Wednesday, March 3, 2010

NÓI

Nói

Võ Tấn Phong

03/03/2010 7:15 sáng 3 phản hồi

http://www.talawas.org/?p=16883

Triết gia mà ngậm ống điếu thì minh trí hơn lên, còn kẻ ngu độn mà ngậm ống điếu thì câm cái miệng lại; ống điếu làm cho cuộc đàm thoại có phong cách trầm tư, thâm thúy, nhân từ và giản dị.”[1]

William Makepeace Thackeray

Thà ngậm miệng mà bị nghi là ngu dốt còn hơn mở miệng và xóa sạch mọi nghi ngờ.”[2]

Mark Twain

.

Hiện nay người Việt có khác biệt lớn trong quan niệm về nói. Đối diện với một vài phát biểu nào đó, một số nghĩ: nói đúng hay không đúng; một số khác: phải đạo hay không phải đạo. Một số nghĩ: nói ngu dốt không; một số khác: lời phạm thượng không. Một số nghĩ: có nịnh quá, có đáng làm người không; một số khác nghĩ: có liều quá, có đáng chết không. Một số chú trọng nội dung nói, một số khác chú trọng cách nói. Một số muốn tất cả mọi người được tự do nói; một số khác muốn khóa mõm mọi kẻ khác trừ phe mình. Một dân tộc muốn trưởng thành, nên coi trọng cái nói nào đây?

Sự khác biệt có thể quy cho truyền thống, lịch sử, địa lý, dân trí, hoàn cảnh, và đủ thứ gì gì khác. Nhưng một điều không thể chối cãi là: khi chế độ toàn trị hiện nay giành được quyền đô hộ dân chúng, thì tự do nói vừa mới đạt được ít nhiều đã bị tước đoạt tàn bạo, và nói chỉ còn là đặc quyền của chế độ.

Chế độ toàn trị sợ những thần dân của nó mở miệng. Nó không những bỏ tù thằng bé la to lên “đảng trưởng ở truồng”, mà còn cấm ai thuật lại “có thằng bé nói đảng trưởng ở truồng”. Vì nói thật là bệnh hay lây. Vì chế độ toàn trị sợ cứ để im, sớm muộn gì con bé khác sẽ liến thoắng “má ơi, vú ông chủ tịch y chang vú bà ngoại”, hay một cô ả từng trải sẽ ỡm ờ “chim anh trưởng ban xạo xự hơi bị bé nhẩy”, hay một anh lính già phê “dái ông thượng thư bộ binh hơi nhỏ, thảo nào sợ Tàu”, hay một tay chơi sành sỏi sẽ cười đểu “tóc trên đầu ông lớn kia ít hơn tóc dưới bụng bà nghị nọ”, và cái phường tuồng đang rình rang trịnh trọng đó sẽ biến thành trò hề lịch sử. Sợ là phải!

Chế độ toàn trị chỉ giành phần nói cho chính mình. Vào cái thời u u minh minh những chủ tịch đứng chỗ cao xa đọc những diễn văn viết sẵn, có thể lòe bịp một số lớn dân chúng cả tin. Cái mưu mẹo chủ yếu dùng để bảo vệ những thể chế vô đạo và những hành động tàn bạo với dân và yếu hèn với kẻ thù ngàn đời, bằng cách gắn vào đó cái nhãn dân tộc hay Việt Nam, trong cái thời mông muội, có thể bóp miệng được một thiểu số tiết tháo, và kêu gọi được ủng hộ của một số lớn dân chúng. Sự cai trị sắt máu bằng nòng súng vào cái thời lớn mạnh của kỹ thuật vũ khí có thể bảo đảm không có những thách thức với chế độ toàn trị, nói gì đến nạn “giặc giã” như dưới thời chúa Trịnh Giang hay thời vua Tự Đức.

