Wednesday, January 6, 2010

THIÊN ĐƯỜNG và ĐỊA NGỤC

Thiên đường và địa ngục
Xuân Bình
06/01/2010
http://xuanbinhfreelance.wordpress.com/2010/01/06/thien-d%C6%B0%E1%BB%9Dng-va-d%E1%BB%8Ba-ng%E1%BB%A5c/
Trần gian quá khốn nạn nên con người luôn mơ đến thiên đường. Cuộc sống quá tàn khốc nên con người mô tả địa ngục hoàn hảo hơn cả một cơn ác mộng? Bản thân tôi thì nhìn thấy rằng con người vẫn và sẽ luôn loay hoay, lấn bấn xoay quanh giá trị của sự sống và cái chết. Và tôi mơ một Giấc Mơ để có thể hiểu rõ mọi thực hư của cuộc đời này.

Đó là một vài cảm nhận của tôi sau khi tới Trung tâm Việt Art Hà Nội xem triển lãm tranh thờ đạo giáo của nhà sưu tập Phạm Đức Sỹ.
Về đề tài này, năm 2000, họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức trưng bày một bộ sưu tập tranh ở 65 ngõ Huế. Năm 2001 nhà nghiên cứu Phan Ngọc Khuê hoàn thành cuốn sách Tranh Đạo Giáo ở Bắc Việt Nam. Năm 2002, họa sỹ Nguyễn Minh Thành lần đầu tiên sử dụng tranh thờ đạo Lão vào tác phẩm nghệ thuật xếp đặt ở Nhà sàn Đức. Năm 2003, Simon Redington họa sỹ người Anh triển lãm tranh khắc Thập điện Diêm vương ở Art VietNam Gallery. Năm 2006, một triển lãm tranh thờ được tổ chức khá chuyên nghiệp ở Đại học Mỹ Thuật…
Nhiều người quan tâm đến việc tranh thờ có chỉ dẫn nào về những ngày tiếp theo của cuộc đời? Đường lên tiên cảnh bao xa? Dưới sông Nại Hà có bao lối dẫn tới các mười Tòa đại hình? Vị thần nào có thể mau giúp ta phá ngục để giải thoát?
Bản thân tôi thì nhìn thấy rằng con người vẫn và sẽ luôn loay hoay, lấn bấn xoay quanh giá trị của sự sống và cái chết. Và tôi mơ một Giấc Mơ để có thể hiểu rõ mọi thực hư của cuộc đời này.

