Wednesday, February 3, 2010

TRUNG QUỐC là CƯỜNG QUỐC KINH TẾ! RỒI SAO ?

Trung Quốc là cường quốc kinh tế! Rồi sao?
Nguyễn Xuân Nghĩa
Monday, February 01, 2010
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=107750&z=97
Xào nấu sự thật cũng là một nghệ thuật

Truyền thuyết Trung Hoa có nói đến Y Doãn, một trọng thần của vua Thành Thang, người sáng lập nhà Thương, đâu đó hơn 3.770 năm rồi. Ông xuất thân là người hầu của bà vợ vua Thang, có tài nấu bếp, được vua cất nhắc lên làm tướng...
Sau này, Thành Thang có ví von: trị nước cũng tựa nấu nồi canh! Ăn thua là nghệ thuật nêm nếm. Và so sánh viên tể tướng với... quả mơ, giúp vua nêm vị chua cho bát canh. Vì vậy mà quả mơ, là trái thanh mai, mới thành biểu tượng của Tể Tướng. Thế rồi Xuân về, vì hoa mai nở trước muôn hoa nên cũng được sánh với người đỗ đầu, là Trạng Nguyên.
Ðầu Xuân, nói chuyện hoa mai và Trạng Nguyên hay Tể Tướng là điều hợp cách...
Nhưng dính dáng gì tới kinh tế hay chính trị? Thưa rằng có!

Nếu ta chú ý đến nghệ thuật xào nấu thống kê con số để tìm hiểu về thông tin và nhận thức thì sẽ hiểu. Tôn Tẫn dùng thuật đào bếp - nhiều mà làm như ít - để lừa Bàng Quyên về thực lực quân sự của mình. Khổng Minh cũng theo thuật đó - ít mà dựng thành nhiều - để đánh lừa Tư Mã Ý... Chuyện viển vông ấy thật ra rất hiện đại!

Ngày 28 vừa qua, Cục Thống Kê Quốc Gia của Trung Quốc vừa loan quyết định cải sửa cách thu thập và trình bày thống kê kinh tế sau khi viên Giám Ðốc Mã Kiến Ðường nêu ra 14,500 “sự cố” sai lạc của năm 2009. Ðây là lần thứ bốn kể từ khi Ðặng Tiểu Bình tiến hành cải cách 30 năm trước. Lý do cải sửa là vì các đảng bộ địa phương quá sáng tạo trong nghệ thuật xào nấu thống kê khiến trung ương hết kịp biết về sự thật ở ngoài đời, ở bên dưới.
Mà sở dĩ như vậy vì mọi viên chức đều chỉ chịu trách nhiệm với thượng cấp ở trên, chứ khỏi cần biết gì đến sự thật hoặc ý dân ở dưới. Rồi mỗi tầng lại sốt sắng tô hồng thống kê để mong thăng quan tiến chức. Lên tới trên cùng thì ta có một kết số ngũ sắc. Như cầu vồng rất đẹp mà không đáng tin. Leo lên đó thì biết ngay.
Một thí dụ là Cục Thống Kê tính ra Tổng Sản Lượng Nội Ðịa GDP năm 2007 là 24,900 tỷ đồng (hơn 3,600 tỷ Mỹ kim), nhưng nếu cộng chung Tổng Sản Lượng của ngần ấy tỉnh và thành phố, ta có con số là 4,000 tỷ Mỹ kim, sai biệt 340 tỷ đô la! Mà đấy là con số đã được Cục Thống Kê nêm nếm lại rồi mới cho các tỉnh công bố! Nếu không thì nồi canh cứ ngọt lừ. Mà ăn không nổi.
Vì vậy, lãnh đạo Bắc Kinh mới cần đi tìm sự thật về chính mình trên một xứ sở bát ngát có quá nhiều dị biệt mà ý niệm thời gian là “ngày Giời tháng Phật” trong khi các thị trường thì cứ thăng giáng vù vù trên khắp địa cầu. Trong nỗ lực đó, họ vấp vào nhiều cái bếp chính họ đã đào rất sâu để đánh lừa... truyền thông Hoa Kỳ và thế giới! Ðó là những huyền thoại về sức mạnh kinh tế Trung Quốc.

