Thursday, February 4, 2010

ĐẶC ĐIỂM PHÁP LÝ CÁC PHIÊN TOÀ "BẤT ĐỒNG CHÍNH KIẾN" tại VIỆT NAM

Đặc điểm pháp lý các phiên toà 'bất đồng chính kiến' tại VN
Trà Mi - VOA Washington, DC
Thứ Tư, 03 tháng 2 2010
http://www1.voanews.com/vietnamese/news/vietnam/DISCUSSION-WITH-2-LAWYERS-TRAN-VU-HAI--HUYNH-VAN-DONG-02-03-10-83451487.html
Thời gian gần đây, các phiên toà phúc thẩm lần lượt diễn ra tại Hà Nội và Hải Phòng xét kháng cáo của 9 nhà hoạt động dân chủ, theo cách gọi của giới cổ suý dân chủ, nhưng bị chính phủ Việt Nam xem là những phạm nhân vi phạm điều 88 “tuyên truyền chống phá nhà nứơc”. Một điểm chung từ các phiên xử này là tất cả các bản án đều được giữ nguyên theo phán quyết của toà dưới, tức từ 3 đến 6 năm tù dành cho các ông Nguyễn Xuân Nghĩa, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Túc, Phạm Văn Trội, Trần Đức Thạch, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Mạnh Sơn, Vũ Hùng, và Nguyễn Kim Nhàn.

Trong cuộc trao đổi với Trà Mi của Ban Việt Ngữ đài VOA, đại diện của một số bị cáo trong các phiên phúc thẩm vừa rồi là luật sư Trần Vũ Hải và Huỳnh Văn Đông nhận xét về các khía cạnh pháp lý của những phiên xử này. Luật sư Đông cho biết ý kiến.

Luật sư Huỳnh Văn Đông: Chúng tôi đảm nhận bào chữa cho anh Phạm Văn Trội và Trần Đức Thạch trong phiên phúc thẩm. Qua phiên xử này cũng như phiên sơ thẩm, chúng tôi nhận thấy tính pháp lý, tính hợp pháp đã không được thực hiện trong hai phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm vừa rồi. Chúng tôi cho rằng đó là sự vi phạm rất nghiêm trọng mà Toà án Nhân dân cần phải xem xét lại.

VOA: Vâng, đó là nhận xét của luật sư Đông. Xin mời luật sư Hải.
Luật sư Trần Vũ Hải: Tôi đã tham gia 2 phiên xét xử ở Hà Nội và Hải Phòng. Các đề nghị của các bị cáo đều bị bác bỏ, và chúng tôi thất vọng về các bản án phúc thẩm này.

VOA: Dư luận có nhiều ý kiến không đồng tình với tính công khai và công bằng của các vụ án này. Riêng về 2 điểm này, các luật sư có ý kiến như thế nào?
Luật sư Trần Vũ Hải: Tôi nghĩ tính công khai cũng chưa đựơc đảm bảo. Theo luật, theo quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự, và theo luật của Toà án Nhân dân, thì ai cũng có quyền tham dự phiên toà. Thế nhưng việc này chưa được đảm bảo.
Luật sư Huỳnh Văn Đông: Đối với tôi, tôi không hài lòng về tính công khai của các phiên xử. Theo như anh Hải nhận xét cũng khá chính xác, nhưng để đầy đủ hơn thì chúng tôi phải nói rằng các phiên toà đã công khai “xử kín”. Có thể nói một nửa công khai thì không phải là công khai.

VOA: Xin được hỏi thăm luật sư Hải, bản thân ông từng tham gia một số phiên toà xử tội “tuyên truyền chống phá nhà nước” theo điều 88, ông rút ra kinh nghiệm hay nhận xét như thế nào về đặc điểm của các phiên xử này?
Luật sư Trần Vũ Hải: Tựu chung trong các phiên xử đó, các cơ quan pháp luật Việt Nam, cụ thể là công an và Toà án, rất là quan tâm. Họ tìm cách đảm bảo an toàn tối đa cho các phiên xử này, kiểm soát rất là chặt chẽ thành phần vào tham dự. Còn trong các phiên toà, chúng tôi nhận thấy rằng cũng tạo điều kiện cho các bị cáo và các luật sư tranh luận. Tuy nhiên, họ có nghe hay không thì đấy là một câu chuyện khác.
Luật sư Huỳnh Văn Đông: Chúng tôi cũng thấy rằng Toà án Tối cao họ tạo điều kiện cho chúng tôi rất nhiều trong việc tiếp xúc với hồ sơ. Chúng tôi ghi nhận việc làm đó. Tuy nhiên, điều làm chúng tôi không hài lòng ở phiên phúc thẩm lần này là thái độ của Hội đồng xét xử, họ không tôn trọng luật sư lắm. Người ta đã cắt và không cho tôi nói được hết ý của tôi. Đến phiên xử của anh Phạm Văn Trội thì tôi đã bỏ ra khỏi phòng xử án.

