Thursday, February 4, 2010

ĐẤU TỐ - NHỮNG PHIÊN XỬ PHẠM PHÁP

Đấu tố - Những phiên xử phạm pháp
Mặc Lâm, phóng viên RFA
2010-02-04
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Denounce-publicly-the-anticonstitutiona-trials-MLam-02042010150005.html
Mới đây, một chức sắc Phật Giáo Hoà Hảo truyền thống, ông Trần Hoài Ân bị chính quyền địa phương tổ chức đấu tố vì tội làm đơn đòi tự do tôn giáo và trả lời báo đài nước ngoài. Liệu việc dấu tố này có phù hợp hiến pháp và pháp luật hay không?

Ký ức kinh hoàng

Cách đây hơn 50 năm, người dân miền Bắc không thể nào quên được những vụ đấu tố kinh hoàng trong phong trào cải cách ruộng đất. Hình ảnh các phiên toà không có bất cứ một nhân viên tư pháp nào, xét xử và giết chết hàng chục ngàn người vẫn làm người lớn tuổi ám ảnh tận bây giờ. Những cán bộ vung tay hô to các khẩu hiệu sắt máu và người dân chất phác vây chung quanh hô theo quán tính.
Mạng sống con người bị những chính sách đồ tể tiêu diệt và biện minh cho những cuộc giết người man rợ này các khẩu hiệu như: tiêu diệt địa chủ, giải phóng nông nô…được cán bộ buộc quần chúng hô vang trong các cuộc đấu tố đầy nước mắt xảy ra trên hầu hết các vùng nông thôn miền Bắc.
Trong vòng quay lịch sử, chiến thắng của hai cuộc chiến tranh không làm tan đuợc bóng mây mù quá khứ mà trong đó xác chết của những nạn nhân trong phong trào cải cách ruộng đất không ngớt ám ảnh những nhà sử học. Nhiều người đang cố gắng khởi động một chiến dịch nhìn lại và đánh giá những sai lầm trong thời kỳ cải cách ruộng đất. Không một người dân nào muốn nhớ những hình ảnh các buổi đấu tố và tận thâm tâm họ, kể cả những gia đình nạn nhân đều hiều rằng sai lầm lịch sử không thể hàn gắn nếu sự tha thứ và hoà giải không xuất hiện.

Đấu tố?

Hoà giải với lịch sử xem ra không nằm trong nếp nghĩ của nhiều cán bộ tuyên huấn cao cấp hôm nay. Tại các địa phương vẫn còn xảy ra những cuộc đấu tố, tuy rằng máu không còn đổ nhưng nạn nhân của chúng vẫn bị dày xéo, tra tấn vì những cáo buộc, sỉ vả của một thành phần tham dự được gọi là quần chúng.

Ông Trần Hoài Ân, một tu sĩ Phật giáo Hoà Hảo là nạn nhân mới nhất của hình thức đấu tố kể lại: “Ngày 28 tháng 1 năm 2010, chính quyền huyện Hồng Ngự xã Tân Thuận phối hợp để hình thành một cuộc đấu tố tôi và số anh em đấu tranh đòi hỏi quyền tự do tôn giáo. Địa điểm đấu tố là Chùa Bửu Long Tự, xã Long Thuận.
Chức năng của một chính quyền cấp huyện mời tôi tới đó rồi tập trung một số dân thuộc phe nhà để đấu tố tôi. Nội dung đấu tố họ cho rằng tôi đã từng làm văn bản phản kháng nhà nước rồi gửi cho nước ngoài. Nói chuyện, phát biểu trước các đài phát thanh hải ngoại, ngay cả tập họp đồng đạo các nơi để tuyên truyền xuyên tạc.”