Lên cõi Thanh Hư
Tôi thích bức tranh “Dẫn hương lộ” của dân tộc Nùng hay Cao Lan. Ngay tên gọi cũng đã nhanh chóng gợi tả con đường giải thoát nhẹ nhàng như khói, quyến luyến hương xạ và lan tỏa một cách huyền hoặc.
Nơi ấy con người đã thành tiên nhân có thể cưỡi rồng bay lên thềm trời, hóa thành chim lướt trên mây, biến thành cá lặn xuống biển sâu, đi lại giữa trần gian mà người thường không thấy. Họ ăn cỏ linh chi, uống sương, hít gió, tâm như dòng suối, da trắng như tuyết, trường sinh bất lão, tiêu dao, tự tại…
Trong Dẫn hương lộ người ta tìm thấy cả trần gian, thế giới của chúng sinh còn nặng sắc dục, thế giới không sắc dục, Nhật phủ, Nguyệt cung. Có Dương minh tinh tượng trưng cho cõi sáng. Huyền minh tinh tượng trưng cho cõi tối. Hư vô Thanh cảnh tượng trưng cho cõi hư vô thanh khiết, vô tận, vô cùng nơi ánh sáng không bao giờ tắt. Đại lộ trình, con đường đi tới Thanh Hư có ba chặng và dài sáu vạn dặm. Linh hồn được chở đi trên xe dê, trâu, ngựa, hươu. Mỗi chặng lại có Chu Vũ coi giám cõi Hạ Nguyên. Cát Ủng coi sóc miền Trung Nguyên. Đường Hoàng cai quản miền Thượng Nguyên…
Nhưng cái bất ngờ của Dẫn hương lộ (rộng chừng 30cm, dài hơn 3m) lại là việc nó khắc họa con đường đưa hương hồn con người lên thiên giới thành chân dung hoàn chỉnh của một Con Người. Con Người ở đây được định vị rất rõ ràng bởi các huyệt đạo trên cơ thể. Địa phủ, thủy phủ phía dưới cùng bức tranh tương ứng huyệt Hạ đan điền- vị trí xương mu phía trước. Trung đan điền- vị trí rốn. Thượng đan điền- kinh huyệt ở vị trí cổ. Còn vị trí Thánh Chúa ngự ở Nê hoàn cung- nơi cao nhất của bức tranh thì tương ứng với huyệt Bách Hội ở chỏm đầu. Đây là huyệt dẫn nạp Khí- năng lượng của vũ trụ nhằm mục đích đạt tới trường sinh bất tử, hướng tới giải thoát. Đó cũng là quan niệm Thiên Nhân hợp nhất của Đạo Lão.
Tôi có ý so sánh y nghĩa triết luận này của Dẫn hương lộ với tranh khắc gỗ “Cửu phẩm liên hoa” của họa sỹ Lê Quốc Việt (2000). Trên bức tranh tác giả có đề đôi câu đối như một lời đề dẫn:
Bốn tám lời nguyện của Phật Di Đà giảng giải, tiếp dẫn chín loài cùng sinh lên chín phẩm Hoa sen.
Mười hai ánh hào quang hiển hiện, soi tỏ chúng sinh ba nẻo ác đều chứng được ba thân.
Theo quan niệm nhà Phật, họa sỹ lý giải: cấp chứng ngộ từ thấp lên cao, từ chúng sinh lên thành Phật có 9 phẩm. Ai chứng ngộ được cấp bực nào trong 9 phẩm thì sau khi chết đều được lên cõi Tây phương Cực lạc của Phật Di Đà. Còn ba nẻo Địa ngục, Ngạ quỷ (quỷ đói) và Súc sinh giành cho chúng sinh gây tội ác nghịch thì không được vãng sinh hoặc tái đầu thai làm người.
Ba thân là Pháp thân, Báo thân và Hóa thân, tương tự như ba vị Phật ở 3 thời Quá khứ, Hiện tại và tương lai.
“Cửu phẩm liên hoa” được hoàn thành trong thời gian họa sỹ lưu trú ở chùa Bút Tháp. Trong chùa có cây Cửu phẩm xoay, biểu thị sự chuyển nghiệp từ ngu sang trí, từ trói buộc đến giải thoát, từ chúng sinh lên Phật. Cũng như hình ảnh cây Cửu phẩm, mộc bản “Cửu phẩm liên hoa” chính là toàn hình của đức Phật Di Đà.
Vậy là trong những tác phẩm của Đạo Giáo hay Phật Giáo, nghệ thuật truyền thống hay hiện đại thì người nghệ sỹ không chỉ dừng lại mô tả cái hiện thực mà còn luôn phóng chiếu những khát khao thay đổi số phận. Có bao nhiêu nhân vật trong tranh là từng ấy ham muốn, khát vọng. Đó là không gian siêu thực, một phối cảnh lạ lùng giữa thức tỉnh và hư ảo, cái mà người ta không thể Nhìn mà chỉ có thể tìm thấy trong những Giấc Mơ.

