Saturday, March 20, 2010

HỮU LOAN - NGƯỜI ĐẺO ĐÁ NÚI VÂN HOÀN

Thi nhân Hữu Loan, người đẽo đá ở núi Vân Hoàn

Trần Tiến Dũng/Người Việt

Friday, March 19, 2010

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=110077&z=1

Trong chuyến đi Hà Nội vào tháng 10 năm trước (2009), Tôi được nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên rủ đi Thanh Hóa thăm thi nhân Hữu Loan. Với tôi, được đi thăm một trong những tượng đài sống - sống trong ánh sáng chói lòa và cả bóng tối u khuất của thi ca Việt Nam là một sự kiện đặc biệt. Hôm nay, nhận được tin ông vừa qua đời, hình ảnh của người thi nhân khổ nạn lại hiện lên tinh khôi lẫm liệt, và một cụm từ ray rứt khác cũng đeo bám lấy ý nghĩ tôi: Người thi nhân đẽo đá ở núi Vân Hoàn.

Ở thời điểm cánh cửa thế kỷ 21 đã mở, toàn bộ hình ảnh tôi thu được về thi nhân Hữu Loan trong không gian sống của ông và gia đình, trong không gian ý thức của một thi nhân đã có đời sống sáng tạo vượt quá những giới hạn thông thường và những khổ nạn từ sáng tạo, trách nhiệm trí thức đã đưa ông đến một tầm vóc lộng lẫy hơn thời đại mà quyền lực thiếu lương tri đã từng tưởng rằng có thể nhận chìm ông.

Chúng tôi nhìn thấy núi Vân Hoàn lúc còn ngồi trên xe. Trái núi đó cũng nhỏ thôi, chỗ thi nhân đẽo từng viên đá để mưu sinh nay đã được khoét rộng ra như một vết thương không bao giờ lành. Cả đoàn chúng tôi không ai nói gì. Khi xe vào tới ngõ hẻm làng quê nhà ông, lúc đó mặt trời buổi giữa trưa soi sáng đến từng hóc hẻm của một ngôi làng Bắc bộ. Ánh sáng hắt lên từ nền đường xi-măng long lanh và đung đưa cùng những bóng cây xanh mướt mọc bên tường rào của các ngôi nhà mái ngói cũ. Những người trong xe đều ồ lên vì vẻ đẹp lạ thường, và tôi không khỏi tự hỏi: Nếu ngôi làng heo hút của vùng quê xứ Thanh này, không phải là nơi chốn của thi nhân Hữu Loan thì liệu cảnh đồng quê có lãng mạn được không, liệu cỏ cây, gạch đá và tất cả sự sống hữu tình khác sẽ sống ra sao nếu không có hơi hướm của thi nhân!

Ðể vào đến làng chúng tôi qua cây cầu nhỏ bắc qua sông Hoạt. Hai người, một đàn ông, một đàn bà mà chúng tôi dừng lại hỏi thăm đều biết xã Nga Linh, thôn Vân Hoàn có một ông thi sĩ già nhưng không biết tên ông ấy là gì. Tôi nhớ người đàn bà bên đường mà chúng tôi hỏi có nói, “Hết đoàn này đến đoàn kia vào thăm, cháu cũng thấy lạ, chẳng biết ông làm chức quan gì, đến khi biết là nhà thơ cháu cũng chẳng tò mò.”

Một mẩu chuyện nhỏ

Khu nhà của thi nhân Hữu Loan đến cái chòi bếp u tối cũ mục cũng hực lên vẻ đẹp riêng. Phía bên trái gian chính là một căn phòng nhỏ, với cửa sổ nhỏ, mở ra miếng vườn nhỏ xanh um màu lá chuối là nơi thi nhân Hữu Loan ở trọn những năm tháng sau ngày ông không còn đi lại được. Khi nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên và nhà văn Nguyễn Bắc Sơn đến đỡ ông ngồi dậy, ánh sáng từ phía cửa sổ soi tỏ gương mặt u hoài của ông. Chúng tôi nhìn, chiêm ngưỡng ông và một lần nữa lại tự hỏi: Phải chăng ánh sáng của thế gian này chỉ chọn những nhân cách chân chính để tận hiến cho họ toàn bộ vẻ đẹp, bất chấp sức nặng thời gian, bất chấp mọi không gian nghiệt ngã.

