Sunday, January 24, 2010

NHỮNG BẢN ÁN THÁCH ĐỐ DÂN CHỦ và CÔNG LÝ

Những bản án thách đố dân chủ và công lý
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA
2010-01-24
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Sentences-to-challenge-democracy-and-justice-qa-mlam-01242010091308.html
Tòa án nhân dân thành phố Saigon trong phiên xử sơ thẩm ngày 20-01-2010 đã tuyên phạt 4 nhà trí thức hoạt động tranh đấu ôn hòa đòi dân chủ là Luật sư Lê Công Định, doanh gia Lê Thăng Long 5 năm tù, 3 năm quản chế, Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung 7 năm tù, 3 năm quản chế, Kỹ sư điện toán Trần Huỳnh Duy Thức 16 năm tù, 5 năm quản chế.
Trước phiên xử, Luật sư Trần Thanh Hiệp, chủ tịch Trung tâm Việt Nam về Nhân quyền, trụ sở đặt tại Paris, có nói ông đợi kết quả là bản án sẽ tuyên để đưa ra nhận định đầy đủ. Sau khi được biết phán quyết ngày 20-01-2010 của tòa án, Luật sư trần Thanh Hiệp đã bổ sung ý kiến của ông như sau trong cuộc trao đổi với BTV Mặc Lâm của Đài ACTD.

Một vở bi hài kịch

Video phiên tòa xử 4 nhà đấu tranh tại Việt Nam hôm 20-1-2010. (Đoạn video này do một người lấy tên missthuymiss đưa lên youtube)

http://www.youtube.com/watch?v=L3g5fFbNOks&feature=player_embedded

Mặc Lâm: Trước khi tòa án xử vụ 4 nhà trí thức hoạt động ôn hòa đòi dân chủ, Luật sư có nói là muốn đợi biết nội dung bản án sẽ tuyên để đưa ra nhận định đầy đủ của ông về phán quyết này. Bây giờ Luật sư biết rồi vậy xin Luật sư bình luận về việc xét xử của tòa án, về thái độ trước tòa của các bị cáo và về những hình phạt họ đã phải chịu. Theo luật sư thì các bị cáo vô tội nhưng theo tòa án thì họ có tội nên đã tuyên những hình phạt từ nặng đến rất nặng, 2 người mỗi người 8 năm, 1 người 10 năm, và một người 21 năm cả tù lẫn quản chế. Sự khác biệt này có làm cho luật sư ngạc nhiên không?
LS Trần Thanh Hiệp: Tôi xin nói ngay rằng tôi rất ngạc nhiên, nhưng không phải vì tòa đã kết tội những bị cáo vô tội mà vì tôi thấy phiên xử ngày 20-01-2010 của tòa án nhân dân Saigon đã phô bày bộ mặt lem luốc của cái gọi là pháp quyền và phong cảnh chính trị dân chủ xã hội chủ nghĩa trên quê hương thật giống như một một vở bi hài kịch đang ồn ào lưu diễn. Và trong tôi những ngạc nhiên, những bất mãn và phẫn nộ bỗng biến thành một nỗi buồn man mác khi nghĩ tới tương lai đất nước.

Mặc Lâm: Phải chăng luật sư có ý muốn nói luật sư đã ngạc nhiên và phẫn nộ vì bất mãn khi thấy tòa án đã áp dụng sai luật khiến cho các bị cáo hàm oan mà mang án tù hay không?
LS Trần Thanh Hiệp: Không phải vậy. Tuy trong giai đoạn điều tra đã có không ít vi phạm về mặt áp dụng luật tố tụng hình sự nhưng đó chỉ là những tệ hại nhỏ.
Tệ hại lớn mà bản án ngày 20-01-2010 đã gây ra và - như ông Mark Kent, Đại sứ Anh ở Hà Nội đã tuyên bố - làm cho Việt Nam mất thanh danh trước cộng đồng quốc tế - lại là chính vì tòa án đã áp dụng thứ pháp luật phi nhân quyền của chế độ để xuống tay đày đọa không khoan nhượng những người tranh đấu ôn hòa đòi dân chủ.
Điều này tại diễn đàn của quý đài tôi đã nêu lên rất nhiều lần nhưng các nhà hữu trách ở Hà Nội đã bỏ ngoài tai. Cho nên tôi không ngạc nhiên khi thấy thứ pháp luật phi nhân quyền ấy chẳng những vẫn cứ được duy trì mà còn được tôn lên thành một thứ pháp quyền cao nhất. Nên tôi đã ngạc nhiên vì lý do khác.