Rẽ xuống địa ngục
Con người ta cũng luôn tin rằng ngoài dương gian còn có Âm phủ nơi các vong hồn vẫn có một cuộc sống tiếp theo.
Sau khi chết vong hồn được dẫn qua sông Nại Hà- cảnh giới Dương gian và Âm phủ. Mọi vỏ lốt, phục sức, đẳng cấp, giàu sang, hèn khó đều bị trút bỏ để trở lại cái nguyên sơ ban đầu. Các vong hồn được dẫn qua Nghiệt kính đài để nhìn lại không sót một công hay tội nào. Từng công tội lại được các phán quan, lục sự cân đong. Tùy mức công tội mà vong hồn sẽ có sáu nẻo đường chuyển kiếp và giải thoát. Ba nẻo Thiện làm đế vương, công hầu, khanh tướng; giàu sang, phú quý; góa bụa, cô quả, nghèo hèn. Ba nẻo Ác là: đầu thai thành chim; thú; côn trùng, sâu bọ, cua, cá. Chặng cuối của đầu thai, chuyển kiếp các vong hồn lại một lần nữa phải vượt qua và uống nước sông Mê, bến Lú để rũ bỏ hết mọi Thiện, Ác, sang, hèn… của kiếp trước.
Người ta thống kê một cách phiếm chỉ con người thường phạm 108 tội lỗi. Tội lỗi được phân loại theo việc phạm vào ngũ giới của nhà Phật như sát sinh, trộm cướp, tà dâm, dối trá lường gạt và… uống rượu.
Tương ứng với các tội là một hệ thống các khung hình phạt như phanh thây, cưa chân, đưa thân vào cối giã, móc mắt, dùng kìm nung đỏ rút lưỡi, bỏ vào vạc dầu sôi, ngâm trong ao máu bẩn, dồi thuốc pháo vào rốn, cột pháo quanh thân rồi đốt…
Tôi không có khoái cảm với cái Ác nhưng thường đứng lại rất lâu trước các tranh Thập điện Diêm vương. Sau nhiều lần trở lại chùa Chuông, Phố Hiến, Hưng Yên, chùa Trăm gian Hà Nội hay viếng thăm các tu viện Tây Tạng, chùa đền ở Nepal, Myanmar… điều kỳ lạ là tâm trạng trở nên bình thản đến lạ lùng. Tôi đã dần dần gác lại những câu hỏi đại loại: các đại hình là diễn nôm những ác mộng? Hitle, Saadam Hussein thì đã bị xử ngay trên trần gian. Nhưng những kẻ hiếu sát như Vờ La đi Mỉa, phạm tội ác chống nhân loại hay Sờ Ta Lỉn, Mảo Trạch trấu, Pôn Pốt…cùng một vài lãnh tụ đuôi to (vỹ đại) thì sẽ được Diêm Phủ áp khung hình nào? Hiện nhiều kẻ vẫn chềnh ềnh trong lăng tẩm thì quỷ Vô Thường đầu trâu mặt ngựa làm sao dẫn độ? Mười phiên tòa có đủ sức để ghi chép tội ác của bọn này? Hậu duệ của chúng đang cướp đất của dân đen, đàn áp trí thức mai này có đường thứ bảy cho chúng giải thoát?
Lần đầu tiên tôi có cảm giác rằng mình sẽ xóa bỏ được những thù hận với lũ quỷ mặt người ấy là dịp tới Đôn Hoàng. Tranh tường vẽ cảnh cân phúc, cân tội ở hang 254 Đôn Hoàng Trung Quốc (thời Bắc Triều, 356-534) được thể hiện một cách nhẹ nhàng, ít tạo cảm giác bị trấn áp, đe dọa hay gây sốc.
Hơn thế nữa, sau khi tập hợp tư liệu khá đa dạng, tôi “phát giác” phần lớn gương mặt, thần thái các vong hồn trong khi thụ hình lại có vẻ an nhiên. Rất nhiều vong hồn trong tranh thờ Đạo Lão còn cười rất tươi tắn. Thân hình của các vong hồn nữ trong điêu khắc ở chùa Patal Nepal lại còn khá… quyến rũ. Ngỡ tưởng các nghệ sỹ tạo hình còn mang theo cảm hứng lãng mạn trong từng nhát đục hay cách day ngọn bút.
Về nhận thức, tôi tự thấy mình cần phải học hỏi các tiền nhân. Họ đã quá thấu hiểu địa ngục trần gian.
Những bi kịch, đau khổ trong Thập điện là bi kịch thực, đau khổ thực. Đã chứng ngộ nên họ vẽ Đời và đặt tên tác phẩm là Thập điện Diêm vương? Có những tranh vẽ, điêu khắc đã tồn tại và tiếp tục phát sinh từ hàng nghìn năm trên các chùa đền. Vậy là những cực hình để đày đọa số phạn từng con người lại là một phần tất yếu của cuộc sống. Điều đó có lý giải cho hiện tượng phần lớn những khẩu hiệu hay ho nhất về quyền tự do lại được gương cao bởi những kẻ độc tài. Những lời hiệu triệu quyến rũ nhất về giá trị độc lập của dân tộc lại thoát ra từ miệng những kẻ sẵn sàng bán đứng quyền lợi của Tổ Quốc…

