Thursday, February 25, 2010

THUỐC GIẢI ĐỘC KHỎI HOÀI NIỆM CỘNG SẢN

Thuốc giải độc khỏi hoài niệm cộng sản

Lê Diễn Đức

Tháng Hai 20, 2010

http://ledienduc.wordpress.com/2010/02/20/thu%e1%bb%91c-gi%e1%ba%a3i-d%e1%bb%99c-kh%e1%bb%8fi-hoai-ni%e1%bb%87m-c%e1%bb%99ng-s%e1%ba%a3n/

Pháo nổ từ chiến hạm Rạng Đông nã vào Cung điện Mùa Đông ở Saint Petersbourg tháng 10 năm 1917, cùng với sự ra đời nhà nước Xô Viết, là cái mốc lịch sử của một giai đoạn dài đen tối và đẫm máu của loài người.

Hệ thống cộng sản châu Âu hoàn toàn phá sản trong những năm 1989-1991 sau hơn 70 năm tồn tại. Tuy nhiên, chủ nghĩa cộng sản siêu thực và tàn ác này vẫn rơi rớt lại ở Cuba, Bắc Hàn, Việt Nam, Trung Quốc nhưng được biến dạng sang một hình thức quái dị khác.

Các chế độ cộng sản đã gây ra con số gần 100 triệu người bị chết và hàng triệu khác bị tù đày, lao động khổ sai hoặc bị trấn áp, đè nén tinh thần cũng như vật chất.

Chính vì thế, chủ nghĩa cộng sản, ngay từ thưở khai sinh tới hôm nay vẫn là đề tài văn học sâu sắc.

Borys Pasterniak với tác phẩm “Doctor Zhivago” (Giải thưởng Nobel Văn học 1958) viết về số phận của trí thức Nga trước và sau cuộc Cách mạng háng 10 năm 1917. Cho rằng tác phẩm có nội dung chống chế độ, nhà nước Liên Xô đã buộc Pasterniak từ bỏ Giải thưởng. Tác phẩm của ông đã được đạo diễn David Lean đưa lên màn bạc năm 1965 và giành được 4 Giải Oscar.

Alexander Soljenitzin (Giải thưởng Nobel Văn học 1970) với tác phẩm nổi tiếng “The Gulag Archipelago” (Quần đảo ngục tù) mô tả lại mạng lưới trại tù cải tạo dày đặc trên khắp Liên Xô với hàng triệu tù nhân bị đày đọa đến tận cùng.

Năm 2003, cuốn “Gulag: A History” của Anne Applebaum, nữ nhà văn, nhà báo Mỹ danh tiếng (hiện sống ở Ba Lan với chồng là Ngoại trưởng Ba Lan Sikorski), cũng nói về hệ thống các trại cải tạo Xô-Viết, đã đoạt Giải thưởng Pulitzer.

Trong văn học Việt Nam cũng có những tác phẩm được dư luận chú ý. Các tác giả là nhân chứng của một thời cuồng tín đi theo cách mạng để rồi khi tỉnh lại nhìn lại thấy chính mình cũng là nạn nhân của sự lừa gạt. Họ viết về quá khứ và sự hiện hữu của chế độ cộng sản vong bản, phi nhân; về số phận bi kịch và đau thương của những con người bị giam hãm trong một xã hội đầy dối trá bên cạnh sự áp đặt các khẩu hiệu tuyên truyền hoa mỹ, nơi tham vọng quyền lực cùng với đồng tiền biến con người thành ác nhân, chà đạp lên mọi đạo lý, phẩm hạnh và truyền thống tinh hoa của dân tộc.

Đó là “Thiên đường mù” (1988) của Dương Thu Hương, “Mảnh đất lắm người nhiều ma” (1990) của Nguyễn Khắc Trường, “Hoa xuyên tuyết” (1991) và “Mặt thật” ( 1993) của Bùi Tín, “Đêm giữa ban ngày” (1997) của Vũ Thư Hiên, “Chuyện kể năm 2000” (2000) của Bùi Ngọc Tấn, “Thời của thánh thần” (2008) của Hoàng Minh Tường, v.v…

Có thể vì chưa được giới thiệu rộng rãi qua nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới và cũng có thể tài năng của những cây bút Việt chưa nằm ở đỉnh cao, các tác phẩm văn học Việt Nam chưa giành được giải thưởng nào mang tầm vóc lớn. Nhưng dù sao, chúng là di sản, là tiếng nói quan trọng để lại cho thế hệ mai sau.

Năm 2009, thế giới chứng kiến thêm một tài năng khác: Giải thưởng Nobel Văn học 2009 được trao cho bà Herta Müller, nhà văn Đức, sinh trưởng tại Romania, một nước cựu cộng sản Đông Âu.

Điều đáng lưu ý là trong suốt sự nghiệp văn chương của mình, Herta Müller chỉ viết duy nhất về chế độ cộng sản độc tài điên rồ của Romania. Có lẽ các tác phẩm của bà chính là liều thuốc giải độc, có thể giúp bà rứt ra khỏi hoài niệm hãi hùng từ buổi hoàng hôn đỏ của con ác quỷ cộng sản? Bà đã từng nói: “Tôi đóng dấu ấn lên quá khứ của mình và chúng ta hãy nhớ rằng chế độ độc tài vẫn còn là chủ đề hiện tại ở nước Đức”.

