Monday, February 1, 2010

TIN TẶC ĐẾN TỪ ĐÂU ?

Tin tặc đến từ đâu
Đinh Từ Thức
01/02/2010 10:15 sáng
4 phản hồi
http://www.talawas.org/?p=15598
Cuối tháng 12 vừa rồi, trong khi talawas đang sôi nổi thảo luận quanh đề tài kiểm duyệt trên Thơ đến từ đâu, thì bỗng nhiên, cùng với Bauxite Việt Nam, bị tin tặc tấn công gây thiệt hại nặng, vào đúng dịp nổ ra vụ đụng độ giữa hai khổng lồ cũng về vấn đề kiểm duyệt, là Google và Trung Quốc. Thành ra, vấn đề nên tìm hiểu bây giờ, là tin tặc đến từ đâu?
Mọi người sử dụng computer đều biết Google, công ty chủ quản bộ máy truy tìm lớn nhất thế giới. Mới thành lập năm 1998, chỉ trong một thập niên, Google đã có mức thu nhập tới 22 tỷ đô la một năm, và mỗi cổ phiếu giá 85 đô khi lần đầu tiên bán cho công chúng vào năm 2004, đã lên tới trên 500 đô hai năm sau.
Đầu năm 2006, Google vào làm ăn tại thị trường khổng lồ Trung Quốc, thiết lập bộ máy truy tìm tiếng Hán dưới thương hiệu Google.cn, với điều kiện chấp thuận kiểm duyệt do chính quyền Bắc Kinh đặt ra. Có một số đề tài không được tiếp cận. Ví dụ, khi người tìm kiếm đánh những chữ “Thiên an môn” (Tiananmen), hay “Đạt Lai Lạt Ma” (Dalai Lama) thì chỉ tìm được một màn ảnh trắng. Khi ấy, trước chỉ trích coi trọng lợi nhuận hơn nhân quyền là tự do thông tin, Google đã trả lời rằng mối lợi đem thông tin đến cho nhiều người dân Trung Quốc quan trọng hơn việc không thoải mái khi phải đồng ý kiểm duyệt một vài kết quả tìm kiếm. Quan điểm này khá giống với những người cho rằng thà có sách bị kiểm duyệt xuất bản ở Việt Nam, hơn là không có.
Việc Google chịu nhượng bộ về kiểm duyệt để được vào làm ăn ở Trung Quốc đã gây một cơn bão chính trị trong dư luận Hoa Kỳ. Quốc Hội đã phải mở cuộc điều trần, và trước những cố gắng giải thích của Google, vụ này vẫn bị coi là một khuyết điểm.
Một nhà bất đồng chính kiến tại Trung Quốc là Li Jian, tuy sống dưới sự theo dõi thường trực của công an, cũng cố phát biểu rằng sự nhượng bộ của Google là một phản bội. Vì Google là một công ty quốc tế lớn, đã bỏ mất cơ hội thuyết phục nhà cầm quyền Trung Quốc mở rộng hơn quyền tự do phát biểu. “Google đã rớt trong thử thách căn bản về đạo lý”. Li Jian còn tự đặt câu hỏi: “Nếu chính quyền Hoa Kỳ yêu cầu tự kiểm duyệt tại Mỹ, liệu Google có chịu không?”
Số người làm việc tại trụ sở Google.cn ở Bắc Kinh lên tới 700. Khách sử dụng Internet tại Trung Quốc hiện nay khoảng 386 triệu, một thị trường lớn nhất thế giới. Nhưng khách hàng của Google chỉ vào khoảng một phần ba.

