Monday, April 5, 2010

BAO NỖI TANG THƯƠNG (1) (Hồi Ký của Thích Trí Lực)

Bao nỗi tang thương (I) - Hồi ký
Trí Lực

05-04-2010

http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7293

DCVOnline: Tác gỉa cuốn hồi ký “Bao nỗi tang thương” là ông Phạm Văn Tưởng. Ông xuất gia ở chùa Linh Mụ Huế lúc 10 tuổi, thọ Tỳ kheo giới năm 1977, suốt ba mươi năm sống đời tăng sĩ dưới tên đạo Thích Trí Lực, và là một thành viên vận động nhiệt thành cho nhân quyền và tự do tôn giáo trong khuôn khổ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

Kể từ năm 1992 ông liên tục bị nhà nước cộng sản bắt và bỏ tù với nhiều “tội danh” bị gán ép như ông kể lại trong hồi ký của mình. Tháng Mười năm 1997, khi công an đuổi ông ra khỏi chùa, và bắt đầu kế hoạch “bức tử” ông: không nơi nương tựa, không có quyền công dân, thường xuyên bị sách nhiễu, bị nhà nước truy bức đến đường cùng, ông đã quyết định trốn qua Cam-bốt xin tị nạn chính trị. Nhưng ngay sau khi Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc cấp thẻ chứng nhận tư thế tị nạn của ông vào ngày 28 tháng Sáu năm 2002, thì công an Việt Nam “bắt cóc” ông ở Nam Vang và đưa về lại Việt Nam ngày 26 tháng Bảy cùng năm, bị giam tù hơn hai năm trước khi thân nhân ông được biết.

Trong phiên xử ngày 12 tháng Ba năm 2004, qua phiên tòa kéo dài trước sau vỏn vẹn một giờ đồng hồ, ông không có luật sư biện hộ và thân nhân ông chỉ được thông báo một ngày trước đó, ông bị kết án với tội danh gọi là "vượt biên để chống chính quyền nhân dân" và bị 20 tháng tù.

Nhờ vào sự can thiệp quốc tế mà ông được rời Việt Nam vào ngày 22 tháng Sáu năm 2004 và hiện định cư ở Thụy Điển.

Các tổ chức nhân quyền trên thế giới, như Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền, Ân Xá Quốc tế, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) đều lên tiếng cực lực phản đối Hà Nội qua sự vụ trấn áp ông Trí Lực, và thái độ "láo lường, dối trá" của Hà Nội. Các Nghị quyết của Quốc hội Âu châu, Quốc hội Hoa Kỳ sau đó cũng đều tố cáo sự vi phạm nhân quyền ở Việt Nam mạnh mẽ. Mới đây, bản Phúc trình về tình trạng Nhân quyền tại Việt Nam của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn còn nhắc tới trường hợp ông Phạm Văn Tưởng, tức Thích Trí Lực, như một bằng chứng Hà Nội vi phạm nhân quyền và các Công ước quốc tế mà chính họ đã từng ký và cam kết tôn trọng.

----------------------------------------------------

Bao nỗi tang thương (I) - Hồi ký của Trí Lực

Chân thành tri ân và ngưỡng mộ những tù nhân chính trị và tôn giáo đã và đang chịu cảnh lao ngục bởi bạo quyền cộng sản gian ác độc tài.

Thành kính đốt nén tâm hương để tưởng niệm những người đã mãi mãi ra đi…


I.- Mái chùa xưa

Hơn bốn trăm năm lịch sử, kể từ khi Ðoan Quốc Công Nguyễn Hoàng vào trấn thủ đất Thuận Hóa, dựng lập chùa Thiên Mụ vào năm 1601, ngôi cổ tự này đã trải qua bao cuộc bể dâu, sao dời vật đổi.

