinh Hoa) - lại phơi bày một khía cạnh khác, của phong thái ấy.
Trần Lê Văn mô tả Lê Hùng Tiến, “Người anh khô đét lại, thẳng đơ như một cái áo quan, mắt chỉ biết trợn chứ không biết nhìn, mặt tái đi vì luôn luôn giận dữ với các loại khuyết điểm trên đời, hai hàm răng xít lại, dầu có cậy cũng chẳng ra nụ cười”. (8)

A, nụ cười! Cái chủ điểm của chúng ta, lại gặp nó đây rồi! Về vấn đề này, Trần Lê Văn đề cập đến nhiều lần:

“Trước anh cũng có những lúc vui tính và biết cười to như mọi người. Nhưng khi cảm thấy mình quan trọng quá rồi thì anh cười càng ngày càng ít đi. Khi chào ai thì anh chỉ vừa kịp nhếch nửa cái mép nhưng đóng lại ngay , Đây cũng là một cách áp dụng bốn chữ “thái độ nghiêm túc”... “Đồng chí ấy nói đùa anh cũng vâng vâng dạ dạ vì lâu ngày anh quên cả nói đùa.” (9)

Nghe nói Trần Lê Văn là cháu Trần Kế Xương. Nếu ở đất Bắc quả đang xảy ra vụ mất nụ cười, thì kẻ được chỉ định đứng ra lập biên bản vi bằng thật đã khéo chọn lựa.

“Kỷ luật”, “nội quy”, “nghiêm túc”, là những cái tiêu biểu của một nếp sinh hoạt. Nó khắc khổ.
“Tranh thủ”, “đi thực tế”, “đi ba sẵn sàng” v.v... là những tiêu biểu của một thứ ngôn ngữ. Nó theo sát các khẩu hiệu, nó rập khuôn các chỉ thị công tác chính trị. (“Phong trào hành động cách mạng của thanh niên Việt Nam với ba nội dung: sẵn sàng gia nhập lực lượng vũ trang đi chiến đấu; sẵn sàng khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, công tác, học tập; sẵn sàng đi bất cứ nơi nào Tổ quốc cần. Ba sẵn sàng do thanh niên Hà Nội khởi xướng, được Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam phát động trên toàn Miền Bắc Việt Nam từ 09/08/1964.”
DCVOnline trích
http://dictionary.bachkhoatoanthu.gov.vn).

“Chẳng ra một nụ cười”, “quên cả nói đùa”... là tiêu biểu của một trạng thái tâm hồn, một nét tính tình. Nó khô khan, cằn cỗi. Cái đặc điểm ấy trong đời sống tinh thần của miền Bắc đã khiến cho trong cả một thế hệ trẻ tuổi “người người lớp lớp” không tìm ra một anh nào nghịch ngợm tinh quái bằng ông cụ già Tú Mỡ.

Sự nhận định của Viện Văn học không phải vô căn cứ, mối lo ngại của Viện không phải vu vơ, hiện tượng thiếu cười ở ngoài Bắc không phải là điều ngẫu nhiên.

Cái vui hồng

Bắc Việt không phải là xứ cộng sản nghiêm túc duy nhất. Để ý đến sách báo các nước cộng sản khác, đặc biệt là hai nước đàn anh gương mẫu Nga Hoa, người ta cũng gặp trường hợp tương tự.

Nghiên cứu về văn học Trung Quốc hiện đại, ông Nguyễn Hiến Lê nhận thấy tại lục địa, dưới quyền Mao Trạch Đông, cách thức viết của nhà văn bị bó buộc theo một chiều hướng không thuận lợi cho thể trào phúng.

“Hài kịch cũng không được hoan nghênh lắm. Vì châm biếm ai bây giờ trong cái thời kiến thiết này? Nông, công, binh tất nhiên cũng còn ít nhiều tật nhỏ đấy, nhưng nhà văn phải thân ái sửa sai, hướng dẫn họ chứ sao châm biếm? Đời là một cuộc chiến đấu, mà chiến đấu thì phải nghiêm trang chứ không được bông lơn. Còn như bọn phong kiến, tư sản, nếu có kẻ nào muốn phản động thì phải đả cho mạnh, phải diệt cho hết chứ đâu có đáng để châm biếm.” (10)
Ông Nguyễn chỉ nói đến hài kịch. Nhưng theo lý luận của ông thì cái hài tại Hoa lục nó không chỉ thiếu ở kịch, có thể không bộ môn văn nghệ nào không thiếu nó: “châm biếm ai bây giờ?” Vả lại trong các tác giả và tác phẩm của Hoa lục sau 1949 mà ông giới thiệu không thấy có nụ cười.

