Giải Nobel qua các thời kỳ chiến chinh
Lê Quế Lâm
Đăng ngày 22/02/2010 lúc 14:54:54 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4607
Chưa đầy 9 tháng sau ngày đảm nhận trọng trách, Tổng Thống Obama được trao tặng giải Nobel Hoà Bình năm 2009.
Quyết định trên đã gây nhiều tranh cãi vì ông Obama chưa có cống hiến nào đáng kể cho hoà bình thế giới…Nhưng hội đồng xét duyệt giải Nobel Hoà Bình do Quốc hội Na Uy thành lập, đã quyết định trao tặng ông giải thưởng cao quý này vì ông “đã có những nỗ lực xuất sắc trong việc củng cố mối bang giao quốc tế và hợp tác giữa các dân tộc”. Theo hội đồng xét duyệt, trước khi nhậm chức, tình hình thế giới hết sức phức tạp và nguy hiểm, song TT Obama đã từng bước trao gởi những thông điệp có nội dung xây dựng như mong muốn có sự đối thoại và thương thuyết để giải quyết các cuộc xung đột quốc tế khó khăn. Ông kêu gọi các thành viên Liên Hiệp Quốc hợp tác với HK trong việc giải giới và kiểm soát vũ khí nguyên tử, cũng như cùng chung vai góp sức để đối phó với sự thay đổi khí hậu lớn lao mà thế giới đang phải đương đầu. Trong diễn văn đọc tại Cairo, thủ đô Ai Cập, ông Obama gây dựng mối quan hệ thân hữu giữa HK với thế giới Hồi Giáo: hai bên không loại trừ nhau và cũng không cần phải ganh đua nhau; cả hai đều có những điểm tương đồng về công lý và tiến bộ, lòng độ lượng và tôn trọng nhân phẩm.
Chủ tịch Hội đồng xét duyệt giải Nobel Hoà Bình là ông Thorbjoern Jagland -cựu ngoại trưởng, cựu thủ tướng, hiện là Chủ tịch Quốc hội Na Uy và vừa được cử làm Tổng Thư Ký Hội đồng Châu Âu (Council of Europe), đã tuyên bố: “Mọi người đều biết ông Obama chỉ vừa mới lên cầm quyền và quyết định của chúng tôi nhằm khuyến khích các viễn kiến của ông và hy vọng những viễn kiến đó sẽ mang lại sự tốt đẹp cho cả thế giới”. Ông cho biết thêm: “Nếu nhìn lại lịch sử các giải Nobel Hoà Bình từ trước đến giờ, chúng ta sẽ nhận thấy giải thưởng đã không ít lần được trao cho những cá nhân đang có nỗ lực mang đến hoà bình cho tương lai”. Ông liệt kê Thủ tướng Tây Đức Willy Brand, lãnh giải năm 1971 với chủ trương “Ostpolitik” hoà hoãn với Đông Đức, Ba Lan và LX. Lãnh tụ cuối cùng của LX là Mikhail Gorbachev được trao giải Nobel Hoà Bình năm 1990 vì những nỗ lực góp phần kết thúc chiến tranh lạnh. Đông Đức tự động sáp nhập vào Tây Đức sau cuộc tổng tuyển cử tự do, nước Đức thống nhất trong hoà bình.
Đề cập đến chiến tranh lạnh khiến chúng ta nhớ lại chiến tranh Việt Nam, vì đất nước ta là đấu trường chính của cuộc chiến này. Đây là cuộc chiến kéo dài lâu nhất trong bốn trận chiến lớn của thế kỷ vừa qua. Sau Thế chiến I và II là cuộc xung đột giữa Thế giới Tự do và Quốc tế Cộng sản với hai cuộc chiến Triều Tiên và Việt Nam. Chiến tranh Triều Tiên chấm dứt năm 1953, còn chiến tranh VN kéo dài suốt cuộc chiến tranh lạnh, từ cuối thập niên 1940 đến cuối thập niên 1980. Sau chiến tranh, các thế lực độc tài đều bị đào thải, các nước bị chiến tranh tàn phá đều phát triển đất nước phồn vinh trong dân chủ tự do, chỉ trừ Bắc Triều Tiên và VN. Vì vậy chúng tôi kỳ vọng nhiều vào viễn kiến của TT Obama “sẽ mang lại sự tốt đẹp cho cả thế giới” (trong đó có VN chúng ta) như hy vọng của hội đồng duyệt xét khi quyết định trao giải Nobel Hoà Bình năm 2009 cho ông.
Như đề cập trên, thế kỷ XX vừa qua là thế kỷ của chiến tranh. Không ai có thể phủ nhận là HK đã đóng vai trò rất lớn trong việc kết thúc các cuộc chiến tranh, mang lại hoà bình cho nhân loại. Trước ông Obama, đã có hai tổng thống Mỹ được trao giải Nobel Hoà Bình trong lúc còn tại chức: TT Theodore Roosevelt (1906) và TT Woodraw Wilson (1919). Ngoài ra HK còn có một vị ngoại trưởng duy nhất được trao giải Nobel Hoà Bình (1973), đó là Henry Kissinger khi đang giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao thứ 56 của Mỹ từ 22/9/1973 đến 20/1/1977.
Chiến tranh Nga Nhật 1904-05 và Giải Nobel Hoà Bình (1906)
Vào những năm cuối của thế kỷ thứ XIX, mầm mống chiến tranh đã xuất hiện ở khu vực đông bắc Á Châu, xuất phát từ tham vọng tranh giành quyền kiểm soát bán đảo Triều Tiên và Mãn Châu của hai đế quốc đối địch Nga và Nhật. Lúc bấy giờ, đế quốc Nga dưới quyền Sa hoàng (Tsar) Nicholas II đã mở rộng vào vùng Trung Á giáp giới với Afghanistan, trải rộng từ Ba Lan ở phía tây đến bán đảo Kamchatka ở phía đông bờ Thái Bình Dương. Để củng cố sự hiện diện ở đông bắc Á châu, Moscow xây dựng tuyến đường sắt Xuyên Tây Bá Lợi Á (Trans-Siberia) đến cảng Vladivostok. Cảng nằm ở địa đầu phía bắc bán đảo Triều Tiên, tiếp giáp với Mãn Châu. Khu vực này tối quan trọng đối với nền an ninh của Nhật, họ xem đó là vùng đệm an toàn, ngăn chận các cường lực từ lục địa có thể mở đầu cầu vượt eo biển Cao Ly (Triều Tiên) tấn công họ. Thế địa lý chính trị đó khiến chính giới Nhật hết sức quan tâm. Từ khi Minh Trị Thiên Hoàng mở cửa, tiếp xúc với Tây phương, Nhật đã trở thành một cường quốc có nền công nghiệp hiện đại ngang hàng với các cường quốc Tây phương. Họ là một trong “tám nước liên minh” đã xâu xé Trung Hoa, tranh giành thị trường đông dân rộng lớn này. Trong hiệp ước ký với triều đình MãnThanh năm 1895, Trung Hoa chấp nhận Triều Tiên được độc lập dưới ảnh hưởng của Nhật, đồng thời nhường cho Nhật các đảo Đài Loan, bán đảo Liêu Đông và nhóm đảo Pescadores.
