Những đại gia Khmer
Andrew Marshal, Good Weekend Magazine/Sidney Morning Herald
Diên Vỹ, X-Cafe chuyển ngữ
28-1-2010
http://www.x-cafevn.org/node/2638
http://www.x-cafevn.org/node/2641
Họ sống tại một trong những quốc gia nghèo nhất trên quả đất, nhưng họ lại lái xe bóng lộn, sống trong những dinh thự và khinh rẻ đồng bào đói khổ của mình. Andrew Marshall gặp gỡ con cái của giới ưu tú Cambodia.
"Tôi muốn chạy nhanh lên một tí, được không?"
Ở Cambodia có một nơi mà bạn có thể một tay cầm lon bia lạnh và tay kia cầm khẩu Kalashnikov ấm nóng, và Victor đang đưa tôi đến nơi ấy. Chúng tôi phóng xe dọc theo sân bay Phnom Penh với âm thanh của ban nhạc Oasis trong dàn loa từ chiếc Mercedes của cậu ta và súng ống đàng sau cốp xe đủ để bắn chìm tàu của bọn cướp biển Somali. Victor giàu có và cuộc đời thật hoàn hảo. Cha của cậu là tư lệnh lục quân Cambodia. Cậu đã được dành sẵn một chỗ tại Học viện Quân sự Đặc biệt Saint-Cyr ở Pháp (tương tự như Đại học Quân sự Hoàng gia Duntroon của Úc). Một gã đàn ông gầy ngồi lặng lẽ bên ghế trước với khẩu súng ngắn Trung Quốc: đó là cận vệ của cậu.
"Tên anh ấy là Klar," Victor nói. "Có nghĩa là hổ."
Victor chỉ mới 21, nhưng khi chúng tôi đến nơi - bãi tập bắn của lực lượng đặc biệt Cambodia - những người lính gác cổng đã giơ tay chào.
Bị tàn phá sau mấy thập niên nội chiến, Cambodia vẫn đang là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Một phần ba của dân số 13 triệu người sống dưới một đô-la mỗi ngày và 8 trong số 100 trẻ em qua đời trước khi được năm tuổi. Nhưng Victor - tên thật là Meas Sophearith - đã được nuôi nấng trong một Cambodia khác, nơi quyền lực và hàng tỉ đô-la tập trung trong tay của một giới tinh tuyển nhỏ bé. Những người này chỉ muốn nắm giữ tầm vóc và nguồn tiền bạc của họ - đốn gỗ lậu, buôn lậu, chiếm đất - nhưng con cái họ lại chỉ thích tiêu xài. Khmer Đỏ đã chết và Khmer Trọc phú đang khống chế Cambodia.
Tôi gặp Victor lần đầu tiên tại một nhà hàng sang trọng ở Pnom Penh tên là Café Metro. Bên ngoài những chiếc Porsche, Bentley và Humvee đang giành nhau chỗ đậu. Là con trai của vị tướng đầy quyền lực, tương lai của Victor đã được vạch sẵn. Cậu đi học tại Versailles, nói tiếng Pháp và tiếng Anh, và hiện đang theo học ngành chính trị tại Đại học Oklahoma. "Mẹ tôi muốn chúng tôi có được một nền giáo dục ngoại quốc để có thể trở về điều khiển đất nước," cậu nói. Bãi tập bắn là nơi Victor và bạn bè đến để thư giãn.
"Tôi lớn lên với súng ống và quân lính chung quanh mình," cậu nói, bày kho vũ khi riêng của mình ra bàn: hai khẩu súng trường tự động, hai khẩu súng ngắn Glock, một khẩu súng bắn tỉa, và một chiếc iPhone.