Hòa thượng Thích Ðôn Hậu nối dòng pháp Lâm Tế đời thứ bốn mươi hai, pháp danh Trừng Nguyên, pháp tự Giác Thanh, Ôn (*) là đệ tử của Tổ sư húy Thanh Ninh, tự Tâm Tịnh, khai sơn Tổ đình Tây Thiên ở cố đô Huế. Là một vị Tăng xuất chúng trong chốn thiền môn, Ôn được Giáo hội đương thời bổ nhiệm trụ trì quốc tự Linh Mụ vào khoảng năm 1945, thời điểm mà đất nước Việt Nam bước qua giai đoạn lịch sử cực kỳ đen tối - Việt Minh cướp chính quyền. Chẳng bao lâu, thực dân Pháp quay trở lại Việt Nam, Việt Minh rút lên chiến khu Việt Bắc, tiếp tục chín năm kháng chiến chống Pháp. Ðến năm 1954, hiệp định Genève được ký kết, dòng sông Hiền Lương ở vĩ tuyến 17 chia đôi hai miền Nam Bắc, chế độ Cộng sản cai trị miền Bắc, chính thể đệ nhất Cộng hòa ở miền Nam.

Ôn đảm nhiệm trụ trì quốc tự Linh Mụ trong cảnh hoang tàn, bởi một thời đây là chiến địa. Năm 1947, thực dân Pháp càn quét vùng này, chúng tình nghi Ôn hoạt động cho Việt Minh nên đã bắt Ôn cùng với hai người nữa rồi chuẩn bị hành quyết. Quân lính Pháp buộc người này đào huyệt chôn người kia, vụt chốc hai người ngã gục. Ðến lượt Ôn là người sau cùng, họng súng của chúng chực chờ nhả đạn, hầu kết liễu oan uổng mạng sống của một nhà sư. May thay! Giữa lúc tính mạng của Ôn như nghìn cân treo sợi tóc, thì đức Từ Cung (**) được tin cấp báo, lập tức can thiệp với tòa Khâm sứ Pháp tại Huế, yêu cầu ngưng ngay cuộc hành hình thầy Ðôn Hậu. Chính phủ Pháp đành phải nhượng bộ, bởi lẽ họ cũng chẳng có bằng cớ gì để chứng minh rằng, Ôn hoạt động cho Việt Minh. Thế là, cây cỏ đồi Hà Khê dường như bừng sống dậy, nước Bình Hồ không thể nào nhuộm máu oan khiên. Thoát đại nạn trong đường tơ kẻ tóc, Ôn Linh Mụ xem đức Từ Cung như một vị cứu tinh cao cả, ân nghĩa sâu nặng ấy, Ôn luôn luôn canh cánh bên lòng. Sau này, thỉnh thoảng Ôn đến cung An Ðịnh để thăm hỏi sức khỏe của bà, hai vị hàn huyên tâm đắc.

Còn nhớ hôm nào, sau buổi giảng kinh Di Ðà sớ sao cho Tăng Ni tại Phật học đường Báo Quốc, nghe tin đức Từ Cung tạ thế, Ôn xúc động trước tin buồn đột ngột. Hôm ấy, mưa gió dầm dề, nước sông Hương tràn bờ, dòng chảy xiết từ ngọn nguồn xuôi về cửa biển Thuận An, thôn Kim Long và Xuân Hòa nằm dọc ven sông ngập chìm trong nước lũ. Khi ấy, Ôn bảo tôi đi đò ngược dòng theo đường Kim Long lên Linh Mụ để lấy một ít thuốc men và đồ dùng rồi trở về chùa Báo Quốc. Ôn ở lại đây để ngày mai cùng Hòa thượng Thích Thanh Trí đến cung An Ðịnh làm lễ phúng điếu và tiễn đưa linh cữu Hoàng Thái Hậu đến nơi an nghỉ cuối cùng.


II.- Chinh chiến và sự chia lìa

Hẳn người dân xứ Huế không ai là không kinh hoàng mỗi khi hồi tưởng thảm cảnh Tết Mậu Thân (1968). Quân Cộng sản miền Bắc chiếm giữ cố đô gần một tháng trời. Binh lửa ngút ngàn, cảnh vật tang thương, biết bao người bị chôn sống một cách thê thảm, nhiều nhất là ở vùng Bãi Dâu, Gia Hội.