Đế quốc Nga cũng có tham vọng như Nhật muốn chiếm đóng Liêu Đông vì nơi đây có cảng Lữ Thuận (Arthur hay Lu-shun) rất thuận lợi cho hải quân của họ, vì thế Nga liên minh với Đức và Pháp gây áp lực, buộc Nhật từ bỏ Liêu Đông có sự bồi thường. Cuối năm 1897 Nga đưa hạm đội vào cảng Lữ Thuận, ký hiệp ước với Thanh triều, Nga được thuê cảng Lữ Thuận và vịnh Đại Liên (Dailian). Khác với cảng Vladivostok chỉ xử dụng được vào mùa Hè, còn Lữ Thuận là hải cảng nước ấm ở bờ biển Thái Bình Dương có giá trị chiến lược quan trọng. Năm sau Nga đưa quân vào Mãn Châu, nối liền tuyến đường sắt Trans-Siberia từ Cáp Nhĩ Tân (Harbin) đến cảng Lữ Thuận. Sau đó, Nga sẽ kiểm soát toàn bộ phần đất Mãn Châu kéo dài từ cảng Lữ Thuận ở hướng tây nam đến Vladivostok ở hướng đông bắc bán đảo Triều Tiên. Đây là một đe doạ lớn đối với quyền lợi chiến lược của Nhật. Tokyo đã từng áp lực Trung Hoa buông Triều Tiên để nước này được độc lập. Và từ 1902 họ mở các cuộc đàm phán với Moscow: chấp nhận Nga được kiểm soát Mãn Châu còn Nhật sẽ kiểm soát bắc Triều Tiên, hoặc cả hai đặt Triều Tiên và Mãn Châu ngoài vòng ảnh hưởng của họ.
Đề nghị không được Nga đáp ứng, Nhật ký hiệp ước liên minh với Anh để ngăn chận sự bành trướng của hạm đội Nga ở Viễn Đông. Ngày 8/2/1904 Nhật tuyên chiến với Nga, tấn công cảng Lữ Thuận. Moscow điều động Hạm đội từ Baltic vượt 29 ngàn cây số đến cứu viện hạm đội ở Thái bình Dương. Hạm đội Baltic bị hạm đội Nhật đánh bại ở eo biển Đối Mã (Tsushima Straits) ngày 27-28/5/1905. Sau chiến thắng trên, Nhật chiếm toàn bộ đảo Sakhalin và nhóm đảo Kurils. Cuộc chiến có nguy cơ bùng nổ lớn giữa Nhật liên minh với Anh và Nga liên minh với Đức Pháp, nên Tổng thống Hoa Kỳ Theodore Roosevelt đứng ra làm trung gian hoà giải để chấm dứt chiến tranh. Hai bên đã ký hiệp ước đình chiến ngày 5/12/1905 trên một chiến hạm HK bỏ neo tại Portsmouth, Tiểu bang New Hampshire. Nga công nhận Triều Tiên thuộc ảnh hưởng của Nhật, đồng ý rút lui khỏi Mãn Châu và nhường cho Nhật phân nửa đảo Sakhalin. Nhờ đó, TT Theodore Roosevelt được trao giải Nobel Hoà Bình năm 1909.
Thế chiến I (1914-1918) và giải Nobel Hoà Bình (1919)
Khi Thế chiến I bùng nổ, HK có thái độ trung lập hoàn toàn…Nhưng mấy năm sau, khi cuộc chiến lan rộng, gây nhiều tai hại đến quyền lợi của HK vì Âu Châu là thị trường quan trọng nhất của họ lúc bấy giờ, nên TT Woodraw Wilson kêu gọi vãn hồi hoà bình bằng thương thuyết. Trong diễn văn ngày 17/1/1917 ông chủ trương kiến tạo một nền hoà bình cho cả đôi bên, một nền hoà bình không có kẻ thắng, nghĩa là không phe nào có thể lợi dụng để giành phần chiến thắng và HK sẽ đóng vai trò trung gian giúp các bên giải quyết cuộc chiến này. Wilson đưa ra 14 điểm làm căn bản cho một nền hoà bình hợp chính nghĩa với những nét chính như: Bãi bỏ những thoả hiệp bí mật trên trường quốc tế; Bảo đảm tự do lưu thông trên mặt bể; Bãi bỏ hàng rào kinh tế giữa các nước; Tài giảm binh bị đến mức tối thiểu đủ bảo đảm an ninh cho quốc gia; Qui định quyền hạn đế quốc trong việc tôn trọng quyền lợi của các dân tộc chưa được tự trị; Bảo đảm quyền dân tộc tự quyết và tự do phát triển kinh tế; Thiết lập một cơ cấu quốc tế bảo đảm lẫn nhau nền độc lập về chính trị cũng như sự toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia.
