Thursday, February 18, 2010

LỬA THẾ VẬN VANCOUVER và ĐUỐC BẮC KINH

Lửa Thế Vận Vancouver Và Đuốc Bắc Kinh
Ngô Văn
Cập nhật ngày: 18/02/2010
http://www.viettan.org/spip.php?article9548
Olympic Vancouver 2010 là Thế Vận Hội mùa đông gồm những bộ môn tranh giải liên quan đến băng tuyết. Chính vì thế mà trong lúc người dân ở các xứ nóng không mấy quan tâm, thì cả thế giới còn lại đều hướng về thành phố Vancouver, nước Canada để theo dõi các hình ảnh lộng lẫy và các cuộc tranh tài hào hứng. Thật vậy, ngay từ lễ khai mạc, người ta đã thấy nhiều cảnh lạ, từ việc vinh danh văn hóa thổ dân Da Đỏ đến cấu trúc lửa Thế Vận trên đầu 3 ngọn đuốc. Và trong số này, nhiều hình ảnh gợi nhớ về những chuyện tương tự 2 năm trước.

Được biết đuốc Thế Vận Vancouver 2010 đã được rước từ Athens, Hy Lạp vào ngày 30/10/2009 rồi được đưa lên máy bay chở thẳng về tỉnh bang Bristish Columbia của Canada. Từ đó bắt đầu cuộc rước đuốc chạy vòng khắp các tỉnh bang với lộ trình dài 45 ngàn cây số để làm sao phải đến thành phố Vancouver đúng vào ngày khai mạc 12/02/2010. Tại mọi thành phố và làng mạc Lửa Thế Vận Vancouver đi qua, người dân đổ ra đường đón mừng trong niềm hân hoan và hãnh diện. Chỉ cần một vài người cảnh sát giao thông đi mở đường cho Lửa Thế Vận Vancouver tiến bước. Cảnh tượng đó khiến nhiều người nhớ tới chuyện chỉ mới 2 năm trước, với những "lực lượng an ninh bậm trợn" bảo vệ đuốc Bắc Kinh năm 2008. Lộ trình Lửa Thế Vận Vancouver cũng được công bố rõ ràng về địa điểm và giờ giấc cho mọi nguời chào đón chứ không phải dấu diếm hay thay đổi lộ trình vào phút chót để đánh lừa ký giả như đuốc Bắc Kinh.
Hiển nhiên, đuốc thiêng Olympic là biểu tượng chung của nhân loại và chẳng mang tội tình gì để bị chống đối. Vào 2 năm trước, người ta chống những kẻ cai trị Trung Quốc đang lợi dụng Thế Vận Hội để che đậy các chính sách vi phạm nhân quyền và đàn áp người dân rất tàn bạo của họ. Chính vì vậy mà đuốc Bắc Kinh khi đi qua nước nào là bị người dân nước đó chống đối mãnh liệt: từ Athens, Luân Đôn, rồi đến Paris, qua San Francisco, vòng xuống Canberra (Úc), đi trở lên Nagano (Nhật), sang Seoul (Đại Hàn). Nơi nào đuốc Bắc Kinh cũng bầm dập. Có nơi đuốc bị người phản đối dập tắt đến vài lần.