Ngày ngày có những người vợ đi kiếm xác chồng, những đứa con tìm nhận xác cha. Than ôi! Nỗi oán hờn chất ngất, lời lẽ nào kể sao cho xiết; niềm đau thương tràn ngập, bút mực nào viết lên cho tận. Sau khi bình định trở lại, hàng trăm thi thể bị trói gô được khai quật từ các hầm hố, rồi đưa về an trí tại trường trung học Gia Hội. Giáo hội tỉnh nhà công cử Thượng tọa Thích Chơn Thức tại Tổ đình Tường Vân và ban Kinh sư làm lễ siêu độ vong linh và chẩn tế cô hồn. Mấy hôm sau, dân chúng cố đô ngậm ngùi tiễn đưa những quan tài không ai thừa nhận đến nơi an nghỉ nghìn thu tại nghĩa trang Ba Ðồn.

Khoảng năm 1976, công trình đào thủy lợi nam sông Hương của chính quyền Cộng sản đã xóa sổ nghĩa trang này, địa danh Ba Ðồn chìm vào quên lãng. Không còn cảnh hằng năm các đoàn thể Phật tử đến nơi đây thắp hương tưởng niệm, lập đàn chay siêu độ hồn oan, ngõ hầu an ủi phần nào các vong linh bất hạnh, làm ấm lòng kẻ quá vãng chốn tuyền đài. Giờ đây, nghĩa trang Ba Ðồn, nơi an táng những người bị chôn sống vào đầu xuân Mậu Thân không còn nữa, đảng Cộng sản đương quyền đã cố tình xóa đi vết tích của một thời huynh đệ tương tàn, bởi nơi đây như là một chứng tích lịch sử về tội ác chiến tranh, một thảm cảnh đau thương trong cuộc nội chiến giữa hai miền Nam Bắc, giữa chủ nghĩa Cộng sản và chính thể dân chủ tự do.

Thấm thoát đã gần bốn mươi năm trôi qua, chiến cuộc mùa xuân Mậu Thân hãy còn làm cho người dân xứ Huế bàng hoàng mà cứ ngỡ như mới xảy ra hôm nào.

--
♦♦♦ --

Ngày mồng hai Tết Mậu Thân, chiến sự bắt đầu nổ ra ác liệt, dân chúng ở các vùng lân cận như An Ninh Hạ, An Ninh Thượng, Trúc Lâm, An Bình, Long Hồ… nườm nượp tản cư đến chùa Linh Mụ. Ngôi Ðại Hùng bảo điện rộng năm gian hai chái không đủ cho mọi người trú ẩn; tam quan, nhà Hộ pháp, nhà bia, lầu chuông trống ở phía trước đầy ắp những người; phía sau là điện Ðịa Tạng, Quán Âm cũng không còn chỗ trống. Không những khi xảy ra chiến sự mọi người mới tìm chốn nương thân ở cảnh chùa, mà còn năm nào bão lụt lớn, dân chúng cũng tìm đến Linh Mụ để lánh nạn, bởi địa thế ngôi chùa tọa lạc trên ngọn đồi cao.

Vào đầu xuân năm ấy, tiết trời xứ Huế rét mướt, cảnh cơ hàn đè nặng lên cuộc sống người dân thời ly loạn. Ôn Linh Mụ san sẻ cho mọi người từng lon gạo, nắm rau, khoai sắn trong vườn chùa đã nhổ sạch mà chẳng đủ lót dạ cho đàn trẻ con nheo nhóc. Lúc ấy, quân Cộng sản miền Bắc đang kiểm soát vùng này, chúng cử người đến gặp Ôn, buộc phải mở cửa tháp Phước Duyên cho chúng treo cờ Mặt trận giải phóng miền Nam trên tầng thứ bảy. Hầu như Ôn lường trước được hậu quả thảm khốc, nên mặc dù họ yêu sách năm lần bảy lượt, nhưng Ôn vẫn một mực chối từ. Ôn nêu lý do rằng, hiện giờ trong chùa đang có hàng trăm đồng bào đến tá túc, nếu máy bay phát hiện cờ địch quân trên ngọn tháp, thì nơi đây không làm sao tránh khỏi những trận mưa bom. Chùa tan nát không nói làm gì, nhưng hãy còn bao nhiêu mạng sống dân lành vô tội. Ôn viện lẽ nhà chùa không cất giữ chìa khóa tháp, các ông muốn mở cửa tháp thì cứ việc liên hệ với văn phòng Giáo hội tại chùa Từ Ðàm. Ôn nhất mực chối từ, thế là bộ đội Cộng sản không sao thuyết phục được tấm lòng vị tha độ lượng của bậc cao Tăng.