Về Nga Xô, André Pierre nói:

“Điều mà du khách để ý trước tiên ở xứ này, là dân ở đây có vẻ không mấy khi cười. Người nhân viên quan thuế tiếp đón ta, người sĩ quan M.V.D. (bộ Nội vụ và An ninh) kiểm soát giấy thông hành của ta, người Militzioner (cảnh sát viên) điều hành sự lưu thông hay cô gái của cơ quan Du lịch hướng dẫn ta thăm viếng các lâu đài, tất cả những người ấy đều khiến ta chú ý đến một đặc điểm chung: vẻ nghiêm túc.

Cảm tưởng hời hợt chăng? Đúng và sai. Sai - bởi vì khi lưu trú lâu ngày du khách sẽ được biết rằng ở Nga Xô nếu người ta còn bật cười lúc đọc tờ báo nào đó, lúc đi xem hát, đi xi-nê, hay xem xiếc, thì thường thường tiếng cười ấy được tổ chức, chỉ huy, hướng dẫn. Như thể người ta cười có nhịp có nhàng, và kẻ cầm trịch đánh nhịp là nhà nước” (11)

Trong cuộc sống, người Xô Viết nghiêm túc. Trong văn chương cũng thế, mở các tờ báo Pravda, Izvestia, Troud, v.v... ra, không thể tìm thấy tranh vui, chuyện vui, không thấy “anh Tám Xạc-ne”, “Bức tranh vân cẩu”, “Phú-de Giao chỉ” v.v... Những tờ báo như thế không phải để giải trí, cũng không phản ảnh cách sinh hoạt muôn mặt của cuộc sống thường nhật, không gợi lên cái không khí họp mặt tán gẫu tùm lum, như phần nhiều nhật báo ở xã hội chúng ta. Không. Những tờ báo như thế luôn luôn đứng đắn, chững chạc: toàn những bình luận, diễn từ, tài liệu, chỉ thị, v.v... Tờ báo là phương tiện nghiên cứu, học tập, không phải là chỗ đùa giỡn. Chúng ta nhớ đến một nét lý thú của xã hội phong kiến ngày xưa: các cụ đọc sách phải ăn mặc chỉnh tề, ngay ngắn.

Những người nghiêm túc cũng có lúc cần phải cười, theo kế hoạch nhà nước. Bấy giờ người ấy đọc tờ Krokodil. Đây là khu vực dành riêng cho tiếng cười (Quái. Cười là đặc điểm của loài người, các giống vật đâu biết đến. Vậy mà có nhiều tờ báo trào phúng chọn mang tên loài vật: Con Ong, Con Cá Sấu, Con Vịt bị xích, v.v...)
Tờ Krokodil chuyên pha trò. Và pha trò là một nhiệm vụ, cũng phải chu toàn một cách nghiêm chỉnh, đúng phép tắc, đúng đường lối. Dĩ nhiên, mỗi sự sai sẩy đều phải trả giá khá đắt. Trước kia, cây bút trào phúng xuất sắc nhất của Nga là Michel Zochtchenko, có lần đã bông lơn quá trớn, vấp một lầm lỗi. Trời ơi, lần ấy Michel Zochtchenko bị một phen khiếp vía. André Idanov thay mặt Trung Ương Đảng mắng nhiếc là “đồ du côn văn nghệ”, là “quân vô nguyên tắc tán tận lương tâm”. Đảng nói dứt khoát: “Y phải biến cải tâm hồn ngay, nếu không thế thì y cứ việc cút ra khỏi lãnh vực văn học Sô viết”. (12)
Trước tai họa xảy đến cho M. Zochtchenko, ai nấy hoảng hồn. Những kẻ bị bắt buộc làm công việc pha trò, phải pha trò trong tâm trạng nơm nớp, đâm mất cả hứng thú, càng ngày càng vô duyên lạt lẽo. Thấy thế, kẻ cầm trịch lại vỗ về, an ủi. Ngày 20-2-1948, trên tờ Krokodil có lời trấn an: “Không! Chúng tôi đâu có phản đối tiếng cười, nhưng cần phải thận trọng trong khi cười cợt (...) Còn mỉm cười thì sao? Vâng, người ta rất có thể mỉm cười, nhưng cũng cần có chừng mức...”

