35 Năm Nhìn Lại: “Đêm Không Ngủ” tại Houston
Hiền Vy, thông tín viên RFA, Houston
2010-04-28
Đánh dấu 35 năm ngảy miền Nam Việt Nam bị thất thủ Houston đã tổ chức một "Đêm không ngủ" để chia xẻ với nhau những cảm xúc của họ về ngày mà dân miền Nam gọi là “Ngày Mất Nước”, trong khi dân miền Bắc gọi là “Ngày Giải Phóng”. Hiền Vy tham dự và tường trình:
Tháng Tư, năm 2010 đánh dấu 35 năm miền Nam Việt Nam thất thủ. Với hàng triệu người đã rời bỏ quê cha đất tổ đi tìm Tự Do mà không ít người đã vùi thây trên đại dương hay trong rừng sâu nên mỗi năm, khi tháng Tư về những người Việt lưu vong luôn nhớ đến “Biến Cố 30 tháng 4”. Tại Houston vào tối thứ Bảy, ngày 24 tháng Tư môt “Đêm Không Ngủ” đã được tổ chức tại Trung tâm Cộng đồng Người Việt Quốc Gia.
.
Nỗi đau ngày 30 tháng 4
Sáng 30 tháng Tư năm 1975, khi vị Tổng Thống cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa chánh thức tuyên bố đầu hàng Hà Nội thì hằng triệu người Việt đã đau đớn, sững sờ. Không chỉ những người đã trưởng thành mà còn có những người dưới tuổi thành niên. Trong “Đêm Không Ngủ” cả ba thế hệ Người Việt Lưu Vong tại Houston đã tham dự để kể cho nhau nghe cảm xúc của họ về ngày mà dân miền Nam gọi là “Ngày Mất Nước”, trong khi dân miền Bắc gọi là “Ngày Giải Phóng”
.
Giáo sư Nông Duy Trường chia sẻ là lúc ấy ông 18 tuổi, đứng trên sân thượng nhà ông ở Sàigòn, ông đã bật khóc:
“Khoảng 10 giờ, 11 giờ là họ bắt đầu vào rồi. Khi cái tượng lính Biệt Động Quân bị kéo xuống ngay ngã 7 và lúc đó là lính Việt Cộng bộ đội đi vào thì lúc mà Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng thì cả bầu trời tối lại lúc đó tôi bật khóc vì không biết chuyện số phận sẽ như thế nào vì bố tôi trong quân đội (Việt Nam Cộng Hòa). Mẹ tôi bảo chúng tôi vất súng của bố tôi đi, chứ không thì bố tôi sẽ tự tử. Tất cả những người ở Sàigòn đều hoang mang hết. Cảm xúc lúc đó thì không biết diễn tả như thế nào chỉ nhớ là tôi đã bật khóc. Sau đó thì lệnh kêu các sĩ quan đi trình diện. Họ khôn ngoan lắm, họ gọi lính đi trước, nói là 3 ngày cho về. Mà 3 ngày cho về thật! Rồi đến sĩ quan cấp úy, rồi đến cấp tá… Đến khi bố tôi đi thì cũng chỉ sửa soạn quần áo 1 tháng thôi. Tôi đưa ông cụ tôi trình diện ở trường đại học Phú Thọ, và đó là lần thấy ông lần cuối cho đến 15 năm sau mới gặp lại …”
.
Ông Đinh Công Đức thì kể lại là lúc bấy giờ, trên chiếc xàlan đang từ Vũng Tàu ra hải phận quốc tế, mọi người đã sửng sốt khi nghe tin từ chiếc radio là miền Nam đã đầu hàng:
“Buổi tối 29 tháng 4 năm 1975, chúng tôi là thân hữu của gia đình Lôi Hổ và tối hôm đó nhổ neo tại kho 18 bến Bạch Đằng đi ra Vũng Tàu. Sáng 30 đang lênh đênh trên biển, vặn radio lên nghe thì được biết ông Hương tuyên bố đầu hàng, lúc đó tất cả chúng tôi cùng òa ra khóc. Đi thì không biết đi về đâu mà về thì không thể trở về với cộng sản cho nên chúng tôi như những con thuyền không bến lênh đênh mà không biết vận mạng mình như thế nào…”
.
