Hãy rõ ràng với hai chữ “chịu ơn”
Đăng Bích
Đăng ngày 28/03/2010 lúc 02:18:10 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4699
Chịu ơn thì phải trả ơn. Cái văn hoá đó đã đi vào nếp sống và suy nghĩ của dân Á Đông từ nhiều ngàn năm nay. Có kẻ chịu ơn thì nhất thiết phải có kẻ ra ơn. Nếu ở mức độ giữa hai cá nhân với nhau, kẻ ra ơn nhiều khi chỉ vì tính thương người hay máu hiệp sĩ bênh kẻ yếu hèn sa cơ thất thế, hoàn toàn không một hậu ý hay tính toán xa vời. Ở tầm hai nhóm người hay hai quốc gia, chuyện “giúp nhau” hay “láng giềng tốt” thì không thể tránh khỏi cái hậu ý tính toán của kẻ ra ơn. Chỉ cần đọc Tam Quốc Chí, Đông Châu Liệt Quốc là thấy nhan nhản những câu chuyện ra ơn tha chết, cung cấp tiền của, thông gia cưới hỏi… tất cả đều nằm trong những toan tính chính trị. Những toan tính cực kỳ thâm hiểm có khi được tính trước đến mấy đời con cháu.
Năm 1949, khi Cộng Sản Trung Quốc chiến thắng, đuổi phe Quốc Dân Đảng ra đảo Đài Loan thì Việt Minh đang tiêu thổ kháng chiến chống lại thực dân Pháp đưa quân trở lại chiếm đóng Việt Nam. Toan tính của Cộng Sản Quốc Tế là bành trướng chủ nghĩa Cộng Sản. Cái toan tính chiến lược là Trung Cộng không thể để Pháp (sau lưng là phe Anh, Mỹ v.v.) chiếm lại Việt Nam, để từ đó chuẩn bị những sức mạnh quân sự nhằm khống chế Trung Cộng… Mao ra lệnh cho tướng Lã Quí Ba qua “hết lòng” giúp Việt Minh đánh Pháp… Một số lượng rất lớn vũ khí, đạn dược, lương thực, thuốc men và cả những con người Trung Quốc vào trận địa Việt Nam… Hai chữ “chịu ơn” cùng mấy chữ “thế giới đại đồng”, “các nước anh em”, hằng ngày được lãnh đạo Việt Minh, những người cộng sản Việt Nam tuyên truyền giáo dục cho hàng ngũ đảng viên của họ, và cho cả đại đa số những người kháng chiến không phải là đảng viên.
Biên giới tâm lý “Đất Nước”, “Tổ Quốc”, “Nhân Dân”, chỉ được dùng để đưa người bộ đội xung phong hy sinh ngoài chiến trường và phục vụ cho việc tuân phục tuyệt đối lãnh đạo Việt Minh là những người Cộng Sản mà suy nghĩ và hành động ngày đêm lại theo những ý niệm “đại đồng”… Họ luôn luôn hô to “ta chịu ơn Trung Quốc”… chứ chưa bao giờ dám nói là Trung Quốc cũng phải nhìn nhận là xương máu của người Việt Nam cũng góp phần rất lớn để cái lằn ranh “biên giới giữa Cộng Sản và Tư Bản” đã được đẩy xuống vĩ tuyến 17 thay vì ngay ở biên giới Việt Hoa để cho Trung Quốc có cái thế yên bình mà lo toan mọi chuyện trong nước họ…. Cái thế “có qua, có lại” rất mờ nhạt nhưng nó là cái thế chính trị mà toàn dân ta và cả đại bộ phận đảng viên không hề có chút ý thức.
