Sunday, January 24, 2010

PHIÊN TOÀ BÔI BÁC của MỘT NỀN TƯ PHÁP 'LÂM NGHIỆP"

Phiên Tòa bôi bác của một nền Tư pháp "lâm nghiệp"
Kami
Jan 24, '10 7:23 AM
http://postsbykami.multiply.com/journal/item/49/49
Nhiều ngày qua, sau vụ xét xử đối với bốn nhân vật đối kháng, gồm luật sư Lê Công Định và các ông Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long về các tội danh lật đổ chính quyền tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 20/1/2010 đã kết thúc. Nhưng phản ứng của dư luận xã hội trong và ngoài nước còn bàn tán chưa dứt, bởi tại phiên tòa ấy đã có quá nhiều hành vi bộc lộ hết bản chất “hèn hạ” của một chính quyền nhà nước, nhưng không xử sự được ở một mức tối thiểu của chuẩn mực Tư pháp mà các hệ thống tư pháp của bất kể quốc gia nào trên thế giới trong thế kỷ XXI cũng phải có.

Nhiều người tỏ ý ngạc nhiên về sự bôi bác, cẩu thả, quá mức lộ liễu và bất chấp luật lệ của phiên tòa xét xử vội vã này, với thời gian chỉ vẻn vẹn có 8 giờ làm việc, đã có hàng loạt tình tiết , sự việc vi phạm quy định xét xử của một phiên tòa theo Bộ luật tố tụng hình sự và bao nhiêu tiểu xảo hèn mạt để bịt miệng một số bị cáo bằng kỹ thuật và dùng các tiểu xảo hèn hạ nhằm ngăn chặn các nhà báo, các giới chức ngoại giao, các nhân viên của các tổ chức quốc tế và người thân của bị cáo v.v.. tới dự phiên tòa “công khai” xét xử bốn bị cáo với tội danh nghiêm trọng “Hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân”.