Vào đêm mồng bảy Tết năm ấy, mưa phùn lạnh buốt thấu xương, chứng bệnh dạ dày mãn tính của Ôn tái phát, lại thêm cơn hen suyễn hành suốt đêm ngày. Liêu phòng bên trái ngôi chính điện chùa Linh Mụ tuy đã đóng kín các cửa để ngăn chặn những cơn gió lùa, thế nhưng không làm sao dứt được những cơn ho ngất từng hồi, lại thêm chứng xuất huyết dạ dày đang hành hạ thân tứ đại của Ôn. Mọi người trong chùa thay phiên nhau chăm sóc Ôn tận tình.

Hoàng hôn phủ xuống vạn vật, từng tiếng chuông ngân hòa lẫn với tiếng đại bác trong đêm dội về thành phố, làm tăng thêm nỗi buồn man mác trong lòng người. Ðêm dần khuya, bỗng nhiên bên ngoài liêu phòng có tiếng gõ cửa, Ôn bèn hỏi:

- Ai đó? Có việc gì giữa đêm hôm khuya khoắt thế này?

Bên ngoài, một giọng nói người miền Bắc vọng vào:

- Bẩm cụ, chúng cháu là bộ đội giải phóng, nay xin vào gặp cụ Ðôn Hậu.

Không có cách nào từ chối, Ôn ra hiệu cho chú Tâm Kiến đốt đèn rồi ra mở cửa. Vài người mặc trang phục bộ đội Cộng sản miền Bắc lần lượt bước vào phòng, vai mang súng AK. Sau khi mời ngồi, Ôn cất tiếng hỏi:

- Các ông cần gặp tôi có chuyện gì?

- Bẩm cụ, chúng cháu vâng lệnh ban chỉ huy vùng mới giải phóng, đến mời cụ đêm nay xuống đình làng Xuân Hòa để họp.

- Họp hành gì thì để sáng mai hẵng tính, tôi đang bị xuất huyết dạ dày và lên cơn suyễn nên không thể nào đi được.

- Bẩm cụ, xin cụ gắng sức đi một chốc rồi về ạ.

Ôn nhất định từ chối, các người ấy bèn từ giã ra về. Khoảng nửa giờ sau, toán bộ đội quay trở lại dường như đông hơn, họ gõ cửa đòi vào. Ôn tiếp họ và vẫn dùng lời lẽ chối từ giống như lần trước. Một người trong số ấy hình như là cấp chỉ huy dùng lời lẽ thuyết phục Ôn, rằng họ chỉ mời Ôn về đình làng Xuân Hòa để họp bàn việc dân một chốc, rồi sẽ tiễn Ôn trở về chùa ngay. Cuối cùng, không thể nào trái ý họ, Ôn đành miễn cưỡng choàng áo ấm vào người, rồi bảo chú Tâm Kiến đi theo và không quên nhắc chú ấy soạn một ít thuốc men.

Ngoài cửa, dưới giàn hoa lý, có mấy người khác đứng chờ và đã chuẩn bị chiếc võng có đòn gánh. Họ mời Ôn nằm lên võng, phủ kín tấm vải dù che mưa. Ðoàn người lặng lẽ gánh Ôn ra hướng cửa tả chùa Linh Mụ rồi mất hút trong bóng đêm.

Trời vẫn mưa lâm râm, cơn gió lùa thấm lạnh. Xa xa, vài đóm hỏa châu lập lòe trong màn đêm u tịch, ánh lửa từ từ hắt xuống dòng Hương rồi vụt tắt. Tiếng súng đì đùng từ phía làng Nguyệt Biều bên kia sông vọng lại, hòa lẫn tiếng côn trùng rả rích canh thâu. Ðâu đây xao xác tiếng gà gáy ðầu báo hiệu giờ dóng đại hồng chung sắp ðến.

