Friday, January 29, 2010

Từ Phiên Xử PHẠM THANH NGHIÊN, NGHĨ VỀ CÔNG VIỆC NGƯỜI THẦY

Từ phiên xử Phạm Thanh Nghiên, nghĩ về công việc những người thầy
Nguyễn Thượng Long
Đăng ngày 29/01/2010 lúc 14:51:58 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4547
Tháng 1/2010, hàng loạt trí thức trẻ, họ là những người có tài, ra đời trong lòng chế độ mới, trưởng thành trong các mái trường XHCN, họ là những người không hề bị nhiễm thói hư tật xấu của bọn phong kiến, đế quốc, thực dân, phản động… bỗng dưng theo nhau “phạm tội”, theo nhau “nhận tội”, “xin khoan hồng”, rồi ra toà, rồi tù tội, bỏ lại vợ đẹp con khôn, bỏ lại nhà cao cửa rộng, bỏ lại cha già mẹ héo, bỏ lại doanh nghiệp và tiền tài, niềm mơ ước của không biết bao nhiêu người. Người ta muốn mọi người tin rằng, đó là những kẻ mù quáng, nông nổi, dại dột và lầm lạc! Điều đó, ai có thể tin được? Là lớp người đi làm Giáo Dục là để được sống với những chuẩn mực làm người chứ không lấy Giáo Dục như một cơ hội, như một phương kế để làm giầu, chúng tôi không thể yên tâm được trước những hiện tượng không thể gọi là bình thường đã đến với những người trí thức trẻ đó.

Bài
“Phạm Thanh Nghiên và những kỉ niệm…” của tôi đã ra đời từ những biến cố và trăn trở như vậy. Bài viết đó tôi viết về một cháu gái có vẻ như chẳng hề liên quan gì đến ngành GD – ĐT đang chao đảo bởi nhiều giá trị đạo đức truyền thống tưởng sẽ vĩnh hằng cùng năm tháng bỗng bị lung lay và sụp đổ tan tành trước sức quyến rũ mãnh liệt của văn minh hàng hoá, của chủ nghĩa thực dụng, của trào lưu sống hưởng thụ cho mình và vô tình, vô cảm với mọi người.

