Tuesday, January 5, 2010

TÂN NIÊN của TRUNG QUỐC

Tân niên của Trung Quốc
Paul Krugman

Đăng ngày 05/01/2010 lúc 14:49:39 EST
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=4479
Lúc này thường là thời điểm để các học giả uyên thâm đưa ra những dự đoán cho năm mới. Những dự đoán của tôi nghiêng về lãnh vực kinh tế toàn cầu: Tôi cho rằng năm 2010 sẽ là năm của Trung Quốc. Nhưng tiên đoán này không chứa đựng điều gì tốt đẹp cả.
Đối với Trung Quốc, chắc chắn những vấn đề lớn lao đều liên quan đến hiện tượng thay đổi khí hậu. Nhưng hôm nay, đề tài tôi muốn nói đến là chính sách tiền tệ.

Trung Quốc đã trở thành một cường quốc thương mại và tài chính. Nhưng quốc gia này không ứng xử như những cường quốc kinh tế khác. Ngược lại, Trung Quốc đeo đuổi chính sách trọng thương. Họ cố gắng duy trì, một cách gượng gạo, tình trạng bội thu khá cao của cán cân thương mại. Nói một cách thẳng thừng, với hiện trạng khủng hoảng toàn cầu, chính sách này không khác gì một hành động cướp bóc.

Có thể trình bày chính sách này như sau: Khác với những đơn vị tiền tệ được thả nổi (đồng USD, Euro hay Yen), đồng Nhân Dân Tệ (NDT) được neo vào USD theo tỉ lệ hối đoái nhất định – 6.8 NDT/1.0 USD.

Với tỉ lệ hối suất này, nền công nghiệp Trung Quốc thụ hưởng được một hoàn cảnh thuận lợi với mức giá thành thấp so với các đối thủ thương mại. Hệ luỵ của nó là một cán cân thương mại thặng dư khổng lồ.

Bình thường, nguồn lợi tức (chủ yếu bằng USD) đến từ bội thu sẽ nâng cao giá trị của NDT, trừ khi dòng chảy vào này được bù trừ bằng luồng tư bản được giới tư nhân Trung Quốc huy động đầu tư ở ngoại quốc. Thật ra thì các doanh nhân quốc tế đang cố gắng đem tiền vào Trung Quốc để đầu tư chứ không có hiện tượng đem tiền ra khỏi Trung Quốc.

Hơn nữa, Bắc Kinh đang hạn chế nguồn tư bản nhập vào Trung Quốc, mặc dù chính quyền vẫn mua vào USD để đầu tư ra ngoại quốc, góp phần gia tăng quỹ dự trữ ngoại tệ lên đến 2 ngàn tỉ USD.

Chính sách này tuyệt hảo cho các liên doanh nhà nước chuyên về xuất cảng. Nó không hẳn là tốt đẹp cho người tiêu thụ Trung Hoa. Nhưng nó có tác động ra sao đối với chúng ta?

Trong quá khứ, số lượng ngoại tệ của Trung Quốc đã được chuyển vào Hoa Kỳ để thu mua trái phiếu và công phiếu Liên Bang. Vì vậy, hiện tượng gia tăng tích trữ ngoại tệ của Bắc Kinh đã được bào chữa rằng chính nó đã góp phần hạ thấp tỉ lệ lãi suất Hoa Kỳ – Dẫu rằng, lãi suất thấp đã là mồi lửa cho hiện tượng thổi phòng bong bóng địa ốc.

Nhưng hôm nay, lối bào chữa này không còn tính thuyết phục nữa. Thế giới đang bị ứ đọng bởi nguồn tư bản rẻ rúng đang tìm cơ hội để đầu tư: Tỉ lệ lãi suất ngắn hạn đã giảm xuống gần 0%. Tỉ lệ lãi suất dài hạn có cao hơn, nhưng nó cao vì giới đầu tư cho rằng chẳng chóng thì chầy chính sách «lãi suất 0%» sẽ phải chấm dứt. Hiện nay, việc Trung Quốc huy động ngoại tệ để mua trái phiếu hay công phiếu Hoa Kỳ chẳng có tác động gì trên lãi suất. Nếu có, tác động cũng sẽ rất hạn chế.

Trong lúc đó, bội thu thương mại của Trung Quốc đang cướp đi những nhu cầu mà thế giới đang cần một cách cấp bách trong tình hình trì trệ hiện nay. Theo tính toán sơ sài của tôi, chính sách trọng thương của Trung Quốc huỷ hoại khoảng 1.4 triệu công ăn việc làm tại Hoa Kỳ.