Victor và thế hệ của cậu là tương lai của Cambodia. Liệu họ sẽ dùng vốn giáo dục và sự giàu có để đưa những đồng bào kém may mắn của mình ra khỏi nghèo đói? Hay họ chỉ tiếp tục cơn sốt chạy theo đồng tiền và quyền lực của cha mẹ mình? Bộ Phát triển Quốc tế của Anh (DFID) đã cung cấp khoảng 30 triệu Mỹ kim từ tiền thuế của dân cho quốc gia này trong năm tài khóa vừa qua, đã đưa ra một câu trả lời vào tháng Sáu, khi cơ quan này tuyên bố sẽ đóng cửa văn phòng tại Cambodia vào năm 2011. Lý do chính thức? "Chúng tôi cho rằng việc trợ của Anh Quốc có thể có ảnh hưởng lớn hơn.. nơi có nhiều người nghèo hơn và ít viện trợ quốc tế hơn," bản tuyên bố của DFID cho biết. Nhưng cơ quan phát triển hẳn cũng đã mệt mỏi vì đã quẳng tiền vào một quốc gia nơi mà sự nghèo đói có thể đổ lỗi cho giới tinh tuyển chính trị tham lam - và lớp con cái mê thích xa hoa của họ. (Nhưng rõ là Úc vẫn chưa thấy điều này: họ đã chuyển 61,4 triệu đô-la hỗ trợ phát triển cho Cambodia trong 2009-10).
Càng thất vọng hơn, những Đứa con Đại gia Khmer dường như không khác gì mấy so với giai cấp thực dân thống trị trước đây. Họ được giáo dục ở nước ngoài - một phần vì sự giàu có của gia đình thường biến họ là mục tiêu của bọn bắt cóc - và thường nói tiếng Anh rành hơn tiếng Khmer. Họ chi tiêu bằng Mỹ kim - chỉ có người nghèo mới xài tiền Riel - và sống trong những tòa biệt thự tân cổ điển mới xây, rộng đến nỗi nếu so với chúng thì khu phố kiến trúc Pháp xưa của thành phố trông giống như những khối nhà đồ chơi của Lego. Và họ dường như không có sự liên hệ nào đến đa số người dân Cambodia.
Sophy, 22 tuổi, là con gái của Phó Thủ tướng. Giàu có, giống như búp bê và tự kiêu, cô có thể là Paris Hilton của Cambodia. Cô nhập khẩu giày dạ hội từ Singapore, lấy hiệu là "Sophy & Sina" (Sina là tên của người chị dâu), rồi chưng bày tại cửa hàng nhiều tầng của mình. Cửa hàng có sáu nhân viên, không có khách hàng và khẩu hiệu là "Tất cả là vì tôi." Tên của Sophy được gắn bằng đá sáng lấp lánh ở phía sau chiếc xe của cô, đấy là một chiếc Mercedes được độ chế đến nỗi tôi phải hỏi cô hiệu của nó là gì. "Nó là chiếc Sophy!" cô trả lời.
Chúng tôi gặp nhau tại hiệu thẩm mỹ của cô, nơi cô đang giúp sửa soạn một người mẫu để chụp ảnh thời trang cho một tạp chí mà cô đang sắp ra mắt chung với người anh của mình là Sopheary, 28 tuổi và người anh họ là Noh Sar, 26 tuổi. Cả ba đều được đào tạo ở nước ngoài và đều chỉ muốn nói chuyện bằng tiếng Anh. Sopheary từng học tại tiểu bang New York, dường như thích thú và hơi xấu hổ vì sự giàu có và đặc quyền của mình. "Mình phải làm gì đây?" anh hỏi. "Cha mẹ mình cho mình những thứ này. Mình không thể từ chối. Nếu ai đấy cho mình bánh thì mình cứ ăn."
Khi nói chuyện với Sopheary và bạn của anh, quá khứ bi thương của Cambodia dường như đã xa lắm. Chế độ Khmer Đỏ từng phá hủy ngân hàng và loại bỏ tiền tệ trước khi bị đánh đổ khỏi quyền lực vào năm 1979. Sau đấy là Hiệp định Paris 1991, và quá trình cướp bóc tài nguyên thiên nhiên giàu có của Cambodia - rừng, thủy sản, đất đai - chính thức bắt đầu. Nền kinh tế chính thức của Cambodia đa số dựa vào vải sợi, xuất khẩu, nhưng lại có một nền kinh tế mờ ám khác lớn hơn trong đó chỉ có những kẻ tàn bạo và quen biết rộng mới sống sót và làm giàu. "Nếu anh muốn làm ăn, anh phải quen biết những người ở trên cao để bảo vệ mình," Victor nói.