Đó là đường lối cười và đường lối mỉm cười được ấn định tại một xứ sở nơi con người được hoàn toàn giải phóng.

Ở các nước Đông Âu theo chế độ cộng sản, tình trạng đại khái cũng không khác mấy.

“Trước chiến tranh, dân Ba lan, Hung gia lợi thuộc vào số những dân tộc hóm hỉnh nhất Âu châu.” “Ngày nay bầu không khí trở nên nặng nề và chủ nghĩa cộng sản vốn không đề huề với sự mỉa mai, đã đem vào tất cả các nước Âu châu ấy cái đạo mạo và cái nghiêm cách của nó, nó kiểm duyệt ráo trọi, kiểm duyệt đến cả những bài hát của hạng hát rong”. (13)

Phải chăng người cộng sản cũng nhằm một nền văn học nết na, như ông cha chúng ta ngày xưa? “Chủ nghĩa cộng sản không đề huề với sự mỉa mai”, biết “châm biếm ai bây giờ” v.v...; như thế phải chăng cộng sản đố kỵ tiếng cười?
Không phải vậy. Cộng sản lúc nào cũng lăm lăm đấu tranh, mà tiếng cười là một khí giới. Khí giới làm một cám dỗ khó cầm lòng đối với người cộng sản. Cho nên không hề có chuyện cộng sản chê trào phúng.

Trả lời cuộc phỏng vấn của Tạp chí Văn học, Tú Mỡ nói đến “đội ngũ trào phúng” ở miền bắc. Xưa nay trong lịch sử chưa từng có xã hội nào đem hề tổ chức thành đội ngũ. Đội ngũ ấy sa sút, nhà nước lo lắng ra mặt.
Và xưa nay có chế độ nào mà trào đình đặt ra hẳn một cơ quan ngôn luận, cho ra hẳn một tờ công báo chuyên về bông lơn? Krokodil không phải là một công báo sao? Hơn nữa, có lần tờ Literatournaia Gazeta còn đề nghị thành lập một Đại học đường riêng về Hài hước.
Như vậy, trong xã hội bên kia, nhà nước có cù dân. Chẳng qua dưới chế độ hồng, nụ cười hóa xám xịt. Điều đó ở ngoài dự liệu.

Đội ngũ trào phúng

Nhà nước ra tay cù dân là chuyện hãn hữu, nhất là thứ nhà nước đằng đằng sát khí, giết người như ngoé. Chuyện hãn hữu đã xảy ra bên phía cộng sản. Thế mà cái việc cù dân lại không thành công, tiếng cười bên ấy lại thưa thớt, lối cà rỡn bên ấy lại nhạt nhẽo. Tại sao vậy?

Điểm qua “đội ngũ” những kẻ viết trào phúng ngoài Bắc, Tú Mỡ chú ý đến sáu người: Phú Sơn, Huyền Thanh, Nguyễn Đình, Lã Vọng, Chính Nghĩa, và Thợ Rèn. (14)
Về sáu người ấy, Tú Mỡ phê chung một lời... họ “có triển vọng”. (15)
Về ưu điểm của những người có triển vọng, Tú Mỡ nhận xét: “các bạn đều sáng tác đúng và tốt”. Thế nào là sáng tác đúng và tốt? Tú Mỡ giải thích: “viết đúng đường lối của Đảng; nhiều bạn sáng tác thường xuyên, đều đặn, đã chuyên môn hóa trong nghề”. (16)
Nếu lần này Tú Mỡ không có ý pha trò thì tức là ông đã có ý tiết lộ cái nguyên do vì sao mà “đội ngũ” trào phúng của đất Bắc chỉ được mấy người có triển vọng mà chưa có ai thành công. Nguyên do là vì họ phải viết “đúng”.