Câu nói của Bác Hồ (“chúng ta trăm lần, ngàn lần, vạn lần chịu ơn Trung Quốc”) trở thành mệnh lệnh sẵn sang cho việc “trả ơn”. “Trả ơn” thứ nhất là “nghe lời dạy bảo của ông anh”: bao nhiêu người Việt Nam yêu nước ngã xuống trong chiến thuật biển người của Lã Quý Ba trong trận Điện Biên Phủ? Bao nhiêu trăm ngàn người bị giết, bị đầy đoạ khi Tổng Bí Thư Trường Chinh cùng Bộ Chính Trị rập khuôn “nghe lời dạy bảo” của Trung Quốc trong Cải Cách Ruộng Đất ở miền Bắc vì sợ làm mất lòng kẻ ra ơn? Khi Hoàng Sa bị Trung Quốc đánh chiếm từ tay Việt Nam Cộng Hoà thì lý luận của lãnh đạo miền Bắc hồi ấy là “nước anh em mình chiếm giữ sẽ triệu lần tốt hơn là kẻ thù giữ”… Cái lý luận bao trùm hai chữ “trả ơn” nó rất nhẹ nhàng, hợp ân hợp nghĩa. Nó đi vào tư duy của người cộng sản Việt Nam và đã làm cho một số lãnh đạo mất cảnh giác, thậm chí còn có kẻ bám chặt đến hai chữ “anh em” để che đậy những toan tính vì lợi ích cá nhân mà hoàn toàn quên mất quyền lợi của Tổ Quốc và Dân Tộc, nhất là khi họ đang say ngủ trong quyền lực và giàu sang. Một số người trong hàng hàng lớp lớp những người từ Điện Biên Phủ tiến về Thủ Đô trong ngày đầu Độc Lập của Dân Tộc năm 1945 cũng đã ngủ quên trong niềm vui được thấy con cái mình nhờ công trận và thế đảng của cha mẹ, ông bà để lột xác vào một giai cấp mới, một thứ giai cấp quí tộc đỏ, nhiều phần giàu sang hơn cả giai cấp thống trị thời thực dân, phong kiến. Như thế, thử hỏi họ còn nhớ gì đến những người đồng chí, đồng đội năm xưa đã nằm xuống đâu đó ở đồi Hin Lam hay góc rừng, suối vắng nào đó? Họ còn thấy chuyện gì nữa ngoài chuyện tối rượu sâm banh, sáng sữa bò?
Dĩ nhiên, lãnh đạo Việt Nam cũng phải khôn khéo và rõ ràng khi phải trả lời với lãnh đạo và nhân dân Trung Quốc khi bị đưa vào thế “trả ơn”. Muốn có câu trả lời khôn khéo hay cách “trả ơn” mà không làm hại Tổ Quốc thì lãnh đạo Việt Nam phải hiểu rõ cái ý nghĩa của chuyện “chịu ơn” và nhất là cái giới hạn không thể vượt qua của việc “trả ơn”…
Cái lý luận “trả ơn” hoà với cái nếp thói “anh em” trong suy nghĩ đã làm cho một số lãnh đạo chóp bu cảm thấy suôi miệng, êm tai, có cái cảm giác và tư duy thông suốt để đưa ra những quyết sách, thủ đoạn đàn áp, tiêu diệt những cơ hội, những tiếng nói nhằm nêu cao tình yêu Nước, Nhân Dân và Tổ Quốc nếu nó cản trở xâm phạm việc trả ơn của họ. Nhiều đợt báo trong nước vừa mới muốn nêu cao lòng yêu nước của dân đã ngay tức khắc bị dẹp bỏ sau một hai ngày báo, nhiều kẻ lên tiếng “Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam” tức khắc bị bắt nhốt truy bức, trong khi nhiều câu hỏi vì sao Nhà Nước Việt Nam không làm gì khi “kẻ lạ”, “tàu lạ” bắn giết ngư dân Việt Nam chỉ gặp phải mỗt sự im lặng đáng sợ? Cái im lặng chỉ có thể giải thích là cá nhân một vài chóp bu đang còn bận “nhận ơn” của nước lạ …
Trước khi vào Đại Hội XI, những người cộng sản Việt Nam -nhất là những chóp bu- phải định nghĩa với nhau rõ ràng hai chữ “ơn nghĩa” với Trung Quốc. Định nghĩa từ ngữ là một trong những công việc quan trọng trước khi đưa ra đề nghị để trao đổi, tranh luận để từ đó mới đưa ra chính sách đường lối. Định nghĩa rõ để ai nấy đều hiểu cùng một ý. Quan trọng hơn nữa là định rõ mục tiêu. Anh muốn làm cái gì? Qua Đại Hội Đảng lần thứ mười một hay lần thứ n+1, tất cả đều phải “Tất cả vì Nhân Dân và Tổ Quốc”, “Vì Độc Lập Tự Do và Toàn Vẹn Lãnh Thổ”… Nếu không, các anh sẽ lọt vào thủ đoạn của ông anh lắm mưu, thâm hiểm dù trong một số các anh sẽ mất cái “ban ơn” của họ. Nhân dân đang chờ một Hội Nghị Diên Hồng.
Saigon, 18 tháng 3 năm 2010
Đăng Bích
© Thông Luận 2010
.
.
.
No comments:
Post a Comment