Thời gian lặng lẽ trôi giữa dòng đời bất tận…


III.- Ngày hội ngộ và những hệ lụy của nhà sư

Năm tháng dần dà, ngày lại ngày qua… Bóng dáng bậc thầy vẫn biền biệt, liêu phòng như đã vắng tăm hơi. Có ai ngờ một lần Ôn cất bước hôm nào trong tình thế chẳng đặng đừng, mà ngày trở lại thì quá xa vời vợi. Hoa anh đào mỗi năm đều nở rộ, hồng thắm cả vườn chùa. Mai vàng, mai trắng, khóm cúc, đóa hồng cứ thi nhau trổ hoa khoe sắc, khi mỗi lần Tết đến xuân sang. Hoa tường vi, hoa lài, hoa mộc thì chẳng có người nào hái ướp trà vào mỗi buổi sớm tinh sương, khi ánh dương chưa lấp ló.

Ðã mấy mùa đông tàn xuân đến, mà tin nhạn vẫn chẳng thấy hồi âm. Bởi vậy, Hội đồng Viện Hóa Ðạo công cử Hòa thượng Thích Mật Nguyện - trụ trì chùa Linh Quang, Huế - giữ chức vụ quyền Chánh đại diện miền Vạn Hạnh, thay thế vào chức vị của Ôn lúc bấy giờ. Giáo hội Phật giáo tỉnh nhà quyết định bổ nhiệm Thượng tọa Thích Trí Lưu đảm nhiệm trụ trì ngôi quốc tự, tiếp tục chăm lo Phật sự và Tăng chúng trong chùa.

Thế rồi một ngày kia, mọi người nghe được giọng nói Ôn Linh Mụ trên sóng phát thanh của đài tiếng nói Hà Nội ở miền Bắc, tin mừng Ôn vẫn còn sống lan nhanh. Thế mới biết rằng, Cộng sản Bắc Việt đã lừa dối Ôn một cách trắng trợn, khi họ đến mời Ôn đi họp ở địa điểm cách chùa Linh Mụ non chừng nửa cây số. Thế nhưng chính thật ra, chúng đã đưa Ôn trải qua những chặng đường Trường Sơn, trèo đèo lội suối, vượt thác băng ngàn, trên bom dưới đạn, cuối cùng Ôn cũng đặt chân đến tận đất Bắc một cách bình yên, làm thỏa mãn ý đồ chính trị của Hà Nội. Cộng sản miền Bắc đã lợi dụng uy tín lãnh đạo của Ôn, gần tám chục phần trăm dân chúng miền Nam theo đạo Phật, sự có mặt của Ôn ở miền Bắc, khả dĩ tạo được lợi thế trong mưu đồ chính trị của Hà Nội, với chiêu bài giải phóng miền Nam.

Trong tuồng chính trị, chức vụ này hay vai vế nọ mà chính quyền cộng sản Bắc Việt gán ép cho Ôn - một vị sư mà thâm tâm của ngài chỉ thuần túy chăm lo đạo pháp - bởi trong vòng kiềm tỏa của họ, ở vào hoàn cảnh thời bấy giờ, nên Ôn không thể không nhận lời.

--
♦♦♦ --

Tháng tư đen năm 1975, quân Cộng sản miền Bắc cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, chế độ Sài Gòn sụp đổ. Mấy tháng sau, Ôn Linh Mụ từ miền Bắc trở lại mái chùa xưa, ròng rã hơn bảy năm trường biền biệt. Chính quyền cắt đặt thêm hai người ở kế cận Ôn, ông Ðông làm công an và ông Phạm Văn Ðể làm y sĩ. Tuy bề ngoài họ có nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cho Ôn, kỳ thật hai người này nhận vai trò giám sát mọi sinh hoạt của Ôn một cách chặt chẽ.

Gặp lại bậc thầy đức độ khả kính sau bao năm xa cách, ai nấy đều mừng mừng tủi tủi. Cỏ cây hoa lá dường như cũng tươi tốt hơn lên, vả trong vườn chùa thi nhau đơm trái sum sê đầy gốc, hình như tất cả đều lấy lại được sức sống từ buổi Ôn về.