Châm chọc, chế giễu, là chống đối, là phản kháng. Tinh thần trào phúng nghịch hẳn với tinh thần kỷ luật, với sự vâng lời. Trào phúng một cách ngoan ngoãn là thứ trào phúng quái gở. Ra lệnh cho một lớp người ngoan ngoãn phải trào phúng là đẩy họ vào một tình thế khốn khổ. Tất cả thiện chí của họ bất quá chỉ mong múa may được thường xuyên, đều đặn. Thế là quý rồi.
Sáng tác “đúng”, khó hơn là sáng tác dưới sự kiểm soát của kẻ thù.

Tú Mỡ so sánh:

“Ngày trước không phải mắc mứu về sách lược, về lập trường (cái đó là ở trong tâm mình) nhưng lại bị trói buộc bởi thập điều của tòa kiểm duyệt. Bây giờ được tự do sáng tác, nhưng cái khó là tự mình phải kiểm duyệt mình: viết sai sách lược, sai lập trường thì bài không được sử dụng”. (17)

Sống dưới chế độ nghiêm khắc, Tú Mỡ phải phát ngôn quanh co, tế nhị. Nên có một vài cố gắng để hiểu ông. Chẳng hạn về chuyện “bài không được sử dụng”: ông kiêng các tiếng “cắt”, “xén”, “gạch”, “bỏ” đấy. Tựu trung số phận của những bài ấy dưới chế độ thực dân hay cộng sản đều không khác nhau. Phiên dịch ý tưởng của Tú Mỡ ra một ngôn ngữ thẳng thắn, giản dị, chúng ta có những câu đại khái thế này: Ngày trước hay bây giờ đều có kiểm duyệt. Những gì viết ra sai với chủ trương của thực dân hay cộng sản đều phải vứt bỏ. Chỗ khác nhau là thực dân chỉ có mấy tên tay sai làm kiểm duyệt viên, còn cộng sản bắt buộc tất cả văn nghệ sĩ đều phải biến thành kiểm duyệt viên phục vụ cho họ.

Người ngoài kiểm soát ta, ta còn tránh trút, giấu giếm, che đậy. Đến khi người ngoài đã bắt được ta cúi đầu khuất phục họ, dâng linh hồn cho họ, tự quay về kiểm soát lấy ta, khi ấy thì còn giấu giếm sao được nữa?

Người bị kẻ thù kiểm soát vẫn còn một vài ám khí để đánh lại, người sáng tác “đúng” là người bị giải giới hoàn toàn. Trào phúng là chỉ trích, là “đánh”. Bị giải giới hoàn toàn thì còn đánh đấm sao được nữa?

Ơ kìa!
Sao lại không đánh được nhỉ? Nhà nước chỉ chận những đòn đánh lại nhà nước mà thôi. Nhà nước khuyến khích những đòn đánh vào kẻ địch: vào bọn phản động, bọn “Mỹ xâm lược” v.v... Bộ không phản chủ, không đá ngược, thì không còn cái gì đáng làm sao chớ?
Những cú đá hiểm nhất vẫn là những cú đá
ngược...
Láo. Ai bảo thế?

Vẫn ông Tú Mỡ, bậc thầy trào phúng ở miền Bắc. Nhận định về thời kỳ trước 1945, ông nói: “Về hình thức lời lẽ có nhiều vẻ bóng gió thâm trầm để tránh sự trả thù của kẻ địch có thế lực, do đó nhiều người bảo rằng thơ trào phúng thời trước thâm thúy hơn ngày nay” (18)

Lời châm biếm mà thâm thúy phải là lời châm biếm hướng về những kẻ “có thế lực”, về những kẻ ở trên đầu trên cổ ta, đè nén áp bức ta.
“Đế quốc Mỹ” không phải là một thế lực?

