Monday, February 1, 2010

THỦ PHỦ SACRAMENTO của CALIFORNIA SẼ CÓ KHU "SAIGON NHỎ"

Thủ phủ California (Sacramento) sẽ có khu “Sài Gòn Nhỏ”
Stephen Magagnini
Catherine Roãn lược dịch
01-02-2010
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7128

Ba mươi lăm năm sau ngày miền Nam Việt Nam thất thủ, cộng đồng người Việt ở thành phố Sacramento, thủ phủ của tiểu bang California sẽ yêu cầu Hội đồng Thành phố trong buổi họp vào ngày thứ Ba tới đây cho phép một đoạn đường dài hai dặm trên đại lộ Stockton được mang tên “Sài Gòn Nhỏ”.
Hành lang thương mại phía nam con đường Fruitridge - đầy những quán ăn, tiệm làm móng tay và tiệm uốn tóc, tiệm bán nữ trang và chợ Á đông - sẽ trở thành khu vực mang tính chủng tộc chính thức và đầu tiên của thành phố Sacramento.
Giới lãnh đạo cộng đồng hy vọng sự đặt tên này sẽ giúp cho sự buôn bán ở khu vực này và làm giảm tệ nạn xã hội dọc theo đại lộ Stockton này.
“Đây là một điều tích cực để công nhận cộng đồng này đã biến đoạn đường này trước đây thường đầy rẫy dân du đãng, anh chị và gái điếm nay trở thành một khu phố thương mãi sầm uất và sinh động,” giám đốc đài Truyền thanh Việt Nam TNT bà Nancy Tran nói.
Lãnh đạo cộng đồng hy vọng tấm bảng “Xin đón chào qúy khách đến với Sài Gòn Nhỏ” trên đại lộ Stockton và Xa lộ 99 sẽ thu hút du khách, người mua sắm và đầu tư.

Khu vực được mang tên Sài Gòn Nhỏ đang chờ Hội đồng Thành phố duyệt vào phiên họp tuần tới. Nguồn: The Sacramento Bee
http://www.dcvonline.net/php/images/012010/sacto-LS.jpg

“Đặt tên Sài Gòn Nhỏ sẽ mang uy tín đến cho khu vực này, người ta có thể đến mua sắm ở đây, thử món ăn và không phải e ngại gì,” giám đốc chương trình của Asian Resources cô Stephanie Nguyen nói.
Theo sở cảnh sát cho hay, đã có một án mạng liên quan đến giới du đãng xảy ra ở tiệm Phở Gà Hùng nằm gần ngay đại lộ này chiều thứ Tư tuần rồi.

Mặc dù khu vực này đã được biết đến như Sài Gòn Nhỏ kể từ khi người tị nạn Việt Nam bắt đầu tái tạo và gây nên sức sống cho đại lộ này hai mươi năm về trước, nhưng sự đặt tên chính thức “Sài Gòn Nhỏ” cho khu vực này là điều hãnh diện cho hơn 20.000 người Mỹ gốc Việt trong hạt này.

Với chiến thắng của cộng sản năm 1975, “họ đã tước đoạt cái tên Sài Gòn của chúng tôi và đặt tên mới Thành phố Hồ Chí Minh,” cô Nguyễn nói. “Ở Việt Nam họ không được phép gọi Sài Gòn nữa. Cho thế hệ của cha mẹ chúng tôi, thật hay và ấm áp khi mang trả lại cái tên Sài Gòn ở một nơi mà cha mẹ của chúng tôi gọi là quê hương (thứ hai).”

Cờ vàng ba sọc đỏ của miền Nam Việt Nam bay trên trụ sở đài Truyền thanh Việt Nam TNT, và tên của một số cửa tiệm ở đây có mang chữ Sài Gòn.

“Đối với rất nhiều người di dân Việt Nam, Sài Gòn có một ý nghĩa sâu xa – nó gợi nhớ đến sự tự do,” bà Trần, 56 tuổi nói, bà đã lớn lên ở thành phố Sài Gòn và là một phần trong “đợt người lũ lượt kéo về đây” từ cộng đồng người Việt ở San Jose vì gía cả nhà cửa ở Sacramento tương đối dễ chịu hơn.

Ở San Jose, nơi có một cộng đồng người Việt lớn vốn căng thẳng về phương diện chính trị, đã xảy ra một cuộc tranh chấp đắng cay năm rồi về chuyện đặt tên chính thức cho một con đường thương mãi của người Việt ở đây.