Càng đến gần Hunsen, vị Thủ tướng chuyên quyền của Cambodia, thì càng có được ô dù tốt. Hun Sen đã dàn dựng một cuộc đảo chính đẫm máu năm 1997 và từ đó đã dùng bàn tay sắt để nắm lấy quyền lực. Những người chống đối đã bị bịt miệng trong khi những kẻ trung thành ngày càng giàu có. Những người này gồm có các bộ trưởng, khoảng chục đại gia và tướng lĩnh. Người dân Cambodia thường bị binh lính hoặc quân cảnh trục xuất khỏi đất đai của mình. Từng bị người Pháp sở hữu, Cambodia lại trở thành thuộc địa, lần này lại bởi những kẻ tinh tuyển tham lam của mình.
Nhưng những Trọc phú Khmer lại có một khó khăn. "Không ai trong họ có thể trả lời một câu hỏi đơn giản: những đồng tiền này từ đâu ra?" một nhà báo phương Tây ở Phnom Penh nói. Nếu hỏi những bộ trưởng Cambodia tại sao họ quá giàu so với đồng lương nhỏ bé của chính phủ, và họ đều trả lời, "Vợ tôi rất giỏi buôn bán."
Khi tôi hỏi Noh Sar, cha của anh là một viên chức quan thuế cao cấp, tại sao anh ta quá giàu, anh ta trả lời hơi khác một tí: "Mẹ tôi làm việc rất nhiều."
Mẹ của Victor cũng rất giỏi về buôn bán, theo báo cáo "Quốc gia được rao bán," điều tra về giới thượng lưu do tổ chức giám sát tham nhũng Global Witness ở London xuất bản tháng Hai, 2009. "Bà ta đóng vai trò chủ chốt tại RCAF (Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Cambodia), bảo trợ chính trị, có tiếng là dữ dằn đối với những cấp dưới của chồng mình vì liên tục đòi hỏi tiền bạc," bản báo cáo cho biết. "các nguồn tin từ RCAF đã báo với Global Witness rằng các sĩ quan quân đội đôi khi phải hối lộ bà để được tăng cơ hội với "những đầu mối thân cận" của bà với những đại gia buôn lậu gỗ."
Chỉ trong vài năm qua con cái của giới thượng lưu Cambodia đã trở nên đủ tự tin để khoe khoang của cải gia đình. "Ở Cambodia, nếu anh muốn người ta tôn trọng mình, anh phải có một chiếc xe tốt, hạt xoàn đẹp, điện thoại đẹp," Ouch Vichet giải thích, Ouch 28 tuổi, còn được biết với tên Richard. "Đây là cuộc cạnh tranh tớ-giàu-có-hơn-cậu." Richard rõ là một đối thủ cạnh tranh: anh ta lái chiếc xe Cadillac Escalade giá 150 nghìn Mỹ kim, đeo đồng hộ hiệu Hermes giá 2.5 nghìn Mỹ kim và một chiếc nhẫn nạm kim cương 2,5 carat giá 13 nghìn Mỹ kim. Anh ta không có cận vệ dù một số bạn bè giữ cận vệ như là một biểu tượng đẳng cấp.