Không phải là một thế lực áp bức lên người dân Bắc Việt. Cũng như sấm sét là những thế lực khủng khiếp, nhưng người ta không hay nghiền ngẫm những lời nhạo báng đối với sấm sét.
Không thể bảo rằng “đế quốc Mỹ” không đụng chạm đến người dân Bắc
Việt.
Hiện thời họ không “đụng chạm” theo kiểu đế quốc Pháp trước 1945.
Họ mang quân đánh Bắc Việt ư? Thì Bắc Việt mang quân đánh lại họ. Việc gì phải châm biếm?

Đế quốc Pháp trước 1945 đè lên dân tộc ta mà dân tộc không đánh lại được họ cho nên mỉa mai châm biếm họ. Lúc dân tộc đã vùng lên quạt Pháp tơi bời cũng là lúc chấm dứt những lời nhạo báng chua cay đối với người Pháp. (DCVOnline viết nghiêng).

Những sức mạnh vô tình như sấm sét, lụt, bão và những sức mạnh mà ta có thể đường hoàng chống cự, có thể đánh ngã, như giặc nọ giặc kia... không phải là những đề tài trào phúng thích thú nhất.
Luận điệu ấy thích hợp với trường hợp các xã hội phong kiến, tư
bản... Nghĩa là những xã hội áp bức. Trong những xã hội ấy, nhà nước thống trị bao giờ cũng đè nén người dân, cho nên những đòn đau nhất của người dân dành để quất lại tầng lớp thống trị.
Đó cũng là luận điệu thích hợp với trường
hợp xã hội cộng sản. Mặc dù ai nấy đều làm lơ, không nhắc đến, nhưng ai nấy ở ngoài Bắc hẳn đều thấy Thi sĩ máy của Như Mai, Đống máy của Minh Hoàng, Bức thư gởi một người bạn cũ của Trần Lê Văn, v.v... là những tác phẩm trào phúng có giá trị. Trần Lê Văn hay Như Mai chẳng hạn, họ dí dỏm, thông minh, cay độc hơn những người “có triển vọng” của Tú Mỡ chứ. Hiển nhiên, nhà nước không thể bảo rằng những đòn của họ không đau.

Chẳng qua Nhân văn-Giai phẩm là một bùng nổ quá ngắn ngủi, nó bị dập tắt ngay, cho nên tinh thần trào phúng không kịp phát triển. Tuy vậy, nó đã kịp chứng minh luận điệu của chúng ta.

Rốt cuộc trào phúng là thế. Nói theo giọng giận dỗi của phía lãnh đạo thì trào phúng vẫn hay “phản chủ”. Nói theo giọng tán thưởng của phía bị lãnh đạo thì trào phúng vẫn đi đôi với tinh thần bất phục tùng. Đội ngũ tráo phúng? Đó là một danh từ hỏng kiểu. Chữ “đội ngũ” gợi ý tổ chức, kỷ luật: tiến, lui, quay phải, quay trái, nhất nhất đều đều theo lệnh. Có thể tưởng tượng những tay trào phúng cừ khôi trong tư thế, trong cảnh ngộ như vậy sao? Ý tưởng ấy mới chính thị khôi hài không gì bằng.


(1) “Tạp ghi”, Tiền tuyến, số ra ngày thứ sáu 24-10-1969.
(2, 3) “Thơ với cuộc sống. Thơ với thực tế”, Văn học (Hà nội) số 9, 1965.
(4, 5, 6) “Tạp ghi”, Tiền tuyến, số ra ngày thứ sáu 24-10-1969.
(7) “Thi sĩ máy”, Châm Văn Biếm, Nhân văn số 5.
(8, 9) “Bức thư gửi một người bạn cũ”, Giai phẩm mùa Thu, tập I.
(10) Nguyễn Hiến Lê, Văn học Trung quốc hiện đại 1898-1960, cuốn 2, nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê 1969, trang 131, 132.
(11) Pierre Daninos, Le tour du monde du rire, Hachette, 1953, trang 134.
(12) Pierre Daninos, Le tour du monde du rire, Hachette, 1953, trang 140.
(13) Pierre Daninos, Le tour du monde du rire, Hachette, 1953, trang 148.
(14, 15, 16, 17, 18) “Phỏng vấn một số nhà văn”, Văn học (Hà nội) số 9, 1965.

.

.

.

No comments:

Post a Comment