Đức Đạt Lai Lạt Ma là con tin trong cuộc mặc cả Mỹ-Trung ?
Đức Tâm
Bài đăng ngày 18/02/2010 - Cập nhật lần cuối ngày 18/02/2010 14:50 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/122/article_6948.asp
Ngày hôm nay, 18/02/2010, tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Nhà Trắng, bất chấp những lời cảnh báo của Trung Quốc là cuộc gặp này sẽ làm tổn hại đến quan hệ song phương.
Trước chuyến công du Trung Quốc hồi tháng 11 năm ngoái, tổng thống Mỹ đã hủy bỏ cuộc gặp với lãnh đạo tinh thần Tây Tạng vì không muốn làm phật lòng Bắc Kinh. Tuy nhiên, sự nhượng bộ này của ông Obama đã càng làm cho Trung Quốc lấn tới.
Cuộc gặp giữa tổng thống Obama và Đức Đạt Lai Lạt Ma diễn ra trong bối cảnh bang giao Mỹ-Trung đã tồi tệ đi một cách nhanh chóng. Mới đây thôi, vào cuối tháng chín năm ngoái, trong hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nước – G20, ở Pittsburgh, Pennsylvania, cả hai nước còn nêu ra ý tưởng là Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ thành lập nhóm G2, với tham vọng lãnh đạo thế giới.
Thế nhưng, giờ đây, Trung Quốc coi giai đoạn hồ hởi nói trên như là thuộc về quá khứ xa xôi. Ngày 12 tháng hai, xã luận tờ China Daily tố cáo tổng thống Mỹ vẫn níu giữ những suy nghĩ theo kiểu thời chiến tranh lạnh trong tiềm thức. Trong khi đó, Hoa Kỳ cho rằng Trung Quốc hành xử ngày càng « ngạo mạn ».
Theo ông Evan Feigenbaum, chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc thuộc Hội Đồng Đối Ngoại Hoa Kỳ, được báo Le Monde, số ra ngày hôm nay trích dẫn, thì chính quyền Bắc Kinh nhận định rằng cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu vừa qua chứng tỏ là Mỹ đang đi vào giai đoạn thoái trào, rằng Bắc Kinh sẽ ngày càng cứng rắn hơn còn Washington thì sẽ không có phương tiện để thực hiện chính sách ngoại giao của mình. Còn trong nhãn quan của chính quyền Obama, Trung Quốc vẫn chưa hành xử như một cường quốc có ý thức về những vấn đề lớn của quốc tế. Bắc Kinh chỉ quan tâm đến việc bảo vệ « những quyền lợi hẹp hòi ». Bằng chứng rõ ràng nhất là thái độ của Trung Quốc tại hội nghị về biến đổi khí hậu Copenhagen hồi tháng 12 năm ngoái.
Về mặt chính thức, bộ Ngoại giao Mỹ cố gắng giải thích rằng lợi ích của hai nước tương hợp với nhau trên nhiều lĩnh vực nhưng đôi khi cũng mâu thuẫn trên một vài vấn đề. Theo giới phân tích, một vài bất đồng đó lại không hề nhỏ. Đó là vấn đề tỷ giá đồng nhân dân tệ và thâm hụt thương mại của Mỹ. Trung Quốc tìm cách cản trở phương Tây gây sức ép với Iran và Bắc Triều Tiên trong hồ sơ hạt nhân. Vừa qua, tập đoàn Google tố cáo những vụ tấn công tin học đến từ Trung Quốc … Về phần mình, Bắc Kinh đã nổi giận khi bộ Quốc phòng Mỹ chấp thuận bán hơn 6 tỷ đô la vũ khí cho Đài Loan và đe dọa tẩy chay một số công ty Hoa Kỳ tham gia vào vụ này.
Có 2 câu hỏi được đặt ra đằng sau cuộc khẩu chiến ác liệt Mỹ- Trung : Trước, hết, phải chăng đây là cuộc gặp mặc cả Mỹ - Trung ? Theo ông Kenneth Dewoskin, nguyên trưởng ban Trung Quốc- Bắc Á, đại học Michigan thì đúng như vậy. Vụ cãi cọ về tỷ giá đồng nhân dân tệ chỉ là bề mặt. Trong thời gian từ 2006 đến 2008, Trung Quốc đã nâng 21% giá trị đồng tiền quốc gia, nhưng điều này không hề làm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ trong quan hệ với Trung Quốc, thậm chí ngược lại. Thực ra, Hoa Kỳ có hai mối quân tâm chính là Trung Quốc phải mở cửa thị trường hơn nữa cho các doanh nghiệp Mỹ và vấn đề sở hữu trí tuệ.
Thế nhưng, đây không phải là ý kiến của chuyên gia Feigenbaum. Theo ông, kể từ thời chính quyền Richard Nixon, chính sách của Mỹ là nhằm lôi kéo Trung Quốc hội nhập vào quan hệ quốc tế theo các điều kiện của Washington, do vậy mà bang giao song phương luôn trải qua các bước thăng trầm.
Câu hỏi thứ hai liên quan đến mức độ rủi ro trong quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Trung. Các nhà phân tích có cùng nhận định là giới lãnh đạo hai nước kiểm soát được tình hình nhưng mức độ căng thẳng lại tùy thuộc vào những yếu tố đối nội. Theo chuyên gia Feigenbaum, thì tại Mỹ, dân chúng ngày càng có thái độ thù ghét Trung Quốc. Tình hình cũng tương tự tại Trung Quốc.
Về phần mình, ông Dewoskin lại cho rằng so với thời kỳ chính quyền George Bush, quan hệ Mỹ-Trung hiện nay lành mạnh hơn. Việc công khai hóa các bất đồng song phương càng thúc đẩy hai bên tìm kiếm thỏa hiệp. Ông nhấn mạnh, giới lãnh đạo hai nước sẽ phải đối đầu với những thách thức chính trị nội bộ khó khăn. Một trong những mối đe dọa lớn tại Trung Quốc là sự trỗi dậy của tư tưởng dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi. Còn tại Hoa Kỳ, nếu hồ sơ công ăn việc làm không được cải thiện nhanh chóng thì không loại trừ nguy cơ trỗi dậy của làn sóng bảo hộ mậu dịch. Và đó là những rủi ro đe dọa thực sự quan hệ Mỹ-Trung.
No comments:
Post a Comment