Trong câu chuyện sơ giao, thi nhân rất minh mẫn khi kể với giọng hóm hỉnh về nhiều chuyện, mỗi chuyện từ ông đều vượt qua ranh giới của thời đại nô lệ giáo điều mà ông đã hệ lụy. Câu chuyện đầu tiên mà thi nhân nói với chúng tôi cũng là chuyện duy nhất mà chúng tôi muốn kể lại ở đây, chuyện về cây soan làng trong những ngày ông về sau chinh chiến. Ông kể nhiều giai thoại đẹp về cây soan làng ông, nhiều đến nỗi chúng tôi không nhớ hết và ông nói, “Ðến cây soan chính quyền cũng chặt, mà sao không cho người ta khấn.” Trong chúng tôi, qua câu chuyện cây soan, chúng tôi không nghĩ là ông muốn mở thêm ý gì. Khi cái đẹp trở thành đức tin, biểu tượng của cái đẹp dù không còn thực hữu thì vẫn còn đó tình yêu cái đẹp sâu bền toàn vẹn.

Chúng tôi bước về phía góc vườn, nơi người vợ sau của nhà thơ Hữu Loan đang ngồi trên chiếc võng. Nói về người chồng trí thức khổ nạn, nhà thơ đẽo đá ở núi Vân Hoàn, bà Tú Loan chỉ kể về chuyện lúc ông đi đẽo đá rồi đẩy xe cút kít ra bến sông Hoạt bán cho người ta xây nhà. Bây giờ khi được tin thi nhân Hữu Loan mất, trước mắt chúng tôi là hình ảnh bà Phạm Thị Nhu, tuổi già với đôi nạng chống đỡ khoảng đời vắng chồng trong căn nhà tối. Chúng tôi nhớ bà từng kể về món bánh ướt bà Tú Loan nổi tiếng khắp vùng Nga Sơn-Nga Lĩnh ra sao. Người phụ nữ giàu nghị lực và nhân hậu này đã luôn cười khi đọc cho chúng tôi nghe một đoạn thơ của một cậu bé 12 tuổi, con trai của bà và nhà thơ Hữu Loan, cậu bé trong tuổi học tiểu học đã biết làm thơ để xót xa bố cậu, một trong những thi nhân lớn của nền thi ca Việt Nam.

Bố ta đi xe cút kít

ò e ú ít

đũng chòe lỗ đít.

Vĩnh biệt thi nhân Hữu Loan! Không chỉ bất tận mãi “màu tím hoa sim” trên đất nước này, mà sẽ mãi mãi còn đó hình ảnh làm đau mọi trái tim Việt Nam: Người đẽo đá ở núi Vân Hoàn.

Trần Tiến Dũng

Hữu Loan :

Hữu Loan - cây gỗ vuông màu tím (TT 20-3-10) -- Phạm Xuân Nguyên

Gặp lại... "Màu tím hoa sim" (Bee.net 19-3-10)

Nhớ "Màu tím hoa sim" (TN 20-3-10)

Hữu Loan - tím mãi màu hoa sim (LĐ 20-3-10)

Vĩnh biệt “cậu Tú Loan” (DT 20-3-10)

Hai lần gặp nhà thơ Hữu Loan (TTVH 20-3-10)

Tưởng nhớ thi sĩ Hữu Loan (BBC 20-3-10)

Thi sĩ hải ngoại phân ưu trước sự ra đi của Hữu Loan (VOA 20-3-10)

Thi nhân Hữu Loan, người đẽo đá ở núi Vân Hoàn (NV 19-3-10)

Nhà thơ 'Màu tím hoa sim' qua đời (VnEx19-3-10)

Hữu Loan - Người đi bộ ngược chiều (TVN 19-3-10) - Nguyễn Thụy Kha

Biền biệt Hữu Loan (Bee.net 19-3-10) -- Nguyễn Trọng Tạo

Thi sĩ Hữu Loan qua đời (TN 19-1-10)

Đã bay về trời 'Màu tím hoa sim' (TP 19-3-10) -- Xuân Ba

Thấp thoáng Hữu Loan (HNV 19-3-10) -- Hà Đình Cẩn

Tác giả Màu tím hoa sim đã ra đi… (SGTT 18-3-10)

Lão thi sĩ Hữu Loan từ trần (NCTG 18-3-10)

.

.

.

No comments:

Post a Comment