1. Trong phiên tòa:

Bôi bác nghĩa tiếng Việt là làm qua quýt, chiếu lệ cho có và cho xong mang tính chất đối phó vô trách nhiệm. Nói chung ở Việt nam với tất cả các phiên tòa xét xử các tội danh nhạy cảm (liên quan đến chính trị) đều tiến hành chiếu lệ với các bản án đã được chỉ đạo và định sẵn từ các cơ quan cấp trên tùy theo mức độ nghiêm trọng của bản án mà tương xứng với cấp chỉ đạo bản án. Hội đồng xét xử chỉ là những hình nộm bằng xương bằng thịt, biết hít thở khí trời như những sinh vật khác, làm việc theo sự chỉ đạo của một số người lãnh đạo của đảng CSVN trong “hậu trường” để giật dây.
Đòi hỏi duy nhất và yêu cầu của sự chính xác trong cách làm việc của Hội đồng xét xử (HĐXX) là ở chỗ những người trong HĐXX họ biết ngồi đúng ghế của mình theo quy định chứ không có sự ngồi nhầm ghế của thành viên khác trong hội đồng. Vì thực ra những vị trong HĐXX gồm Thẩm phán Nguyễn Đức Sáu, Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM làm chủ tọa, thừa ủy quyền VKSND tối cao, đại diện VKSND TP.HCM giữ quyền công tố tại tòa gồm hai kiểm sát viên Đỗ Ngọc Oánh và Trần Văn Cảnh và ba hội thẩm nhân dân họ ngồi ghế nào thì bản án vẫn không thay đổi bởi toàn bộ HĐXX là người của đảng CSVN thì không thể khách quan được.
Những người được phép theo dõi phiên tòa nói trên trực tiếp hay gián tiếp qua các màn hình đặt cạnh phòng xử án như các phóng viên truyền thông trong nước và quốc tế, thân nhân các bị cáo, các viên chức ngoại giao và tổ chức quốc tế v.v..đều có chung một nhận xét rằng họ thất vọng về phiên xử nói trên. Đặc biệt là cách làm việc của Hội đồng xét xử đối với phiên tòa quan trọng để xét xử các bị cáo với tội danh đặc biệt nghiêm trọng là “Lật đổ chính quyền nhân dân”, Hội đồng xét xử và chủ tọa phiên tòa Thẩm phán Nguyễn Đức Sáu, Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM đã không tuân thủ nghiêm và triệt để Bộ luật tố tụng hình sự về quyền và trách nhiệm của các bên trong việc tranh luận tại phiên tòa.
Cụ thể:
- Là một phiên tòa quan trọng nhưng được xét xử công khai nhưng những quan sát viên các tổ chức quốc tế, các nhân viên ngoại giáo và các thân nhân của bị cáo chỉ được ngồi ở phòng bên cạnh xem qua màn hình còn tại phòng xử án trong cuộc trao đổi với đài RFA ngay sau phiên xử, ông Nguyễn Tự Tu, thân phụ của anh Trung trực tiếp quan sát phiên toà, cho biết: “Chúng tôi phải ngồi bên ngoài giống như các phóng viên khác, nhưng các phóng viên nước ngoài thì ngồi phòng khác, còn chúng tôi phải ngồi phòng khác. Còn trong phòng xử án thì họ lại đưa những người trong Chi bộ Đảng vào, có 6 người trong xóm tôi có mặt. Họ cho xe đến để chở đi, đưa về, nghe nói mỗi người được trả 50 ngàn. Còn gia đình thì lại không cho vào. Tôi với Ngọc Khánh, vợ của luật sư Định, phản đối nhưng họ bảo họ là cấp dưới chỉ chấp hành lệnh của cấp trên thôi.”
-Theo dự kiến người ta cho rằng do tính chất vụ án với tội danh nghiêm trọng và nhiều bị cáo phiên tòa quan trọng này sẽ được diễn ra trong hai ngày 20-21/1/2009 và cho đến phút chót Hội đồng xét xử đột ngột cho nghị án và tuyên án ngay lập tức (17h ngày 20/1/2009) trước sự bàng hoàng và sửng sốt của bị cáo và những người theo dõi phiên xử.
- Mỗi khi bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức, bị cáo Lê Thăng Long nói thì loa RÈ không nghe được kể cả khi hai bị cáo này được phép nói những lời cuối cùng trước tòa người nghe cũng không được nghe trọn vẹn, khi luật sư Triệu Quốc Mạnh nói thì micro bị CÂM, đồng thời, 3 người này bị chủ tọa ngắt lời liên tục, không cho nói tiếp. Chủ tọa phiên tòa và Viện kiểm sát mất rất nhiều thời gian ca ngợi những thành quả lãnh đạo của Đảng đối với đất nước như tăng trưởng GDP, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt… và cho rằng những tồn tại có tính chất đơn lẻ và đang được khắc phục dần dần, nhưng lại thẳng thừng ngắt lời 2 bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức, bị cáo Lê Thăng Long và LS Triệu Quốc Mạnh.
- Mọi việc làm có tính cách ôn hòa của các bị cáo đều bị qui kết là nhằm “lật đổ chính quyền nhân dân”. các bị cáo không được nói hết những suy nghĩ của mình trước tòa và mọi đòi hỏi của các bị cáo đều được cho qua không được xem xét giải quyết theo luật định. Ví dụ:
+ Bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức nói: “Tất cả quá trình này đều vi phạm nghiêm trong Bộ luật tố tụng hình sự, trong quá trình hỏi cung, bị cáo đã bị truy bức, nhục hình”. Khi bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức nói được một hai câu thì chất lượng âm thanh rất xấu đi, rất rè, bên ngoài không nghe được gì. Một chi tiết đáng xấu hổ là Chủ tọa phiên tòa hỏi (tưởng là hỏi chiếu lệ): “Các bị cáo có chấp nhận phiên tòa với hội đồng xét xử này không?” Cũng ngay lập tức bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức không thừa nhận toàn bộ hộ đồng xét xử này, vì cho rằng “tất cả các thành viên hội đồng này đều là đảng viên Đảng Cộng Sản (ĐCS), việc xét xử không thể khách quan, công tâm và yêu cầu thay toàn bộ hội đồng xét xử”. Lúc này thì tiếng loa rất rè không ai nghe được gì (!?). Tuy nhiên phiên tòa cũng được dừng khoảng 20 phút để H ĐXX thảo luận , và sau đó Chủ tọa tuyên bố không chấp nhận yêu cầu của bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức
+Bị cáo Lê Thanh Long cũng “cứng đầu”, không chấp nhận cáo trạng thì được chung một số phận như Trần Huỳnh Duy Thức là loa RÈ mỗi khi đến lượt bị cáo này được phép phát biểu. Tại phần thẩm vấn bị cáo, Lê Thanh Long khai “Đơn xin khoan hồng” được viết khi bị Cơ quan an ninh điều tra (CQANĐT) khủng bố về tinh thần (loa lại RÈ) và tố cáo CQANĐT bắt bớ sai luật. Bị cáo Lê Thanh Long phản đối ” Bị cáo không làm gì vi phạm pháp luật, yêu cầu HĐXX không được suy diễn tùy tiện”.(loa lại rè)
Trong phần bị cáo Lê Thăng Long tự bào chữa, bị cáo Lê Thanh Long đã tố cáo rằng trong trại giam, bị cáo có gửi bản khiếu nại, tố cáo, nhưng không được Cơ quan An ninh điều tra (CQANĐT) tiếp nhận giả quyết theo luật định. (loa lại RÈ). Bị cáo Lê Thanh Long còn tố cáo CQANĐT đã làm sai lệch hồ sơ vụ án và vi phạm qui định trong thời gian bị cáo bị tạm giam và Bản kết luận điều tra của CQANĐT Bộ công an là một sự dối trá và Cáo trạng của VKS chỉ có một phần sự thật.
+ Luật sư Triệu Quốc Mạnh bào chữa cho bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức, mặc dù với tư cách là người bào chữa cũng bị đối xử không kém phần hai bị cáo trên. Trong trong phần thủ tục, chủ tọa Nguyễn Đức Sáu kiểm tra lý lịch từng bị cáo, tiếp theo, về quá trình bắt giữ và hỏi cung các bị cáo của cơ quan an ninh điều tra có đúng thủ tục tố tụng không?
Sau khi bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức nói: Tất cả quá trình này đều vi phạm nghiêm trong Bộ luật tố tụng hình sự, trong quá trình hỏi cung, bị cáo đã bị truy bức, nhục hình. Luật sư Triệu Quốc Mạnh được lên phát biểu nhưng micro bị câm không phát ra âm thanh nào, nên người ngồi dự bên ngoài không biết luật sư Triệu Quốc Mạnh nói những gì. (!?)
+ Điều đáng ngạc nhiên là khi bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức kêu quá mệt không tự bào chữa được, đề nghị HĐXX cho dời đến hôm sau (21/1/2009) vì còn có nhiều vấn đề khác còn đang tranh tụng. Bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức nói CQANĐT không cho bị cáo mang bản “Kết luận điều tra” và bản “Cáo trạng” theo, mà đây là quyền của bị cáo được ghi trong Bộ luật tố tụng hình sự. Do vậy bị cáo phải thức 2 ngày 2 đêm học thuộc hai tài liệu nói trên để có thể tự bào chữa cho mình, nên bây giờ rất mệt, không nói được nữa, đề nghị hoãn phần bào chữa này đến ngày hôm sau. Nhưng cuối cùng HDXX vẫn cứ tuyên án như không có chuyện gì xảy ra. (!?)
- Theo bloger có nick menam0 trên mang Multiply đã để ý tin tức tường thuật trên báo chí của nhà nước về phiên tòa này và cho một thắc mắc thú vị để cho thấy rõ trước khi phiên tòa xét xử thì HĐXX đã có bản án “bỏ túi” của cấp trên giao cho, Blogger menam viết “Nếu mình không hoa mắt mà đọc nhầm tin tức thì trong một phiên tòa “xét xử công khai” – thời gian nghị án là 10 phút và khi tuyên án thì mất những 45 phút để hai người thay nhau đọc.???? Suy luận logic ==> người ta typing bản tuyên án vào thời gian nào???”