Còn ông Nguyễn Trung Lễ thì cho biết là lúc đó ông mới 10 tuổi, đang ở Rạch Giá
“Lúc đó tôi đang ở Rạch Giá, trước đó vài ngày thì mặc dầu còn nhỏ, nhưng vẫn cảm nhận là sắp có một cuộc thay đổi lớn. Tôi nhớ lúc đó mẹ tôi phải chuẩn bị vài thứ cần thiết như là áo quần, để chạy giặc. Mẹ tôi phải may tiền vào những cổ áo hay tay áo để có chuyện gì thì sẽ di tản còn ba tôi thì không có ở nhà vì ba tôi trong quân đội (Việt Nam Cộng Hòa) đang đi xa.
Ở nhà chỉ có mấy mẹ con. Những ngày kế tiếp đối với dân miền Nam rất là thê thảm, nhất là những gia đình quân nhân như trường hợp của gia đình tôi. Cha tôi phải đi trình diện và kể từ ngày cha tôi đi trình diện thì không thấy mặt người cha cho đến những năm sau, tức là cha tôi phải bị đi ở tù mà Cộng sản thì gọi là đi “cải tạo” đó. Nhà cửa thì bị tịch thâu và mẹ con chúng tôi thì phải đi vùng kinh tế mới, rất là thê thảm…”
.
Tất cả vì 2 chữ Tự Do
Nha sĩ Chu Văn Cương chỉ mới 8 tuổi, thì đứng nhìn xe tăng tiến vào thành phố Sàigòn
“Khi mà cộng quân kéo vào chiếm Sàigòn thì tôi mới 8 tuổi. Đứng trên lầu 3 nhìn xuống thì thấy xe tăng của Việt công kéo vào thành phố và cán bộ cộng sản đứng trên xe tăng bắn chỉ thiên.
Vì còn nhỏ nên tôi cũng không suy nghĩ nhiều. Ba mẹ của tôi thì sợ tôi bị trúng đạn cho nên bảo tôi phải đi vào. Đến năm 1980 thì gia đình tôi đi vượt biên. Gia đình tôi đã vượt biên 6 lần và 1 lần bị ở tù cộng sản vì tội vượt biên.”
.
Cũng tâm tình trong “Đêm Không Ngủ”, ông Trung, thuộc thế hệ một rưỡi đã khẳng định rằng, dù đến Hoa Kỳ hay bất cứ quốc gia tự do nào trên thế giới, dù bằng phương tiện gì đi nữa thì người Việt lưu vong cũng chỉ vì 2 chữ Tự Do mà phải bỏ quê hương xứ sở:
“Từ ngày 30 tháng 4 năm 1975, tất cả những người ra hải ngoại sinh sống cho dù ra đi bằng phương tiện gì, thì cũng chỉ vì 2 chữ Tự Do mà thôi”
.
Và cô Cindy Mai Đinh, năm nay 21 tuổi, sinh viên đại học Rice là người sinh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ chia sẻ những hiểu biết của cô về “ngày 30 tháng 4” :
“Ngày 30 tháng 4 là ngày nhiều người Việt Nam mất nước và họ đi vượt biên, bắt đầu 1 cuộc sống mới tại vì người quốc gia Việt Nam đã hết sức cố gắng bảo vệ Sàigòn, bảo vệ Tự Do, nhưng không được. Sau đó họ thấy Việt Cộng ác quá, họ không thể sống được nên họ phải đi vượt biên.”
Cô cũng cho biết thêm là dù chưa bao giờ đến Việt Nam, nhưng qua tin tức cô biết được là tại Việt Nam không có Tự Do và Nhân Quyền nên cô đang cố gắng tranh đấu cho người dân Việt được hưởng những quyền căn bản của con người:
“Em chưa bao giờ về Việt Nam, em chỉ biết chuyện Việt Nam qua News. Em có biết chuyện Lê Thị Công Nhân, Lê Công Định … đã bị bắt vào tù vì họ viết về Tự Do, về Nhân Quyền nhưng chính phủ Việt Nam không chấp nhận điều đó. Em thấy (chính phủ) như vậy là không tốt. Nhiều bạn của em vẫn không hiểu tại sao mình vẫn phải tưởng nhớ (30 tháng 4) như thế này, nhưng em biết chúng ta cần phải nhớ lý do tại sao người Việt phải sống lưu vong. Chỉ vì người Việt muốn tìm Tự Do và Nhân Quyền. Hai quyền căn bản này rất quan trọng và mình muốn tranh đấu 2 quyền này cho đồng bào của mình đang ở Việt Nam”
.
Hiền Vy, tường trình từ Houston.
Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.
.
.
.
No comments:
Post a Comment