Năm 1976, chính quyền Cộng sản Việt Nam tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IV, lại thêm một biến cố nữa trong đời, khi Ôn bị ép buộc phải ra ứng cử. Ngày còn ở Hà Nội, Ôn đã từng nói với các nhà lãnh đạo ở đây rằng, khi nước nhà độc lập thống nhất, thì Ôn sẽ trở về cương vị cũ của mình là một nhà tu thuần túy, chỉ lo gánh vác mỗi một việc đạo, chứ không màng đến chuyện đời. Thế mà hôm nay, chính quyền tỉnh Bình Trị Thiên nhiều lần đến chùa vận động Ôn ra ứng cử, Ôn viện dẫn nhiều lý do để chối từ. Cuối cùng họ nói đây là lệnh của trung ương, Ôn không nên thoái thác.

Nhiều lúc Ôn nói nửa đùa nửa thật, rằng giá như bây giờ mình chết đuợc thì khỏe biết ngần nào. Sự lòng biết tỏ cùng ai, nhiều đêm Ôn trằn trọc thâu canh, nỗi khổ tâm đè nặng lên người. Nhưng rồi suy đi tính lại, chẳng còn cách nào khác, Ôn miễn cưỡng ra ứng cử, mặc cho thế sự xoay vần.

Kết quả Ôn trúng cử đại biểu Quốc hội khóa IV, thuộc đơn vị bầu cử tỉnh Bình Trị Thiên, với tỷ số phiếu bầu thấp nhất, kém xa số phiếu của một đại biểu người dân tộc thiểu số, thật quá mỉa mai. Lẽ nào cử tri xứ Huế mà phần đông là Phật tử lại đánh mất niềm tin đối với một người có uy tín như Ôn.

Khi ra Hà Nội họp đại biểu Quốc hội, Ôn có nêu lên vấn đề này giữa buổi họp tổ, Võ Nguyên Giáp trả lời cộc lốc:

- Bác nè, tôn giáo mà họ bầu cho như rứa là được rồi đó nghe.

Ôn Linh Mụ cố nén nỗi giận, nghĩ rằng, nếu mình không phải là vị thầy tu, thì Ôn đã phang chiếc ghế ngồi vào đầu Võ Nguyên Giáp, bởi thái độ xấc xược của ông ta.


IV.- Vị pháp vong thân

Năm 1978, khi hay tin Thượng tọa Thích Thiện Minh bị bức tử trong nhà tù X4, đuờng Nguyễn Trãi, Sài Gòn, Ôn Linh Mụ bàng hoàng xúc động, cơn hen suyễn bột phát, ho suốt đêm ngày. Cách đây không lâu, Ôn nhận đuợc bức thư vấn an và tâm sự của thầy Thích Thiện Minh từ Sài Gòn gửi ra, thầy cho Ôn biết rằng, tình hình Giáo hội đang đứng trước thử thách lớn lao và vô cùng căng thẳng. Nay lại nghe tin thầy bị tra tấn đến chết trong lao tù Cộng sản, thi thể hiện được quàng tại trại giam Hàm Tân, Phan Thiết.

Hòa thượng Thích Trí Thủ - Viện trưởng Viện Hóa Ðạo, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất - được chính quyền thông báo và bằng lòng cho ngài đến thăm. Hòa thượng yêu cầu được đem nhục thân Thượng tọa Thích Thiện Minh về Sài Gòn an táng, nhưng chính quyền từ chối.

Trước biến cố đau thương đó, sau khi suy tính kỹ lưỡng, Ôn quyết định gửi đơn từ chức đại biểu Quốc hội, nhằm tỏ thái độ cực lực phản đối đảng Cộng sản đương quyền. Ôn cáo buộc chính quyền Cộng sản phải chịu trách nhiệm về cái chết của Thượng tọa Thích Thiện Minh và yêu cầu đưa vụ án ra ánh sáng. Thêm nữa, hãy còn bao nhiêu chư tôn giáo phẩm và tín đồ thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đang bị cầm tù hay bị quản thúc, nếu Nhà nước xét thấy họ có tội thì cứ việc đưa ra xét xử công khai, bằng không hãy tức khắc trả tự do vô điều kiện cho những vị này. Ôn còn đòi hỏi chính quyền Cộng sản phải trả lại tất cả những tài sản của Giáo hội đã bị tịch thu, chiếm dụng, trong đó có các cơ sở giáo dục, xã hội, y tế… Ôn tuyên bố, nếu ngày nào chính quyền giải quyết thỏa đáng những yêu cầu này, thì ngày ấy Ôn sẽ rút đơn từ chức.