Baidu (Bách Độ) vs. Google
Vào năm 2000, khi Google nở rộ trên thế giới Internet, người sử dụng computer tại Trung Quốc đã có thể truy cập dữ kiện qua mạng Google.com, nhưng rất chậm trễ và nhiều trở ngại. Lý do là các cơ sở chính cung cấp dịch vụ cho Google ở ngoài Trung Quốc, và kết quả tìm kiếm bị hệ thống kiểm duyệt sàng lọc trước khi tới mắt người tìm. Muốn làm ăn tại thị trường khổng lồ nhiều hứa hẹn, Google phải chịu điều kiện kiểm duyệt do Bắc Kinh đặt ra. Cùng mang DNA Google, nhưng đứa con ra đời tại Trung Quốc mang tên Google.cn có những giới hạn bẩm sinh “Made in China”, không hoàn toàn tự do như đứa con “Born in USA”.
Khi Google.cn ra đời tại Trung Quốc, ở đây đã có một công ty khác chuyên về truy tìm, là Baidu, do một thanh niên Trung Quốc đứng đầu; Robin Li, hay Li Yanhong, sinh năm 1968. Dù trẻ, Robin Li cũng vẫn già hơn người sáng lập ra Google tới 5 tuổi, là cặp bài trùng Sergey Brin và Larry Page, cả hai cùng sinh năm 1973. Khi vụ Thiên an môn bùng nổ năm 1989, Li mới đang học năm thứ nhì Đại học Bắc Kinh. Nhưng anh lo học hơn biểu tình, được yên ổn tốt nghiệp đại học, thay vì vào tù hay chạy trốn. Du học Mỹ, có bằng cao học về computer năm 1994, làm cho Wall Street Journal, và Infoseek tại Silicon Valley. Sau đó về nước, cùng với bạn (Eric Xu) lập ra Baidu năm 2000. Sau khi cổ phần Baidu bán cho công chúng, Li và Xu đã được Forbes.com liệt kê trong danh sách 400 người giàu nhất Trung Quốc.
Cuộc cạnh tranh giữa Google và Baidu quyết liệt ngay từ khởi đầu. Dưới mắt giới khoa bảng, trí thức, Google uy tín hơn, vì là một công ty lớn quốc tế, có tư thế độc lập, đáng tin cậy, nhưng bị coi là công ty của nước ngoài, tới Trung Quốc chỉ vì mục tiêu lợi nhuận. Baidu bị coi là phụ thuộc vào chính quyền, thiếu vô tư, không đáng tin. Nhưng có lợi thế là công ty của người Trung Quốc, phục vụ người Trung Quốc theo cách làm ăn của Trung Quốc; đôi khi lem nhem so với tiêu chuẩn quốc tế. Khách hàng trung lưu đông hơn khách hàng khoa bảng trí thức, khiến thị phần của Baidu cao gấp đôi thị phần Google: gần 64% so với trên 31% vào mùa Thu năm ngoái.

Google vs. China
Ngoài việc cạnh tranh ráo riết với Baidu, Google còn phải thường xuyên đối phó với chính quyền Trung Quốc. Nhà nước hay đưa ra những đòi hỏi mới. Thỉnh thoảng Google phải thêm vào danh sách kiểm duyệt một số đề mục, hay phải bỏ đi một số link để làm vừa lòng quan chức chủ nhà. Nhưng dù nhượng bộ, họ vẫn có vẻ không thỏa mãn. Căng thẳng giữa Google và chính quyền Trung Quốc ngày càng tăng. Vào năm 2009, chính quyền Trung Quốc đã làm xấu mặt Google qua khiển trách về những websites có sex. Nhưng quan trọng hơn cả là những vụ tin tặc tấn công vào mạng gmail mới đây. Điều này khiến Google không thể chịu đựng thêm, và phải có quyết định dứt khoát: Tự do hay ra đi.
Trong lời tuyên bố chính thức phổ biến vào trưa 12 tháng 1, Google viết: “Vào giữa tháng 12, chúng tôi khám phá thấy một cuộc tấn công tinh vi cao độ có mục tiêu nhắm vào hạ tầng cơ sở của chúng tôi, phát xuất từ Trung Quốc, đưa tới kết quả là lấy cắp sở hữu trí tuệ từ Google…”
Bản tuyên bố cho biết ba chi tiết đáng lưu ý:
1. Cuộc tấn công không phải chỉ nhắm vào Google, mà còn nhắm tới ít nhất 20 công ty lớn khác.
2. Có bằng chứng gợi ý rằng mục tiêu sơ khởi của các tin tặc là đột nhập các mạng trên google của các nhà vận động nhân quyền Trung Quốc.
3. Mạng của hàng chục nhà vận động nhân quyền tại Trung Quốc sử dụng email có cơ sở tại Hoa Kỳ, Trung Quốc và Âu châu đã thường xuyên bị phía thứ ba xâm nhập.
Lời tuyên bố đưa đến quyết định:
“Những vụ tấn công này và hành vi theo dõi đã bị khám phá – cùng với những toan tính trong năm qua để tăng thêm hạn chế về tự do ngôn luận – đã khiến chúng tôi đi đến kết luận rằng chúng tôi sẽ phải xét lại sự khả thi trong việc kinh doanh tại Trung Quốc. Chúng tôi đã quyết định sẽ không tiếp tục kiểm duyệt kết quả truy tìm trên Google.cn, và trong vài tuần tới chúng tôi sẽ thảo luận với nhà cầm quyền Trung Quốc về cơ sở trên đó chúng tôi có thể hoạt động không sàng lọc việc truy tìm trong khuôn khổ luật pháp, nếu có. Chúng tôi thừa nhận rằng việc này có thể mang ý nghĩa phải đóng cửa Google.cn và có thể rút khỏi Trung Quốc.”

