Tuesday, February 2, 2010

BIẾT BAO GIỜ DÂN TA THÔI ĂN BÁNH VẼ ?

Bác Hồ ơi, biết bao giờ dân ta thôi ăn bánh vẽ?
Nguyên Hân
02-02-2010
http://www.dcvonline.net/php/modules.php?name=News&file=article&sid=7130
Ngày 13 tháng Một tuần rồi, hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 30 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở được tổ chức ở Hà Nội. Khác với Hội nghị Người Việt Nam ở Nước ngoài được tổ chức rầm rộ, cũng ở Hà Nội, vào tháng Mười Một năm ngoái, hội nghị toàn quốc về Quy chế dân chủ ở cơ sở này tuy rất quan trọng, nhưng đã xảy ra tương đối thầm lặng. Chỉ có một bài đưa tin về hội nghị này của Thông tấn xã Việt Nam; có thể vì xem đây là một đề tài “nhạy cảm” nên những báo khác trong tổng số 607 tờ báo của nhà nước đã chỉ dám “bê” nguyên con và cho đăng lại trên báo mình, ngay cả hai tờ báo lớn là Tuổi Trẻ và Thanh Niên.

Có mặt trong hội nghị này là Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư ông Trương Tấn Sang; Bí thư T.Ư. Đảng, Trưởng ban Dân vận T.Ư., Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư. về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở bà Hà Thị Khiết; Ủy viên T.Ư. Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ ông Nguyễn Thiện Nhân cùng chủ trì hội nghị.

Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở bà Hà Thị Khiết phát biểu:
“Hơn 10 năm qua, các ngành, các cấp đã triển khai thực hiện chỉ thị nghiêm túc, tích cực và đã đạt được nhiều kết quả thiết thực. Hầu hết các xã, phường, thị trấn, các cơ quan nhà nước và nhiều công ty, doanh nghiệp đã xây dựng và ban hành các quy chế, quy định, quy ước; nêu rõ nội dung và hình thức thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong các lĩnh vực hoạt động ở cơ sở.”
Một lời phát biểu chung chung, loại mười voi không có chút nước sáo, mà có lẽ hội nghị này nếu được tổ chức trong nhiều năm tới, và bất kỳ ai trong cương vị của bà Khiết trong tương lai cũng có thể “bê” nguyên con mà nói, không cần phải suy nghĩ đắn đo.

Nhưng trước khi đi tiếp, có lẽ người đọc muốn biết “thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở” là gì, mà Bộ Chính Trị Khóa VIII phải ra chỉ thị để thực hiện và thi hành?

Quy chế dân chủ cơ sở này nhằm mục đích đảm bảo cho người dân thực hiện quyền làm chủ của mình trực tiếp ở cơ sở nơi cư trú và cơ quan, đơn vị công tác. Có nghĩa, đây là quá trình thực hiện cải cách hành chính – thay vì “hành là chính” - đặc biệt là từ khi Chính phủ ban hành Quy chế dân chủ cơ sở xã kèm theo nghị định 79/2003/NĐ -CP.

Quy chế dân chủ ở cơ sở này đòi hỏi xã, phường, thị trấn niêm yết công khai các thủ tục hành chính, các khoản phí, lệ phí, đóng góp của dân, công khai các phương án sản xuất, việc giải quyết các thủ tục hành chính như cấp giấy phép xây dựng, đăng ký kinh doanh, địa chính, hộ tịch, hộ khẩu, công chứng; nêu rõ chế độ cho các đối tượng chính sách đã được công khai hoá.

Nghĩa là, minh bạch hóa những hoạt động của chính quyền ở cấp địa phương. Không những thế, ở những cơ quan hành chính, quy chế dân chủ cơ sở quy định cần phải có “Quy chế công khai tài chính, quản lý và sử dụng tài sản cơ quan”, “Quy chế tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo”, “Quy chế tuyển dụng, đề bạt, nâng lương, khen thưởng, kỷ luật, nhận xét, đánh giá cán bộ”. Các doanh nghiệp nhà nước phải “Quy chế công khai, dân chủ về kế hoạch sản xuất, kinh doanh, chế độ, chính sách có liên quan đến người lao động; nội quy, quy chế của doanh nghiệp, công khai tài chính, tiền lương, tiền thưởng, phúc lợi xã hội, quy chế về việc hiếu, việc hỷ, về thăm hỏi người lao động ốm đau, tai nạn…; xây dựng quy chế phối hợp giữa công đoàn với lãnh đạo doanh nghiệp, ký thoả ước lao động tập thể, công khai giám sát tài chính, tiền lương, tiền thưởng, quỹ phúc lợi. Đồng thời, công khai hóa công tác tuyển dụng cán bộ, thi tuyển công chức; quy hoạch, bổ nhiệm, bố trí cán bộ.”

Nói một cách khác hơn, thực chất của dân chủ cơ sở - như theo một bài báo trên Vietnamnet - là “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” mà Bác Hồ đã chỉ rõ”!

