Thursday, February 25, 2010

TÀU THUÊ ĐẤT ĐỂ LÀM GÌ ?

Tàu thuê đất để làm gì

Phạm Trần
Đăng ngày 25/02/2010 lúc 14:37:40 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4618

Những người may mắn được ngồi ghế lãnh đạo trong Đảng Cộng sản thời hậu chiến 1975 có lẽ đã ăn phải bùa ngải của chú Ba nên đã không làm chủ được mình mỗi khi phải đối diện với họ về chủ quyền lãnh thổ.

Chuyện này không mới. Nếu cần chỉ coi lại “Hiệp ước biên giới trên đất liền ngày 30 tháng 12 năm 1999” và “Hiệp định phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa trong Vịnh Bắc Bộ (còn gọi là Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ) ngày 25/12/2000 giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Ai thắng, ai thua thì lịch sử sau này sẽ trả lời, vì Việt Nam Cộng Sản, cho đến bây giờ (năm 2010) còn giấu bản đồ và không dám cho Quốc hội xem các văn bản trước khi ký mà chỉ sau khi ký xong rồi mới đem cho Quốc hội “đóng dấu” cho hợp pháp.

Quốc hội tuy đã được Hiến pháp quy định là cơ chế quyền lực cao nhất nước nhưng chẳng có quyền hành gì. Đảng bảo sao làm vậy. Đảng muốn gì Quốc hội cũng phải nghe theo, vì tất cả các Đại biều đều là người của đảng đề cử, nên “đảng cử” thì dân “phải bầu”. Người dân không có quyền lựa chọn. Người nào được đưa ra ứng cử, trước tiên phải là đảng viên hay người được đảng chọn. Sau đó phải được Mặt Trận Tổ Quốc đề cử và chỉ định nơi ra “tranh cử”. Mọi chuyện còn lại đã có đảng lo, không cần phải “vận động tranh cử” tốn phí như các nước dân chủ. Vì vậy, người đắc cử bao giờ cũng chiếm đến gần 100%! Có nhiều đơn vị chỉ có 1 ứng cử viên nên hốt hết phiếu!

Do đó, chuyện các Đại biểu Quốc hội không biết gì về hai “Hiệp ước biên giới đất liền” và “Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ” có lợi hay hại cho tổ quốc cũng là chuyện bình thường không đáng ngạc nhiên.

Bởi lẽ khi thác Bản Giốc và ải Nam Quan đã mất về tay Tàu sau ngày ký Hiệp ước biên giới (30-12-1999) mà cái Quốc hội này vẫn nín thinh, không ai dám hé răng hay đòi Nhà nước giải thích thì đủ biết nó “bù nhìn” đền cỡ nào!

Chuyện vừa xảy ra

Đó là chuyện cũ. Bây giờ kể chuyện mới hơn và nguy hiểm “ngàn cân treo sợi tóc” mà vẫn chưa thấy những “đấu sỏ” của đảng hé trăng, mở miệng thì mới lạ.

Vào ngày 22 tháng 01 năm 2010, hai ông Tướng CSVN về hưu là Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, theo báo điện tử Bauxite Việt Nam, là người “vốn là người có 7 năm phụ trách Chương trình 327 mà mục tiêu là phủ xanh đồi núi trọc, bảo vệ rừng, và môi trường sinh thái”, và Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc (1974-1989), đã báo động về hiểm hoạ mất nước vào tay người Tàu.

Họ viết rằng: các quan chức đứng đầu 10 tỉnh biên giới và đầu nguồn đã hoặc chuẩn bị ký giao kéo cho các công ty người Tàu ở Trung Quốc, Đài Loan và Hồng Kông thuê đất trồng cây “rừng nguyên liệu” dài tới 50 năm!

Theo hai ông, trong số 10 tỉnh cho người Tàu thuê đất có các tỉnh Lạng Sơn,Quảng Ninh, Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum và Bình Dương. Tổng số diện tích đất lên đến “305,3534 nghìn ha, trong đó Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc chiếm trên 264 nghìn ha; 87% ở các tỉnh xung yếu biên giới”.

Họ viết: “Đây là một hiểm hoạ cực lớn liên quan đến an ninh nhiều mặt của quốc gia. Hám lợi nhất thời, vạn đại đổ vào đầu cháu chắt. Mất của cải còn làm lại được, còn mất đất là mất hẳn. Cho Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc khai thác rừng đầu nguồn là tiềm ẩn đầy hiểm hoạ. Họ đã thuê được thì họ có quyền chặt phá vô tội vạ. Rừng đầu nguồn bị chặt phá thì hồ thuỷ lợi sẽ không còn nguồn nước, các nhà máy thuỷ điện sẽ thiếu nước không còn tác dụng, lũ lụt, lũ quét sẽ rất khủng khiếp. Năm qua nhiều tỉnh miền Trung đã hứng chịu đủ, chẳng phải là lời cảnh báo nghiêm khắc hay sao…?”

