Monday, March 8, 2010

MIỀN TÂY ĐANG LO CHẾT KHÁT

Trên hạn, dưới mặn: miền Tây đang lo chết khát

SGTT

Ngày 08.03.2010 Giờ 07:55

http://www.sgtt.com.vn/Detail29.aspx?ColumnId=29&newsid=63835&fld=HTMG/2010/0307/63835

SGTT - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có chuyến khảo sát thực tế tại tỉnh Sóc Trăng hôm 6.3 về tình hình khô hạn và xâm nhập mặn. Ngày 11.3 tới đây, một hội nghị về xâm nhập mặn tại các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long sẽ được tổ chức tại Sóc Trăng nhằm tìm ra biện pháp ứng phó cho lâu dài.

Ông Phạm Hồng Văn, trưởng phòng NN&PTNT huyện Cù Lao Dung – Sóc Trăng, cho biết trước đây năm nào nắng hạn kéo dài thì độ mặn ở các xã đầu cù lao cũng chỉ lên tới mức dưới 1‰, nhưng năm nay độ mặn ở một số nơi đã ở mức trên 2‰. Ở các huyện Mỹ Xuyên, Vĩnh Châu độ mặn đang tăng dần và nhiều nơi đo được 4 – 6‰.

.

Kênh khô trơ đáy

Sở NN&PTNT Sóc Trăng cảnh báo, nước ngọt không đủ tưới cho diện tích lúa hè thu đang còn đứng ngoài đồng hiện nay. Cơ quan này khuyến cáo, nông dân các huyện Long Phú, Mỹ Xuyên, Thạnh Trị nên làm thuỷ lợi nội đồng thật tốt, theo dõi nguồn nước trước khi bơm vào ruộng để tránh bơm nhầm nước mặn hại lúa.

Ở huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) có hơn 7.600ha lúa đông xuân muộn, khoảng 1 – 2 tháng tuổi, trong đó có hơn 200ha mới xuống giống từ sau tết Nguyên đán. Nông dân Trần Văn Hội ở ấp Bàu Sen, xã Châu Thới, cho biết mọi năm bơm nước một đợt tốn 7 – 8 lít dầu thì năm nay phải tốn 12 lít do nước cạn sâu dưới đáy kinh, phải bơm chuyền nhiều máy. Các huyện Hồng Dân, Phước Long, Hoà Bình và Giá Rai còn nhọc nhằn hơn khi phải dùng hàng trăm máy bơm tát nước mặn ra ngoài vùng sản xuất lúa. Theo phòng NN&PTNT huyện Giá Rai, toàn huyện có khoảng 700ha lúa trong giai đoạn làm đòng. Tuy nhiên, những trà lúa này đã bị đỏ lá do nước mặn tràn đồng. Sở NN&PTNT Bạc Liêu ước tính, có khoảng 20.000ha lúa đông xuân đang thiếu nước ngọt. Hiện tại, tuyến kinh cấp 3 đi qua xã Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Hưng A huyện Vĩnh Lợi đã trơ đáy.

Tại Trà Vinh, 12.000ha lúa đông xuân muộn ở các huyện Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Châu Thành trong giai đoạn trổ bông cũng đang nửa ăn nửa thua vì thiếu nước. Công ty Quản lý và khai thác công trình thuỷ lợi Trà Vinh cho biết, độ mặn năm nay cao và đến sớm hơn khoảng 15 ngày so các năm.

Tại Tiền Giang, hơn hai tuần nay ông Trần Văn Minh, chủ 5.000m2 ruộng ở xã Tân Điền, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) phải đặt hai chiếc máy bơm chạy cùng lúc mới bơm được nước vào ruộng tưới lúa. “Chi phí bơm nước tốn gấp đôi mà không biết có cứu được đám lúa hay không”, ông Minh ngao ngán nói. Ruộng lúa nhà ông Minh phải hơn một tháng nữa mới cho thu hoạch, sợ không có đủ nước trên kinh để bơm.

.

Nước mặn ăn sâu 40km

Ông Nguyễn Thiện Pháp, chi cục trưởng chi cục Thuỷ lợi tỉnh Tiền Giang, cho biết hiện nay vùng ngọt hoá bán đảo Gò Công (bao gồm các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, thị xã Gò Công, Chợ Gạo) đang có gần 30.000ha lúa đông xuân thiếu nước tưới, trong đó đang có hơn 2.600ha nông dân phải thực hiện bơm chuyền hai cấp để “cấp cứu” lúa. Nước mặn đã vô sâu trong nội địa đến 40km, thuộc địa phận cống Xuân Hoà của huyện Chợ Gạo. Chi cục Thuỷ lợi đã yêu cầu nông dân vùng ngọt hoá Gò Công tích cực bơm nước trữ trong các ao mương để chống hạn được tới đâu hay tới đó. Tại thành phố Mỹ Tho, nhiều chủ bè nuôi cá điêu hồng ở khu vực cù lao Tân Long, Thới Sơn đang chạy sấp ngửa tìm nhân công di dời bè cá tránh nước mặn.

Ở bên kia sông Cửa Đại, phía Bến Tre, nước mặn cũng lấn ngày càng sâu vào đất liền. Theo khảo sát của trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn tỉnh Bến Tre, hiện nay nước mặn cũng đã xâm nhập sâu vào đất liền hơn 40km. Trên sông Hàm Luông nước mặn đã lên đến Sơn Phú của huyện Giồng Trôm, Mỹ Thạnh An của thành phố Bến Tre. Trên sông Cổ Chiên, nước mặn tràn vào đến Thành Thới A, Thành Thới B của huyện Mỏ Cày Nam. Bà Lê Thị Thơm, nhà vườn huyện Giồng Trôm cho biết, gần một tháng qua vườn cây khô héo nhưng không tưới được vì chỗ nào cũng thấy nước mặn.

Ngọc Tùng – Hùng Anh

.

.

.

No comments:

Post a Comment