Vì kinh tế cũng là chính trị, nhận thức sai lạc về thực lực kinh tế có thể dẫn tới quyết định sai lầm về chính trị, là điều mà đa số dư luận Hoa Kỳ không biết. Do đó mới có bài này!

* * *

Trước khi xảy ra vụ suy trầm toàn cầu 2008-2009, người ta biết Hoa Kỳ sản xuất gần 1/4 tổng sản lượng toàn cầu (14,400 tỷ đô la trên tổng số 60 ngàn tỷ), vậy mà đóng góp tới 60% vào đà tăng trưởng kinh tế của thế giới. Kinh tế thế giới mà tăng được trung bình chừng, thí dụ, 5% thì có 3% là nhờ kinh tế Mỹ - nếu không thì chỉ còn 2% thôi. Sau nạn suy trầm, dư luận lại dại dột nói đến kinh tế Trung Quốc như đầu máy tăng trưởng của cả thế giới vì hồi phục nhanh nhất và có tốc độ tăng trưởng cao nhất! Một huyền thoại vĩ đại được Bắc Kinh thổi vào dư luận Mỹ!
Huyền thoại vì kinh tế xứ này có mức xuất siêu - xuất nhiều hơn nhập cảng - cao nhất: cả thế giới bị nhập siêu cao bằng xuất siêu của Trung Quốc. Ðà tăng trưởng sản xuất của thế giới bị sút giảm vì mức xuất siêu ấy. Ðấy cũng là lý do vì sao kinh tế Mỹ mới là đầu máy tăng trưởng cho thiên hạ do mức nhập siêu rất cao: các nước hì hục sản xuất và bán cho Mỹ để làm giàu. Khi nào Trung Quốc trở thành thị trường nhập cảng lớn thì mới nên nói kinh tế xứ này là đầu máy của thiên hạ. Trong khi chờ đợi, xứ này tiếp tục sản xuất và tuồn hàng ra ngoài làm các nước đều bị điêu đứng.

Cách ngôn đầu năm: Nếu thiên hạ mà lầm giữa nguyên nhân và hậu quả thì sẽ có phản ứng tai hại về chính sách.

Khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh qua ba chục năm cải cách (1979-2009), người ta cũng lầm tưởng rằng cứ kéo một đường thẳng từ quá khứ ra tương lai là nắm được “quy luật lịch sử.” Rằng với đà này, Trung Quốc sẽ bắt kịp và vượt qua Hoa Kỳ trong vài thập niên. Lại một huyền thoại khác. Thấy vậy thì ai cũng có thể co dúm như lãnh đạo Hà Nội và chạy theo mô thức Bắc Kinh: sự kết hợp hài hòa của Khổng Nho, Tư Bản và Cộng Sản, dưới sự lãnh đạo anh minh của một đảng cách mạng!

Hai chục năm trước, thiên hạ đã từng kết luận lạc quan về kinh tế Nhật Bản mà từ đó, Nhật chưa ra khỏi khủng hoảng vì bể bóng đầu tư. Một lý do dễ hiểu mà khó nhìn ra là dân số Trung Quốc cũng đang bị lão hóa như Âu Châu và Nhật Bản, thành phần sản xuất sẽ chiếm một tỷ trọng nhỏ hơn trong dân số. Một lý do khác khó hiểu hơn, là xứ nào mà bước vào giai đoạn chuyển hướng kinh tế và kỹ nghệ hóa đều có tốc độ tăng trưởng cao như vậy. Nhưng phẩm chất của Trung Quốc thì kém nhất, và không bền! Mà cơ chế chính trị xứ này lại không dân chủ như Âu Châu, Nhật Bản, Nam Hàn hay Ấn Ðộ, cho nên suy thoái kinh tế là dẫn tới động loạn xã hội và khủng hoảng chính trị.