Đạo đức vs. kinh doanh
Nhà báo Fareed Zakaria của Newsweek, trên số báo đề ngày 25 tháng 1, 2010, đã ghi lại cuộc phỏng vấn Chủ tịch điều hành của Google là Eric Schmidt. Được hỏi chuyện gì đã xảy ra trong mấy tháng qua khiến Google phải đi đến quyết định như vậy? Trả lời: Chúng tôi có rất nhiều bằng chứng về việc theo dõi các nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc trên Web. Chúng tôi không có bằng chứng rõ ràng ai làm công việc theo dõi, xin quý vị tự tìm ra kết luận. Hỏi: Có ai nói rằng nhệm vụ chính của ông là đem lại lợi nhuận tối đa cho cổ đông? Trả lời: Đây không phải là một quyết định về kinh doanh – quyết định kinh doanh rõ ràng là phải tiếp tục tham dự thị trường Trung Quốc. Đó là quyết định dựa trên giá trị [đạo đức] (values). Chúng tôi ráng hỏi cái gì tốt nhất trên bình diện toàn cầu. Hỏi: Ông có nghĩ rằng Trung Quốc vẫn có thể toàn cầu hóa trong khi duy trì chế độ kiểm duyệt? Trả lời: Trung Quốc đặt ra giới hạn thông tin chỉ có vài nước làm như vậy. Trung Quốc là nước duy nhất trên thế giới Google sẵn sàng cung cấp một mạng địa phương tuân theo chế độ kiểm duyệt. Chúng tôi không làm như vậy tại bất cứ đâu… Như vậy, Trung Quốc đặt ra giới hạn duy nhất về thông tin.
Cứ như lời lẽ từ nhân vật cao cấp nhất của Google thì quyết định đương đầu với Trung Quốc là thái độ coi trọng giá trị tinh thần hơn vật chất, chọn tự do trên lợi nhuận. Chính vì thế, Google đã được ca tụng như hiệp sĩ chống lại cường quyền để bênh vực lẽ phải. Các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới, trước đây từng chỉ trích Google nhượng bộ Trung Quốc, đã khen ngợi quyết định chấm dứt kiểm duyệt của Google là thái độ dũng cảm. Nhiều người Trung Quốc đã đem hoa tới đặt tại bảng hiệu Google.cn trước trụ sở chính ở Bắc Kinh để bày tỏ cảm tình, và cho biết sẽ rất tiếc nếu Google cuối cùng phải cuốn gói ra đi.
Nhưng cũng có lập luận khác cho rằng, việc Google đến hay đi, hoàn toàn chỉ là chuyện kinh doanh. Đến để làm tiền, và đi, vì mọi chuyện không suôn sẻ như đã tưởng. Không suôn sẻ, vì chủ trương khép kín của Bắc Kinh: Bảo vệ thị trường Trung Quốc cho người Trung Quốc.
Một bài báo trên Foreignpolicy.com ngày 15 tháng 1 viết rằng:
Hành động của Google không phải là thái độ can đảm đương đầu với Trung Quốc về việc thiếu tự do Internet. Thật ra, nó chỉ giản dị là một giọt nước cuối cùng không tránh được tràn ly. Google, cũng như Yahoo trước đó đã bị tống khứ khỏi thị trường Trung Quốc bởi chính quyền ở đây quyết tâm loại bỏ mọi cạnh tranh của ngoại quốc trên công nghệ Internet của họ, mà dự trù sẽ thu được 8 tỷ đô la quảng cáo trong ba năm tới.
Bài báo này còn chỉ ra rằng việc Google ra đi chỉ là công ty cuối cùng sau một loạt xí nghiệp Internet ngoại quốc đã phải âm thầm ra đi, để được thay thế bằng các công ty nội địa: Tháng Ba năm 2009, YouTube bị ngăn chặn hoàn toàn, dồn khách hàng sang mạng nội địa tương tự là Youku và Tudou. Rồi đến tháng Bảy, Facebook bị chặn để thay bằng Ren Ren Wang và Kai Xin Wang.