VOA: Những bị can trong các phiên toà này bị kết tội vì các bài viết hoặc các hoạt động “chống phá nhà nước”. Những cơ sở nào được các luật sư đưa ra để bảo vệ các thân chủ của mình?
Luật sư Huỳnh Văn Đông: Cơ sở mạnh nhất để khẳng định hai khách hàng của tôi không phạm tội theo điều 88 mà tôi đưa ra là điều 69 của Hiến Pháp và điều 19 của Tuyên ngôn Nhân quyền Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Nguyên tắc khi Việt Nam đã tự nguyện tham gia thì phải thực hiện và phải tuân thủ. Cơ sở chúng tôi khẳng định điều đó là người ta chỉ bày tỏ quan điểm và chính kiến của họ mà thôi. Những quan điểm và chính kiến đó có thể khác so với cách nghĩ và cách hiểu của nhà nước. Tuy nhiên, đó là quyền tự do. Nhà nứơc phải tôn trọng quyền đó của mỗi công dân.

VOA: Xin được lắng nghe ý kiến của luật sư Hải?
Luật sư Trần Vũ Hải: Trong các vụ án mà tôi tham gia, các bị can bị đề nghị truy tố, kết án ở nhiều hành vi. Nhưng về cơ bản chỉ có một vài hành vi họ xem xét một cách nghiêm trọng, cho là đựơc thực hiện một cách trực tiếp và ngoài phạm vi trình bày ý kiến, ví dụ như là hành vi treo khẩu hiệu. Họ cho rằng hành vi này nguy hiểm hơn nhiều, tức không còn là trao đổi ý kiến với nhau. Khi bào chữa, chúng tôi đề nghị toà định nghĩa thế nào là “tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa”. Chúng tôi cũng nói rằng chúng tôi đã nghiên cứu về mặt pháp luật chưa có nghị quyết nào của các Hội đồng thẩm phán Toà án Tối cao hướng dẫn về điều luật này, cũng không có định nghĩa thế nào là chống. Chúng tôi đề xuất rằng điều 88 phải nói rõ. Về tài liệu chống, hành vi làm, lưu trữ tài liệu chống, chúng tôi đề nghị nội dung “chống” này phải có phỉ báng, kích động..v..v.. Việc làm ra tài liệu phải mang mục đích tuyên truyền, có nghĩa là một tài liệu nào đó nếu người ta chỉ để đọc thôi thì không đựơc coi là tuyên truyền. Chúng tôi muốn nói rằng nhiều hành vi các bị cáo bị truy tố, kết án thực chất họ chỉ là những người tiếp nhận các nội dung đó thôi, chứ không mang tính tuyên truyền. Tuy nhiên, điều này không đựơc phía toà án chú ý. Trong những cuộc tranh luận như vậy, họ cũng cảm thấy căn cứ của họ không tốt lắm. Ngoài ra, trong các vụ mà tôi tham dự ở đây, họ cho rằng “chống” tức là chống thể chế, mà thể chế này là do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Điều đó là bất di bất dịch. Mọi cái gì ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là chống nhà nước Xã hội Chủ nghĩa. Họ cho là yêu cầu đa nguyên đa đảng là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi nói rằng trong Luật hình sự phải nói thẳng ra. Khi người ta bị coi là vi phạm thì phải vi phạm vào một điều cấm. Ví dụ như cấm yêu cầu đa nguyên đa đảng mà vi phạm thì mới là vi phạm Luật hình sự. Chứ còn anh nói yêu cầu đa nguyên đa đảng là phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng, thì chúng tôi bảo đấy cũng chỉ là suy diễn. Bởi lẽ có những thời kỳ đảng lãnh đạo mà có những đảng khác, trong Hiến pháp cũng có ghi. Như vậy đa đảng cũng không phải là cấm. Tuy nhiên, tất cả các lập luận của chúng tôi, họ cũng đều bác bỏ.