2. Ngoài phiên tòa:
Theo thông báo của báo chí trong và ngoài nước, phiên tòa xét xử này được đối phó một cách nghiêm ngặt về mặt an ninh có lẽ cách diễn tả của phóng viên đài Á Châu Tự Do đã mô tả là nhà nước “ứng xử như sắp có đại loạn”.
Công tác đảm bảo an ninh trật tự trước và sau phiên tòa được áp dụng các biện pháp an ninh cao nhất có thể có, trên các ngả đường đổ về trụ sở Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ chí Minh 131 nam Kỳ Khởi Nghĩa ở khắp các ngã tư các lực lượng cảnh sát và an ninh chìm, nổi được phân công theo dõi, giám sát khu vực này rất nghiêm ngặt theo nhiều tầng, nhiều lớp khác nhau. Một blogger trẻ, người đã đến bên ngoài phiên tòa, cho biết: “Công an dày đặc ở khắp nơi. Thật không thể tưởng tượng được là họ huy động toàn bộ lực lượng cho một phiên tòa hùng hậu như thế. Xe chở bộ đội đặc công có vũ trang chạy ra vào rầm rập. Thỉnh thoảng lại có mấy chiếc xe tù chạy vòng vòng thị uy. Nếu làm một phép tính, hẳn một người đứng bên ngoài phiên tòa sẽ hân hạnh có từ 6 đến 8 người lạ mặt chăm sóc, đến cả đi mua nước uống và đi WC ở công viên bên cạnh cũng có người đi theo và nghe dùm điện thoại cho mình. Thật không thể nào tin được.”
Mọi hành động của những kẻ bị tình nghi đều được đặt vào kính ngắm của chính quyền và bị xử lý kịp thời một cách thô bạo vô lý, như trường hợp của hai blogger Anhbasaigon và Seafree “can tội” ngồi uống cafe và nói chuyện với bạn bè tại một quán cafe gần khu vực đó là một ví dụ điển hình.