Tin tặc đến từ đây

Dù có trong tay bộ máy truy cập khổng lồ bao trùm cả thế giới, Google chỉ có thể chính thức nói chắc là tin tặc đến từ nội địa Trung Quốc, mặc dầu để cố đánh lạc hướng, họ đã tấn công từ sáu bảy ngả khác nhau, và bằng những con đường quanh co qua Đài Loan, và cả Mỹ. Về mặt công khai, Google cũng như nhiều chuyên viên an ninh mạng khác nêu rõ nơi tin tặc phát xuất là Trung Quốc, nhưng không thể nói chắc là chính quyền hay tư nhân, hoặc tư nhân được chính quyền hỗ trợ hay khuyến khích. Nhưng về mặt riêng tư, các chuyên viên này nghiêng về phỏng đoán thủ phạm là chính quyền.
Theo tin Reuters gửi đi từ Thượng Hải ngày 18 tháng 1, có dấu hiệu cho thấy rất có thể một hay nhiều nhân viên người Trung Quốc làm cho Google đã tiếp tay cho công tác phá hoại. Dựa theo tin địa phương, nguồn tin cho biết kể từ sau ngày 13 tháng 1, một số nhân viên Google người Trung Quốc đã mất quyền vào hệ thống mạng nội bộ, trong khi một số khác bị cho tạm nghỉ, hay bị thuyên chuyển tới các văn phòng khác ở Á châu Thái Bình Dương. Làm việc cho Google, nếu phá hoại thay vì bảo vệ công việc của mình, chắc phải theo chỉ thị quan trọng từ cấp cao.
Nếu tin tặc đến từ nhà cầm quyền Trung Quốc, họ tấn công để làm gì? Tuyên bố chính thức của Google cho biết có ít nhất 20 công ty lớn bị tấn công. Tin Washington Post sau đó cho biết có tới 34 cơ sở bị xâm phạm. Rồi lại có tin số người bị phá nhiều hơn nữa, và hầu hết đều có liên hệ tới hoạt động của các nhà vận động dân chủ và nhân quyền. Bản tin Việt ngữ của đài RFI phát đi từ Pháp ngày 19 tháng 1 cho hay:
Thông tin đến từ Bắc Kinh cho biết, hội các nhà báo nước ngoài tại Trung Quốc đã khẳng định trong một bản thông cáo là, nhiều phóng viên vừa mới phát hiện ra rằng hộp thư điện tử của họ đã bị tin tặc xâm nhập, và các e-mail bị chuyển đến một địa chỉ lạ. Các nhà báo này sử dụng hệ thống Gmail của Google.
Một trong số các phóng viên trên đã bày tỏ sự phẫn nộ và lo lắng của mình, được hãng thông tấn Pháp AFP trích lại như sau: “Đời tư của tôi đã bị xâm phạm, và nhất là điều đó làm cho nhiều người bị nguy hiểm”.
Theo tổ chức Phóng viên không biên giới của Pháp, việc xâm nhập này là nhằm mục đích giúp cho chính quyền Trung Quốc có được những thông tin về các nhà hoạt động cho nhân quyền vẫn cung cấp tin tức cho báo chí.

Như thế, mục tiêu tấn công của tin tặc là chính trị. Nhưng bài báo đã dẫn của Foreign Policy lại có nhận xét khác:
Khi truyền thông tường trình rằng quyết định của Google là hành động chống lại cố gắng của Trung Quốc cần kiểm duyệt Internet và do thám các nhà vận động, và không nhằm bảo vệ thị trường, là sai. Trong một nước mà các nhà đối kháng thường bị bỏ tù hàng năm không xét xử với tội trạng “vận động lật đổ nhà nước”, và dân khiếu kiện nghèo ở nông thôn bị ném vào trong các nhà giam ghê tởm ở Bắc Kinh chỉ vì phát tán khiếu nại, thì có vẻ lạ lùng nếu Trung Quốc thật sự cần đột nhập mạng email của các nhà vận động nhân quyền.

