Friday, April 30, 2010

30 THÁNG TƯ và HÒA GIẢI DÂN TỘC (nhà thơ Trần Trung Đạo)

30 Tháng Tư và Hòa giải dân tộc

Duy Ái Washington D.C

Thứ Sáu, 30 tháng 4 2010

http://www1.voanews.com/vietnamese/news/vietnam/30thang4-hoa-giai-dan-toc-04-30-2010-92493984.html

Tháng Tư năm nay, cũng như những tháng Tư của hơn 30 năm qua, giới hữu trách Việt Nam đã tưng bừng tổ chức ngày kỷ niệm mà họ gọi là “chiến thắng vĩ đại ngày 30-4-1975.” Họ cũng không quên nhắc tới sự kiện mà họ mô tả là “ở một số nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ, một số nhóm phản động cực đoan thường tổ chức ‘ngày quốc hận’ để hoài niệm một chế độ tàn bạo ở miền nam Việt Nam đã sụp đổ, hoài niệm thời kỳ đất nước bị chia cắt, tìm cách bôi nhọ những gì tốt đẹp đang diễn ra ở Việt Nam”. (Quân Đội Nhân Dân, 18-04-2010)

Trong khi đó, một số văn nghệ sĩ ở Việt Nam mới đây đã cho đăng tải trên mạng internet những bài viết kêu gọi mọi người hãy có một cái nhìn mới về biến cố lịch sử này để tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc hòa giải dân tộc, nổi bật là bài “Tùy Bút Tháng Tư” của nhà văn Vũ Ngọc Tiến được phổ biến rộng rãi trên mạng.

Ban Việt Ngữ VOA đã tiếp xúc với nhà thơ Trần Trung Đạo, một blogger ở Mỹ (trantrungdao.com) có nhiều bài bình luận về văn học và chính trị Việt Nam được nhiều người ưa thích, để tìm hiểu thêm về vấn đề đáng chú ý này. Mời quí vị theo dõi cuộc phỏng vấn do Duy Ái thực hiện sau đây.

---------------------------

VOA: Thưa anh Trần Trung Đạo, là người theo dõi sát tình hình Việt Nam, đặc biệt trong các lãnh vực văn hóa xã hội, chắc anh cũng biết là trong vài tuần nay, các tờ báo do nhà nước kiểm soát đã cho đăng nhiều bài viết dưới dạng “nhìn lại 35 năm” và hô hào cho việc “hòa hợp dân tộc, hàn gắn lòng người”. Trước hết, xin anh chia sẻ với thính giả và độc giả đài Tiếng Nói Hoa Kỳ quan điểm của anh về “hòa giải hòa hợp dân tộc”?

Trần Trung Đạo: Tuần trước tôi có dịp đến thăm viện bảo tàng lịch sử Mỹ tại Washington DC, trong đó có một khu dành riêng cho tổng thống thứ 16 của Mỹ, Tổng Thống Abraham Lincoln. Ngay trước cổng của khu tưởng niệm TT Lincoln, có treo một tấm bảng nhỏ, trong đó ghi một câu trong Tân Ước mà ông yêu thích và thường hay trích dẫn "A house divided against itself cannot stand”, nghĩa là “Một căn nhà phân hóa chống lại chính nó, căn nhà đó không thể đứng vững”.

Tổng Thống Lincoln quan niệm tinh thần đoàn kết, hòa giải giữa các thành phần quốc gia là điều kiện quyết định giúp quốc gia vượt qua những khó khăn, cũng như dẫn đến sự vững mạnh, thăng tiến lâu dài. Sự phát triển vượt bực của Hoa Kỳ, từ thuộc địa của Anh trở thành cường quốc hàng đầu thế giới đã chứng minh câu Tổng Thống Lincoln trích dẫn là một chân lý. Chân lý đó cũng đã được thử nghiệm và xác định tại nhiều quốc gia khác như Nam Phi, Cộng Hòa Đức v.v..

Tổng thống Lincoln nhấn mạnh đến tinh thần hòa giải trong diễn văn nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ 2, 1865, nghĩa là sau khi quân đội miền bắc đã kết thúc cuộc nội chiến bằng chiến thắng, và TT Nelson Mandela cũng chỉ lập Ủy Ban Sự Thật Và Hòa Giải Quốc Gia sau khi đã đắc cử Tổng Thống Cộng Hòa Nam Phi. Nếu TT Lincoln bỏ tù hết các cấp sĩ quan, viên chức chính quyền miền nam, chắc chắn quân đội của tướng Robert Lee đã không buông súng dễ dàng, và nước Mỹ có thể không có ngày hôm nay. Tương tự, nếu TT Nelson Mandela bắt thiểu số da trắng phải trả giá bằng những cực hình đầy đọa giống như dân da đen đã từng chịu đựng dưới ách phân biệt chủng tộc Nam Phi thì hòa hợp hòa giải đã không đến cho quốc gia này.