Mặc dù các tác phẩm của bà được dịch ra trên 20 tiếng, nhưng ít người Việt biết đến. Rất có thể vì lý do, như nhận định của bà Monika Shnaiderman, giám đốc nhà xuất bản “Czarne” của Ba Lan, nơi đã phát hành 7 cuốn sách quan trọng nhất của Herta Müller: “Sách của Herta Müller không thể đọc bên cạnh TV đang mở hay vừa đọc vừa ăn sáng. Chúng tôi phát hành sách của bà không vì lý do thương mại, nhưng với niềm tin sâu sắc rằng, bà là nhà văn nổi tiếng”.

Herta Müller có tiềm năng mãnh liệt trong biểu thức, diễn cảm, đưa ngôn ngữ thơ vào tác phẩm văn xuôi và sử dụng từ chuẩn xác. Peter Englund, Thư ký của Ủy ban Nobel nói: “Tôi nghĩ rằng, tất cả những gì bà viết nói lên sức mạnh ngoại lệ, bà có phong cách rất đặc biệt. Bạn chỉ cần đọc nửa trang, bạn sẽ biết rằng, văn này của Herta Müller”.

Herta Müller đã giành nhiều giải thưởng văn học uy tín. 1987: Giải thưởng Ricard-Huch của thành phố Darmstadt. 1989: Giải thưởng Marieluise-Fleißer của thành phố Ingolstadt. 1990: Giải thưởng Roswitha thành phố Gedenkmedaille. 1991: Giải thưởng văn học Kranichsteinera. 1992: Giải thưởng của các nhà phê bình đài phát thanh SWF, Baden-Baden. 1994: Giải thưởng văn học Đức, Kleist. 1995: Giải thưởng văn học châu Âu Aristeion; được trao tặng danh hiệu nhà văn thành phố Bergen-Enkheim; là thành viên của Viện Hàn lâm Ngôn ngữ và Thơ Đức. 1998: Giải thưởng văn học Impac Dublin (Irland); Giải Văn chương Ida-Dehmel của thành phố Hamburg. 2004: Giải thưởng Văn học của Konrad Adenauer Foundation và 2009: Giải Nobel Văn học.

Herta Müller sinh năm 1953 tại làng Banat đa sắc tộc thuộc Nitzkydorf, Romania, trong một gia đình thiểu số Đức. Cha bà là cựu sĩ quan SS của Đức Quốc Xã. Mẹ bà, sau chiến tranh bị đưa đi cải tạo lao động 5 năm ở Ukraine. Chính vì thế, mối đe dọa đối với bà tự nhiên tăng lên gấp đôi, gia đình bà bị ngược đãi nhất trong cộng đồng, bị hàng xóm cô lập, luôn sống trong lo sợ vì bị an ninh nhiễu nhương, theo dõi. Bà xót xa nói: “Tôi được thụ thai bởi một người lính SS trở về sau Đệ nhị Thế chiến, sinh ra và lớn lên trong chế độ cộng sản”.

Herta Müller nghiên cứu văn học Đức và văn học lãng mạn tại Timisoara, tốt nghiệp đại học năm 1976, sau đó làm việc như một thông dịch viên kỹ thuật trong một nhà máy. Năm 1979, sau khi từ chối hợp tác với an ninh – không muốn làm kẻ bẩm báo về bạn bè trong giới văn học – bà bị mất việc. Vài tuần sau khi bà từ chối, giám đốc và bí thư đảng đề nghị bà tìm công việc khác và ký “nguyện vọng” di chuyển của mình bằng văn bản. Bà không ký và hàng ngày đến nhà máy ngồi trên cầu thang ở hành lang để người ta không có lý do cáo buộc vắng mặt. Nhưng cuối cùng bà cũng phải ra đi. Bà nhận nhiều công việc đơn giản khác nhau để mưu sinh như trong nhà trẻ, dạy học tư. Nhưng rồi khi biết giáo viên của con cái là “kẻ thù quốc gia”, bà lại bị mất việc. Năm 27 tuổi bà đã tự tử nhưng không thành, có lúc bà lang thang vô định trên các đường phố và ăn cắp đồ ăn trong các cửa hàng vì đói…

Không thể chịu đựng hơn cuộc sống của địa ngục trần gian, năm 1985 bà làm đơn xin ra khỏi nước. Sau 2 năm với nhiều khó khăn, không được phép rời khỏi nơi cư trú, cam kết không cho ra tác phẩm nào nữa, vào năm 1987, ở tuổi 34, bà nhận được hộ chiếu và cùng với chồng di tản qua Tây Berlin.