Kể từ nay, Ôn tuyệt giao mọi vấn đề liên quan đến Nhà nước. Bấy giờ, Hòa thượng Thích Mật Hiển tại Tổ đình Trúc Lâm hết sức đồng tình quan điểm của Ôn, thỉnh thoảng hai vị gặp nhau, hàn huyên tâm đắc.

Về phía Ðảng và Nhà nước, nhiều lần chính quyền cử người đến chùa Linh Mụ để đàm phán, họ khuyên Ôn rút lại đơn từ chức đại biểu Quốc hội. Chính quyền viện lẽ rằng, đất nước đang lâm cảnh chiến tranh biên giới Tây Nam, phía Bắc thì Trung Quốc gây chiến, nay sự việc từ chức và những yêu sách của Hòa thượng chỉ làm cho tình hình đất nước thêm xáo trộn.

Với bản tính cương nghị, Ôn Linh Mụ vẫn giữ vững lập trường và sẵn sàng đón nhận mọi hậu quả có thể đưa đến.


V.- Sự đàn áp bởi bạo quyền Cộng sản

Nhớ lại vào một buổi chiều mưa bay lất phất, tôi theo Ôn bách bộ hướng ra tháp Phước Duyên. Bốn hàng tùng trước chùa thẳng tắp vút ngọn, từng lớp rêu phong phủ lấp tường thành. Trông xuống dòng Hương lặng tờ, đó đây vài ba ngư phủ thả câu. Bên kia sông là làng Nguyệt Biều có những cánh đồng còn xanh lúa mạ, cạnh bờ là những hàng bắp đã trổ cờ phất phơ trước gió hắt hiu. Xa xa, dãy Trường Sơn trùng điệp in bóng mờ trên bầu trời thảm đạm.

Bỗng dưng một người đàn ông nước ngoài độ tuổi trung niên vội vàng bước lên từng bậc cấp cao, người ấy hướng về phía Ôn đang đi lững thững cạnh nền cỏ đình Hương Nguyện. Với nét mặt vui mừng, người khách chào hỏi Ôn bằng tiếng Việt một cách sành sỏi, sau đó lấy trong xách tay chiếc máy ghi âm. Tôi thấy hai vị nói chuyện ra chiều ưng ý, bèn lảng tránh qua hướng bi đình, nơi đó dựng tấm bia đá khắc bài Thiên Mụ chung thanh của vua Thiệu Trị ngự chế, rồi ngâm nga mấy vần thơ Ðuờng luật trên văn bia.

Khoảng chừng mươi phút, người khách hớn hở từ giã ra về. Bất chợt có hai người mặc thường phục đi đến, tôi đoán chừng họ là công an, vì hằng ngày tôi thấy họ thường lảng vảng quanh chùa. Hai người ấy chận người khách lại và hình như họ đòi lục soát túi xách để tịch thu cuốn bãng ghi âm cuộc nói chuyện với Ôn ban nãy.

Tôi theo gót Ôn trở vào chùa và chẳng biết chuyện gì đã xảy ra. Tối đến, Ôn thong thả thuật lại cho tôi nghe đầu đuôi sự việc về cuộc gặp gỡ người khách lạ ban chiều.

Người ấy là một phóng viên nước ngoài, tìm gặp Ôn để hỏi về tình hình chính quyền Cộng sản đang gia tăng đàn áp tôn giáo tại Việt Nam. Sau cái chết bí ẩn của Thượng tọa Thích Thiện Minh trong ngục tù Cộng sản, dẫn đến việc Ôn gửi đơn từ chức, do Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam lên tiếng báo động dư luận quốc tế, nên các tổ chức bảo vệ nhân quyền hết sức quan tâm về việc Cộng sản đàn áp tôn giáo tại Việt Nam. Hàng Giáo phẩm Hội đồng Lưỡng Viện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị trấn áp thô bạo, có vị thì bị cầm tù, có người bị quản thúc, sách nhiễu; một số khác không còn sự lựa chọn nào khác, nên đành lòng vượt biển đi tìm tự do. Chẳng qua các vị ấy bất đồng quan điểm, bị ép buộc phải gia nhập Giáo hội mới mà nhà nước sẽ dựng lên nay mai, xem như một hội đoàn thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhằm làm công cụ tuyên truyền chính trị cho đảng Cộng sản.

