Wednesday, February 24, 2010

NHỨC NHỐI VẤN NẠN TRỒNG CẦN SA Ở BA LAN

Nhức nhối vấn nạn trồng cần sa ở Ba Lan

Có thể nói, năm 2009 là năm “đánh dấu” việc du nhập công nghệ trồng cần sa vào Ba Lan. Khởi đầu ở Canada rồi lan sang Anh, cộng hòa Czech (Séc), trồng cần sa đã chính thức xuất hiện ở Ba Lan như một “nghề”. Năm rồi, cảnh sát đã khám phá, bắt giữ gần chục vườn cần sa mà chủ nhân của nó là những người Việt. Là một cộng đồng được đánh giá là “thuần”, chủ yếu sống bằng kinh doanh các mặt hàng dệt may và ngành ăn uống, lối sống khép kín, ít hòa nhập, ngại va chạm với người bản xứ, ngại “dính” với pháp luật những vụ bắt bớ vừa qua làm nhiều người Việt lo ngại.

Một tuần 4 vụ

Bản tin trên truyền hình Ba Lan hôm 18/2/2010 cho biết, cảnh sát quận Praga đã bắt giữ một nhóm 3 người Việt Nam trong một ngôi nhà tại Ząbki với 462 cây cần sa cùng các phương tiện chiếu sáng và chăm sóc hiện đại. Họ cũng thu được hơn 100 kg thành phẩm đã sấy khô, trị giá ước tính hơn 3 triệu zloty (khoảng hơn 1 triệu Mỹ kim). Theo tường thuật của cảnh sát, một trong 3 người đã chống lại và có ý định chạy trốn, cảnh sát phải bắn chỉ thiên mới bắt giữ được người này.

Theo những thông tin ban đầu từ cơ quan điều tra, có một số băng đảng người Việt đã hoạt động bí mật trong mấy năm qua trên địa bàn Warsaw và những vùng lân cận, họ chuyên trồng và cung cấp các sản phẩm cần sa.

Đây là vụ thứ 4 trong vòng một tuần (chính xác là 8 ngày), đúng vào dịp Tết nguyên đán. Ba ngày trước đó, tại phía Tây – Nam của Warsaw, vùng Stare Babice, cảnh sát đã thư giữ 360 cây cần sa trong vụ đột kích vào một ngôi nhà mà người Việt thuê.

Một vụ lớn khác xẩy ra hôm 10/2 khi một người thợ nước được gọi tới sửa đường ống bị vỡ cho một ngôi nhà nằm tại Rembertów, vùng ngoại ô Warsaw. Người này sau đó đã báo cảnh sát về nghi ngờ của mình xung quanh những bóng đèn, dây dẫn và các cây cảnh “lạ”. Ngay lập tức, những “người trồng vườn” Việt Nam bị “bắt sống” với 756 cây cần sa đang trong quá trình chăm sóc cùng với các phương tiện kỹ thuật được mô tả là “hết sức hiện đại”.

Cùng lúc đó, một nhóm đang trên đường đi tiêu thụ cần sa ngay gần trung tâm buôn bán (Wólka Kosowska) của người Việt đã bị công an vây bắt với tang vật là 5kg cần sa sấy khô được đựng trong 3 túi ni – lon. Bốn người bị giữ, một chạy thoát sau khi định cướp súng của cảnh sát. Những người bị bắt ở độ tuổi từ 20 tới 33, trong đó có một phụ nữ. Báo chí mô tả, đây là vụ việc mà cơ quan điều tra đã được mật báo và họ đã theo dõi từ lâu.

Số vụ bị phát hiện này có lẽ chỉ là phần nổi của một tảng băng chìm. Không ai có thể biết, có bao nhiêu vườn cần sa đã thu hoạch chót lọt, có bao nhiêu người hiện đang làm giầu bất chính bằng nghề này?

Từ Cộng hòa Séc qua Ba Lan

Một trong các đặc điểm chung của các vụ bắt giữ trong năm qua là phần lớn những người bị giữ đều dính dáng tới Cộng Hòa Séc như mang hộ chiếu Séc hoặc hộ chiếu Việt Nam nhưng thẻ cư trú tại cộng hòa Séc. Trong vụ giao nhận cần sa ở trung tâm buôn bán người Việt, 2 chiếc xe bị giữ cũng mang biển số của Séc.

Trong những năm qua, công nghệ cần sa phát triển mạnh ở Séc. Theo số liệu từ cảnh sát Cộng hòa Séc, người Việt nắm giữ tới 60% thị trường trồng và cung cấp cần sa ở quốc gia với 10 triệu dân này.

Một điều kiện giúp “ngành trồng trọt” của người Việt ở Séc ngày càng phát triển đó là Séc trở thành nước thứ hai ở châu Âu sau Hà Lan công nhận tính hợp pháp của việc sử dụng cần sa. Đây được cho là “biện pháp” của chính quyền nhằm thúc đẩy ngành du lịch ở quốc gia vốn đã thu hút hơn 10 triệu du khách mỗi năm. Ở Séc, việc trồng 10 cây cần sa “để sử dụng” được cho là hợp pháp và pháp luật cũng tỏ ra dễ dãi hơn với loại tội phạm này. Trồng cần sa như “cá gặp nước” đã phát triển nhanh ở Séc và việc nó lây lan sang Ba Lan chỉ còn là vấn đề thời gian.