Thế nhưng đã gần 30 năm, ám ảnh mà trong đó bóng đen của những tên mật vụ đeo đẳng bà triền miên. Chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa Stalin của Ceauşescu, hai thực tế chưa lúc nào buông tha bà. Ở Tây Đức bà đã nhận được những lá thư nặc danh với lời đe dọa và được cơ quan bảo vệ an ninh Tây Đức cho biết có người lạ theo dõi bà. Cho đến giờ này, bà thường tránh các cuộc phỏng vấn, sợ ánh đèn từ máy chụp hình của các nhà báo, bởi vì nó làm bà mất cân bằng và ngay lập tức bà bị đưa về quá khứ, khi bà bị dẫn xuống phòng giam, nơi mật vụ tra khảo và hành hạ bằng những ánh chớp như thế.

Tác phẩm đầu tay của bà “Đất trũng” (Niederungen) ra đời năm 1982 ở Romania, vượt qua được sự kiểm duyệt. Nhưng ấn bản đầy đủ được phát hành ở Tây Đức năm 1984 mới thực sự gây sôi động dư luận. Bà bị giới phê bình Romania chỉ trích khắc nghiệt, liên tục bị an ninh thẩm vấn, người cùng công xã nhổ nước bọt vào bà và không chịu đi chung xe, bà bị cấm lân la tới nhà máy, thậm chí người ông của bà bị từ chối hớt tóc, dù từ nhiều năm là khách quen.

Cuốn “Niederungen” gồn những câu chuyện mô tả cuộc sống tại ngôi làng Banat từ bối cảnh của một đứa bé, cái nhìn của nó, những cử chỉ và nỗi sợ hãi phải đương đầu với thế giới của người lớn, với sức mạnh đứng trên đời sống và cái chết. Những bóng ma nguy hiểm như thường trực. Con người có cảm giác bị đóng cửa trong cơn ác mộng không lối thoát. Bà là nhân chứng của một thế giới bị thống trị bởi hận thù và đối xử tàn ác, vô cảm với các nghi lễ và chuẩn mực trong chế độ cộng sản. Con người bị cấm đoán những tập quán truyền thống, bị rẻ rúng như nô lệ, cá tính bị tiêu diệt, mọi thứ đều do nhà nước và đảng quyết định.

Cuốn tiểu thuyết mới nhất của bà, “Atemschaukel”, có lẽ được yêu thích hơn cả trong cuộc bầu chọn Giải Nobel Văn học 2009. Bà viết về đứa trẻ bị cưỡng bức vào trại cải tạo lao động nổi tiếng ở Ukraine với những điều kiện sống kinh hoàng. Cuốn sách dựa trên thân phận bi kịch có thật của những người Đức bị đày ải khổ cực và dựa theo câu chuyện do nhà thơ Oscar Pastior kể lại, một người cũng giống như Herta Müller, thuộc dân tộc thiểu số Đức. Thoạt đầu họ có ý định viết chung, nhưng không may, Oskar Pastior qua đời vào năm 2006. “Atemschaukel” như là một biểu tượng chia tay của bà với nhà thơ.

Herta Müller mang lại cho chúng ta những kinh nghiệm chính trị quan trọng khi chủ nghĩa cộng sản vẫn còn đó. Kinh nghiệm chính trị nhưng trong các tác phẩm mang đầy tính thơ của bà đã không bị chính trị hóa. Bà nói lên các trải nghiệm, bằng chứng, trưng ra cái thế giới độc tài của Ceauşescu, nơi chính bà đã sinh ra và lớn lên. Bà không chỉ lên án chế độ cộng sản mà còn phê phán những người sống trong chế độ ấy cúi đầu khuất phục trước bạo quyền, nhưng với ý thức trách nhiệm và nhân bản.

Khi được nhật báo Ba Lan “Gazeta Wyborcza” hỏi về cái chết của vợ chồng nhà độc tài Ceauşescu trong cuộc nổi loạn năm 1989, bà nói: “Tôi nhìn thấy trên TV và tôi đã khóc. Cuộc xử bắn thật khó kìm hãm nổi. Nhưng họ xứng với kết cục đó, suốt 20 năm sống trong chế độ của Ceauşescu, lúc nào tôi cũng thầm mong cho họ chết đi. Tôi nói vậy, dù tôi không ủng hộ án tử hình”.

Trong giữa thập kỷ 90, chống lại việc sát nhập PEN CLUB (Hội Văn Bút) của Đông Đức vào PEN CLUB của Tây Đức, Herta Müller đã xin ra khỏi tổ chức này, vì bà cho rằng, có nhiều nhà văn Đông Đức hợp tác với an ninh cộng sản Stasi nhưng đã không được bạch hóa trước công luận.

Tiếp tục viết về Romania, bà nói: “Tôi không thể đơn giản chui đầu vào cái hộp, tôi tiếp tục suy nghĩ. Hơn 30 năm sống trong chế độ độc tài, tôi chưa thể tách mình ra khỏi tất cả những gì mà từ ngày sống ở phương Tây tôi phải suy tư, tất cả những gì tôi mang theo mình qua đây”.

.

© Lê Diễn Đức & Nhật báo Người Việt

.

.

.

No comments:

Post a Comment