Nói về phẩm chất, Trung Quốc quả là đã bắt kịp Hoa Kỳ về lượng khí thải mãi từ năm 2006 và trong năm qua đã vượt Mỹ tới 25%. Vấn đề không là lượng mà phẩm.

Trung Quốc sẽ bị Ấn Ðộ vượt qua về dân số, mà vẫn sẽ dẫn đầu thế giới về lượng thán khí thổi lên bầu khí quyền vì sử dụng thuật lý thô sơ. (“Thuật lý” - technology - là phương cách lý luận và áp dụng kỹ thuật, như vật lý, triết lý, sinh lý...) Trung Quốc tiếp tục khai thác than đá làm nguồn năng lượng cho một hệ thống sản xuất chỉ nhắm vào sản lượng mà bất kể tới môi sinh. Và thống kê thì mơ hồ nên chả ai - kể cả lãnh đạo - có thể hít cho đúng. Chiều hướng này sẽ còn tiếp tục cả chục năm nữa!

Năm 2008, sản lượng Nhật Bản bằng 4,910 tỷ Mỹ kim, của Trung Quốc là 4,327 tỷ. Cũng bằng cách vạch hai đường tuyến về tốc độ tăng trưởng của hai nước cho tới khi gặp nhau, nhiều kinh tế gia bèn uyên bác dự đoán là kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Nhật Bản... vào đúng Tết Canh Dần!

Thật ra, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản từ lâu rồi! Vấn đề không là con số khó tin về tổng sản lượng Trung Quốc, mà là sức mua của đồng Mỹ kim, đơn vị đo lường sản lượng hay lợi tức: nôm na là tại Trung Quốc, một Mỹ kim mua được nhiều thứ hơn tại Nhật. Thay vì tính theo mệnh giá mà tính theo tỷ giá mãi lực, thì kinh tế Trung Quốc lớn hơn kinh tế Nhật từ hơn chục năm trước. Theo cách tính bằng PPP, purchasing power parity - của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, năm 2008 sản lượng Trung Quốc bằng gần 7,000 tỷ đô la, của Nhật chỉ có 4,350 tỷ (Hoa Kỳ là 14,260 tỷ, Việt Nam là 240 tỷ, còn giàu hơn Singapore một bậc!)
Trung Quốc đã thành cường quốc kinh tế rồi sao? Tất nhiên là đúng thôi. Nhưng, rồi sao?

* * *

Cường quốc kinh tế ấy lệ thuộc vào thế giới nhiều hơn là ta thường nghĩ vì đếm sai số bếp của họ.
Cường quốc ấy sản xuất ra một năm hơn 4,300 tỷ đô la mà vì sao lại có dự trữ ngoại tệ bằng hơn phân nửa số đó - là 2,250 tỷ đô la? Sao không đầu tư vào bên trong để nâng mức sống của các khu vực nghèo đói lạc hậu? Mà từ đâu ra con số khổng lồ ấy?
Lãnh đạo xứ này thắt lưng buộc bụng người dân để xuất cảng tối đa với bất cứ giá nào, và định giá đồng Nguyên rất thấp cho mục tiêu ấy. Ngoại tệ thu về thì dân không xài được trong nước vì cứ theo luật, nó phải trôi vào công khố của nhà nước. Thế nhà nước làm gì với tài sản đó? Ðem đầu tư ra ngoài để kiếm lời. Nơi nào đầu tư có lời nhất và an toàn nhất? Thị trường Hoa Kỳ chứ nơi nào có khả năng hấp thụ một lượng tiền quá lớn như vậy?
Ðâm ra, nhiều người Mỹ vội kết luận, rằng Trung Quốc đang là ngân hàng chủ nợ của Hoa Kỳ! Lại trật lất!

Lãnh đạo hiện hành của Mỹ đã tăng chi bừa phứa và phải vay tiền thiên hạ để tài trợ số bội chi ngân sách năm tới sẽ lên đến 1,600 tỷ đô la. Ðâm ra mắc nợ Trung Quốc nên cứ sợ há miệng mắc quai. Phóng túng trong kinh bang tế thế rồi lúng túng về đối sách!