Hình thức buổi đấu tố vẫn như xưa, cũng đầy đủ các nhân vật như vừa bước ra từ một phiên toà miền Bắc nào đó. Cũng có những người lớn tiếng tố cáo người bị đấu tố như nông dân nghèo tố cáo địa chủ:
“Buổi đấu tố này được chủ trì bởi ông chủ tịch mặt trận tổ quốc huyện Hồng Ngự Nguyễn Văn Tài. Lực lượng an ninh của huyện, an ninh của xã và tất cả viên chức theo tôi độ vào khoảng vài chục người. Ông Hông, Thư ký ban trị sự giáo hội Phật Giáo Hoà Hảo của nhà nước lên, ông dùng những từ nghe rất thô bỉ. Thí dụ như ông gọi chúng tôi là bè lũ, rồi ông đề nghị với chính quyền thẳng tay trừng trị.”

Luật sư Trần Lâm, nguyên Thẩm phán Toà án Nhân Dân Tối cao kể lại những ngày đầu khi các cuộc đấu tố thành hình:
“Từ năm 45 đã có tình hình này. Đầu tiên là đấu tố sau đó mới chuyển sang pháp luật. Họ còn có cái được gọi là toà án quần chúng, tức là không có luật pháp, chỉ có đạo lý, công thức sống trong nhân dân, nó hình thành qua tập quán của một dân tộc. Về sau nó cứ biến mãi nên trở thành toà án nhân dân.
Không có hình thức xử phạt nhưng mà mắng mỏ, làm nhiều việc rất quá đáng. Luật pháp không có tòa án quần chúng, tòa án nhân dân. Từ cách mạng tháng Tám đến giờ thì có hình thức đó. Dùng đấu tố để mà khống chế để người ta sợ. Điều đó nguy lắm.”


Không phù hợp luật pháp


Có phải tất cả người dân tham dự các phiên đấu tố xưa kia cũng như ngày nay đều thù ghét người bị mang ra đấu tố hay không? Và có phải hành vi la ó, kết án, sỉ vả của họ đối với nạn nhân là do phát xuất từ lòng căm thù như cán bộ tuyên huấn kêu gào hay không?
Luật sư Trần Lâm cho biết:
“Tất cả những người họ đi họp thì có phải trong lòng họ muốn làm cái việc này đâu. Nhưng công an gọi họ, chính quyền gọi họ không đi không được, thế thì đi, đi thì phải nói theo sự chỉ đạo, nói theo đường hướng chung không thể tự mình nói theo tâm tư của mình được. Cái chuyện này nó làm cho nhân dân rất lấy làm khó chịu.”

Là một Luật sư từng giữ vai trò thẩm phán của Toà Án nhân Dân Tối Cao, LS Trần Lâm xác định những phiên đấu tố này là hoàn toàn vi hiến, vi phạm pháp luật. Thế nhưng cũng theo ông vấn đề không thể giải quyết do vị trí của những người ban lệnh nằm quá cao trong guồng máy:
“Bởi vì bây giờ đảng cầm quyền, đảng cầm pháp luật. Đảng tổ chức những chuyện đó. Chuyện đấu tố quần chúng họp hành gọi là quần chúng góp ý kiến như thế là có chủ trương của Đảng chứ có phải tự nhiên mà làm được. Đảng uỷ, Uỷ ban, Mặt trận tổ quốc bàn bạc rồi mới quyết định phải đưa thằng này ra cho nó một bài học. Triệu tập nhân dân người ta không muốn đi, mà không đi thì bị cho là chống đối.”


Trong bài diễn văn nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập đảng Cộng Sản Việt Nam, Tổng bí thư Nông Đức Mạnh xác định: “Chính sách, chủ trương, văn bản pháp luật, quy định nào mà nhân dân cho là không đúng hoặc không phù hợp thì dứt khoát phải bàn bạc với dân để tìm cách sửa chữa, điều chỉnh để đảm bảo lợi ích chính đáng của nhân dân".

Dư luận thắc mắc không biết rồi đây câu nói này có được thực hiện hay không. Vì sau hơn 50 năm, một phiên bản có thể được xem là quá cũ vẫn được đem ra tra tấn người dân liệu có phải là một hành vi đúng đắn của một chính quyền trong thế kỷ 21 hay không?

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.


No comments:

Post a Comment