VOA: Những điều mà các bị can bị tố cáo, theo giới cổ võ nhân quyền, không phải là phi pháp, trong khi Việt Nam nói rằng những người này bị xử theo đúng pháp luật. Quan điểm của các luật sư ra sao trước lập luận cho rằng mỗi quốc gia đều có luật lệ riêng mà công dân của nước đó phải tuân theo, làm trái dĩ nhiên bị phạt?
Luật sư Huỳnh Văn Đông: Đúng, chúng ta phải tôn trọng luật của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, luật Việt Nam không có một điều nào cụ thể cấm các hành vi của các bị cáo mà chúng tôi bào chữa. Như hành vi của anh Phạm Văn Trội, anh chỉ viết 1 bài nhưng người ta dựa vào đó để quy kết anh ta có hành vi chống nhà nước. Tuy nhiên, nội dung bài viết đó chưa được một cơ quan độc lập nào thẩm định nội dung đó mang tư tưởng gì. Vậy căn cứ pháp lý nào để 2 toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm đưa ra phán quyết như vậy?

VOA: Điều 69 Hiến pháp Việt Nam công nhận công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin. Tuy nhiên, điều 88 Bộ luật Hình sự lại có khoản “tuyên truyền chống phá nhà nước”. Là những người chuyên môn, các luật sư có ý kiến như thế nào? Tại Việt Nam, làm thế nào để có thể thực thi quyền tự do ngôn luận cho đúng, tránh không bị phạm pháp?
Luật sư Huỳnh Văn Đông: Điều luật 88 là một điều luật mơ hồ để khi không còn vịn vào một điều gì cụ thể, một tội danh nào cụ thể trong Bộ luật Hình sự thì nó sẽ rơi vào điều 88. Chúng tôi yêu cầu là cần phải có một thông tư hướng dẫn chi tiết về điều luật đó. Điều 88 nằm trong chương “xâm phạm an ninh quốc gia” nhưng chưa được giải thích, minh định rõ ràng để công dân biết mà thực hiện hay không thực hiện.
Luật sư Trần Vũ Hải: Điều 69 của Hiến pháp có nói về các quyền tự do của công dân đấy, nhưng lại thòng theo cái đuôi là “theo quy định của pháp luật”. Thế nhưng ví dụ như đối với việc lập hội, biểu tình v..v.. lại không có quy định hoặc quy định không rõ. Tóm lại, anh muốn làm gì thì làm, nhưng anh không được phép phát biểu chống nhà nứơc cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ở đây chúng tôi đặt vấn đề: Vậy “chống” là gì? Đảng Cộng sản Việt Nam cho rằng không ai được phép xúc phạm đảng, phê phán đảng thì cũng có thể ban hành một luật rằng tất cả những việc phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng, phê phán đảng..v..v… là vi phạm luật pháp. Cũng được, nhưng mà phải có luật. Nhưng mà ở đây, cho tới nay, là không rõ. Nhiều người cũng đã đề nghị rằng có lẽ cũng phải có luật về Đảng Cộng sản Việt Nam. Tức là Đảng Cộng sản Việt Nam giữ vai trò gì trong xã hội và những việc gì không được phép xúc phạm đến đảng? Chừng nào không có luật đó, chừng đó người ta luôn luôn có thể xem xét việc phê bình đảng trở thành “chống” đảng. Đấy là một điều rất nguy hiểm cho các công dân thật lòng muốn xây dựng đất nước. Chính tư tưởng Hồ Chí Minh có nói rằng dân chủ là để cho dân được mở miệng.

VOA: Cảm ơn ý kiến luật sư Hải. Luật sư Đông, ông có ý kiến nào khác?
Luật sư Huỳnh Văn Đông: Nhà nước phải có điều luật cụ thể hướng dẫn cho chúng tôi được biết. Chứ cứ như tình trạng này thì không khéo những người luật sư chúng tôi cũng sắp phải ra toà, đứng trước vành móng ngựa như các bị cáo khác. Bởi vì trong tay của chúng tôi đã có những hồ sơ, tài liệu được gọi là “chống phá nhà nước” vì để phục vụ cho công tác bào chữa, chúng tôi phải có những tài liệu đó. Bây giờ mà công an ập vô, kiểm tra, và bắt tôi về hành vi “tàng trữ” thì cũng oan cho tôi quá. Chúng tôi cần sự hướng dẫn rõ ràng, trường hợp nào thì được, trường hợp nào thì không.