“…Các tỉnh bán rừng là tự sát và làm hại cho đất nước. Còn các nước mua rừng của ta là cố tình phá hoại nước ta và gieo tai hoạ cho nhân dân ta một cách thâm độc và tàn bạo. Nếu chúng ta không có biện pháp hữu hiệu, họ có thể đưa người của họ vào khai phá, trồng trọt, làm nhà cửa trong 50 năm, sinh con đẻ cái, sẽ thành những “làng Đài Loan”, “làng Hồng Kông”, “làng Trung Quốc”. Thế là vô tình chúng ta mất đi một phần lãnh thổ và còn nguy hiểm cho quốc phòng”.

Theo lời tướng Nguyễn Trọng Vĩnh thì trước khi công bố trên Bauxite Việt Nam, hai ông đã gửi bài viết cho Bộ Chính trị đảng CSVN với khuyến cáo: “Đất đai là thứ nhạy cảm, muôn đời, vì hiện tại và tương lai của nhân dân, hãy tính toán chặt chẽ từng tấc đất cho các mục đích cần sử dụng. Trước mắt đề nghị Chính phủ cho đình chỉ ngay việc cho nước ngoài thuê đất đầu nguồn dài hạn với diện tích lớn, dù có phải bồi thường cũng được, để tránh thảm hoạ cho dân cho nước”.

Rất tiếc, lời đề nghị chí tình của họ đã bị rơi vào quên lãng y hệt như họ đã bỏ ngoài tai yêu cầu đình chỉ khai thác bauxite trên Tây Nguyên của một công thần của chế độ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, năm 2009!

Nhưng câu chuyện của hai tướng Nguyên và Vĩnh chỉ ở mặt nổi. Sâu và xa hơn, chuyên gia địa chất Vũ Ngọc Tiến tiết lộ trên mạng Bauxite Việt Nam ngày mồng Một Tết Canh Dần (13-02-2010):

“Quy luật phân bố khoáng sản, nhất là kim loại màu và kim loại quý hiếm cho thấy chúng thường xuất hiện nhiều ở các vùng “núi già”, tức vùng có địa tầng rất cổ thuộc thời kỳ Pro-te-ro-zoi và Pa-le-o-zoi. Trên bản đồ địa chất nước ta, đó là các vùng thuộc khối nâng Việt Bắc, khối nâng Kon Tum (Tây Nguyên) và đới khâu Con Voi (Lào Cai, Yên Bái), đới khâu Sơn La – Điện Biên. Người không có chuyên môn địa chất chỉ cần nghe qua các thuật ngữ khoa học trên cũng mường tượng ra khả năng Kon Tum và các tỉnh biên giới phía Bắc có nhiều mỏ quặng kim loại màu và kim loại quý hiếm. Kết quả nghiên cứu của các nhà địa chất Pháp, Nga, Việt Nam hơn 100 năm (1905 – 1985) đã chỉ ra hàng trăm mỏ, điểm quặng ở các vùng lãnh thổ này, trong đó đặc biệt quan trọng là các mỏ sulfua đa kim, đất hiếm, thậm chí có cả Uranium. Điều lý thú nữa là các khoáng sản sulfua đa kim ở đây lại thường cộng sinh với vàng, bạc ở một tỷ lệ nhất định. Có một thời, thương nhân Trung Quốc tìm sang thu mua đuôi tuyển quặng (bã thải) ở mỏ đồng Sinh Quyền là một ví dụ điển hình.