Nền giáo dục hôm nay như một cô gái nhà lành không còn giữ được phẩm hạnh đã phải cúi đầu chấp nhận thân phận Ô Sin trong “Nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN”, thì “Cây Thánh Giá” trên lưng những người thầy chân chính vốn đã nặng nề nay càng thêm nặng nề hơn và lần đầu tiên trong lịch sử của dân tộc Việt Nam, một dân tộc trọng đạo nghĩa, hiếu học, coi đạo học như một thứ tôn giáo thì nay lại xuất hiện những khái niệm hết sức xa lạ: “Thương mại hoá học đường”, “Dậy học là một nghề vừa bạc bẽo vừa nguy hiểm”, là “Khúc sông quê” để ngày ngày người ta “Thả Lưới”, “Buông Câu”, là “Chùm khế ngọt” để người ta trèo hái suốt cả nhiệm kỳ! Nghề giáo ngay trong thời thịnh trị đã là một nghề không hề đơn giản, trong bối cảnh của một xã hội khủng hoảng, bế tắc và rối ren như hiện nay, những nhà giáo trọng nhân cách tránh sao cho khỏi sự lúng túng khi phải đối diện với những điều bất xứng xuất hiện như một thách thức:
• Thử hỏi: Biết dạy bài “Kính trọng ông bà, cha mẹ” thế nào đây khi trong 5 điều dạy bảo thế hệ trẻ lại thiếu điều kính yêu bậc sinh thành ra mình ?!
• Thử hỏi: Sẽ dạy bài “Lòng yêu nước” thế nào đây? Khi học sinh, sinh viên… xuống đường bày tỏ sự khẳng định “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam !” thì lại bị nghiêm cấm, hăm doạ mà người đi hăm doạ không phải lúc nào cũng là Công An , nhiều lúc lại là những quan chức của Bộ Giáo Dục, của lãnh đạo Sở Giáo Dục, của Hiệu Trưởng của các trường học.
• Thử hỏi: Chủ đề “Yêu Đồng Bào” sẽ được dạy thế nào khi Phạm Thanh Nghiên và sinh viên Ngô Quỳnh đi Hoằng Hoá Thanh Hoá để thăm hỏi bà con ngư dân bị phía Trung Quốc bắn giết trên Biển Đông… lại bị cật vấn, rồi bị truy cứu như truy cứu những hành vi tội lỗi, không được phép. Yêu nhân dân thế nào mà hàng vạn nấm mồ liệt sĩ đã ngã xuống trên miền biên ải trong trận chiến 1979, những người lính hải quân của VNCH đã ngã xuống ở Hoàng Sa tháng 1/ 1974, những chiến sĩ hải quân trên đảo Gac Ma Trường Sa năm 1988 đã anh dũng chiến đấu giữ đảo đến viên đạn cuối cùng rồi nắm tay nhau đứng lên kiêu hãnh đón nhận cái chết và lính thuỷ đánh bộ Trung Quốc đã chơi trò bắn hạ họ như bắn hạ những con hải âu đã giã cánh giữa trùng khơi… vì sao đến nay họ vẫn chưa được một nén hương, chưa được vinh danh là những ngưòi con anh dũng của dân tộc?
• Thử hỏi: Sẽ dạy bài “Học tập tốt – Lao động tốt” thế nào đây khi vây bủa xung quanh học sinh, sinh viên là những áp lực phải học thêm đến từ chương trình quá nặng, từ sách giáo khoa với biết bao sai sót, từ nhu cầu tự tăng thu nhập bằng dạy thêm của thầy cô giáo luôn song hành tỉ lệ thuận với sự mất giá của đồng tiền… với những “Đơn tình nguyện học thêm” đồng loạt của học sinh để đối phó với những điều cấm mà chẳng ai cấm được ai.
• Thử hỏi: Bài “Khiêm tốn - thật thà – dũng cảm”… sẽ được dạy thế nào, khi một nhà lãnh đạo trong phút cao hứng đã huênh hoang với ngưòi nghe về vai trò gìn giữ hoà bình cho toàn thế giới của Việt Nam (!?), về tình trạng tham nhũng ở Việt Nam rất đơn giản chỉ là trót tiêu tiền của công rồi quên trả! Ấy vậy mà các ông bà “kiều” vẫn cứ pháo tay đôm đốp mới lạ! và khi những chiếc tầu Trung Quốc đã đâm chìm tầu cá của ngư dân Việt Nam, lại được người có trách nhiệm của Việt Nam gọi là tầu lạ ! Đám đầu gấu đánh đập giáo dân …được gọi là “Quần chúng tự phát!”…thì bài giảng về những phẩm chất “khiêm tốn - thật thà & dũng cảm” chỉ nên dạy cho chim sáo, cho chim khiếu mà thôi.
• Thử hỏi: Dạy bài: “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách!”, biết dạy thế nào đây khi các trí thức lớn của đất nước quy tụ trong tổ chức IDS (Viện nghiên cứu phát triển - Một tổ chức tư nhân của xã hội dân sự Việt Nam)…bị o ép đến mức phải tự giải thể. Một tiếng nói phản biện tích cực và ôn hoà khác cũng của xã hội dân sự VN là trang mạng Bô xít thì bị đánh sập, các nhà tổ chức Bauxite.info được cơ quan an ninh “săn sóc”. Mới đây hàng chục THẤT PHU đã theo nhau vào tù vì đã trót HỮU TRÁCH! Trong đó không ít là những Thạc sĩ, Cử nhân khoa học, Bác sĩ, Nhà văn, Nhà thơ, Nhà giáo, Nhà báo, Kĩ sư, Luật sư, Sinh viên… Như vậy là, thầy giáo dạy bài “Quốc gia hưng vong - Thất phu hữu trách” hay bao nhiêu thì có tội bấy nhiêu trước học trò!
• Thử hỏi: Sẽ dạy bài “Xã hội pháp trị”, bài “Chế độ ta là chế độ Của Dân – Do Dân – Vì Dân”, bài “Bài công bằng xã hội” thế nào đây? Khi phân hoá giàu nghèo đã là quãng cách từ đỉnh núi xuống vực sâu! Khi bức tường rào của tư gia gia đình ông Luật Sư Cù Huy Hà Vũ nổi tiếng vì dám kiện cả Thủ Tướng, vừa mới bị đánh sập!