Hai điều kiện làm cho công nghệ trồng cần sa được “chuyển giao” nhanh chóng từ Séc sang Ba Lan đó là việc xóa bỏ hàng rào biên giới sau khi 2 nước trở thành thành viên hiệp ước Schengen đã tạo điều kiện thoải mái cho người Việt ở đôi bên đi lại, sinh sống và làm việc. Công nghệ cần sa do vậy cũng dễ dàng thâm nhập vào Ba Lan. Mặt khác, năm 2009 được đánh giá là một năm nhiều khó khăn với cộng đồng người Việt ở Ba Lan. Mặc dù Ba Lan là nước may mắn duy nhất trong Liên Minh Châu Âu (EU) có tăng trưởng kinh tế dương, vào khoảng 1,7% nhưng điều đó dường như không làm giảm bớt khó khăn của cộng đồng người Việt.

Vốn chỉ buôn bán tập trung vào một số ngành hàng, số lượng người buôn bán tràn sang từ trong nước cũng như từ các nước lân cận ngày một đông, các trung tâm thương mại mọc lên như nấm đã làm cho cung vượt quá cầu và “người bán nhiều hơn người mua” như nhận xét của một số người buôn bán nhiều năm ở Ba Lan.

Buôn bán sa sút. Đói kém sinh đạo tặc. Ai cũng biết trồng cần sa là bất hợp pháp nhưng phải lúc làm ăn khó khăn, người ta dễ tặc lưỡi với ý nghĩ làm vài vụ rồi …chuồn!

Cộng đồng lo ngại

Nhiều ý kiến quan ngại rằng những vụ trồng cần sa này sẽ làm ảnh hưởng lớn tới hình ảnh của cộng đồng người Việt vốn từ trước tới nay được đánh giá như một cộng đồng cần cù, chăm chỉ và tương đối thành đạt. Những lo ngại đó rõ ràng là có cơ sở. Nhìn lại 7 năm trước đây, khi báo chí và truyền hình Ba Lan làm rùm beng chuyện một số người Việt giết thịt chó mèo cung cấp cho quán ăn đã làm dấy lên một làn sóng tẩy chay các quán ăn Việt Nam dẫn tới sự sụp đổ không gì cứu vãn nổi của cả một hệ thống hàng trăm nhà hàng Việt Nam.

Ngành ăn uống của người Việt gần như phá sản! Phải mất vài năm, dư luận nguôi ngoai cộng với những cố gắng không mệt mỏi của những đầu bếp Việt Nam, khách hàng mới dần trở lại với bếp Việt.

Thái độ của xã hội Ba Lan trước các vụ trồng cần sa ngày càng lan rộng của cộng đồng người Việt ở đây ra sao phụ thuộc rất nhiều vào cách đưa tin của các cơ quan truyền thông nước này. Liệu rồi đây, các em nhỏ Việt Nam khi tới trường có bị các bạn “không chơi với bọn trồng cần sa” như một số em đã bị bài xích “không chơi với bọn ăn thịt chó” mấy năm trước không? Đừng để các em nhỏ ngây thơ phải gánh chịu hậu quả do việc chạy theo lợi nhuận bất chấp pháp luật của một thiểu số người Việt ở đây!

Ngay sau khi những vụ trồng cần sa đầu tiên bị đưa ra ánh sáng, hội Đoàn Kết Hữu Nghị và Đại Sứ Quán Việt Nam ở Ba lan đã họp bàn biện pháp đối phó với tệ nạn này. Số điện thoại của ông hội trưởng và ông Lãnh sự được thông báo tới cộng đồng để thu thập các tin báo liên quan tới vấn đề trồng cần sa. Điều đó cũng tốt, nhưng có lẽ nó không phải là một biện pháp hiệu quả. Ai có thể đảm bảo an toàn cho những người báo tin, chắc chắn không phải là ông chủ tịch hội hay ngài Lãnh sự.

Hiện đã có người Việt làm việc chính thức trong ngành cảnh sát Ba Lan, ngoài ra có những phiên dịch gốc Việt chuyên phiên dịch các vụ việc cho cảnh sát. Thiết nghĩ, việc hướng dẫn cộng đồng báo tin trực tiếp cho cơ quan cảnh sát có lẽ sẽ là giải pháp hiệu quả và an toàn hơn?

Cần sa là bài toán nan giải, những cố gắng của cộng đồng chỉ có thể hạn chế phần nào chứ không thể giải quyết được vấn nạn này. Việc ngăn chặn nó đòi hỏi nỗ lực không chỉ của ngành cảnh sát Ba Lan mà còn cần sự phối hợp giữa các cơ quan điều tra trong toàn Liên minh châu Âu nhất là khi các băng đảng trồng cần sa của người Việt ngày một mang tính quốc tế.

Và sau cùng, chừng nào nhà nước Việt Nam còn đẩy mạnh xuất khẩu lao động bằng mọi giá, qua đó tạo ra môi trường cho những hãng môi giới hôn nhân hay các tổ chức xuất khẩu lao động mà thực chất là buôn người bất hợp pháp đưa ồ ạt người lao động ra nước ngoài dù để làm điếm hay trồng cỏ.v.v. thì vấn nạn này còn phát triển mà mọi biện pháp của các các quốc gia sở tại cũng không thể giải quyết một cách triệt để được.

© Đàn Chim Việt Online

No comments:

Post a Comment