3. Độc chiếm truyền thông và ngăn chặn sự quan sát của quốc tế:
Chưa hết, trên các phương tiện truyền thông của nhà nước quản lý với đội ngũ hùng hậu, với hàng trăm tờ báo hình, tiếng, báo in hay báo oline từ nhiều tháng nay dưới sự chỉ đạo của đảng đã thay nhau làm việc của tòa án phải làm là luận và kết tội các nhân vật kể trên hòng định hướng dư luận. Ngược lại với những trang mạng oline lề bên phải nổi tiếng như X-cafe, Danluan, Báo Tổ quốc… hay những trang như bauxite.info, Talawas, Đối thoại … đã bị đánh gục trong các chiến dịch dọn đường trước đó, thì đã chịu thảm cảnh các cuộc oanh tạc của những đợt tấn công “từ chối dịch vụ (DDos)” dẫn tới hầu như bị tê liệt trong các ngày trước và sau xử án. Ban quản trị các trang mạng nói trên đã kịp thời sử dụng các trang blog để làm cầu nối với bạn đọc thì chỉ sau vài giờ đồng hồ không hiểu vì lý do gì cũng bị từ chối dịch vụ (!?).
Với các khách nước ngoài thuộc giới ngoại giao, truyền thông nước ngoài, các tổ chức liên quan đến bảo vệ nhân quyền, Tổ chức ân xá quốc tế hay Hiệp hội Luật sư Quốc tế (IBA)…thì nhà nước dùng các biện lừa gạt, cố tình cấp lộn visa, cấm không cho họ vào nơi xử án bị ngăn trở không cho tham dự phiên xử bốn nhà bất đồng chính kiến tại thành phố Hồ Chí Minh hồi ngày 20 tháng giêng vừa qua. Ví dụ như hai quan sát viên thuộc Hiệp hội Luật sư Quốc tế, IBA, bị ngăn trở không cho tham dự phiên xử và ngay sau phiên xử họ đã buộc phải làm việc với cơ quan An ninh Việt nam. Theo các tổ chức này, việc có mặt của họ đã trở thành thông lệ cử quan sát viên đến các phiên xử được cộng đồng quốc tế chấp nhận, họ tin rằng sự hiện diện của những quan sát viên độc lập, không thiên vị giúp tạo thuận lợi cho qui trình xử án đúng chức năng, cũng như bảo đảm quyền được phán xử công bằng.