Giấc mơ ban ngày

Tuy nhiên về hành động tôi chưa biết làm thế nào để
Tôi bắt chước trò chơi cắt dán của trẻ con nhưng cố gắng sắp xếp theo lối đồng hiện như Dẫn hương lộ hay “Cửu phẩm liên hoa”. Tôi lựa chọn phép so sánh giữa quan niệm siêu thực xưa cũ của người phương Đông với quan niệm về siêu thực hiện đại của phương Tây….
Tôi thử đặt những bức ảnh chụp tranh thờ Đạo Lão của các thày Tào bên tranh khắc Thập điện Diêm vương của họa sỹ người Anh Simon Redingto; đặt điêu khắc gỗ quỷ Vô Thường đầu trâu mặt ngựa ở chùa Trăm gian bên cạnh điêu khắc đồng của Dali; Đặt tranh vẽ của Rob Gonsalves (Canada) một họa sĩ tiêu biểu của phong cách siêu thực bên cạnh hình ảnh nội thất trong Trung tâm khoa học Rujong Singapore; Đặt đàn Nam Giao bên đỉnh Olympia; Đặt Kim tự tháp bên cạnh Bảo tàng Louvre Paris của Ieoh Ming Pei; Đặt thơ của Đặng Trần Côn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du bên cạnh thơ của André Breton ….
Sau hàng loạt xáo trộn, trò chơi xếp hình ấy bất chợt chỉ ra giúp tôi khoảng cách rất khác biệt giữa hai không gian nghệ thuật. Cái siêu thực của phương Đông vẫn cố khu trú trong lãnh địa tín ngưỡng, tôn giáo hay cô đặc lại trong một góc nhỏ trong đời sống tinh thần một bộ phận trí thức. Xu hướng siêu thực phương Tây lại có xu hướng lan tỏa tới nhiều không gian nghệ thuật cũng như các ngõ ngách của đời sống. Siêu thực phương Đông đi theo vòng xoáy tình cảm, tâm linh, chiêm nghiệm và còn phương Tây lại hướng đến lý trí , khoa học và trong chừng mực nào đó chủ nghĩa siêu thực còn là hạt nhân cho những xu hướng cách mạng xã hội.
Cho đến hôm nay, những bất công của một xã hội chuyên quyền, suy đồi đã mãi mãi chôn chặn cảm xúc siêu thực của Nguyễn Trãi trong một tinh thần tiêu dao của một nhân sỹ bất đắc chí.
Còn trong một môi trường mà tự do được ngợi ca, André Breton đã lên tiếng: ” Siêu thực là thao tác tự động thuần túy tâm linh. Là bài chính tả mà tư tưởng đọc ra mà vắng mọi kiểm soát của lý trí… “. Tuyên ngôn siêu thực này đã mau chóng trở thành một chủ thuyết có ảnh hưởng bao trùm trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật cũng như đời sống.
Hơn nửa thế kỷ sau, cũng trong một môi trường ngợi ca tự do và khát vọng cá nhân, những tác phẩm “Thời đại hoàng kim” (1930), “Sự dai dẳng của ký ức”, “Giấc mơ” (1931)… của Salvador Dali đã mách lối, thúc giục Rob Gonsalves chối bỏ lối vẽ phá phách, diễn tả cái khác lạ mà không lập dị, bất ngờ mà không phi lý, đầy ảo giác mà không hoang tưởng.
Đến lượt mình, các tác phẩm “ Bước trên đá hay trường thành?”, “Chiếc chăn màu trắng”, “Dòng suối”… của Rob Gonsalves ở Bắc Mỹ xa xôi đã gợi ý cho các kiến trúc sư, các nhà thiết kế nội thất của Trung tâm Khoa học Rujong ở Nam Á mang đến cho trẻ em những giấc mơ thần tiên.
Biết đâu những quan niệm siêu thực này đã lan tỏa, ảnh hưởng tới lối thiết kế theo phái Giải tỏa kết cấu mà Zaha Hadid đã thể hiện trong tác phẩm Trạm cứu hỏa Vitra, Weil am Rhein, Đức (1993), Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Rosenthal, Cincinnati, Ohio, Mỹ( 1998 )
Những thống kê trên không chỉ diễn đạt khả năng biến đổi cảm nhận thị giác, về ý tưởng, về không gian vô hạn, hữu hạn. Nó minh chứng cho sự cao siêu trong trí tưởng tượng, những khát vọng thay đổi trật tự mới cho đời sống.