Tôi không rõ những thầy cô giáo nào đã từng dạy cháu. Tôi tin chắc rằng, ở tuổi cắp sách đến trường, để học những bài học tôi vừa kể ở trên, cháu đã gặp được những thầy cô giáo tốt. Theo tôi, những nhà giáo đó đã rất thành công trong những nỗ lực giáo dục, nuôi dưỡng, đã hun đúc được trong cháu Nghiên ngọn lửa yêu nước, yêu nhân dân thật nồng nhiệt, thật đáng trân trọng và tự hào. Theo tôi lòng yêu nước, yêu con người là phẩm chất quan trọng nhất, cao cả nhất trong các phẩm chất làm người mà người thầy, người cô phải cài đặt bằng được vào nơi huy hoàng thiêng liêng nhất trong tâm khảm người học sinh của mình.
Cũng ở bài viết này, khi tôi viết:
…Khi nhắc lại cả loạt danh xưng một thời của tôi như thế, Phạm ThanhNghiên đâu có biết cháu đã gợi dạy trong tôi những kỉ niệm thất bại mà tôi đã cố gắng để quên đi. Giờ đây sau hơn 4 năm, đặc biệt là sau khi Người Đương Thời đựơc cả nước yêu thích nhất năm 2006 Đỗ Việt Khoa bị báo chí “Lề Phải” và Lãnh đạo GD ĐT Hà Nội hạ nhục thành công, thì cuộc vận động 2 không rồi lại 4 không:
* Không gian dối trong thi cử
* Không vị thành tích trong thi đua, rồi lại thêm…
* Không băng hoại đạo đức đối với thày cô giáo..
* Không ngồi nhầm lớp với học sinh…
chẳng còn thấy ai nhắc đến những nội dung này nữa. GD - ĐT cả nước bước vào năm cuối cùng của thập kỉ đầu tiên của thế kỉ 21 với những kết quả thi cử lại đạt “Tuổi Vàng” ”99,99%”và tác giả làm nên những thành tích đó là những gương mặt” bự phấn sáp” của những ”Quý Ông”, “Quý Bà”, những“Mệnh Phụ - Phu Nhân”, những “Người Đẹp” xồn xồn… lộng lẫy chỉ nhờ “Mỹ Phẩm loại 2”…và tất cả họ như cùng nhau vui vẻ à vào “Vở Tuồng Đồ” vĩ đại có cùng ngôn ngữ thoại là:
“Nói Dzậy! mà không phải Dzậy!”. Nói “Hai Không!”, nói “Bốn Không!”cứ nói, đừng nhẹ dạ mà làm thật, làm thật sẽ được coi là không bình thường, không hiểu biết đấy.

Vở tuồng GD – ĐT hôm nay có khác gì đâu hoạt cảnh : Tháng trước ông Nguyễn Minh Triết gõ cửa VATICAN để đối thoại với Đức Giáo Hoàng, Nhà Lãnh Đạo tinh thần của khối Công giáo toàn thế giới, cũng là Đấng Bề Trên cao cả của những người công giáo ở Việt Nam đang có nhiều bức xúc với Đảng và Chính Quyền trong nước thì tháng sau lại có ông ngang nhiên xua lính đi đập nát Thánh Giá biểu tượng thiêng liêng của giáo dân một Xứ đạo nghèo nơi xóm núi thuộc tỉnh Hà Tây cũ.
Buộc phải đặt bút viết những dòng như thế, tôi đã không giấu được những cảm nhận hết sức bi quan khi quan sát những người làm giáo dục ở những nơi mà tôi đã từng công tác, đã từng gặp gỡ họ. Viết như thế, nào tôi có ý gây sức ép gì với ai đâu mà một nhà lãnh đạo của giáo dục Hà Nội đã vội la lối: “Ông Long có định gây sức ép với chúng tôi cũng chẳng được !”

Không gửi tới các quý vị bài báo mang nỗi thất vọng mà tôi đã viết, tôi có mặc cảm của người không đàng hoàng, người có lỗi và sự sơ suất đó có thể sẽ lại kích hoạt, làm xuất hiện cách hiểu bôi bác, sai lạc về tôi từ một số người… mà tôi cũng quá hiểu về họ.

Thưa các quý vị,
Qua loạt bài điều tra về giáo dục mà tôi có ý định sẽ công bố vào một thời điểm thích hợp các quý vị sẽ thấy cái cao đạo, cái thấp hèn, cái chân thực, cái vừa giả dối vừa thớ lợ trong giáo dục mãi là những ám ảnh, là những món nợ dai dẳng với sự nghiệp mà tôi đã chọn lựa từ hơn 40 năm về trước và tôi không hề hối hận về sự chọn lựa này.
Cũng là không thừa khi tôi gửi tới các quý vị lời khuyến cáo có thể là không phải đối với các quý vị nhưng lời khuyến cáo đó là chân thành và cần thiết:
Nhận được bài báo này, quý vị có thể gửi và cũng có thể chẳng cần phải gửi nó cho cơ quan an ninh làm gì vì tôi đã công khai nó trên mạng thông tin toàn cầu rồi, tức là tôi đã chuẩn bị đầy đủ ý thức để chịu trách nhiệm về những gì mà tôi đã đưa ra, kể cả mọi hệ luỵ có thể sẽ đến đối với tôi.
Cuối cùng, nhân dịp năm mới sắp đến, xin chúc các quý vị một năm mới an khang, thịnh vượng, thành công và tiến bộ trong sự nghiệp chấn hưng nền giáo dục của đất nước chúng ta.

Hà Đông những ngày cuối năm Con Trâu 2009
Nguyễn Thượng Long

Nguyên giáo viên Địa Lí của GD ĐT Hoà Bình & Hà Tây
Nguyên Thanh Tra Giáo Dục kiêm nhiệm Hà Tây
Chỗ ở: Văn La – Phú La – Hà Đông – Hà Nội
Điện thoại: 0433521066 & 0953298198
Email:
nguyenthuonglong571@gmail.com

© Thông Luận 2010


Thêm một nhà ly khai lãnh án tại Việt Nam : cô Phạm Thanh Nghiên bị xử 4 năm tù




No comments:

Post a Comment