VOA: Hai luật sư là những người hành nghề trong ngành cũng khá lâu năm. Theo các ông nhận định, vai trò đóng góp của người luật sư ở Việt Nam trong việc bảo vệ công lý cho người dân đến nay tới mức nào?
Luật sư Trần Vũ Hải: Trong 6 ngàn luật sư, chỉ khoảng 50% là hoạt động chuyên nghiệp. Tôi đã hành nghề ở đây khoảng 15-16 năm, tôi nhận thấy rằng vai trò của luật sư càng ngày càng tăng dần lên trong xã hội, mặc dù thường xuyên bị gây khó khăn. Tuy nhiên, tỷ lệ về sự tham gia của các luật sư trong các phiên toà ở Việt Nam cũng khá thấp, theo một thống kê tôi đựơc biết chỉ 10-20% mà thôi.

VOA: Ông vừa nói khoảng 50% luật sư ở Việt Nam phải làm thêm một nghề tay trái cũng như tỷ lệ tham gia của các luật sư trong các phiên toà tương đối thấp. Lý do vì sao?
Luật sư Trần Vũ Hải: Có nhiều nguyên nhân khác nhau. Nguyên nhân từ pháp luật, từ người dân, và từ luật sư. Ngoài ra cũng có nguyên nhân từ chính toà. Họ cũng không thích có luật sư đâu. Rất nhiều vụ án cho thấy phía bên thuê luật sư lại là bên thua. Đây là một thực tế mà Đoàn Luật sư và Liên đoàn Luật sư cần phải nhận thấy để đấu tranh về mặt các văn bản pháp luật cũng như về mặt thực tế các phiên xử để vai trò luật sư là thực tế.

VOA: Ông đánh giá là nhìn chung vai trò luật sư trong xã hội Việt Nam đang lên. Số lượng các phiên xử những tội danh vi phạm điều 79 hay 88 ngày càng nhiều, nhưng vai trò của luật sư tại các phiên xử này hình như còn mờ nhạt, khiến người ta không đánh giá cao vai trò của luật sư trong các phiên toà như thế. Phải chăng nên phân biệt vai trò của luật sư trong các phiên toà thông thường nói chung và vai trò của luật sư trong các phiên toà xử các tội cụ thể này trong tình hình xã hội Việt Nam hiện nay?
Luật sư Trần Vũ Hải: Đấy là một đánh giá khách quan, nhưng cá nhân tôi từng tham dự khá nhiều phiên toà như thế này thì thấy rằng có những phiên toà mình thất vọng nhưng cũng có những phiên toà mình thấy mình cũng có ích. Có thể nhìn khách quan tổng thể trong rất nhiều vụ thì người ta có thể đánh giá như chị nói, nhưng thực tế không phải trong tất cả các vụ đều như thế cả. Tất nhiên trong các vụ án như thế này thì vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam càng nổi bật. Tất nhiên các thẩm phán là các đảng viên, và tất nhiên họ cũng đựơc sự chỉ đạo. Thế nhưng, nếu các thẩm phán có bản lĩnh thì cũng có thể xử khác đi so với những gì được chỉ đạo.
Luật sư Huỳnh Văn Đông: Trong các vụ án đó, nếu Hội đồng xét xử có can đảm một tí thì có thể xử khác đi. Ý anh Hải nói rằng những vụ án đó đã có sự chuẩn bị và sự chỉ đạo rồi. Đó là điều thực tế đang tồn tại. Điển hình là vụ phúc thẩm vừa rồi của anh Trội mà chúng tôi tham gia. Án sơ thẩm tuyên 4 năm tù. Tại phiên phúc thẩm chúng tôi đưa ra những tình tiết để xem xét đến nhân thân của anh. Đó là huân chương kháng chiến và bằng ghi công của nhà nước đối với bố của anh, những tình tiết được giảm nhẹ theo quy định của Luật Hình sự. Tuy nhiên Hội đồng xét xử vẫn không xem xét đến các vấn đề đó. Mong muốn của chúng tôi là khi nào toà án xét xử dựa trên cơ sở tranh luận mà đưa ra bản án thì chúng tôi mới phục. Còn xét xử theo kiểu án tại hồ sơ như mấy phiên toà vừa qua thì Hội đồng xét xử nên ở nhà làm luôn bản án, chỉ cần ra toà tuyên cho nó nhanh và đỡ mất thời gian.

VOA: Xin chân thành cảm ơn luật sư Hải và luật sư Đông đã dành thời gian cho cuộc trao đổi này.



No comments:

Post a Comment