Đúng là những chế độ độc tài như Trung Quốc hay Việt Nam, muốn bắt ai thì bắt, muốn xử án nặng bao nhiêu cũng được, cần gì phải đột nhập mạng để tìm bằng chứng buộc tội. Nhưng độc tài cai trị trên sự sợ hãi của người dân, và chính họ cũng có nỗi sợ hãi thường trực, là lo bị lật đổ. Họ đột nhập mạng, ngoài việc tìm bằng chứng trừng phạt kẻ chống đối, còn muốn biết rõ đường đi nước bước của những cá nhân hay tổ chức bị nghi có âm mưu lật đổ chế độ, để đề phòng. Ngoài ra, trong thời đại toàn cầu hóa ngày ngay, mỗi cá nhân hay tổ chức không phải chỉ có liên lạc trong phạm vi biên giới quốc gia. Những người nhà cầm quyền bắt bỏ tù lúc nào cũng được, còn có những liên hệ ngoài tầm tay của chế độ, trong khi Internet có thể cho biết những liên hệ của một cá nhân hay tổ chức với khắp nơi trên thế giới.
Trong một nước thực sự dân chủ, mọi sự đều minh bạch, người dân được phơi bày ý kiến bằng mọi hình thức, người ta thay đổi chính quyền bằng lá phiếu, không bằng đảo chánh, nên không cần moi tìm bí mật của dân. Thật là nghịch lý tới mức khôi hài, tại những nước độc tài, người ta bịt miệng, không cho dân nói ra những ý nghĩ sâu kín trong lòng, rồi lại dùng bạo lực hay việc làm phi pháp ám muội để theo dõi, tìm hiểu những điều bí ẩn ấy. Vì thế, tin tặc ngày nay có thể là đạo quân quan trọng nhất để bảo vệ chế độ.

Một công, đôi việc
Trong vụ Google, đã biết tin tặc đến từ Trung Quốc, và nhằm mục tiêu chính trị, hay ít nhất, vừa thương mại vừa chính trị. Nhưng tin tặc đánh phá talawas và Bauxite.vn vào trước lễ Giáng Sinh, và sau đó một số mạng khác vào đầu năm như Cao trào Nhân bản, Dân Luận và X-Café…, có liên hệ gì tới Trung Quốc?
Nhìn chung, tuy ở mức độ nhiều it khác nhau, nhưng các website Việt Nam bị tấn công phá hoại đều có điểm giống nhau, là không thân thiện với Trung Quốc, và có số khách truy cập cao. Nhìn vào trang nhà talawas, không cần biết tiếng Việt cũng có thể nhận ra vấn đề được thảo luận nhiều hơn cả, là Hoàng Sa Trường Sa. Còn Bauxite.vn, chỉ cần nhìn hay đọc lên cái tên mạng, cũng đã đủ làm “người lạ” ngứa ngáy.
Ngoài điểm làm phiền lòng Trung Quốc, talawas và Bauxite còn có điểm chung là không vừa lòng nhà cầm quyền Việt Nam. Một cỗ máy truy cập khổng lồ như Google, vẫn chỉ có thể nói tin tặc phát xuất từ Trung Quốc, không biết chắc là từ chính phủ hay thường dân. Vậy, nếu talawas và Bauxite không có đủ bằng chứng để nói rõ tin tặc đã phá mình là ai, từ Việt Nam hay Trung Quốc, thì cũng dễ hiểu.
Trong trường hợp không bắt được quả tang thủ phạm, chỉ còn một cách là suy luận theo sự khôn ngoan của quan tòa, và quý vị phụ tá công lý, là tìm thủ phạm bằng cách trả lời hai câu hỏi: Một là nạn nhân có thù hằn với ai và, hai là kẻ nào được hưởng lợi? talawas và Bauxite có thể là thù của Trung Quốc không? Nhìn vào lịch sử Trung Quốc, ngay cả các thành phần trong hoàng tộc thời phong kiến, hay cả các đảng viên cao cấp thời chính quyền nhân dân, hoặc cả nước anh em khắng khít răng môi, nếu không vừa lòng người cai trị, đều có thể dễ dàng mất mạng, hay bị cho một bài học. talawas và Bauxite, dù nhỏ như cái gai, để lâu khó chịu.
Tại sao tin tặc không đến từ Việt Nam? Ở Việt Nam hiện nay, hầu như cái gì cũng đến từ Trung Quốc, nên tin tặc cũng đến từ Trung Quốc, là suy luận có vẻ hợp logic. Nếu suy luận chưa đủ, xin kể vài bằng chứng: Gần đây, có một trang web về hợp tác Biển Đông, trên danh nghĩa, do một Bộ của chính phủ Việt Nam chịu trách nhiệm, nhưng do Trung Quốc phụ trách giúp về kỹ thuật. Vụ thứ nhì, là các cơ quan thông tin chính thức của Việt Nam, như Thông Tấn Xã và báo Đảng Cộng sản, đã đăng lại tin của Trung Quốc xác nhận chủ quyền của họ đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Làm tin chính thống, Việt Nam còn chê, lẽ đâu làm tin tặc.
Trung Quốc đánh phá talawas và Bauxite là làm một việc, mà lợi gấp đôi. Lợi một là triệt hạ được những kẻ dám động tới “Thiên triều”, lợi hai là gia ân cho các đồng chí “Vịt Nằm”.
Riêng trong vụ đánh phá Bauxite, ngoài việc gây thiệt hại về kỹ thuật, còn kèm theo một cố gắng đê tiện hơn, là giả mạo thư tín để chia rẽ nội bộ ban điều hành. Phần phá hoại về kỹ thuật, có thể do tin tặc “lạ” phụ trách, nhưng cái phần bịa đặt để chia rẽ, có vẻ gần gũi “bản sắc dân tộc”, chắc do “ta” chủ trương.