Nhưng ở thành phố Sacramento, khoảng hơn 500 người Việt Nam đủ mọi lứa tuổi đã hợp tác cùng nhau trong chuyện này, phó chủ tịch Ủy ban Sài Gòn Nhỏ Sacramento bà Mai Nguyễn nói.
“Đây là lần đầu tiên trong 35 năm qua cộng đồng Việt Nam đã đoàn kết như một,” Mai Nguyễn nói, bà có người cha đã từng là sĩ quan của Việt Nam Cộng hòa. “Tất cả chúng tôi đều nói rằng mình cần thừa nhận qúa khứ, nhưng mình cũng cần phải có một kế hoạch cho tương lai.”

Bà Mai Nguyễn, giám đốc tiếp thị cho Design Copy và Print Center trên đại lộ Stockton, là một trong một nhóm khoảng ba mươi người đứng ra vận động cho con đường này được mang tên Sài Gòn Nhỏ.
“Nó giống như một phong trào, một sự đánh thức người trẻ,” cố vấn tài chính và thuế vụ Tido Hoàng nói, Hoàng cũng là người đã vận động sự ủng hộ của khoảng 50 cơ sở thương mãi ở đây và giúp tổ chức một cuộc họp trong cộng đồng hôm 17 tháng Một với 500 người tham dự.
“Ba Mẹ tôi lấy làm hãnh diện với điều tôi đang làm,” Hoang nói. “Lúc học ở đại học, tôi bắt đầu trở lại với nguồn gốc của mình và thấy rằng đại lộ Boulevard là một phần của mình.”

Hoàng gia nhập phong trào Sài Gòn Nhỏ vì anh thấy nhiều cửa tiệm cá thể làm móng tay, tiệm phở và những cơ sở làm ăn nhỏ khác … đang vật vã sống qua ngày. Ai cũng nói với chúng tôi là cần một sự thay đổi bộ mặt để tạo một ý thức về bản thể, một ý thức làm chủ.”

Người Lào, người Hmong và người gốc châu Mỹ La-tinh cũng đã ký tên vào thỉnh nguyện thư.
“Tôi nghĩ đây là một ý kiến tốt để giúp làm sạch đại lộ này và làm nó đẹp hơn lên,” ông Jorge Limon của tiệm bán xe Ixtapa Auto Sales nói.

Khoảng chừng 70 phần trăm các cơ sở thương mãi từ đường Fruitridge đến đường Florin là người Việt Nam, bên cạnh người Ấn Độ, Ukraine, Thái Lan và người Đông Âu, giám đốc điều hành Stockton Boulevard Partnership ông Terrence Johnson nói. “Nói chung chuyện làm ăn của người Á châu thực tế đã không bị ảnh hưởng lắm” qua sự suy thoái kinh tế rồi, ông nói. “Họ mua hàng lẫn nhau, thuê nhân công lẫn nhau, và có nhiều cơ may cho chuyện làm ăn phát triển khi nền kinh tế tốt đẹp quay trở lại.”

Nghị viên Hội đồng thành phố ông Kevin McCarty khởi đầu chiến dịch vận động này sau khi ông thấy tấm bảng “Chào mừng qúy khách đến với Sài Gòn Nhỏ” trên xa lộ ở thành phố Santa Ana. Ông cho rằng thành phố Sacramento đúng ra nên làm điều này sớm hơn.
Ông nghị McCarty hy vọng Hội đồng Thành phố sẽ ấn định một đoạn đường dài một dặm rưỡi của đại lộ Stockton bắt đầu từ đường Fruitridge đến đại lộ Riza được mang tên Sài Gòn Nhỏ. Đoạn đường dài nữa dặm từ đại lộ Riza đến đường Florin lại nằm ngoài phạm vi của thành phố nên sẽ được quyết định bởi Hạt Sacramento và hy vọng các vị Giám sát viên Hạt Sacramento sẽ đồng ý phê chuẩn trong phiên họp ngày 9 tháng Hai tới, ông nghị McCarty nói.

Cộng đồng Việt Nam sẽ tổ chức một cuộc thi vẽ mẫu quảng cáo cho Sài Gòn Nhỏ Sacramento và vận động quyên góp khoảng 20.000 đô-la để trang trải cho những tấm quảng cáo này.

© DCVOnline

Nguồn: (1)
Sacramento to designate 'Little Saigon' district. The Sacramento Bee, 31 January 2010




No comments:

Post a Comment