Từ tháng Hai 1917, Đức đe doạ tấn công các tàu bè trung lập, nhiều tàu buôn Mỹ bị tàu ngầm Đức đánh chìm. Ngày 2/4/1917, TT Wilson gởi đến Quốc hội một thông điệp cho biết “Chiến tranh chống chính phủ quân phiệt Đức là một điều không thể tránh khỏi”. Bốn ngày sau Quốc Hội biểu quyết chấp nhận cuộc chiến tranh mà Wilson đề nghị với Quốc hội như là một chiến “để xây đáp hoà bình vĩnh cửu của thế giới, quyền tự do của các dân tộc và nhất là để bảo vệ nền dân chủ”.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử của họ, HK sẵn sàng hy sinh “xương máu và sức lực vì những nguyên tắc đã sản sinh ra quốc gia của họ”. Gần hai triệu thanh niên Mỹ được gởi sang Âu Châu chiến đấu, TT Wilson giải thích: “Sự tham chiến của các nước dân chủ là để chống chế độ quân phiệt Đức, chớ không phải chiến đấu chống nhân dân Đức mà chính phủ Hoa Kỳ đầy lòng tôn trọng và mến chuộng” [1]
Tháng 10/1918, một đạo quân Mỹ gần 1, 2 triệu người tấn công hai mục tiêu trên sông Meuse và Argone, bẻ gãy chiến tuyến trứ danh Hinderburg. Chính phủ Đức kêu gọi TT Wilson nghị hoà trên căn bản 14 điểm của ông. Ngày 11/11/1918 hiệp ước đình chiến được ký kết. HK cùng các nước chiến thắng đến Paris thảo luận việc xây dựng một cơ cấu hoà bình cho thế giới: Hội Quốc Liên. TT Wilson tuyên bố “Sở dĩ nhân dân HK cùng với nhân dân Anh Pháp và các đồng minh sát cánh chiến đấu chỉ vì quyền tự do của con người...” Họ đã ủng hộ “nguyên lý hiển nhiên” xuyên suốt trong 14 điểm do ông đề ra: “Đó là nguyên tắc công bằng cho mọi dân tộc, mọi quốc gia và quyền của họ được sống bình đẳng với nhau trong tự do và an toàn, bất kể các quốc gia, các dân tộc đó lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu”. Wilson tin tưởng Hội Quốc Liên mà ông đang thành lập sẽ duy trì mãi mãi cách cư xử đúng đắn đó đối với mọi dân tộc [2]. Với những đóng góp trên, TT Woodraw Wilson được trao giải Nobel Hoà Bình năm 1919.
Tại hội nghị hoà bình Versailles, phái đoàn Mỹ chán nản trước thái độ của Anh Pháp, họ chỉ muốn đặt điều kiện hoà bình thay vì thương thuyết hoà bình với Đức, họ buộc kẻ bại trận phải cắt đất bồi thường chiến tranh nặng nề…Vì thế Quốc hội Mỹ không phê chuẩn Hiệp ước Versailles và Hiến chương Hội Quốc Liên, đồng thời tuyên bố chấm dứt tình trạng chiến tranh với Đức. Từ đây HK trở lại chính sách trung lập cố hữu, đứng ngoài các rối rắm của Âu Châu và chuẩn bị rút dần ra khỏi Viễn Đông sau khi Quốc hội chấp nhận đạo luật về nền độc lập của Phi Luật Tân
Thế chiến II (1939-1945) và giải Nobel Hoà Bình 1945
Từ cuối thập niên 1930, Hitler lãnh tụ Quốc Xã Đức ký hiệp ước quân sự tay đôi với Phát Xít Ý và hiệp ước bất tương xâm với Cộng Sản LX. Sau đó Đức xua quân tấn công Pháp và Anh. Lúc bấy giờ Quốc hội Mỹ mới tin rằng sự liên kết của ba lực lượng trên là nguy cơ to lớn đối với các nước dân chủ tự do ở Âu Châu. Vì thế Quốc hội tu chính Đạo luật trung lập, cho phép chính phủ bán chiến cụ cho các nước tham chiến. Đến giữa năm 1940, toàn bộ phần đất Tây Âu lọt vào tay Hitler, chỉ trừ Anh Quốc vẫn còn cầm cự và gánh chịu những trận mưa bom V1 V2 khủng khiếp của Đức. Ngày 8/9/1941, TT Franklin D. Roosevelt tuyên bố đặt quốc gia trong tình trạng khẩn trương. Luật trưng binh được ban hành, mọi công dân từ 21 đến 35 tuổi bị cưỡng bách thi hành quân dịch. Trong diễn văn đọc trước Quốc hội ngày 6/1/1941, Roosevelt nêu ra 4 mục tiêu mà các quốc gia yêu chuộng tự do phải đeo đuổi để chống lại ý thức hệ độc tài, đó là quyền tự do ngôn luận và tín ngưỡng, sự giải thoát khỏi cảnh nghèo đói và sự sợ hãi” [3]
Tháng 6/1941 Hitler xé bỏ hiệp ước bất tương xâm, tuyên chiến với LX. Trước đó, để tăng cường nỗ lực chiến tranh giúp các nước tự do, vừa tôn trọng Đạo luật trung lập, TT Roosevelt đề ra chương trình cho thuê mượn (Lend-Lease). Kế hoạch được Quốc hội chấp thuận, cho phép chính phủ “cho thuê” chiến cụ và hàng tiếp liệu cho bất cứ quốc gia nào mà tổng thống thấy cần phải bảo vệ vì quyền lợi thiết yếu của Hoa kỳ. LX được HK viện trợ qua kế hoạch trên lên đến 11 tỉ đôla. Mỹ điều động hàng trăm tàu bè chuyên chở khí cụ xuyên Bắc Băng Dương giúp Hồng quân cầm cự với Đức ở mặt trận phía đông. Tháng 8/ 1941 TT Roosevelt và Thủ tướng Anh Churchill thảo ra bản Hiến chương Đại Tây Dương, công bố cho thế giới thấy rõ những mục tiêu mà các nước dân chủ Đồng minh phải đeo đuổi sau khi đánh bại kẻ thù: Không được thay đổi biên giới nếu không được sự thoả thuận của các dân tộc liên hệ; Quyền của mọi dân tộc được quyết định hình thức chính trị của mình; Sự hợp tác quốc tế để thực hiện các tiến bộ về kinh tế và xã hội cho các dân tộc; Giải giới các nước gây chiến trong khi chờ đợi thành lập một hệ thống bảo an rộng rải và thường trực hơn [4].
Cuối năm 1941, Nhật bất thần tấn công các căn cứ hải quân Mỹ ở Trân Châu Cảng, Quốc hội Mỹ tuyên bố tình trạng chiến tranh với Nhật. Ba ngày sau Đức, Ý tuyên chiến với Mỹ. HK chính thức nhảy vào chiến, TT Roosevelt tuyên bố “Chúng tôi long trọng cam kết trước thế giới rằng, trước khi nền tự do được tái lập khắp nơi, chúng tôi không hạ khí giới -khí giới mà chúng tôi phải xử dụng để bảo vệ tự do”.
Tháng 10/1943, ba Ngoại trưởng W. Molotov (LX), A. Eden (Anh) và C. Hull (HK) tham dự hội nghị Moscow. Hội nghị công bố một bản tuyên ngôn nhìn nhận “sự cần thiết sớm thành lập một tổ chức liên quốc chung cho hoàn cầu, đặt nền tảng trên nguyên tắc chủ quyền bình đẳng của tất cả các quốc gia yêu chuộng hoà bình và an ninh thế giới”. Đầu tháng 10 năm sau, tại hội nghị Dumbarton Oaks (HK), đại diện Anh Mỹ Nga công bố bản dự thảo Hiến chương của một tổ chức thường trực mệnh danh là LHQ.