Đàn áp dân chủ, bảo vệ độc tài


Mặc Lâm: Luật sư có thể nói ra được lý do đó không?
LS Trần Thanh Hiệp: Đó là tại phiên xử ngày 20-01-2010 của tòa án nhân dân Saigon đã có hai án văn, một dưới hình thức thành văn tuyên phạt tù và quản chế 4 nhà tranh đấu dân chủ về tội âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân và một nữa, không thành văn, gián tiếp xác nhận hai điều: Thứ nhất, nhà cầm quyền Hà Nội đã thực sự đàn áp dân chủ, thứ hai, chế độ đang được nhà cầm quyền Hà Nội bảo vệ là chế độ loại độc tài toàn trị thời Stalin.
Thật vậy, theo bản cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao thì 4 nhà hoạt động dân chủ đã bị coi là phạm tội “đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm an ninh quốc gia” vì tính chuyện “lật đổ chính quyền nhân dân bằng hình thức bất bạo động thực hiện âm mưu diễn biến hòa bình”. Rõ ràng là tranh đấu bất bạo động để diễn tiến hòa bình đi tới thay đổi dân chủ là phạm tội đặc biệt nghiêm trọng dưới con mắt của nhà cầm quyền Hà Nội. Và một chế độ trong đó hoạt động dân chủ bị coi là “phản động”, là một trọng tội hình sự có thể bị tử hình thì chế độ ấy không thể là gì khác hơn độc tài toàn trị thời Stalin.

Mặc Lâm: Nếu thế thì tại sao một luật gia xuất sắc và có tâm hồn dân chủ như Lê Công Định lại nhận tội trước tòa án?
LS Trần Thanh Hiệp: Tôi có nghe Lê Công Định nói trước tòa. Tôi thấy cần phân biệt hai Lê Công Định: một Lê Công Định bị cáo và một Lê Công Định luật sư tự bào chữa cho mình. Qua những lời biện hộ của ông, đứng về mặt lô gích luật học mà xét, thì ông chỉ nhìn nhận có phạm tội ông bị trách cứ chiếu điều 79 của Bộ luật Hình sự.
Cũng theo ông, Hiến pháp đã dành quyền lãnh đạo duy nhất đất nước cho Đảng cộng sản Việt Nam thì kêu gọi dân chủ đa nguyên đa đảng là muốn thay đổi thể chế chính trị ở Việt Nam. Ông tự xét rằng về mặt hành vi khách quan ông đã vi phạm điều 79. Ta có thể luận ra rằng theo ông Định, về mặt chủ quan và trên cơ sở luật quốc tế về nhân quyền mà Hà Nội đã tham gia, ông không phạm tội.
Trước sau, tôi không hề nghe thấy Lê Công Định thừa nhận rõ ràng trên cả hai mặt chủ quan cũng như khách quan, ông có phạm tội âm mưu lật đổ chính quyền. Đối với tôi Lê Công Định không chối cãi muốn thay đổi một cách ôn hòa thể chế chính trị độc quyền lãnh đạo ở Việt Nam nhưng ông không coi đó là tội lật đổ chính quyền nhân dân.

Mặc Lâm: Vậy có gì đáng buồn khiến luật sư phải than buồn?
LS Trần Thanh Hiệp: Vụ án Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long có thể là một biến cố để bộ mặt tư pháp trong nước trở nên tươi sáng hơn. Nhưng chính sách dùng pháp luật làm công cụ đàn áp nhân quyền, dân quyền một lần nữa đã làm thất vọng mọi thiện chí và đưa ra những thách đố mới cho dân chủ và công lý ở Việt Nam. Tại sao và tình trạng này còn kéo dài bao lâu nữa? Tôi không có câu trả lời nên không thể vui được.

Mặc Lâm: Xin cảm ơn Luật sư Hiệp và xin được nhắc lại rằng ý kiến của Luật sư Hiệp không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đài ACTD.

Copyright © 1998-2010 Radio Free Asia. All rights reserved.




No comments:

Post a Comment