Wednesday, March 31, 2010

NHÂN QUYỀN TRONG KHUNG PHÁP LÝ BANG GIAO MỸ - VIỆT

Nhân quyền trong khung pháp lý bang giao Mỹ-Việt

Đỗ Hiếu, phóng viên đài RFA

2010-03-31

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/human-rights-in-the-legal-framework-of-us-vietnam-relations-03312010080008.html

Trong một cuộc hội luận về nhân quyền nói chung được tổ chức hôm thứ Bảy 27-03 vừa qua tại hội trường của Văn phòng Quận hạt Mason, Luật sư Trần Thanh Hiệp, chủ tịch Trung Tâm Việt Nam về Nhân quyền, trụ sở đặt tại Paris, đã nêu lên nhu cầu phải “Kết hợp tranh đấu chính trị với tranh đấu pháp lý” để làm công việc ông gọi là “chống cộng sản xâm nhập cộng đồng người Việt hải ngoại và vận động thiết lập dân chủ ở trong nước”.

Sau đây là cuộc trao đổi giữa Đỗ Hiếu của Đài Á Châu Tự Do với Luật sư Trần Thanh Hiệp trong đó nhiều điểm trong bài thuyết trình dẫn nhập của LS Trần Thanh Hiệp đã được khai triển.

.

Hiểm họa xâm nhập của cộng sản tại hải ngoại

Đỗ Hiếu: Trước đây, Luật sư có kêu gọi người Việt hải ngoại đổi mới tư duy chính trị trong chiều hướng dân chủ chính thống. Cuối tuần qua, Luật sư lại đề xuất việc kết hợp “tranh đấu chính trị với tranh đấu pháp lý”. Điểm đáng chú ý là dịp này lần đầu tiên Luật sư đã công khai nêu lên vấn đề chống cộng sản xâm nhập cộng đồng người Việt ở hải ngoại.

Xin Luật sư cho biết cuộc vận động hiện nay của Luật sư có phải là sự tiếp nối của những cuộc vận động trước không hay chỉ là phản ứng của Luật sư trước một hiện tượng có tính thời sự mà Luật sư gọi là “cộng sản xâm nhập”?
LS.Trần Thanh Hiệp: Đúng là tôi có kêu gọi người Việt hải ngoại, tiếp tục thực hiện sứ mang lịch sử dân chủ hóa đất nước vì lịch sử đã mở đường cho một bộ phân gần 3 triệu người của đại khối nhân dân thoát khỏi vòng kìm kẹp cộng sản để sinh sống ở ngoài nước.

Theo tôi, kể từ nửa nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống W.Bush, nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội lợi dụng thế ngoại giao Mỹ Việt hoàn toàn bình thường hóa, năm 2004 ra Nghị quyết mở rộng phạm vi

thống trị cộng sản ra khắp khu vực hải ngoại. Tôi gọi sự hiện diện dự kiến và dự tính này là sự “xâm nhập” cộng sản vào cộng đồng người Việt ở hải ngoại và tôi coi đó là một mối đe dọa trước mắt, giống như đã xảy ra ở miền Nam trước 1975. Tôi cho là phải kịp thời ngăn chặn sự lây lan của hiểm họa xâm nhập đó.
Đỗ Hiếu: Ngày trước khác bây giờ khác. Hiệp định Genève năm 1954 đã chia đôi nước Việt Nam thành hai miền Bắc Nam được ngăn cách bằng vĩ tuyến 17. Bây giờ từ giữa thập niên 1990, Hà Nội và Hoa Thịnh Đốn đã tái lập bang giao và như Luật sư nói, nền bang giao ấy đã đươc cựu Tổng thống George W. Bush bình thường hóa tính ra đã hơn bốn năm rồi. Vậy nếu vẫn cứ gọi sự hiện diện bình thường của cộng sản Việt Nam trên đất Mỹ trong khuôn khổ bang giao Mỹ Việt là “xâm nhập” thì có sợ là khiên cưỡng không?

LS.Trần Thanh Hiệp: Theo tôi, không khiên cưỡng mà còn rất chính xác nữa. Dĩ nhiên không ai phủ nhận rằng trước đây vĩ tuyến 17 đã cấm hai miền Nam Bắc xâm nhập vào lãnh thổ của nhau. Trái lại, bây giờ thì công dân của chế độ Hà Nội được phép hiện diện trên đất Mỹ. Nhưng Hà Nội không được phép mở rộng chế độ cộng sản độc tài phi nhân quyền của họ ra trên lãnh thổ Mỹ vì hành vi mở rộng này là sự xâm nhập bất hợp pháp xét về mặt luật quốc tế và luật quốc nội của Mỹ. Tức là, sự xâm nhập của cộng sản Việt Nam vào Hoa Kỳ vừa có mặt hợp pháp lại vừa có mặt bất hợp pháp. Đặt vấn đề chống cộng sản xâm nhập là ngăn chặn không cho Đảng cộng sản Việt Nam công khai hay lén lút hoạt động và bành trướng bất hợp pháp trên đất Mỹ.

.