Trước năm 1986, quy trình bảo mật của ngành địa chất đối với các mỏ quặng loại này vô cùng nghiêm ngặt. Anh NBN ở cơ quan tôi đi Nga làm nghiên sứu sinh, chỉ sơ ý mang theo vài trang tài liệu về mỏ phóng xạ ở Sơn La (dù đã đổi địa danh, toạ độ) đã lập tức bị gọi về nước, chịu án kỷ luật nặng nề cả bên đảng và bên chính quyền. Thế nhưng kể từ khi bắt đầu đổi mới (1986), các quy định về bảo mật về tài nguyên bị xâm phạm nghiêm trọng. Các tỉnh đua nhau mời chuyên gia địa chất đo vẽ bản đồ địa chất – khoáng sản cho riêng địa phương mình mà thực chất là sao chụp lại tài liệu trong lưu trữ quốc gia là chính, phần khảo sát thêm chỉ là hình thức để có cớ thanh toán hợp đồng, rút tiền Nhà nước chia nhau giữa bên A, bên B. Đây là kẽ hở chết người dẫn đến tệ nạn “khai thác thổ phỉ” tại các mỏ quặng diễn ra kéo dài và phổ biến khắp nơi, không loại trừ khả năng bí mật về khoáng sản ở các tỉnh biên giới cũng theo đó mà lọt vào tay người nước lạ! Tôi ngờ rằng, trong 264 ngàn ha rừng đầu nguồn ở các tỉnh biên giới đã cho người nước lạ thuê kia không chỉ có gỗ mà còn có cả khoáng sản và đó mới là mục đích sâu xa, thâm hiểm của ông bạn nước lạ chăng?”
.

Nhưng Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, người nổi tiếng về vụ kiện Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng, ra toà vì vi phạm luật khi cho phép người Tàu vào khai thác bauxite ở hai tỉnh Lâm Đồng và Đăk Nông, lại không coi chuyện vàng, bạc hay quý kim khác trong vùng đất cho Tàu thuê là quan trọng.

Trong cuộc phỏng vấn của tôi vào ngày Thứ Tư, 24-02-2010, từ Hà Nội, ông Cù Huy Hà Vũ nói rằng việc người Tàu thuê đất ở 10 tỉnh biên giới và thượng nguồn là nằm trong kế hoạch xâm lăng Việt Nam của Bắc Kinh.

Ông vạch ra rằng, sau khi đem người vào khai thác bauxite ở Tây Nguyên và gia tăng lực lượng hải quân để khống chế Việt Nam ở Biển Đông, bây giờ lại tìm cách bao vây biên giới thì rõ ràng Trung Quốc đang xâm lăng Việt Nam. Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ lên án những người lãnh đạo đảng CSVN đã bất lực và chịu khuất phục trước sự mua chuộc bằng tiến bạc, địa vị và quyền lợi của Trung Quốc dành cho nên họ chưa nhìn thấy hiểm hoạ mất nước vào tay Trung Quốc đã đến gần hơn bao giờ hết. Ông cũng lên án các viên chức đứng đầu 10 Tỉnh cho người Tàu thuê đất đã vì đồng tiền và mối lợi trước mắt mà đã trắng trợn vi phạm Luật Quốc phòng và các văn bản pháp lý bảo vệ rừng.

Trong khoản 2 của Điều 11 Luật Quốc phòng (SỐ 39/2005/QH11) ngày 14 tháng 6 năm 2005, viết: “Quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và khu vực trọng điểm về quốc phòng phải được Bộ Quốc phòng và cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ phối hợp thẩm định”.

Khoản 3 còn ràng buộc: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư và nghiên cứu ứng dụng khoa học, công nghệ phải tuân thủ yêu cầu của Nhà nước về kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng”.

Như vậy rõ ràng các tỉnh cho người Tàu thuê đất chưa được Bộ Quốc Phòng và “cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ phối hợp thẩm định” chấp thuận.

Ngoài ra Luật Đất Đai được Quốc hội CSVN thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003 cũng nói rõ trong Khoản 1, Điều 5 rằng “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu”.

Và Điều 21cũng viết: “Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải bảo đảm Phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh”.

Vậy các quan Cộng sản ở 10 tỉnh biên giới và đầu nguồn có hỏi ý kiến trung ương trước khi ký giao kèo cho người Tàu thuê đất không? Và việc làm của họ có bảo đảm không phương hại đến “quốc phòng, an ninh” của tổ quốc chăng?

Những thắc mắc, lo ngại này của người dân đáng nhẽ ra đã phải được Bộ Chính trị và Chính phủ CSVN trả lời với từ lâu rồi, nhưng đến lúc này cũng chưa muộn.

Chỉ sợ rằng khi Bộ Chính trị không dám trả lời cho hai tướng Đồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh về vụ cho Trung Quốc, Hồng Kông và Đài Loan thuê đất thì cái giá phải trả cho 16 chữ “vàng” của Bắc Kinh: “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 “tốt”: “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” đã vượt quá sức chịu đựng của người dân.

.

Phạm Trần

© Thông Luận 2010

.

.

.

No comments:

Post a Comment