Richard được gửi đi học ở New Zealand sau khi một nhóm băng đảng tìm cách bắt cóc người em trai. Anh là một người thấp con, nhã nhặn với nụ cười ranh mãnh. Trong một thành phố mà giới đứng đầu có thói quen bảo thủ nghi ngờ những kẻ bên ngoài thì anh ta rất khác khi thẳng thừng về sự giàu có của mình. "Tiền của tôi là từ cha mẹ tôi," anh nói, và đi vào chi tiết. Họ cho anh ta một ngôi biệt thự, nửa triệu Mỹ kim và một đồn điền cao su rộng 400 héc-ta đủ để nuôi sống Richard suốt đời. Cha mẹ vợ cho anh 100 nghìn Mỹ kim tiền mặt và một ngôi biệt thự khác trị giá 200 nghìn Mỹ kim và anh đã bán để đầu tư vào địa ốc. Richard còn làm chủ một hộp đêm đông khách ở Phnom Penh có tên là Emerald (lục bảo ngọc) - cha mẹ của anh làm giàu nhờ buôn bán đá quí - hộp đêm chỉ là thu nhập cho "tiền túi" của anh. Một buổi tiệc của trẻ nhà giàu có thể chi đến 2 nghìn Mỹ kim tiền rượu trong một đêm, hơn thu nhập trong 3 năm của một người Cambodia trung bình.
Tài sản thứ hai lớn hơn nhiều của cha mẹ anh có từ đầu tư địa ốc. Vài năm trước họ mua một mảnh đất 5 héc-ta ở ngoại ô Phnom Penh với giá chỉ 14 Mỹ kim một mét vuông rồi bán lại với giá 120 Mỹ kim một mét vuông hai năm sau đó, kiếm hơn 5 triệu Mỹ kim tiền lãi. "Ở đâu bạn có thể kiếm lãi được như thế?" Richard cười. "Đó là thứ tiền điên." Anh có một con gái tên Emerald và một con trai tên Benz (anh còn có một Benz khác, chiếc GL450.) Cả hai đang sống với cha mẹ anh tại một dinh thự vừa mới cất.
Nhưng nhà của Richard lại có vẻ khiêm tốn so với tiêu chuẩn hoành tráng của khu vực Tuol Kuok ở Pnom Penh, một phần của khu này từng là xóm đèn đỏ nổi danh. Một tài xế taxi chở tôi đi xem - khu này trông như là tour thăm viếng "những ngôi nhà của minh tinh" ở Beverly Hills, ngoại trừ phía sau Tuol Kuok thì đầy dẫy rác rưởi. Người tài xế chỉ hết những biệt thự to lớn nối nhau và cho tôi biết ai sống ở đấy. Con trai của Hun Sen, con gái của Hun Sen, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Lao động. Một Phó Thủ tướng - cha của Sophy và Sopheary. Một tổ hợp gồm bốn dinh thự với rất nhiều dây kẽm gai và cổng vào được lính lực lượng đặc biệt canh giữ - đó là nơi ở của gia đình Victor.
Nhà cửa ở Tuol Kuok được canh giữ cẩn mật vì một lý do: khi chưa có bất động sản để đầu tư vào, nhiều nhà giàu ở Cambodia giữ hàng đống tiền mặt ở nhà. "Chúng tôi không tin tưởng nhà băng," Richard nói. "Những người già giữ tiền dưới giường của mình. Thế hệ trẻ hơn giữ tiền trong các két sắt ở nhà." Victor nói gia đình của cậu cũng tránh xa nhà băng, nhưng với một lý do hơi khác biệt. "Nếu anh bỏ tiền vào ngân hàng, mọi người sẽ biết anh có bao nhiêu," cậu giải thích.
Tôi cũng nghe rằng những nhà giàu ở Cambodia đã chuyển về quê hàng trăm triệu đô-la tiền bẩn từ các ngân hàng ở Singapore sau khi thời kỳ hậu 11 tháng Chín đã làm rúng động lĩnh vực ngân hàng thế giới, và số tiền này đã góp phần tăng tốc cơn sốt đất đai.