Đầu năm 1944, sau chiến thắng ở Stalingrad và Leningrad, Hồng quân LX bắt đầu tiến vào các nước Đông Âu. Tại mặt trận phía tây, sau thời gian chờ đợi của Stalin, Liên quân Anh Mỹ vượt biển Manche, đổ bộ Normandy lần lượt giải phóng các nước Pháp, Bĩ, Hoà Lan. Từ tháng 3/1945 lực lượng Đồng minh mở cuộc chạy đua vào Bá Linh. Liên quân Anh Mỹ đánh lui quân Đức ở sông Rhine, trong khi Hồng quân LX chọc thủng phòng tuyến trên sông Oder. Ngày 22/4/1945, Hội nghị San Francisco khai mạc đưa đến việc thành lập LHQ, hai cánh quân Nga Mỹ gặp nhau tại Torgau trên con đường chia hai nước Đức và Âu Châu sau này. Ngày 2/5/1945 hai triệu quân Đức buông súng đầu hàng.
TT Franklin D. Roosevelt -được lịch sử ghi nhận như là người cha đã khai sinh ra LHQ, qua đời ngày 12/4/1945. Có lẽ vì thế mà Hội đồng xét duyệt giải Nobel Hoà Bình năm 1945 đã dành vinh dự này cho người phụ tá đắc lực của cố tổng thống. Đó là cựu Ngoại trưởng Cordell Hull, ông đã đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao HK gần suốt ba nhiệm kỳ của TT Franklin D. Roosevelt từ tháng 4/1933 đến tháng 11/ 1944.
Chiến tranh VN và giải Nobel Hoà Bình 1973
Tình trạng VN bị chia cắt hồi năm 1954 cũng tương tự như Triều Tiên và Đức Quốc trước đó, là do các cường quốc phân chia ảnh hưởng để hoà hoãn với nhau hầu duy trì hoà bình thế giới. Nhưng ông Hồ Chí Minh dùng chiêu bài yêu nước, nêu ra nghĩa vụ dân tộc, phát động cuộc chiến giải phóng MN, để thực hiện mưu đồ đưa hai miền Nam Bắc VN vào quỹ đạo Xã hội chủ nghĩa thế giới do LX lãnh đạo. Vì thế HK đưa quân vào miền Nam, dội bom miền Bắc VN để áp lực Hà Nội ngồi vào bàn hội nghị, giải quyết cuộc chiến bằng một cuộc tổng tuyển cử tự do để người dân Nam VN tự quyết định vận mạng đất nước của họ. Đó là quyền tự quyết dân tộc do TT Woodraw Wilson người sáng lập Hội Quốc Liên và TT Franklin D. Roosevelt người cha đẻ của LHQ đã đề ra.
Lãnh tụ LX Brezhnev lên án Mỹ gây chiến xâm lược, đòi Mỹ phải rút khỏi VN. Ông tuyên bố trước Đại hội XXIII Đảng CSLX ngày 29/3/1966:
“Chúng ta đã nhiều lần tuyên bố sẵn sàng phát triển mối quan hệ của chúng ta với Mỹ và hiện nay vẫn giữ lập trường đó. Nhưng muốn đạt điều đó thì Mỹ phải chấm dứt chính sách xâm lược. Do xâm lược của Mỹ ở Việt Nam và những hành động xâm lược khác của đế quốc Mỹ, mối quan hệ của chúng ta đối với Mỹ đã xấu đi” [5]. Ba tháng sau, khi tiếp xúc với cử tri ở khu vực bầu cử Bau Man thành phố Moscow, Brezhnev đưa ra hai điều kiện để xây dựng mối quan hệ hợp tác Nga Mỹ: “Chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở VN và bảo đảm hoà bình Âu Châu sẽ làm thay đổi được toàn bộ tình hình trên thế giới và do đó sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn để đạt được những mục tiêu quan trọng khác đối với nhân dân toàn thế giới như chấm dứt chạy đua vũ trang, không phổ biến vũ khí hạt nhân, tổng giải trừ quân bị có giám sát” [7].
Mối quan tâm của LX từ sau Thế chiến II là “vấn đề nước Đức chưa được giải quyết một cách ổn thoả”. Nguy cơ đối với hoà bình ở Châu Âu, chính là một nước Đức thống nhất trước đây nay trở thành hai nước Đức. Chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức (Tây Đức) luôn đòi đại biểu cho toàn thể nước Đức và thống nhất nước Đức trở lại nguyên trạng hồi trước 1945. Họ không muốn thừa nhận sự tồn tại của Đông Đức và không muốn thừa nhận những đường biên giới đã qui định ở Âu Châu sau Thế chiến II. Đó là điều đang đe doạ phá hoại nền an ninh Châu Âu [7].
Để vô hiệu hoá ý đồ của Tây Đức, Brezhnev đề nghị giải quyết vấn đề nước Đức một cách hoà bình là “thừa nhận thực tế Châu Âu có hai nước Đức riêng rẽ với những đường biên giới và thể chế chính trị được hình thành sau thế chiến hai”. Họ tố cáo Tây Đức không muốn thừa nhận những điều kiện đó nên cấu kết chặt chẽ với HK để mưu tìm sự thống nhất bằng sức mạnh, phá hoại sự ổn định Châu Âu. LX cho rằng “Nếu xoá bỏ được sự can thiệp thường xuyên của các lực lượng bên ngoài vào công việc nội bộ Châu Âu, vấn đề chiến tranh sẽ được xoá bỏ trong chương trình nghị sự” [8].
Tháng 7/1966 các nước khối Warsaw (CS Đông Âu) đưa ra bản tuyên bố về việc củng cố hoà bình và an ninh Châu Âu và thúc giục mở hội nghị An ninh toàn Âu. Họ kêu gọi các nước tôn trọng đường biên giới hiện hữu của Âu Châu, yêu cầu Tây Đức từ bỏ yêu sách đòi đại biểu cho cả nước Đức, hai nước Đức thừa nhận lẫn nhau như là hai quốc gia riêng biệt [9].
Hai đòi hỏi của LX về việc Mỹ rút quân khỏi Nam VN và hoà bình Châu Âu đều được Mỹ đáp ứng. Từ tháng 5/1968 Hà Nội tham dự hội nghị Paris, HK bắt đầu rút quân khỏi VN theo một lịch trình sắp sẵn. Rút quân khỏi VN, giải quyết chiến tranh bằng quyền tự quyết của người dân liên hệ, chứng tỏ Mỹ không phải là đế quốc xâm lược. Với thiện chí hoà bình, HK thương thảo với LX để chấm dứt chạy đua vũ trang, về hoà bình Châu Âu, và cả với Trung Cộng để kết thúc chiến tranh VN.
HK can thiệp vào VN không phải để đánh bại CS Hà Nội mà để chấm dứt chiến tranh, tạo bầu không khí hoà hoãn với LX, khiến đảng Dân chủ Xã hội đối lập ở Tây Đức ngày càng gia tăng uy tín. Trong gần 20 năm qua, đảng Dân chủ Thiên chúa giáo cầm quyền đã thất bại trong việc thống nhất nước Đức, vì họ liên hệ chặt chẽ với NATO và có lập trường cứng rắn đối với LX trong khi đảng DCXH với chủ trương mềm dẻo để mưu tìm sự thống nhất hai miền nước Đức. Chuyển hướng mới của HK hoà hoãn với LX, khiến chính phủ Dân chủ Thiên chúa giáo do Giáo sư Ludwig Erhard lãnh đạo phải từ chức. Đầu năm 1967, chính phủ liên hiệp ra đời do lãnh tụ đảng Dân chủ Thiên chúa giáo Kurst G. Kiesinger làm thủ tướng và lãnh tụ đảng Dân chủ Xã hội Willy Brandt làm ngoại trưởng kiêm phó thủ tướng. Tân chính phủ ở Tây Đức ra tuyên bố sẽ đeo đuổi đường lối ngoại giao mới: đặt ưu tiên vào việc giảm bớt căng thẳng, bình thường hoá bang giao và xây dựng quan hệ láng giềng hữu nghị với các nước Đông Âu.
Trong cuộc bầu cử tháng 10/1969, đảng Dân chủ Xã hội thắng cử, Willy Brandt trở thành thủ tướng Tây Đức. Tháng 8/1970 ông đến Moscow, bình thường hoá bang giao giữa Cộng hoà Liên bang Đức với LX. Hai bên cam kết sẽ không đe doạ hoặc sử dụng vũ lực, chủ trương giải quyết các vấn đề bất đồng, bằng con đường hoà bình. Tiếp theo là các hiệp ước về đường biên giới giữa Tây Đức với Tiệp Khắc và Ba Lan. Tây Đức thiết lập bang giao với Bảo gia Lợi và Hung gia Lợi. Và hai nước Đức thoả thuận ký một hiệp ước qui định những cơ sở của mối bang giao giữa hai nhà nước, cả hai gia nhập LHQ. Do các nỗ lực trên, Thủ tướng Willy Brandt được trao giải Nobel Hoà Bình năm 1971.
Hoà bình Châu Âu đã được củng cố, giữa tháng 5/1972 TT Nixon đến Moscow tham dự cuộc họp thượng đỉnh với Breznhev. TT Nixon cho rằng không có con đường nào khác tốt hơn cho LX và HK là phải chấm dứt đối đầu và xung đột, chấp nhận nguyên tắc bất can thiệp, tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc. Đó là giải pháp công bằng giúp các cường quốc rút ra khỏi các khu vực tranh chấp, tạo bầu không khí hiểu biết lẫn nhau để phát triển mối thân hữu trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.
Cuộc họp thượng đỉnh ở Moscow diễn ra trong chiều hướng thuận lợi, một loạt dự án hợp tác Nga Mỹ được vạch ra. Song song với nỗ lực chung của hai nước cam kết giảm bớt xung đột đi đến loại trừ hoàn toàn nguy cơ xung đột vũ trang, hai bên đã ký một thoả ước lịch sử về “hạn chế vũ khí tấn công chiến lược” (SALT). Nga Mỹ đã chính thức bình thường hoá mối quan hệ Đông Tây. Tám tháng sau chiến tranh VN chấm dứt với HĐ Paris 1973. LX, HK và ba thành viên thường trực Hội đồng Bảo An đã cùng ông TTK/LHQ ký bản Định ước của hội nghị quốc tế về VN. Họ tuyên bố tán thành và ủng hộ HĐ Paris. Hai thương thuyết gia Henry Kissinger và Lê Đức Thọ được trao giải Nobel Hoà Bình năm 1973.
Giải Nobel Hoà Bình 1990, Chiến tranh lạnh kết thúc
Mầm mống chiến tranh ở Âu Châu đã được dập tắt khi Thủ tướng Tây Đức Willy Brandt nhận giải Nobel Hoà Bình năm 1971. Tiếp theo, chiến tranh VN kết thúc, hoà bình được vãn hồi ở Đông Nam Á, Henry Kissinger -Cố vấn An ninh Quốc gia HK, và Lê Đức Thọ -Cố vấn Đảng CSVN nhận giải Nobel Hoà Bình năm 1973. Không có nhân vật nào xứng đáng để nhận giải hoà bình năm 1972. Riêng ông Lê Đức Thọ khước từ nhận giải. CSVN lợi dụng sự mâu thuẫn giữa TT Nguyễn Văn Thiệu và HK về việc ký kết HĐ Paris 1973, dùng bạo lực thôn tính MNVN hồi cuối tháng 4/1975. Tuy nhiên HK vẫn tiến hành kế hoạch củng cố hoà bình ở Châu Âu.
Đầu tháng 8/1975, tại thủ đô Phần Lan, toàn thể các quốc gia Âu Châu đã cùng HK, LX và Gia Nã Đại tham dự hội nghị An ninh và Hợp tác toàn Âu và long trọng ký kết bản Định ước cuối cùng Helsinski. Các nước đồng cam kết: Tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; Hạn chế việc đe doạ hoặc xử dụng vũ lực; Không xâm phạm biên giới của nhau; Không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; Tôn trọng nhân quyền và những quyền tự do căn bản bao gồm tự do tư tưởng và tự do tín ngưỡng; Tôn trọng quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc; Hợp tác giữa các quốc gia [10].
Những điểm trên cho thấy cuộc đối đầu giữa HK và LX, còn gọi là chiến tranh lạnh có triển vọng kết thúc tốt đẹp. HK xúc tiến việc bình thường hoá bang giao với Trung Cộng. Nhưng không ngờ, đây là khởi đầu giai đoạn thoái trào của CS, vì nhận định chủ quan của những người CS. VN tự hào là một nước nhỏ đã đánh bại bộ máy chiến tranh khổng lồ của đế quốc Mỹ. Điều đó khiến lãnh tụ LX Brezhnev có ý nghĩ “sự toàn thắng của chủ nghĩa cộng sản là bước tiến không thể nào đảo ngược được”. Đầu tháng 11/1978, Hà Nội ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác với LX, sau đó đưa quân sang Cam Bốt lật đổ chế độ Khmer Đỏ của Pol Pot đang được Bắc Kinh ủng hộ. Cuối năm 1979, đến lượt LX trực tiếp đưa quân xâm lược Afghanistan.