Trung Quốc từ chối nhìn nhận vấn đề này. Gần đây Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã gạt ngang những phàn nàn đến từ ngoại quốc khi ông tuyên bố: «Một mặt, quý vị muốn đồng NDT tăng giá và, mặt khác, quý vị cũng chủ trương áp dụng mọi hình thức thuế quan bảo hộ». Thật ra, một số quốc gia đã chủ trương những biện pháp bảo hộ rất khiêm nhường chỉ vì Trung Quốc từ chối không thả lỏng để đồng NDT tăng giá. Những biện pháp bảo hộ trên hoàn toàn thích đáng.

Có chắc là thích đáng không? Tôi thường được nghe hai lập luận chủ trương không thách thức Trung Quốc. Cả hai lập luận đều không đứng vững.

- Đầu tiên, có những người lên tiếng cho rằng chúng ta không nên chọn lựa giải pháp chạm trán vì Trung Quốc sẽ trút hết mọi tàn phá vào nền kinh tế Hoa Kỳ bằng cách bán tống bán tháo lượng USD mà họ dự trữ. Suy luận này hoàn toàn sai lầm không chỉ vì, làm như vậy, Trung Quốc sẽ tự giáng cho mình những tổn thất khổng lồ. Hơn thế nữa, những nhân tố đã tạo điều kiện cho chính sách trọng thương Trung Quốc gây thiệt hại đang trở thành những nguyên nhân hạn chế khả năng tài chính của Trung Quốc.

Như đã đề cập trên, thế giới đang bi ứ đọng bởi nguồn tư bản rẻ rúng. Vì vậy, không có lý do để lo ngại rằng lãi suất Mỹ sẽ tăng vọt nếu Trung Quốc đem nguồn USD ra bán lấy bán để. Hành động này chỉ có thể làm USD yếu đi so với các đồng tiền khác. Như vậy tác động sẽ rất tích cực chứ không tiêu cực cho khả năng cạnh tranh và cho công ăn việc làm tại Mỹ. Rõ ràng nếu Trung Quốc quyết định hành động như vậy, chúng ta sẽ gửi đến Bắc Kinh những lời cảm tạ chân thành.

- Song song đó cũng có lập luận cho rằng, trong mọi tình huống, phản ứng bằng chính sách thuế quan bảo hộ là một hành vi xấu xa. Nếu quý vị đồng tình với quan điểm này, quý vị đã hấp thụ môn kinh tế sơ đẳng từ những người thiếu hiểu biết. Thật vậy, mọi nguyên tắc, mọi quy luật sẽ không còn giá trị nào khi nạn thất nghiệp lên cao và khi chính phủ không phục hồi được tình hình toàn dụng nhân công.

Xin phép được trích dẫn một đoạn từ bài luận văn kinh điển của Paul Samuelson, người vừa qua đời cách đây không lâu nhưng cũng là người góp phần sáng tạo ra môn khoa học kinh tế hiện đại. Ông cho rằng: «Với tình trạng công ăn việc làm thấp hơn là cao… tất cả lý lẽ đã bị lố bịch hoá của hệ phái trọng thương đều trở nên xác thực». Lý lẽ của hệ phái trọng thương có thể tóm tắt như sau: những quốc gia hỗ trợ cho xuất cảng đều cướp đi công ăn việc làm ở các nước khác. Rồi Samuelson chứng minh rằng hiện tượng thiếu cân xứng trong tỉ lệ hối đoái làm nảy sinh những vấn nạn cho chủ thuyết tự do mậu dịch. Câu trả lời thích nghi nhất cho những vấn đề này là đem hệ thống hối đoái trở lại với trạng thái bình thường đáng lẽ phải hiện hành. Nhưng chính trạng thái này đã bị Trung Quốc ngăn cản không cho xảy ra.

Nói cho cùng, chủ thuyết trọng thương của Trung Quốc ngày càng trở nên một vấn đề phức tạp. Các nạn nhân của chủ thuyết này không còn gì để mất trong cuộc chạm trán mậu dịch. Vì vậy, tôi khẩn khoản thôi thúc chính phủ Trung Quốc xét lại thái độ ương bướng của mình. Bằng không, tình trạng bảo hộ mà Bắc Kinh đang than phiền, mặc dù tầm vóc vẫn còn hạn chế, sẽ trở nên to tát hơn.

Paul Krugman

Nguồn:
The New York Times, ngày 31.12.2009.
Nguyễn Huy Đức chuyển ngữ
© Thông Luận 2009



No comments:

Post a Comment