Friday, February 5, 2010

TINH THẦN CÁCH MẠNG CAM UKRAINA VẪN TỒN TẠI

Ukraina : người hùng Iouchtchenko thất bại nhưng tinh thần Cách mạng màu cam vẫn tồn tại
Tú Anh

Bài đăng ngày 04/02/2010 - Cập nhật lần cuối ngày 04/02/2010 13:56 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/122/article_6752.asp
Cách nay 5 năm, khát vọng dân chủ của dân Ukraina biến thành phong trào "Cách mạng màu cam" đưa ông Viktor Iouchtchenko lên ghế lãnh đạo, xóa bỏ chế độ độc đoán thân Nga tại Kiev. Nhưng vị tổng thống này đã bị thua một cách thê thảm khi ra tranh cử lần hai. Chỉ có 5,5% cử tri còn tỏ ra tin cậy vào khả năng lãnh đạo của ông.
Một nhân vật cột trụ khác của "Cách mạng màu cam" là đương kim thủ tướng Ioulia Timochenko chỉ được 25% trong khi đối thủ của cuộc cách mạng này, Viktor Ianoukovitch được hơn 35% trong vòng một ngày 17 tháng 01 năm 2010. Báo chí Ukraina gọi ông Ioutchenko là "nhà vô địch thất bại". Công luận nói chung phê bình ông là người dễ bị ảnh hưởng. Giới thân cận của ông phần đông là những kẻ cơ hội , theo ông vì mục tiêu duy nhất là để có quyền lực và những đặc lợi do quyền lực mang lại từ kinh tế đến chính trị từ thương mại đến tài nguyên.
Do bản tính thỏa hiệp, trong 5 năm cầm quyền , ông không làm hài lòng bất cứ ai, và không dám tin cậy vào ai. Những người tranh đấu, với uy tín cá nhân và tài sản riêng, góp vào thành công của Cách mạng màu cam, lần lượt bỏ rơi ông. Với thời gian, họ biến thành những đối thủ chính trị kịch liệt nhất. Chỉ còn một số ít người tiếp tục hậu thuẫn Ioutchenko, những người giữ lửa trong đảng "Ukraina của chúng ta".
Năm 2005, tổ chức này là ngọn đuốc soi đường hy vọng của 55% dân chúng. Đến tháng 10 năm ngoái, tức là ba tháng trước bầu cử, chỉ còn 6,9% tin rằng đất nước được lãnh đạo đúng hướng. Xác suất Ukraina rơi vào tay một lãnh tụ chính trị thân Nga rất lớn. Nhưng theo nhiều nhà phân tích "tinh thần Cách mạng màu cam" vẫn tồn tại và sinh động.
Giám đốc trung tâm nghiên cứu chính trị Razoumkov, ông Youri Yakimenko nhận định là tinh thần cách mạng dân chủ không bao giờ phai nhạt trong 5 năm tổng thống đầy khó khăn : "mặc dù điều hành đất nước trong hoàn cảnh chính trị bất lợi , tổng thống Ioutchenko không bao giờ sử dụng các phương tiện vi phạm dân chủ hay chà đạp quyền tự do ngôn luận. Ông không bị tham vọng quyền lực cám dỗ, không mị dân để xây dựng một chế độ độc đoán. Nhờ vậy, mà tinh thần cách mạng dân chủ đã phát triển thêm một cách thuận lợi".
Một chuyên gia khác, Oleksandr Paliy, thuộc Viện bang giao quốc tế, nhận định thêm : người ta nói tổng thống thân Mỹ, nhưng mọi quyết định của ông trong chính sách đối ngoại "đều nhằm mục đích phục vụ quyền lợi của Ukraina trước đã". Khi cần, ông đã rút quân khỏi Irak. Ông cũng chứng tỏ với Châu Âu, Ukraina là một nước châu Âu, quyền lợi của cả châu lục là quyền lợi mà ông tranh đấu cho Ukraina. Còn đối với Nga, dù lập trường của Ukraina là thế nào đi nữa thì cũng không có gì thay đổi. Vì Nga không tin vào "nước mắt mà chỉ tin vào sức mạnh". Khi nào Ukraina mạnh lên thì lúc đó Nga sẽ giữ quan hệ tốt.
Báo chí tại Tây Âu cũng nhận định là cuộc "Cách mạng màu cam" vẫn tồn tại. Một ngày sau khi có két quả bầu cử vòng một, báo Le Monde của Pháp phân tích : Dù tổng thống mãn nhiệm thua đậm nhưng tinh thần "Cách mạng màu cam vẫn mãnh liệt".

Quyền công dân , quyền chính trị đươc tôn trọng
Nhìn sơ qua thì đúng là lạm phát và khủng hoảng kinh tế làm đồng tiền mất giá đến 50%, nạn thất nghiệp 20% nhưng đa số người dân hồi tưởng lại 5 năm về trước đã khằng định : "nhờ Cách mạng màu cam mà họ thở được không khí tự do, láng giềng không còn nhìn nhau với cặp mắt e dè, mọi người có thể nói lên những điều mình suy nghĩ" mà không sợ bị công an hỏi thăm.
Bản thông cáo của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu phổ biến sau bầu cử vòng một nhận định : "bầu cử Ukraina thực sự dân chủ, tôn trọng quyền công dân và chính trị". Tình trạng này hoàn toàn khác hẳn với tình hình ở những nước trong liên bang xô viết cũ như Belarus và ngay tại nước Nga nơi mà người dân không dám nói lên sự lựa chọn của mình, nơi mà đối lập chính trị vẫn bị truy bức như tội phạm hình sự.
Trường hợp người hùng đưa một dân tộc vào dân chủ mà lại bị đa số bất tín nhiệm không thiếu tại Đông Âu. Lech Walesa của Ba lan là một thí dụ. Dù vậy tinh thần dân chủ trong cuộc Cách mạng nhung tại Ba Lan không chết. Mời quý thính giả theo dõi phân tích sau đây của nhà báo Ngô Văn Tưởng từ Vacxava.

NGHE : Nhà báo Ngô Văn Tưởng
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/122/article_6752.asp



No comments:

Post a Comment