Monday, April 26, 2010

BẢO HỘ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ: ĐỘNG ĐÂU CŨNG KHÓ

Nhân Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4):

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ- động đâu cũng khó!

Cập nhật: 6:00:00 26/4/2010

http://baocongthuong.com.vn/details/xa-hoi/bao-ho-quyen-so-huu-tri-tue-dong-dau-cung-kho/32/0/32264.star#

.

Khó thu tiền bản quyền

Ông Trần Lê Hồng - Phó Chánh văn phòng Cục SHTT cho biết, hiện tại, số lượng đơn, văn bằng bảo hộ (đặc biệt là sáng chế, giải pháp hữu ích) còn rất ít so với tiềm năng. Số doanh nghiệp đăng ký xác lập quyền SHTT chỉ chiếm khoảng 25% số doanh nghiệp đang hoạt động. Số lượng bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích cấp cho người Việt Nam chỉ chiếm hơn 10% tổng số bằng sáng chế, giải pháp hữu ích cấp ra. Bên cạnh đó, con số lãnh đạo doanh nghiệp am hiểu về SHTT còn ít, không nhiều doanh nghiệp có bộ phận chuyên trách về quản lý tài sản trí tuệ.

Về vấn đề bản quyền trong âm nhạc, nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm bảo vệ quyền tác giả Việt Nam cho biết: năm 2009, Trung tâm thu được 24 tỷ đồng tiền bản quyền cho các tác giả. Dự kiến năm 2010 sẽ thu được 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này so với một đất nước hơn 80 triệu dân như nước ta vẫn còn quá khiêm tốn. Nhạc sĩ cho biết thêm, ở các nước phát triển, với dân số chỉ khoảng trên chục triệu dân, nhưng hàng năm họ thu được từ 40-50 triệu USD tiền bản quyền. Con số này ở Việt Nam nếu tương đương sẽ phải 500-700 tỷ đồng/năm mới là hợp lý. Tuy nhiên, ông Phương cũng chia sẻ: làm bản quyền tác giả tại Việt Nam còn rất nhọc! Bởi cả một quá trình dài, chúng ta đã có thói quen “xài của chùa”.

.

Bảo hộ giống cây trồng còn khiêm tốn

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực bảo hộ SHTT giống cây trồng, cũng vẫn còn nhiều điều nan giải. Ông Trần Việt Hùng - Cục trưởng Cục SHTT trí tuệ chia sẻ: Việt Nam đã là thành viên chính thức thứ 63 của Hiệp hội quốc tế bảo hộ giống cây trồng mới (UPOV) từ ngày 23/12/2006. Theo lộ trình, đến năm 2016 chúng ta phải bảo hộ tất cả các loại cây trồng. Với một đất nước nông nghiệp như Việt Nam, mỗi năm có rất nhiều giống lúa mới ra đời. Công tác đầu tư của nhà nước cho đào tạo và phát triển giống lúa được ưu tiên. Tuy nhiên, theo thống kê, tỷ lệ gống lúa được đăng ký bảo hộ còn rất hạn chế.

Cũng theo thống kê mới nhất của Cục Trồng trọt, tính đến ngày 20/4/2010 thì tổng số đơn đăng ký bảo hộ của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài là 146 trong đó đơn trong nước là 87, nước ngoài là 59. Tổng số bằng bảo hộ đã cấp là 36, gồm 19 giống lúa, 17 giống ngô, trong đó của Viện, trường là 9 giống, doanh nghiệp 9 giống, công ty liên doanh với nước ngoài 7 giống và công ty nước ngoài 11 giống. Có 9 giống cây trồng được bảo hộ tạo ra bằng ngân sách nhà nước đã được chuyển nhượng quyền cho doanh nghiệp, trong đó chỉ có một vụ chuyển nhượng hiếm hoi gây xôn xao đó là hợp đồng chuyển nhượng bản quyền giống lúa lai TH3-3 trị giá 10 tỉ đồng của PGS-TS Nguyễn Thị Trâm (Trường ĐH Nông nghiệp 1, Hà Nội). Những vụ chuyển nhượng này xem ra vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay tại Việt Nam.

Chưa hết, trong một lĩnh vực mà ít người để ý đó là nhưng cũng khá nan giải đặt ra với đó là bảo hộ quyền cho tác phẩm kiến trúc. Nhiều ý kiến tại cuộc tọa đàm nhận định: một thực tế đã và đang diễn ra là rất nhiều tác phẩm kiến trúc không được công nhận bản quyền và bị “đánh cắp” trắng trợn. Về vấn đề này, ông Tô Văn Long - trưởng phòng đăng ký bản quyền - Cục Bản quyền tác giả cho biết: tác phẩm kiến trúc đã được bảo vệ trong Điều 14 Luật SHTT. Tuy nhiên, xung quanh dư luận thế nào là một tác phẩm kiến trúc vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Năm 2009, không có một tác phẩm nào về kiến trúc gửi đến để đăng ký bản quyền. Như vậy, có thể thấy, ngay cả những tác giả cũng chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề bảo vệ tác phẩm của mình.

Động đâu cũng thấy khó, đó là những vấn đề đặt ra với công tác bảo hộ quyền SHTT tại Việt Nam. Khi mà việc thực thi cũng còn chưa thực sự hiệu quả, nhận thức của doanh nghiệp còn hạn chế, ý thức bảo hộ quyền tác giả của các đơn vị và cá nhân còn yếu. Đây là những thách thức đặt ra với SHTT Việt Nam khi hội nhập.

Nguyễn Duyên

.

.

.

No comments:

Post a Comment