Chỉ tại những nơi như Sài Gòn, Bắc Kinh mới có thể buộc nhà cầm quyền sở tại phải tổ chức cuộc rước đuốc Bắc Kinh thật linh đình để gỡ danh dự. Hiển nhiên giới lãnh đạo CSVN muốn cố hết sức lập công với Thiên Triều. Nhưng cùng lúc họ cũng biết rõ người dân Việt Nam vẫn tiếp tục căm hận về những vùng đất, hải đảo, vùng biển bị Bắc Kinh xâm lấn và những đồng bào ruột thịt vừa bị hải quân Bắc Kinh thảm sát trên biển Đông. Chính vì thế mà lãnh đạo CSVN bỏ ra nhiều công sức chuẩn bị công phu để đối phó và trấn áp sự phản đối của dân chúng Việt Nam. Lộ trình đuốc Bắc Kinh ở Sài Gòn cũng được giữ bí mật cho đến phút cuối. Tại Hà Nội vào ngày chủ nhật (20/4/2008), tức là 9 ngày trước khi đuốc Bắc Kinh đến Sài Gòn, chính thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng đứng ra chủ trì phiên họp gồm nhiều bộ, nhiều ngành, đặc biệt là công an để chung quyết kế hoạch chống biểu tình, bảo vệ đuốc Bắc Kinh. Toàn thể lãnh đạo thành phố Sài Gòn được gọi ra báo cáo và nhận chỉ thị. Kết quả phiên họp, Hà Nội quyết định tung thêm lực lượng an ninh của mình ra và để cho công an Trung quốc vào Sài Gòn hầu sẵn sàng ra tay đàn áp bất kỳ ai chống đối đuốc Bắc Kinh. Cuối cùng thì chỉ một số cán bộ, quan chức CSVN được phép vào bên trong tham dự. Còn người đứng hai bên đường xem rước đuốc chỉ toàn là người Hoa cầm cờ đỏ Trung quốc. Họ là lực lượng công an Trung Quốc mặc thường phục đi theo bảo vệ đuốc hay những người lao động Trung quốc đang làm việc trong các xí nghiệp ở khu công nghiệp Đồng Nai và Bình Dương được huy động đến. Người Việt chính gốc bị công an cấm đến gần đoạn đường rước đuốc và khu tập trung mừng lễ dành riêng cho "người nước lạ". Tuy vậy, một số người Việt vẫn uất ức giương lên những băng vải mang hàng chữ phản đối và bị công an bắt đem đi.

Ngay cả khi đuốc Bắc Kinh vào Trung quốc qua cửa ngõ Hồng Kông cũng bị nhiều người dân của họ chống đối nên nhà nước cộng sản Trung quốc vẫn phải để nguyên toán công an, mật vụ giả dạng lực sĩ chạy theo bảo vệ đuốc.

Tại Bắc Kinh, trước 205 Ủy viên Olympic Thế giới, ông Jacques Rogge đã buộc miệng than rằng cuộc rước đuốc Thế Vận Bắc Kinh không còn là một nghi thức đem lại niềm vui và phấn khởi cho mọi người như Ủy Ban mong đợi. Ông cũng nói thêm rằng ’’Quyền phát biểu là một quyền cơ bản của con người, và là điều tất nhiên nên không cần phải ghi thành một điều khoản trong Hiến chương Thế Vận". Nhiều Ủy Viên Thế vận Thế giới cũng thổ lộ rằng họ đã sai lầm khi trao quyền tổ chức Olympic mùa hè 2008 cho Bắc Kinh.
Khác với khẩu hiệu ’’Một thế giới, một giấc mơ’’, ẩn chứa nhiều tham vọng bành trướng của Trung quốc, Olympic Vancouver 2010 đưa ra một chủ đề có thể nói là khiêm nhường nhưng rất hiện thực, đó là ’’Cộng sinh với thổ dân và môi trường’’. Chủ đề này là một sự ăn năn của chính quyền Canada đối với thổ dân vì sự sai lầm trong chính sách cưỡng chế di trú và bắt phải học tiếng Anh vào giữa thế kỷ thứ 19. Cách hành xử văn minh này khác hẳn chính sách của nhà nước cộng sản Trung quốc đối với dân Tây Tạng, dân Dân Ngô Nhĩ, dân Tân Cương và các sắc dân thiểu số khác tại Trung Quốc.

Khi nhìn Lửa Thế Vận Vancouver được người dân Canada và cả thế giới trân quý, chắc chắn những người lãnh đạo đảng Cộng sản Trung quốc không khỏi ấm ức khi đem đuốc Bắc Kinh của mình ra đối chiếu. Đây là một thông điệp rất rõ để Bắc Kinh biết rằng sự trân quý đó chỉ có đối với các chế độ biết tôn trọng nhân quyền, biết xem trọng quyền lợi của người dân và sẵn sàng tạ tội khi biết mình làm sai. Lãnh đạo Bắc Kinh không thể tiếp tục hành xử như những bạo chúa của thời trung cổ, nhưng lại thèm muốn thế giới tôn trọng mình như những con người văn minh của thế kỷ 21.

Các bài liên hệ:
Từ Tây Tạng đến Việt Nam
Tôi Đi Rước Đuốc Bắc Kinh
Tình Hình Sài Gòn Trước Ngày Rước Đuốc Bắc Kinh


No comments:

Post a Comment