Trong thời gian này, nền kinh tế các nước CS xuống dốc một cách thê thảm. Tại Ba Lan, với lực lượng lao động hùng hậu 17 triệu trong tổng số 36 triệu dân, nhưng số cung không đáp ứng số cầu khiến giá sinh hoạt ngày càng gia tăng trong khi đồng lương công nhân vẫn đứng nguyên tại chỗ. Chỉ trong năm 1980, số nợ Ba Lan vay của quốc tế tăng vọt từ 17 lên 23 tỉ đô la, LX và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu không thể giúp san bằng mức thâm hụt, Ba Lan phải tìm sự tài trợ từ các nước Tây phương. Trước sự bất lực của chính quyền CS do Đảng Công nhân thống nhất Ba Lan lãnh đạo trong suốt 35 năm qua, không giải quyết tình trạng kinh tế ngày càng suy sụp bắt buộc người dân Ba Lan phải tranh đấu, đưa đến việc thành lập Công đoàn Đoàn kết (Solidarity) qui tụ đến 9, 5 triệu đoàn viên trong thời gian ngắn [11].
Đối với người dân Ba Lan, ngoài việc ý thức đến sự sống còn của đất nước và đời sống kham khổ của nhân dân, một động lực khác khiến họ đứng lên hành động vì lời khích lệ “đừng sợ hãi”của một người Ba Lan yêu nước vô hạn: Đức Giáo Hoàng John Paul II, tức Hồng Y Karol Wojtyla, Tổng giám mục địa phận Cracow, khi Ngài trở về thăm quê hương hồi tháng 6/1979. Ngài là một công nhân từng chiến đấu chống Đức Quốc Xã hồi TC II. Ngài sống trọn cuộc đời linh mục tại Ba Lan cho đến khi trở thành Giáo hoàng năm 1978. Trong thời gian lãnh đạo hàng giáo phẩm Ba Lan, Ngài đã tranh đấu với chính quyền CS để bảo vệ nhân quyền, tôn trọng các quyền tự do căn bản của con người, tự do trong tinh thần kỷ luật, công bằng và bác ái.
Tháng 10/1981, CĐĐK triệu tập Đại hội toàn quốc tại hải cảng Gdansk (Danzig). Họ tuyên bố trước thảm trạng của Ba Lan ngày nay, họ không trông chờ lời hứa cải cách của chính phủ mà phải có những kế hoạch ngắn và dài hạn để cứu nước. Công đoàn ủng hộ mọi biện pháp để củng cố chủ quyền quốc gia với một chính phủ tự trị được tôn trọng và phát triển những truyền thống văn hoá và lịch sử dân tộc. Để hỗ trợ nhân dân Ba Lan, Hội nghị thượng đỉnh các quốc gia Cộng đồng Châu Âu kêu gọi các thành viên ký kết Định ước Helsinski năm 1975 phải triệt để tuân thủ nguyên tắc bất can thiệp đối với vấn đề Ba Lan. Trong khi đó, HK gởi phi cơ tuần thám thuộc lực lượng Awacs đến Tây Đức theo dõi các hoạt động của khối CS Warsaw nhằm ngăn chận sự can thiệp của LX vào Ba Lan [12].
Sự lớn mạnh của Công đoàn Đoàn kết làm rung động tận gốc rể khối CS và Nhà nước Ba Lan. Phong trào đã thổi vào Đông Âu một không khí tự do chưa từng có kể từ khi CS nắm chính quyền. LX điều động lực lượng chiến xa dọc biên giới để sẵn sàng can thiệp như họ đã từng làm ở Hung năm 1956 và Tiệp năm 1968. Đó là chủ thuyết Brezhnev: LX có toàn quyền can thiệp vào các nước Đông Âu. Ngoại trưởng HK Edmund Muskie cho biết đối với vấn đề Ba Lan, HK tôn trọng nguyên tắc bất can thiệp nhưng nếu LX can thiệp bắt buộc HK phải hành động. Đáp lại thách thức của LX yêu cầu HK hãy cam kết như LX “sẽ không phải là nước đầu tiên cho nổ bom nguyên tử”. Washington trả lời: “HK là nước đầu tiên sẵn sàng cho nổ bom nguyên tử để bảo vệ hoà bình”. Trong những ngày đấu tranh sôi nổi của CĐĐK, lực lượng nguyên tử của HK ở Tây Âu đã đặt trong tình trạng báo động hàng trăm lần để sẵn sàng can thiệp. Đức Giáo hoàng John Paul II cũng thông báo cho LX, nếu họ xua quân vào Ba Lan, Ngài sẽ trở về quê hương để chịu đau khổ với đồng bào của Ngài.
Hơn một thập niên trước, LX vận động các nước Âu Châu ký Định ước Helsinski nhằm ngăn chận HK can thiệp vào Tây Đức. Giờ đây, Định ước lại trói tay LX nhảy vào Ba Lan để cứu nguy đàn em. LX không dám liều lĩnh xé bỏ Định ước vì họ đang lâm vào thế yếu, kinh tế suy sụp lại bị Trung Cộng lên án là tên Đại bá quyền thế giới. Đặng Tiểu Bình đòi LX rút quân khỏi Afghanistan, rút quân khỏi biên giới tiếp giáp với TQ và áp lực CSVN rút quân khỏi Cam Bốt. Đó là ba điều kiện tiên quyết để TQ tái lập bang giao với LX. Moscow đã đáp ứng trọn vẹn ba yêu cầu trên, giữa tháng 5/1989 lãnh tụ LX Gorbachev đến Bắc Kinh để mở đầu giai đoạn mới mà ông gọi là “một kỷ nguyên to tát trong mối quan hệ hai nước”.
LX suy yếu, nên trong thời điểm này tại Ba Lan, Công đoàn Đoàn kết được chính quyền CS thừa nhận, họ sẽ đưa người ra ứng cử vào Quốc hội trong cuộc bầu cử tổ chức trong tháng 6/1989. Đây là cuộc bầu cử tự do đầu tiên ở Ba Lan kể từ khi CS lên nắm quyền cách đây 40 năm. Cuộc bầu cử diễn ra ngày 4/6/1989, ngay vòng đầu CĐĐK đã chiếm 99 ghế trong 100 ghế ở Thượng viện và toàn bộ 161 ghế dân biểu ở Hạ viện tức 35% số ghế dân biểu mà chính quyền CS Ba Lan dành cho các tổ chức chính trị độc lập. Ngày 19/8/1989 Mazowiecki, một lãnh tụ CĐĐK được mời thành lập chính phủ. Ông trở thành vị thủ tướng không CS đầu tiên của Ba Lan kể từ năm 1945.