Chiến thuật hoạt động của cộng sản

Đỗ Hiếu: Chắc chắn là sự xâm nhập Luật sư nêu lên đã phải được che dấu dưới những bề ngoài hợp pháp chứ? Vậy dựa vào đâu để phân biệt hợp pháp với bất hợp pháp ?
LS.Trần Thanh Hiệp: Đương nhiên là phải che giấu, nhất là môt trong những chiến thuật hoạt động bí mật của cộng sản là lợi dụng tối đa những quyền tự do dân chủ để qua mặt luật pháp. Thế nhưng, như người ta thường nói, “khôn mà không ngoan” hay đúng hơn, không thể ngoan được. Nếu những “đoàn thể nhân dân” của Hà Nội mà được thành lập ở hải ngoại thì không thể không có những bộ phận đảng đoàn nằm ở bên trong để lèo lái những đoàn thể ấy phải đi theo đúng đường lối của đảng và thi hành công tác đảng giao phó. Chứ không thể có chuyện Hà Nội cho ra đời trên đất Mỹ những hội đoàn độc lập và tự do nghĩa là chống lai Đảng được.
Đỗ Hiếu: Lý luân thì như vậy nhưng thực tế thì sao? Có thể đưa ra những bằng chứng cụ thể không?

LS.Trần Thanh Hiệp: Có chứ. Bằng chứng rất thuyết phục vì lấy ra từ Nghị quyết 36, đoạn 8, năm 2004 của cơ quan đầu não của Đảng cộng sản là Bộ Chính tri, nội dung như sau: “ Các tổ chức Đảng, các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức và đoàn thể nhân dân theo chức năng, nhiệm vụ của mình tham gia tích cực vào công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài với các cơ quan hữu quan, với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân, giữa trong nước với ngoài nước. Củng cố và phát triển các tổ chức xã hội làm công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài, như Hội liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, các hội thân nhân kiều bào và các hình thức tập hợp chính đáng khác, phù hợp với ý nguyện và đặc điểm của cộng đồng ở địa bàn cư trú”.

Mặt khác, chính đại sứ của Hà Nội ở Hoa Thịnh Đốn đã đứng ra chỉ đạo việc thành lập ở vùng này “Hội Sinh viên lưu học sinh” mà hội trưởng lâm thời là một nhân vật cộng sản khác, ông Nguyễn Tứ Chi đang làm việc cho Hà Nội ở Ngân Hàng Thế Giới. Không thể chối cãi được rằng đây chính là một trường hợp hoạt động bất hợp pháp. Còn phải tìm chứng cớ ở đâu xa nữa?

Đỗ Hiếu: Nếu quả thật là bất hợp pháp thì làm sao để ngăn cản, thưa Luật sư?
LS.Trần Thanh Hiệp: Vì vậy phải ngăn chặn những hành vi bất hợp pháp ấy bằng những biện pháp pháp lý. Hoạt động của những người cộng sản Việt Nam trên đất Mỹ phải phù hợp với công pháp quốc tế và luật pháp của nước sở tại, không phải để áp dụng thứ luật pháp đảng trị phi nhân quyền xã hội chủ nghĩa của Hà Nội.

Công pháp quốc tế cho phép Hà Nội được tự do hoạt động trên nước sở tại có bang giao với Hà Nội nhưng chỉ ơ trong phạm vi quyền lãnh ngoại (extraterritoriality), được phép bảo vệ quyền lợi của công dân của họ nhưng trên cơ sở quan hệ lãnh sự và dưới sự chi phối của luật quốc nội của Mỹ chứ không phải của công pháp quốc tế. Về giao lưu kinh tế, văn hóa thì Hiệp định song phương Việt Mỹ có dự liệu nhưng đòi hỏi phải có đi có lại hai chiều chứ không phải để cho Hà Nội tuyên truyền một chiều cho chế độ của họ nhằm đánh chiếm mội trường sinh sống tự do và hòa bình của người Việt ở hải ngoại.

Mội trường này đã được chính quyền địa phương, nhân dân Mỹ coi như đất sống được bảo vệ của một sắc tộc thiểu số Việt Nam với biểu tượng là cờ vàng ba sọc đỏ. Những người Mỹ gốc Việt, với tư cách là công dân Mỹ, những người Việt tị nạn Việt dưới sự che chở của Quy ước Genève 1951, những người cư dân hợp pháp Việt, có quyền và nên dùng quyền của mình để nhờ pháp luật Mỹ chặn đứng các chiến dịch xâm nhập cộng sản và để cho nhân quyền của người Việt hải ngoại được tôn trọng trong khung pháp lý bang giao Mỹ-Việt.
Đỗ Hiếu: Xin cảm ơn Luật sư Trần Thanh Hiệp.
Chúng tôi cũng xin được nhắc lại rằng ý kiến của Luật sư Hiệp không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

.

Theo dòng thời sự:

Biểu tình phản đối Tổng lãnh sự Việt Nam tại Houston

Cộng đồng người Việt ở Czech bị để ý

Người Việt hải ngoại lên án Trung Quốc áp chế ngư dân Việt Nam

Thành quả của Hội nghị Việt kiều?

Việt Nam hứa hẹn ưu ái Việt kiều

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.

.

.

.

No comments:

Post a Comment