Thời đại internet đảo ngược tất cả. Những ông to, đi ra biển lớn với cái não trạng bé tẻo teo, phát biểu vào buổi sáng có thể làm trò cười cho bàn dân thiên hạ buổi chiều. Những hình ảnh đàn áp ngang ngược dân chúng đầy dẫy trên mạng mâu thuẫn mạnh mẽ với những lời chối đây đẩy “không có, không có” của cả một hệ thống chính quyền. Ngụy tạo bằng chứng để kết tội người bất đồng chính kiến không còn là bí mật quốc gia gì ráo. Và “láo như vẹm”[3], tưởng đâu chỉ là tuyên truyền của một thiểu số cực đoan chống cộng, giờ đây đúng hơn sự thật, thật hơn chân lý. Sự thật giảm bớt đi nỗi sợ. Những chống đối công khai của những người có trí và có gan ngày càng nhiều hơn và càng được sự ủng hộ nồng nhiệt của phần nhân loại [thực sự] tiến bộ. Hơn nửa thế kỷ khủng bố lừa lọc đang trôi dần ra sông ra biển!

Chế độ toàn trị bóp miệng dân chúng trong nước. Chưa đủ. Nó còn vươn tay bạo ngược sang hải ngoại: bắt đục phá bia kỷ niệm thuyền nhân, đánh phá các trang web phê phán nó, hoặc khiêu khích những diễn đàn hay blog vì tự do, dân chủ, nhân quyền, và chủ quyền đất nước. A ha! Những nước cờ sai lầm! Còn gì tố cáo sự tàn bạo của chế độ toàn trị mạnh mẽ hơn một tấm bia kỷ niệm những con người chạy trốn đi tìm tự do cũng bị đục thủng. Và khi đánh phá những trang web ủng hộ dân chủ hay khiêu khích những bài viết làm nó chói tai, chế độ toàn trị lại quảng cáo không công cho những trang web và những bài viết đó. Người dân sẽ tò mò muốn tìm hiểu tại sao một trang web hay một bài viết lại được chính quyền toàn trị tất tả chiếu cố như thế. Và khi tìm hiểu, người có chút lý trí có thể nhận biết sự thật ở đâu. Tại sao dân chúng không được phê phán chính quyền? Tại sao hầu hết mọi người, thậm chí những kẻ phá bĩnh có thể tự do lên tiếng ở các diễn đàn hải ngoại? Tại sao một diễn đàn chỉ do vài người thành lập ở ngoài nước hay một trang blog của một cá nhân lại hành xử hào hiệp trượng phu hơn cái nhà nước toàn trị hùng hậu kia? Ai sợ sự thật hơn ai?

Dù biết thế, nhưng đôi khi nhìn thấy nhiều vị khách ngồi đáy giếng làng Việt Nam cứ lên những diễn đàn hải ngoại đòi định nghĩa lại tự do với dân chủ, lại ủng hộ bắt bớ tù đày những người trẻ tuổi vì tự do-dân chủ-nhân quyền-chủ quyền dân tộc, lại huênh hoang tuyên truyền cho chế độ toàn trị trong nước, tôi ước gì có thể tặng họ những cái tẩu thật nặng. Nặng đến ngậm trĩu cả môi, cong cả phao câu, và mỏi cả hai tay bê tẩu, để họ ngậm cái miệng lại và ngừng đánh bàn phím cho đời nhờ. Nhưng ý nghĩ đó chỉ thoáng nhanh qua và nhường chỗ cho một niềm tin mạnh mẽ hơn: cứ để bọn họ mở miệng.

.

© 2010 Võ Tấn Phong

© 2010 talawas


[1] William Makepeace Thackeray, from The Social Pipe, “The pipe draws wisdom from the lips of the philosopher, and shuts up the mouth of the foolish: it generates a style of conversation, contemplative, thoughtful, benevolent, and unaffected.”

Bản dịch của Nguyễn Hiến Lê, “Một quan niệm về sống đẹp” của Lâm Ngữ Đường.

[2] Được cho là câu nói của Mark Twain, “It is better to keep your mouth shut and appear stupid than to open it and remove all doubt.”

[3] Vẹm là do từ chữ VM , viết tắt từ hai chữ Việt Minh , dùng để gọi tắt những người theo Việt Minh, tiền thân của người cộng sản Việt Nam.

.

.

.

No comments:

Post a Comment