Từ những bài học quý giá đó, tôi quan niệm hòa giải không chỉ là một tình cảm mà phải dựa trên các nền tảng chính trị, kinh tế, xã hội cần thiết, và các nền tảng đó chính là sự thật, tự do, dân chủ và bình đẳng giữa những con người cũng như giữa các thành phần trong xã hội.

Giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam có tất cả những phương tiện để thực thi hòa giải hòa hợp dân tộc nhưng họ đã không làm. Lý do, nếu làm thì họ đã không phải là Cộng Sản. Hòa giải hòa hợp dân tộc đặt cơ sở trên sự bao dung, bình đẳng vốn đi ngược lại mục tiêu Cộng Sản hóa Việt Nam bằng các phương tiện bạo lực mà đảng đã và đang dùng.

Do đó, ngày nào chế độc độc tài đảng trị, dù tồn tại dưới bất cứ hình thức nào tại Việt Nam, ngày đó chuyện hòa giải chỉ là một chuyện để bàn cho có và cũng sẽ qua đi theo mỗi tháng Tư.

.

VOA: Thưa anh Trần Trung Đạo, một câu nói của ông Võ Văn Kiệt liên quan đến vấn đề “hòa giải hòa hợp” được các bên trích dẫn khá nhiều là “một triệu người vui, một triệu người buồn”. Xin anh chia sẻ về câu nói này của ông Võ Văn Kiệt cũng như các ý kiến tương tự khác mà anh đọc trong dịp 30 tháng 4 năm nay?

Trần Trung Đạo: Câu nói của ông Võ Văn Kiệt, ngày 30 tháng 4 “có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn” có lẽ là câu nói tích cực nhất mà chúng ta được nghe từ một người từng đóng vai trò lãnh đạo đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam trong một thời gian dài sau 1975.

Như tôi đã có lần viết trong một tiểu luận về những lời phát biểu của ông Võ Văn Kiệt, tôi tin đó là một câu nói chân thành, kết quả của nhiều đêm trăn trở.

Tôi vui mừng bởi vì ông đã góp phần tạo nên một môi trường thảo luận những vấn đề sinh tử của đất nước mà trước đây không có được. Các thế hệ trẻ Việt Nam, qua những lời phát biểu của ông, có cơ hội biết đến một quãng lịch sử dân tộc đen tối do chính một trong những người chịu trách nhiệm lớn nhất của đảng và nhà nước trong giai đoạn đó kể ra. Con đường mà dân tộc đã trải qua trong suốt hơn 30 năm không phải là “con đường vinh quang” như các em đang học ở trường, những ngày mà cha chú các em đã sống không phải là “những ngày đẹp nhất dù mai sau đời vạn lần hơn”, nhưng là con đường nhuộm bằng máu và nước mắt, trong đó, “có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn” như ông Võ Văn Kiệt đã nhắc lại.

Ngoài ông Võ Văn Kiệt đã qua đời, một số cán bộ Cộng Sản nổi bật trong giai đoạn chiến tranh như cựu đại sứ Cộng Sản Việt Nam tại Pháp Võ Văn Sung trong buổi phỏng vấn dành cho VietNamNet mới đây cũng nhấn mạnh đến tinh thần hòa giải bằng những câu phát biểu thật “thắm thía”: “Lúc này nếu ai đó trong chúng ta dù từng đứng từ phía nào mà vẫn nuôi lòng thù hận, cản trở hòa hợp dân tộc thì sẽ dần trở nên lạc lõng và thật sự có lỗi với tương lai của chính con cháu mình.”

Thế nhưng cả ông Võ Văn Kiệt lẫn ông Võ Văn Sung, về khái niệm, đều lầm lẫn giữa hòa giải và đầu hàng, giữa hòa hợp và phục tùng, giữa bao dung dân tộc và thương xót người chiến bại. Hòa giải hòa hợp là con đường hai chiều, là chiếc cầu nhiều nhịp. Và như tôi đã phát biểu ở trên, phải dựa trên nền tảng bình đẳng, tự do, dân chủ. Không ai có quyền bắt người khác phải bơi qua sông để hòa giải với mình. Những người lính miền nam cần công lý chứ không cần thương xót.

VOA: Trong hai tuần qua, nhiều độc giả của các trang blog không do nhà nước kiểm soát đã xôn xao bàn tán về bài viết “Tùy Bút Tháng Tư” của nhà văn Vũ Ngọc Tiến, cũng như mới đây bài viết của nhà văn Nguyễn Trọng Tạo “Đừng Thêm Những Tháng Tư”. Xin anh cho biết ý kiến của anh về hai bài viết này?