Nói tóm lại, từ chỗ “khinh” dân, nay Đảng Cộng sản Việt Nam qua nhà nước của chính mình, “ban phát” cho dân chút “tôn trọng”. Nhưng, không phải dễ để chuyển hướng tư tưởng của một ông thực dân vốn coi thường giờ phải biết tôn trọng người thuộc địa, và cũng cực kỳ khó thay đổi cho được cái quan niệm “ban ơn” trong não trạng của nhà nước cộng sản – ơn Bác ơn Đảng - thành một thái độ tôn trọng dân quyền pháp định dành cho người dân dưới quyền cai trị của họ, nên lần này đảng đã bắt đầu bằng một quy chế, và nhà nước thay mặt đảng mang ra áp dụng. Nhưng sự tôn trọng dân trong mười năm qua kể từ ngày Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam ra chỉ thị 30 đã đi đến đâu?

Hãy nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang phát biểu trong phần tổng kết hội nghị:
“Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở thời gian qua vẫn còn bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm. Nguyên nhân là do nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể nhân dân còn hạn chế, chưa thấy hết vai trò quan trọng của cơ chế dân chủ trực tiếp của nhân dân tại cơ sở cùng với cơ chế dân chủ đại diện hợp thành chế độ dân chủ XHCN ở nước ta, đó là mục tiêu và là động lực phát triển đất nước.”

Xây dựng cơ chế dân chủ ở cơ sở là điều cần và phải làm, nó là một phần quan trọng trong một xã hội dân quyền và pháp quyền. Nhưng ở đây, có vài điều khập khiễng cần được nói ra:

1. Ở Việt Nam, đảng Cộng sản đóng vai trò độc quyền lãnh đạo, và nhà nước như cũng như Mặt trận Tổ quốc là công cụ của đảng, cùng đóng vai trò quản lý đất nước. Thế nhưng, như lời ông Trương Tấn Sang nói, việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở này vẫn có những hạn chế khuyết điểm là do “nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể nhân dân còn hạn chế”. Nói khác đi, đảng cộng sản “trói gô” quyền dân chủ của người dân lại, nay đảng “nới dây” cho người dân, nhưng rồi cấp đảng ủy địa phương và những bộ phận phụ thuộc đảng như chính quyền, mặt trận vẫn chưa có … nhận thức đúng đắn, nên dân vẫn còn “bị trói.” Cái mệnh đề nghe qua thấy xuôi tai, nhưng nghĩ lại thì nó cho thấy một cung cách ứng xử với người dân như thực dân! Xin thì cho. Phát thì hưởng. Đó thuần là chuyện ban ơn của đảng dành cho dân, chứ người dân không được đòi hỏi gì chuyện này. Người dân Việt Nam sau ngày giành độc lập và đất nước thống nhất vẫn chưa được quyền "vòi vĩnh" ba cái "dân chủ vớ vẫn" này.
Nó nói lên một điều, là “Dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra” như ông Hồ Chí Minh nói, thay vì là quyền pháp định của người dân, thì nó chỉ là một sự bố thí đảng ban phát cho người dân. Và trong mười năm qua, cái gọi là "quy chế dân chủ cơ sở" đó vẫn chỉ là những mỹ từ mị dân!

2. Để cho cơ chế dân chủ ở cơ sở có hiệu qủa, thiết tưởng người dân cần có những phương tiện để thực hiện quyền của họ. Dân làm sao “biết” khi nhà nước còn bưng bít thông tin như hiện nay? Dân làm sao “bàn” khi nhà nước kiểm soát hết tất cả phương tiện truyền thông và tước đoạt quyền tự do ngôn luận của họ? Dân làm sao “làm” khi đất nước chưa có một ngành tư pháp hoạt động độc lập để bảo vệ quyền được “làm” của người dân? Và dân “kiểm tra” sao được khi quyền bầu trực tiếp người đại diện của họ vào hội đồng thôn, hội đồng xã, huyện, thành phố và trên hết là Quốc hội, với chức năng kiểm soát ngành Hành pháp cho đến nay vẫn bị tước đoạt? Thay vào đó, vẫn hiện hữu một cơ chế “đảng cử dân bầu”!

Chỉ chừng nào người dân có những điều kiện tối thiểu để hành xử quyền công dân của họ, như được biết những thông tin họ cần biết, nghĩa là tự do ngôn luận và tự do báo chí được tôn trọng, người dân được quyền ứng cử và bầu cử để chọn thôn trưởng, xã trưởng, huyện trưởng, thị trưởng qua một nhiệm kỳ nhất định, và nhất là họ được xử dụng lá phiếu của mình để bầu trực tiếp và công khai những đại biểu xứng đáng đại diện cho họ vào Quốc hội, nhằm giám sát, “kiểm tra” hoạt động của nhà nước, thì cái gọi là “quy chế dân chủ ở cơ sở” mới có gía trị và khả thi.

Ngoài ra, cái gọi là “quy chế dân chủ ở cơ sở” hay “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra” này như ông Hồ Chí Minh đã từng nói trước đây, cho đến nay vẫn chỉ là cái bánh vẽ khổng lồ mà người dân Việt Nam, nếu muốn ăn cho được thì phải chờ đến tết Ma-Rốc!

Hà Nội, 20 tháng Một, 2010.

© DCVOnline

Nguồn:
(1)
Tổng kết 10 năm xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Thanh Niên, ngày 13 tháng Một năm 2010
(2)
Dân chủ XHCN là mục tiêu và động lực phát triển đất nước. Tuổi Trẻ, ngày 14 tháng Một năm 2010
(3)
Dân chủ cơ sở - đã làm gì và cần làm gì? Vietnamnet, ngày 17 tháng Mười năm 2006



No comments:

Post a Comment