USA Google China
Mới đầu, quyết định của Google có vẻ như tranh chấp giữa một công ty tư nhân Hoa Kỳ, và chính phủ một nước ngoài, không cần đến sự can thiệp trực tiếp của chính phủ. Theo tin VOA loan đi từ Bắc Kinh ngày 15 tháng 1 về thái độ của Đại Sứ Hoa Kỳ Jon Huntsman: “Giới chức Mỹ cấp cao nhất ở Trung Quốc cho biết chính phủ Hoa Kỳ sẽ đứng ngoài các cuộc thương nghị giữa đại công ty điện toán Google và chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, cùng lúc đó, giới chức này nhấn mạnh rằng vấn đề tự do Internet có liên quan đến tự do ngôn luận, là một giá trị cốt lõi của Mỹ”. Nhưng mười ngày sau, chính phủ Hoa Kỳ đã nhập cuộc bằng những lời tuyên bố mạnh mẽ về tự do Internet của Ngoại trưởng Hillary Clinton, và chính quyền Trung Quốc đáp lại một cách gay gắt hơn.
Trong cuộc họp có sự hiện diện của nhiều nghị sĩ, dân biểu và giới truyền thông tại Bảo tàng Truyền thông (Newseum) ở Washington vào sáng 21 tháng 1, bà Clinton đã công bố đường lối ngoại giao của Hoa Kỳ trong Thế kỷ 21, mang tên “21st Century Statecraft” mà trọng tâm là tự do Internet.
Bà Clinton nói: “Một tấm màn thông tin mới đã hạ xuống che phủ nhiều phần của thế giới”.
Trong bài diễn văn dài một tiếng về điều BBC gọi là “Học thuyết Clinton” (Clinton Doctrine), bà tuyên bố: “Năm ngoái, chúng tôi đã nhìn thấy dấu hiệu đe dọa tự do thông tin. Trung Quốc, Tunisia, và Uzbekistan đã gia tăng kiểm duyệt Internet. Tại Việt Nam, tiếp cận với các mạng xã hội nổi tiếng đã thình lình biến mất”.
Bà nói tiếp:
Một số quốc gia đã dùng Internet như một dụng cụ để bịt miệng dân chúng về tín ngưỡng. Ví dụ, năm ngoái, một người đã bị tù nhiều tháng tại Saudi Arabia, vì đã viết trên blog về Thiên chúa giáo, và một nghiên cứu của Harvard cho biết chính quyền Saudi đã chặn nhiều websites về Ấn giáo, Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, và ngay cả Hồi giáo. Nhiều nước kể cả Việt Nam và Trung Quốc đã dùng kỹ thuật tương tự để hạn chế tiếp cận thông tin tôn giáo.