Thức tỉnh
Suy đi ngẫm lại, tôi nhận thấy André Breton, Dali, Rob Gonsalves hay Zaha Hadid… có làm gì mới hơn cái cách thầy Tào đã vẽ dẫn hương lộ hay Lê Quốc Việt khắc “Cửu phẩm liên hoa” đâu?
Vậy mà sao từ tháp Bình Sơn (Vĩnh Phúc, khoảng TK13)*, một số bài thơ Nôm của Nguyễn Trãi (TK 15), một số tứ thơ trong Kiều của Nguyễn Du thế kỷ 19 đến thơ Hàn Mặc Tử, Hoàng Cầm, nhạc Trịnh Công Sơn hôm nay… không gian siêu thực của Việt Nam cứ teo tóp. Hình hài những khát vọng, ước mơ lớn của dân tộc cũng chỉ có thể lộ ra như một tam giác ngược đang chao đảo, chới với trên một chóp đáy, một tiếp điểm mong manh và rệu rã?
Vậy là thân xác chúng ta bị Ngạ quỷ đày đọa, Súc Sinh xui khiến? Tinh thần, cảm xúc chúng ta thiếu một sự chay tịnh, thanh sạch như cách thầy Tào trước khi ngồi vào vẽ tranh thờ? Kiếp trước chúng ta quên uống nước ở sông Mê, bến Lú nên tri thức không đủ sức giải tỏa bao sợ hãi vẫn găm lại trong tiềm thức? Hay là chúng ta không đủ tự tin để mơ một giấc mơ giữa ban ngày. Giấc mơ của những Con Người dám đập bỏ mọi gông cùm, trói buộc. Giấc mơ đi tới cùng Trời cuối Đất để tìm và phác họa cho mình cùng cộng đồng một vóc dáng siêu hình?

*Cũng như mỹ thuật, thi ca, các kiến trúc tôn giáo, tâm linh, tín ngưỡng truyền thống phương Đông (chùa tháp, lăng mộ, đàn, miếu…) là không gian mà người thiết kế diễn đạt khả năng kết hợp giữa nhận thức và mộng ảo, hướng tới những sáng tạo mang tính siêu thực. Đó cũng là giải pháp tác động tới những vùng tiềm thức, thỏa mãn nhu cầu tâm linh và khát vọng tự do của con người.

XEM HÌNH NƠI TRANG CHÍNH :
http://xuanbinhfreelance.wordpress.com/2010/01/06/thien-d%C6%B0%E1%BB%9Dng-va-d%E1%BB%8Ba-ng%E1%BB%A5c/




No comments:

Post a Comment