Hãy nhớ lại: Trung Quốc đầu tư bằng cách tài trợ khoản công trái ấy của Hoa Kỳ và hiện giữ khoảng 800 tỷ đô la công khố phiếu Mỹ, chưa kể một số tài sản khác. Nhưng chẳng vì vậy mà họ là chủ nợ và chủ động lấy những quyết định mà Hoa Kỳ phải nhượng bộ. Lý do?

Thứ nhất vì Mỹ bị bội chi nhiều quá nên vay mượn... quá sức của Bắc Kinh! Năm 2008, Mỹ bị bội chi khoảng 457 tỷ và dù lãi suất tại Mỹ còn cao, Trung Quốc tài trợ chừng phân nửa số thiếu hụt ấy khi mua công khố phiếu của Mỹ. Năm 2009, ngân sách Mỹ bị bội chi 1,400 tỷ và Trung Quốc mua thêm cỡ 100 tỷ. Nhưng cho đến nay, tổng cộng lại, Bắc Kinh làm chủ được khoảng 7% số khiếm hụt của Hoa Kỳ thì chưa thể xưng hùng xưng bá được! Có gì mà làm tàng!
Thứ hai, được xuất siêu với Mỹ, Trung Quốc phải giàng giá đồng bạc vào tiền Mỹ và nền kinh tế lại càng lệ thuộc vào Hoa Kỳ, chứ không ngược lại! Người ta cứ tưởng Hoa Kỳ lệ thuộc vào chủ nợ Trung Quốc nhưng thật ra kinh tế Trung Quốc sống nhờ vào sức mua của Mỹ: số cầu của thị trường Hoa Kỳ đóng góp cho 7,5% Tổng sản lượng Hoa lục. Và dân Hoa Kỳ mà tần tiện hơn là dân Hoa Lục thất nghiệp, hay mất nghiệp.

Nhìn lại thì từ hai chục năm nay, Trung Quốc đã nhảy vào một cuộc chơi của Mỹ: thay vì lấy thị trường nội địa thì dùng xuất cảng làm đầu máy tăng trưởng và xuất cảng mà sa sút là khốn. Trong cuộc chơi, Mỹ lại đặt ra quy luật về tài chánh với đồng tiền xanh của Mỹ là ngoại tệ dự trữ và giao dịch, và với thị trường trái phiếu Mỹ là nơi đầu tư an toàn hơn cả. Ðệ nhất con buôn không là các tài phú Bắc Kinh Thượng Hải!
Vả lại, trên toàn cầu, không có mợ thì chợ vẫn đông: không có hàng quá rẻ của Trung Quốc thì nhiều xứ khác cũng biết sản xuất và bán rẻ. Nhỏ thì có Việt Nam, nếu to gan hơn một chút. Và lớn thì còn có Ấn Ðộ. Ở giữa là một chuỗi quốc gia khác...
Thành thử, Trung Quốc phải tựa lưng vào hệ thống giao dịch này của Hoa Kỳ, nếu không là té, và đảng đi đoong.

Lãnh đạo Trung Quốc có truyền thống già đòn về chính trị, nhưng biết phép mềm nắn rắn buông. Họ biết gây ấn tượng bằng huyền thoại láo khoét và có hù họa được một số kẻ thiếu hiểu biết, kể cả người Mỹ đang chủ trương dĩ hòa vi quý. Nhưng, Trung Quốc chưa có cái thế và cái lực để tự tung tự tác như lãnh đạo vẫn tuyên truyền cho thần dân u mê của họ. Và trước mắt, Bắc Kinh vẫn chưa thực sự biết hết về hiện tình đất nước. Họ nấu một nồi canh có quá nhiều mơ.
Ðâm ra, họ lập mưu đào bếp để lòe thiên hạ mà chưa rõ lính ma lính kiểng là bao nhiêu ở bên dưới! Và bao nhiêu thì đã có sẵn cờ trắng lẫn sổ đỏ và tiền xanh trong túi...


No comments:

Post a Comment