Vẫn trong khuôn khổ bài diễn văn trên, bà Clinton thẳng thừng phủ nhận kiểm duyệt. Bà nói: “Và kiểm duyệt không nên được chấp nhận dưới mọi hình thức bởi bất cứ công ty nào từ bất cứ đâu. Và tại Hoa Kỳ, các công ty Mỹ cần phải đề ra một lập trường về nguyên tắc. Điều này cần được coi như một phần trong thương hiệu quốc gia của chúng ta. Tôi tin rằng giới tiêu thụ toàn cầu sẽ tưởng thưởng những công ty theo các nguyên tắc đó”.
Một ngày sau lời phát biểu của bà Clinton, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng những lời cáo buộc của Hoa Kỳ về việc kiểm soát Internet trái ngược với thực tế và có thể làm tổn hại quan hệ Hoa Kỳ-Trung Quốc, và: “Chúng tôi yêu cầu Hoa Kỳ tôn trọng các sự kiện thực tế và chấm dứt cái gọi là tự do Internet để chống lại Trung Quốc vô căn cứ”.

Như vậy, chính phủ Hoa Kỳ đã chạy theo thái độ đương đầu với Trung Quốc của Google, hay Google đã được sắp xếp mở đường cho chính phủ? Ông Rao Jin, người sáng lập ra mạng hội luận Anti-CNN.com và có lập trường bênh chính quyền Trung Quốc cho rằng Google đã quyết định dưới áp lực của bà Clinton, vì bà đã gặp chủ tịch điều hành của Google trước đó, như là một phần trong nỗ lực thăng tiến tự do Internet trên toàn thế giới.

Không hiểu mối liên hệ giữa bà Clinton và Google ra sao, nhưng sau đây là vài sự kiện dễ dàng kiểm chứng:
- Trước chuyến đi đầu tiên sang Trung Quốc vào năm ngoái, bà Clinton đã tuyên bố bà không muốn để cho vấn đề nhân quyền gây trở ngại cho mối giao hảo với Trung Quốc, vì Hoa Kỳ còn cần sự hợp tác của Trung Quốc trên nhiều lãnh vực khác về kinh tế, an ninh, môi sinh…
- Trong chuyến viếng thăm Trung Quốc tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Obama đã bị miệt thị: Bị kiểm duyệt tại Thượng Hải, và không được trả lời báo chí tại Bắc Kinh. Rồi sau đó, bị Thủ tướng Ôn Gia Bảo khinh thường tại hội nghị về môi sinh tại thủ đô Đan Mạch.
- Ông Eric Schmidt, nhân vật cao cấp nhất của Google vốn là cố vấn không chính thức cho ông Obama, đã từng đi vận động cho ông Obama khi ông này tranh cử tổng thống.

Khởi đầu là Google đụng độ với Trung Quốc, tiếp theo là Hoa Kỳ đụng độ với Trung quốc vì Google.
Giống như máy in và máy hơi nước trong thiên niên kỷ trước là những cỗ xe tiến bộ của nhân loại, Internet là cỗ xe tiến bộ của đầu thiên nên kỷ này. Phá hoại Internet là làm chậm lại đà tiến của nhân loại, hay tệ hơn, đi ngược hướng tiến của nhân loại. Trong một cuộc thi, những kẻ chạy ngược chiều, tất nhiên, không bao giờ tới đích.
Ngoài ra, những ai nghĩ rằng có thể kiểm soát, hay kiểm duyệt được Internet, là quá ngây thơ. Ngày xưa, khi thực dân Pháp muốn bịt miệng một người yêu nước như cụ Phan Bội Châu, chỉ cần mang cụ về nhốt ở Bến Ngự, là xong. Hay muốn triệt hạ một anh hùng dân tộc như Nguyễn Thái Học, chỉ việc mang lên đoạn đầu đài. Nhưng với Internet thì vô phương. Phá cái này, bung ra cái khác. Triệt hạ một mạng, có thêm hàng chục, hàng trăm mạng khác mọc lên.
Sự trở lại của talawas,
Bauxite là kinh nghiệm cụ thể.

© 2010 Đinh Từ Thức
© 2010 talawas



No comments:

Post a Comment