Sau Ba Lan, Hung Gia Lợi là nước Đông Âu thứ hai thay đổi đường lối chính trị. Ngày 11/1/1989 Quốc hội thông qua đạo luật cho phép các đảng phái được thành lập. Bốn tháng sau, Janos Kadar, người được LX đưa lên cầm quyền từ 1956 bị lật đổ. Trong phiên họp ngày 21/6/1989 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa Hung (CS) xác định mục tiêu của Hung là xây dựng một thể chế dân chủ xã hội với những quyền tự do dân chủ được ghi trong hiến pháp, có Quốc hội đặt nền tảng trên hệ thống đa đảng và một nền kinh tế tự do dựa trên sự quyết định của người dân. Ngày 7/10/1989 với sự chấp nhận của hơn 80% đại biểu, Đại hội 14 Đảng Công nhân XHCN Hung ra tuyên bố: “Đảng không còn vai trò lịch sử thích hợp” và quyết định tự giải tán để thành lập đảng Xã hội chủ nghĩa theo mô thức các nước Tây phương.
Luồng gió dân chủ ở Ba Lan và Hung Gia Lợi đã thổi đến Đông Đức. Ngày 12/9/1989 nhóm đối lập “Diễn Đàn Mới” (New Forum) công bố bản tuyên ngôn đầu tiên. Ngày 18/10/1989 Erich Honecker, người lãnh đạo Đông Đức trong hơn hai thập niên qua xin từ chức. Thủ tướng Hans Modrow thành lập chính phủ liên hiệp với 11 thành viên không phải là đảng viên CS, cam kết với dân chúng là “Các cuộc bầu cử sắp tới ở Đông Đức sẽ giống như các cuộc bầu cử tự do và dân chủ ở các nước khác. Các đảng phái chính trị được tự do vận động tranh cử và đảng nào chiếm đa số sẽ nắm chính quyền”.
Trước biến cố dồn dập ở Đông Âu, lãnh tụ Xô Viết Gorbachev tuyên bố tại Helsinski ngày 25/10/ 1989: “Chủ thuyết Brezhnev đã cáo chung, bất cứ quốc gia nào cũng có quyền quyết định vận mạng riêng của họ”.
Ngày 18/3/1990 Đông Đức tổ chức cuộc bầu cử tự do, đảng CS đang cầm quyền chỉ chiếm được 64 ghế dân biểu trong tổng số 400 ghế ở Quốc hội. Liên minh cho một nước Đức thống nhất, nồng cốt là Đảng Dân Chủ Thiên Chúa giáo được sự ủng hộ của đảng Dân Chủ Thiên Chúa giáo cầm quyền ở Tây Đức, đã thắng lớn chiếm 193 ghế dân biểu ở Quốc hội, trong đó Đảng Dân Chủ Thiên Chúa giáo giành được 174 ghế. Với thắng lợi này Đông Đức sát nhập vào Tây Đức vào ngày 3/10/1990.
Lãnh tụ LX Gorbachev được trao tặng giải Nobel Hoà Bình năm 1990. Năm sau chiến tranh lạnh kết thúc. Cuộc đối đầu giữa hai siêu cường với kho vũ khí nguyên tử khổng lồ, không ngờ được kết thúc không tốn một giọt máu. Các dân tộc Đông Âu giành lại được dân chủ tự do và thoát khỏi ách thống trị của LX. Trong khi nhân dân VN đã đổ quá nhiều xương máu, gần chục triệu người hy sinh nhưng khát vọng dân chủ tự do đến nay vẫn chưa giành được, đất nước vẫn bị ngoại bang khống chế nặng nề.
Bài học nào cho Viêt Nam?
Khi LX và khối Xã hội Chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, CSVN dù bị Đặng Tiểu Bình kết án là phường vong ân bội nghĩa, bị TC xua quân dạy cho bài học và hăm doạ còn nhiều bài học khác nữa, song họ vẫn quay về thần phục Bắc Kinh. Bốn chữ “vong ân bội nghĩa” với lời đe doạ “dạy cho bài học thứ hai” tựa như chiếc vòng kim cô trên đầu Tề Thiên Đại Thánh, khiến CSVN ngoan ngoãn “hợp tác toàn diện” với Bắc Kinh từ 1991 đến nay. Luôn tuyên bố Biển Đông, các đảo Trường Sa, Hoàng Sa thuộc chủ quyền VN nhưng vì sợ, không dám đặt thẳng vấn đề với đàn anh, trong khi giới trẻ bất bình, tranh đấu thì bị đàn áp bỏ tù.
Đầu tháng Giêng vừa qua, Tôn Quốc Tưởng -Đại sứ TQ ở VN mở cuộc họp báo ở Hà Nội, báo Tuổi Trẻ trong nước đặt câu hỏi “Chủ trương giải quyết tranh chấp biển Đông với VN như thế nào?”. Ông ta trả lời: “Nếu điều kiện chưa chín muồi, làm cản trở cho quan hệ hai nước, thì điều cần phải làm, là gác lại vấn đề…Chờ điều kiện chín muồi, hai bên sẽ có điều kiện giải quyết vấn đề này tốt hơn… Không nên để cho vấn đề Nam Hải ảnh hưởng đến chuyện phát triển, ổn định lâu dài, bình thường của quan hệ hai nước”. Đây là cuộc họp báo mở đầu năm kỷ niệm “60 năm bang giao Việt Trung” (1950-2010), Đại sứ TC muốn nói thẳng với giới trẻ VN: Các bạn nói Biển Đông, tức muốn nói biển phía Đông của các bạn, nhưng đó là Nam Hải, là biển của TQ ở phía Nam. Việc các bạn đòi giải quyết, sẽ tác hại đến mối quan hệ hai nước đặt trên cơ sở 16 chữ vàng: “Láng giềng hữu nghị, Hợp tác toàn diện, Ổn định âu dài, Hướng tới tương lai”. Vì thế điều các bạn cần phải làm là gác lại vấn đề đó đi.