Lời bàn:
Việt nam là một quốc gia có chủ quyền có luật pháp, là thành viên LHQ và đang nắm vai trò chủ tịch Asian, đã tham gia làm thành viên và ký kết các công ước quốc tế. Vậy không hiểu lý do gì mà giai đoạn gần đây nền tư pháp Việt nam đã xuống cấp ở mức báo động? Chính quyền Việt nam đặc biệt là bộ máy tư pháp và các cơ quan bảo vệ pháp luật có những hành động nhạo báng công lý và lương tri của loài người tiến bộ. Thật đau lòng khi nghe Janice Beanland thuộc tổ chức Ân Xá Quốc Tế nói ” Diễn tiến phiên tòa khiến cho chúng tôi thấy rất đáng nghi ngờ là các bị can đã được xem là vô tội cho đến khi họ bị tòa buộc tội. Trong một vụ án quan trọng như thế, mà các quan tòa chỉ thảo luận vỏn vẹn trong vòng 15 phút để rồi đưa đến một bản án phải mất 45 phút mới đọc xong, thì đây rõ ràng là những dấu chỉ cho thấy việc kết tội cũng như bản án đã được định đoạt trước phiên tòa. Điều này hoàn toàn vi phạm nguyên tắc căn bản là các bị cáo phải được xem là vô tội cho đến khi được xét xử”.
Những sự việc trên đây diễn ra trong và ngoài phiên tòa xét xử các nhân vật chống đối như Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thanh long trong vẻn vẹn 8 giờ đồng hồ ngày 20/1/2009 vừa qua. Điều đau buồn và hổ thẹn nhất của những người có lương tri và tôn trọng công lý là trong 8 giờ đồng hồ đó thì thời gian buộc tội và đọc lời tuyên án trước tòa mất nhiều thì giờ hơn là thời gian tranh luận để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, vậy mà qua đó những lời buộc tội và tuyên án này được viết ra sẵn từ trước vẫn được coi như một bản án của một chính quyền nhà nước tự xưng là chính quyền của nhân dân.
Dư luận xã hội trong và ngoài nước họ không bàn tới bản án dành cho các bị cáo nặng hay nhẹ, mà người ta quan tâm tới chất lượng của một phiên tòa công minh và thượng tôn pháp luật. Xét xử công khai thì tối thiểu những quan sát viên quốc tế, phóng viên báo chí trong và ngoài nước, thân nhân các bị cáo là hàng đầu phải được phép vào bên trong phòng xử án chứ không thể kiểu bỏ tiền thuê người vào ngồi kín chỗ thì thật quá tiểu nhân. Phiên tòa công bằng và nghiêm minh thì phải tuân thủ đúng và đủ Bộ luật tố tụng hình sự, tạo điều kiện kể cả thời gian và cơ hội cho bị cáo và luật sư của họ trình bày cho hết nhẽ, tranh luận tới thấy được lẽ phải mới xứng là quân tử. Nhất là với những phiên tòa nhạy cảm mà cả thế giới họ quan tâm như vụ án quan trọng này.
Không thể lấy lý do tranh giành quyền lực giữa các phe nhóm trong nội bộ lãnh đạo cao cấp của đảng CSVN ra làm lời biện minh vì sự vụng về và bôi bác của phiên xử này nghe không có sức thuyết phục, đừng đem chuyện của một nhóm đầy tớ ra để dân lành khổ lây kiểu “Trâu bò đánh nhau con người chết” như vậy. Sao vì quyền lực lại phải tranh giành cắn xé nhau mà không để nhân dân, những người chủ của đất nước họ lựa chọn ai là người lãnh đạo?
Một Nhà nước pháp quyền của dân thì tam quyền Lập pháp-Hành pháp-Tư pháp phải độc lập, Hiến pháp và luật pháp phải nghiêm minh và được coi trọng, mọi người phải bình đẳng trước luật pháp và Hiến pháp phải được tôn trọng triệt để thì mới duy trì được phép nước. Vụ án ô nhục nói trên cũng là bài học cho những kẻ tán thành cái chủ trương gọi là Đảng CSVN được phép ngồi xổm trên ba cơ quan trên mà ngay trong Hiến pháp nước CHXHCN Việt nam không chấp nhận tình trạng này.
Một phiên tòa tồi tệ và bôi bác như phiên tòa đầu năm mới vừa qua chính là hệ quả của một chính quyền vô luật pháp, sử dụng mọi thứ tiểu xảo đê hèn vì cái lợi ích trước mắt của một số kẻ cầm quyền phe bảo thủ thì không thể gọi là một nhà nước, mà chỉ thể gọi là một Du Đảng. Đó là Đảng của những kẻ Du côn, của một nền tư pháp mang tính chất “lâm nghiệp”, thiếu sự đàng hoàng của một chính nhân quân tử thì làm sao được gọi là một đảng đại diện cho quyền lợi của dân tộc, cho nhân dân?
Không biết có phải vì ông cầm đầu Du Đảng ấy học ngành Lâm nghiệp ra không mà để đất nước đến nông nỗi ngành Tư pháp chơi toàn luật rừng thế?
25/1/20010

© Kami 2010


No comments:

Post a Comment