Ôn trao đổi rất nhiều với phóng viên một cách thẳng thắn và luôn luôn giữ vững quan điểm của mình, quyết tâm bảo vệ Giáo hội truyền thống để không bị lung lạc.

Từng trải bao năm sống trong lòng Cộng sản miền Bắc, có lẽ Ôn rút được nhiều kinh nghiệm nên suy nghĩ rằng, sau sự việc ấy không biết chuyện gì sẽ xảy đến cho bản thân. Ôn bảo, phỏng có mệnh hệ gì thì Ôn cũng sẵn sàng đón nhận, chẳng có việc gì phải nao núng trong lòng.

Lúc bấy giờ, Tăng chúng trong chùa chỉ còn quý thầy Trí Thành, Trí Tựu, Hải Tạng và tôi, bốn người thay phiên nhau hầu Ôn và lo liệu các công việc ở chùa. Riêng thầy Thích Trí Lưu, mọi người thường gọi thân mật là Ôn Sự, vì thầy giữ chức tri sự trong chùa, nay tuổi tác đã cao, thầy xả bỏ vạn duyên, ngày ngày tinh tiến trì danh niệm Phật. Ðã bao năm qua, thầy không nề hà khó nhọc, đem hết sức mình để duy trì chùa chiền trong những ngày dài xa vắng Ôn.

Khoảng một tuần sau, Ôn gọi bốn anh em chúng tôi vào liêu để dạy chuyện. Bấy giờ Ôn đang lên cơn suyễn nặng, bởi thời tiết xứ Huế thay đổi bất thường. Mấy hôm nay mưa gió bão bùng, cỏ cây xơ xác, trời lạnh buốt thấu xương. Trong tiếng thở khò khè, thỉnh thoảng lại ngắt quãng bởi cơn gió lùa qua khe cửa, Ôn ân cần tha thiết dặn dò chúng tôi như trăn trối, từ công việc chùa chiền, đến bổn phận và trách nhiệm đối với Giáo hội truyền thống. Ôn trình bày rành mạch, thứ lớp rõ ràng. Sau cùng, Ôn biếu chúng tôi một món quà kỷ niệm. Chúng tôi lễ tạ, Ôn lại gỉải thích ý nghĩa món quà và khuyên bảo chúng tôi. Mãi đến hôm nay, những lời dạy ấy tuồng như vẫn còn khắc sâu vào ký ức của tôi, không bao giờ có thể phai nhòa. Viết đến đây, tôi không sao cầm được nước mắt và nén nỗi xúc động trong lòng.

Giờ này, từ phương xa hướng về cố hương, con thành tâm vọng bái kính lễ Giác linh Ôn, cúi đầu cảm niệm ân đức cao dày của các bậc thầy Giáo thọ, liệt vị cao Tăng quá khứ, chư vị tôn đức hiện tiền đã từ bi hun đúc pháp thân tuệ mạng cho con. Ngưỡng nguyện quý ngài lân mẫn tha thứ cho kẻ học trò bất tiếu này.


(Còn tiếp)


Bài do tác giả gởi. DCVOnline trình bày và minh họa. Chú thích của tác gỉa Trí Lực

(*) Từ đây trở xuống, tôi dùng chữ Ôn tức là Hòa thượng Thích Ðôn Hậu, trú trì chùa Linh Mụ, Huế. Ðây là từ xưng hô rất mực tôn kính của Tăng Ni và Phật tử xứ Huế để bạch với các bậc Hòa thượng, hoặc các vị trưởng lão tôn túc.
(**) Ðức Từ Cung: Tức Ðoan Huy Hoàng Thái Hậu, thân mẫu của cựu hoàng Bảo Ðại.

.

.

.

No comments:

Post a Comment