Đối với những người con, tiền của đi kèm với một điều kiện lớn: chúng phải làm theo những gì Bố Mẹ bảo. "Tôi muốn theo học nghệ thuật nhưng cha mẹ tôi không cho," Sopheary nói. Đa số ngoan ngoãn tiếp bước làm ăn của gia đình - Richard thông dịch cho cha mình trong các chuyến mua đá quí ở ngoại quốc. Đối với một số khác, công việc của chúng là chính trị. Khái niệm gia đình trị và mâu thuẫn quyền lợi chẳng có nghĩa gì ở Cambodia. Bộ trưởng Thương mại Cham Prasidh, với ngôi biệt thự khổng lồ giống như đại sảnh đường của một sân bay, có cả hồ riêng để trượt nước - đã bổ nhiệm một chức vụ trong bộ cho vợ và phong con gái làm trưởng phòng nhân sự. Các đại sứ của Cambodia ở Anh và Nhật là hai anh em, và cha họ cũng chính là thủ trưởng của họ: Bộ trưởng Ngoại giao Hor Namhong. Ông nói rằng ông chọn các con trai mình căn cứ trên khả năng. "Không phải chủ nghĩa gia đình," ông nhấn mạnh.
Các bậc cha mẹ cũng mong muốn chúng lập gia đình sớm - con trai vào tuổi 20, con gái vào tuổi trăng tròn - với một tính toán chiến lược, có nghĩa là với những người từ gia đình giàu có và quyền thế. Những cuộc hôn nhân này đa số là được sắp xếp. "Giống như thời trung cổ ở Pháp," Victor than phiền, cậu vẫn còn độc thân. Điều này có nghĩa là nhiều người thượng lưu Cambodia sẽ sớm thấy mình bị trói buộc trong những cuộc hôn nhân thiếu tình yêu và ngoại tình sẽ thường xảy ra. Sophy lấy chồng vào lúc 17 tuổi, chồng cô là con trai của Bộ trưởng Nội vụ giàu có và đầy quyền thế.
Mạng nhện hôn nhân giúp ràng buộc giới tinh tuyển trong thương mại và chính trị tại Cambodia lại với nhau và bảo đảm sự nắm vững quyền lực của Đảng Nhân dân Cambodia. Ở trung tâm của mạng nhện này là Thủ tướng Hun Sen. Ba con trai và hai con gái của ông đều đã lập gia đình với những con cái quan chức cao cấp của đảng chính trị đang cầm quyền, hoặc trong trường hợp của người con trai Hun Manit, đã lấy con gái của vị đứng đầu cảnh sát quốc gia đã quá cố. Hiện ở lứa tuổi 30, Hun Manit đang được chăm chút để kế nghiệp cha. Anh tốt nghiệp học viện quân sự Hoa Kỳ West Point vào năm 1999 dù bị sự phản đối của các nghị sĩ Quốc hội Hoa Kỳ vì lịch sử vi phạm nhân quyền của cha mình. Vào tháng Bảy, Global Witness đã kêu gọi Chính phủ Anh Quốc bác bỏ chiếu khán nhập cảnh của Thủ tướng Cambodia khi ông viếng thăm Đại học Bristol để chứng kiến Hun Manit lãnh bằng tiến sĩ kinh tế.
Những nhân vật cao cấp của Khmer Đỏ như Đồng chí Duch, kẻ chỉ huy giết người hàng loạt tại nhà tù Tuol Sleng, hiện đang bị xử tại tòa án Liên Hiệp Quốc đặt tại Phnom Penh. Trong khi đó, những Khmer Trọc phú vẫn nằm trên pháp luật. Victor khoe một giấy phép VIP quân sự dán trên kính xe Mercedes. "Cái này có nghĩa là cảnh sát không thể động đến tôi," cậu nói. Richard là cố vấn của một viên chỉ huy cảnh sát vũ trang, điều này giúp anh ta được quyền miễn bị truy tố trước pháp luật.
Rất nhiều người của thế hệ anh ta đang lạm dụng những đặc quyền này. Vào tháng Tám vừa qua, Hun Chea, cháu trai của Thủ tướng đụng một người chạy xe hai bánh với chiếc Cadillac của mình, cắt đứt chân và cánh tay của người này. Hun Chea tìm cách bỏ chạy nhưng không thể lái đi vì bánh xe bị nổ khi gây tai nạn. Cảnh sát vũ trang đến hiện trường, tháo dỡ biển số xe và theo lời của tờ "Phnom Penh Post", bảo Hun Chea: "Đừng lo. Không phải lỗi của anh." