Thursday, March 4, 2010

VIỆT NAM : NƠI GIÁO ĐỒ ĐANG SỐNG TRONG SỢ HÃI

Việt Nam : nơi giáo đồ đang sống trong sợ hãi

Johnny Blades

Gửi vào ngày Thứ Sáu, 05 Tháng 3, 2010.

http://tiengnoitudodanchu.org/modules.php?name=News&file=article&sid=8734

Nhà báo Johnny Blades tìm hiểu những căng thẳng trong vấn đề tôn giáo tại một thành phố, ở nơi mà người dân có thể bị phạt nặng nếu tổ chức tụ tập cầu nguyện không có phép, kể cả việc đối xử hà khắc trong nhà tù và các trại "trại cải tạo".

***

Hôm đó là một ngày Chủ nhật êm ả trên một con đường bụi bặm tại thành phố lớn nhất nước, và cô Nguyễn Hồng rất lo lắng. Là một trong những người thường nhóm các buổi cầu nguyện tại thành phố Hồ Chí Minh, cô ta có đủ lý do để lo sợ.

Hình phạt cho những ai tổ chức các buổi cầu nguyện chui rất là nặng, kể cả việc bị giam trong những nhà tù khắc nghiệt hoặc các "trại cải tạo".

Đối với nhiều người trong số 8 triệu giáo dân Thiên Chúa Giáo ở quốc gia này, thì ngày Chủ Nhật là khoảng thời gian dùng để tôn vinh Chúa và suy gẫm, thì giờ đây pha lẫn với thận trọng và lo âu, cầu nguyện trong lén lút.

Trước tiên là thông báo qua email, rồi nhắn tin qua điện thoại cầm tay thông báo địa điểm tụ tập để cầu nguyện. Kế đến là các thành viên nhóm lại để cầu nguyện trong một căn nhà kho nào đó.

"Trước đây giáo khu của chúng tôi thường nhóm rất vui vẻ, cầu nguyện và ca hát với nhau. Nhưng bây giờ thì chúng tôi phải trốn chui trốn nhủi và giữ im lặng".

Cô Hồng còn cho biết rằng các buổi nhóm nguyện phải nhanh chóng. Trong khi phải hạ giọng đến mức thấp nhất thì đôi mắt của cô Hồng lúc nào cũng hướng về phía cánh cửa canh chừng.
Chỉ chờ đến khi thành viên cuối cùng trong nhóm bước ra khỏi cửa thì Hồng mới thở phào nhẹ nhỏm.

Các nhóm tôn giáo chui nở rộ trong mấy năm qua sau khi nhà nước Việt Nam thay đổi luật pháp với ngụ ý cho phép rộng rãi hơn trong vấn đề tự do tôn giáo nhưng phải đóng khung trong vòng kiểm soát của nhà nước. Bà Sophie Richarson, Giám đốc phân bộ Á Châu của Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) nói rằng lập trường về tôn giáo của nhà nước Việt Nam lúc nào cũng có vấn đề. Bà còn nói "Tự do tôn giáo được xem là một đặc ân Xin-Cho của nhà nước chứ không phải là một quyền tự do căn bản của con người. Nhìn vào các tôn giáo khác nhau, đặc biệt là các tôn giáo lớn, Nhà nước cộng sản luôn lo sợ là họ không kiểm soát nổi, xem đó là một thách thức lớn đối với họ".

Tại Việt Nam, quốc gia mà đa số người dân theo đạo Phật, việc xin giấy phép hoạt động cho một nhà thờ rất là khó khăn. Ở phía Bắc, hiện có đến 1,000 giáo đoàn Tin Lành của các sắc tộc thiểu số, cũng như hàng chục nhóm tu tập Phật giáo khác nhau, đã nộp đơn xin hoạt động nhưng vẫn chưa được chấp thuận.

Việc cấp giấy phép thường được dựa vào yếu tố là nhóm/tổ chức đó có bị xem là mối đe dọa đến đảng cầm quyền hay không, hoặc có các yếu tố "lực lượng phản động nước ngoài" hay không.

Bà Richardson còn nói rằng "chính phủ Hà Nội sử dụng các luật lệ khắt khe để ức chế, trừ tiệt các nhóm tôn giáo độc lập nằm ngoài các tổ chức quốc doanh".

Nói đến việc trấn áp tôn giáo thì phải nói đến cơ quan an ninh A41 của Bộ Công an, còn được gọi là "công an tôn giáo". Cơ quan này giám sát các tổ chức tôn giáo mà nhà nước cho là "nguy hiểm".

Theo các báo cáo nhân quyền thì hiện có hàng trăm người bị giam trong các nhà tù tại Việt Nam chỉ vì tín ngưỡng tôn giáo. Họ bao gồm hơn 300 người Thượng, các thành viên giáo phái Cao Đài, tối thiểu 5 thành viên Hòa Hảo, một Mục sư Tin lành và hàng chục giáo dân Công giáo bị bắt năm ngoái trong những vụ biểu tình ôn hòa.

Mới đây Hà Nội còn ký một thỏa thuận hợp tác tôn giáo với Miến Điện. Nguyên bản thông cáo báo chí được đăng tải trên trang báo điện tử của TTXVN có nói đến việc đôi bên hợp tác để "dẹp tan các ảnh hưởng từ bên ngoài nhằm sử dụng tôn giáo để gây mất ổn định trật tự".

Một giáo dân Hòa Hảo ẩn danh sống ở TP.Hồ Chí Minh nói rằng "thỏa thuận này thật đáng lo ngại cho tất cả Phật tử". Vị này còn nói rằng Phật Giáo Hòa Hảo là một giáo phái được công nhận, nhưng hiện nay giáo dân bị buộc phải phục tùng ban đại diện do nhà nước công cử để theo dõi tất cả các hoạt động của họ.

Một giáo dân có can đảm nói thẳng rằng "chúng tôi phải được tự do hành đạo mà không bị đe dọa".

Mặc cho các diễn biến đang xảy ra, nhà nước Việt Nam đang cố gắng nhích gần lại La Mã hơn. Mới đây, chủ tịch nhà nước Nguyễn Minh Triết đã gặp gỡ Đức Giáo Hoàng Benedict XVI tại Vatican trước dịp Giáng Sinh. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên kể từ khi cộng sản nắm quyền ở miền Bắc vào năm 1954.

Đôi bên đều thận trọng cân nhắc trong việc tái thiết lập bang giao. Nhiều nguồn tin cho rằng Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu chính phủ Việt Nam hãy tạo cơ hội để giáo hội Công giáo Việt Nam có thể tham gia vào các công tác từ thiện, chăm sóc y tế sức khoẻ và ngành giáo dục học đường.

Tuy nhiên, theo bà Richardson thì "Trong khi có một ít tiến triển trong vấn đề tự do tôn giáo cho những giáo đồ chịu tu tập với các giáo phái được nhà nước công nhận, thì vẫn còn tồn tại nhiều áp bức".

Cũng là một trùng hợp hôm chúng tôi gặp cô Hồng, vì hôm Chủ nhật đó cũng là ngày của vị Thánh khổ hạnh Anthony. Cô Hồng cho rằng con người ta phải học hỏi gương của vị thánh khổ hạnh này.

Hồng nói một cách mỏi mệt, "Ngài nói đến tầm quan trọng của việc kiên trì đối với đức tin. Cho nên chúng tôi phải tiếp tục công việc này".

Báo điện tử
Guandian Weekly số ra ngày Thứ Tư, 3 tháng 3 năm 2010
(Lê Minh lược dịch)
Bản dịch của TNTDDC

.

.

.

No comments:

Post a Comment