Trần Trung Đạo: Trong lúc tôn trọng sự khác biệt về cách giải thích nguyên nhân của cuộc chiến Việt Nam, tôi thông cảm những trăn trở của nhà văn Vũ Ngọc Tiến trong bài viết mới đây Tùy Bút Tháng Tư “Trong số 3,2 triệu người Việt định cư ở hải ngoại hiện nay, số ra đi trước ngày 30/4/1975, kể cả số di cư từ thời thuộc Pháp chỉ khoảng 1 triệu, số còn lại hơn 2 triệu người chủ yếu rời bỏ đất nước từ nửa cuối thập niên 70 và cả thập niên 80 của thế kỷ trước. Thế hệ chúng tôi “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, sao những người được chúng tôi giải phóng lại ào ào bỏ nước mà đi đông đến vậy?”

Tôi nghĩ câu hỏi này nhà văn đặt ra cho giới lãnh đạo đảng chứ không phải cho độc giả của ông. Tuy nhiên, với tư cách là một trong số hơn hai triệu người ra đi sau 1975, tôi nghĩ, lý do cũng rất là đơn giản. Họ ra đi sau 1975 là vì tự do. Nếu Liên Hiệp Quốc và các quốc gia Đông Nam Á không đóng cửa các trại tỵ nạn đầu thập niên 90 thì không chỉ 2 triệu mà có thể 4 triệu, 6 triệu hay nhiều hơn nữa đã bỏ xứ ra đi.

Quê hương Việt Nam sau 1975 là quê hương để nhớ, để thương nhưng không phải để sống.

Và sau 35 năm, ngoài trừ một số rất ít, 300 ngàn người thành đạt như nhiều nguồn ước tính và nhà văn Vũ Ngọc Tiến có trích dẫn trong bài viết của ông, đã không về phục vụ đất nước. Nhà văn thắc mắc tại sao họ lại không về. Câu trả lời cũng không khó lắm. Thứ nhất, dù chia rẽ, kèn cựa, chống đối lẫn nhau, về căn bản họ vẫn là những người chống lại chế độ độc tài Cộng Sản, và thứ hai, họ không muốn thấy những đóng góp của họ chỉ để làm giàu thêm giai cấp tư sản đỏ đang như dòi bọ sinh sôi từ xương máu nhân dân chứ không đem lại lợi ích gì cụ thể cho đại đa số đồng bào đang sống trong nghèo khó.

Tôi cũng rất tâm đắc với suy nghĩ của nhà văn Nguyễn Trọng Tạo trong bài viết Đừng Thêm Những Tháng Tư: “Một dân tộc mà lũ trẻ không biết mơ mộng và người già không biết sám hối, đó là một dân tộc bất hạnh. Hãy trân trọng sự sám hối.” và “Hòa giải là nguyện vọng cấp thiết của người Việt Nam dù trong hay ngoài nước”.

Đúng vậy, những ai có trách nhiệm cho điêu tàn, đổ nát, đói nghèo, lạc hậu, mất đất, mất biển phải sám hối trước tiên linh ông bà và xin lỗi trước nhân dân.

Về hòa hợp hòa giải. Trải qua một cuộc chiến dài với quá nhiều những hy sinh xương máu, tôi tin, không một người Việt Nam yêu nước nào không muốn sống trong cảnh hòa bình, không mong đất nước mình cường thịnh, hội nhập vào dòng phát triển của cộng đồng nhân loại. Không chỉ những người lính miền nam, người dân miền nam mà ngay cả những người lính miền bắc, người dân miền bắc, cũng chỉ mong có cơ hội được trở về căn nhà xưa, với ruộng lúa nương dâu, với cha mẹ già đang chờ đợi.

Cuối cùng, như các chúng ta thấy, không ai thương dân tộc Việt Nam bằng chính người Việt Nam. Bên trong những vòng hoa chiến thắng, mặt trái của những tấm huân chương là máu thịt của hàng triệu người Việt Nam đổ xuống, là đói nghèo lạc hậu.

Việt Nam phải vượt qua. Việt Nam phải thăng tiến. Nhưng chướng ngại lớn nhất trên con đường dẫn tới một tương tốt đẹp, tự do, dân chủ, giàu mạnh không phải vì thiếu hòa giải, hòa hợp mà quan trọng hơn vì cơ chế độc tài đảng trị như một bức tường đang chắn ngay trước lối đi lên. Một khi cơ chế độc tài sụp đổ, hòa giải hòa hợp tự nhiên sẽ đến dù lúc đó chưa chắc còn cần thiết nữa.

VOA: Xin cám ơn anh Trần Trung Đạo

.

.

.

No comments:

Post a Comment