Trước thái độ trịch thượng của BK từ bấy lâu nay, trong nội bộ VN đã nảy sinh ý nghĩ muốn hợp tác với Mỹ để áp lực TQ. Khuynh hướng này càng phát triển từ khi HK tuyên bố trở lại Đông Nam Á và sẽ ở lại lâu dài để cân bằng thế lực với TQ ở biển Đông. CSVN từng dựa vào LX và TC để chống Mỹ. Khi HK rút đi, họ hợp tác với LX để chống (bá quyền) TC. Giờ đây, họ có thể sẽ phải hợp tác với Mỹ để bảo vệ chủ quyền ở biển Đông. Đây sẽ là một tính toán sai lầm nghiêm trọng và nguy hiểm.
Trong chuyến công du đầu tiên đến Bắc Kinh hồi giữa tháng 11 năm rồi, TT Obama kêu gọi TQ chia sẻ “gánh nặng lãnh đạo” với Mỹ. Ông nói hai bên không nhất thiết phải đối đầu mà sự hợp tác mật thiết sẽ giúp hai nước phát triển an toàn. Đó cũng là lợi ích của Bắc Kinh, hiện nay họ cho Mỹ vay trên 800 tỉ đô la, chiếm hơn phần ba ngoại tệ dự trữ của họ. Điều này khiến Bắc Kinh càng bị ràng buộc nhiều vào Mỹ, phải hợp tác giúp Mỹ ổn định các khó khăn, mới bảo đảm được số nợ đã cho vay, thậm chí còn có thể cho Mỹ vay thêm nữa. Vì thế HK tuyên bố đứng ngoài cuộc tranh chấp ở biển Đông, họ chỉ muốn tạo sự ổn định để mọi quốc gia cùng tham gia việc kinh thương mà thôi.
Trường họp VN mưu tìm sự hợp tác với Mỹ, Bắc Kinh vì an ninh của ĐNÁ, họ có thể sẽ dạy cho VN một bài học nữa. Đó là điều Hà Nội đã làm hồi năm 1979, đưa quân sang Miên lật đổ Khmer Đỏ Pol Pot, sau đó đưa số cán bộ Khmer Đỏ khác lên thay. Nay, việc TQ đưa quân tấn công Hà Nội nếu có, là hành động gây uy thế theo kiểu “quân tử Tàu” để tranh thủ cảm tình đối với nhân dân VN vốn không đồng tình với giới lãnh đạo của họ. Bắc Kinh lật đổ CSVN vì tội phản bội: một đối với đàn anh TQ, hai là đối với nhân dân VN, vì mưu lợi cá nhân mà họ sẵn sàng buôn dân, bán nước. Chủ trương tấn công VN đã được giới truyền thông Bắc Kinh loan tin từ đầu tháng 8/2008 kéo dài đến tháng 9/2009. Mạng Sina.com cùng các tờ Đông Phương Nhật Báo, China Daily và website Thiết Huyết ở Bắc Kinh đã tiết lộ kế hoạch cùng bản đồ đánh chiếm VN trong vòng 31 ngày với 310 ngàn quân hải lục tiến từ Vân Nam, Quảng Tây và Vịnh Bắc Việt [13].
Gần cả đời CSVN phục vụ LX, thực hiện chủ nghĩa CS. Cuối cùng, LX sụp đổ, còn chủ nghĩa CS đã bị huỷ diệt ngay tại quê hương của Marx và Lenin. Nay theo Bắc Kinh để mong duy trì địa vị độc tôn của đảng CS cũng không xong vì nguy cơ bị Hán hoá. Mất nước là mất tất cả. Còn theo Mỹ để bảo vệ lãnh thổ thì sẽ bị Bắc Kinh trừng phạt. Tuy nhiên tình hình ĐNÁ hiện nay là thời cơ thuận lợi giúp VN thoát ra tình trạng tiến thoái lưỡng nan kể trên.
Năm nay 2010 là năm chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng CSVN lần thứ XI vào đầu năm tới. Để đưa dân tộc tiến lên, Đại hội Đảng lần này, phải có một quyết định lịch sử như Đại hội 14 Đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa Hung Gia Lợi ngày 7/10/1989. Toàn Đảng ra tuyên bố “Đảng CSVN không còn vai trò lịch sử thích hợp”. Đảng quyết định giải tán, thành lập một chính đảng mới trong chế độ đa đảng, đề ra chính sách ngoại giao mới: độc lập và trung lập trong mối quan hệ với ba cường quốc từng can dự vào VN trong quá khứ: LX, Trung Cộng và Hoa Kỳ. Ngày trước Đảng CSVN chủ trương hợp tác với cường lực này chống cường lực kia, nên nhân dân thống khổ, đất nước tụt hậu. Nay đã đến thời điểm, do thiên cơ xui khiến, VN phải đứng ngoài, không liên kết với bất cứ cường lực nào. Chỉ có một liên kết vững mạnh là khối đoàn kết toàn dân, Cộng đồng người Việt ở hải ngoại sẽ hợp lực với đồng bào quốc nội phát triển đất nước, đuổi kịp các lân bang.
Cuối năm Kỷ Sửu (07/2/2010)
Lê Quế Lâm
[1] Franck L. Schoell, Lịch sử Hoa Kỳ. Bản dịch của Việt Nam khảo dịch xã, Sàigòn, 1961, tr. 412-420.
[2] Neil Sheehan, A Bright Shinning Lie. Picador, London, 1990, tr. 147.
[3] Henry Steele Commager, Documents of American History, Vol II: Since 1898. Prentice Hall, Inc, Inc, New Jersey, USA, 1973, tr.. 449.
[4] Như trên, tr. 451.
[5] L.I. Brê Giơ Nép, Theo con đường của Lê nin. Nxb Tiến bộ Mát Xcơ Va + Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1980 Tập I (Những bài nói và viết từ tháng 10/1964 đến tháng 4/1967), tr 354-55.
[6] Như trên, tr. 535.
[7] Như trên, tr. 136.
[8] Như trên, tr. 511.
[9] Henry Kissinger, White House Years. Little, Brown & Co, Boston, 1979, tr. 412-4.
[10] Declaration On Pricnciples Guiding Relations Between Participating States (Extracts relating to “Human Rights and Self-determination” from Helsinski Conference: Final Acts)
[11] Keesing’s Contemporary Archives, Record of World Events. Longman, 1981, tr. 30717.
[12] Như trên, tr. 30725.
[13] Theo Phan Văn Song, “Tổ Quốc lâm nguy: Hiểm hoạ Tàu”. Việt Luận Úc Châu, số 2429 Thứ Sáu 29-1-2010, tr. 52-53.
© Thông Luận 2010
No comments:
Post a Comment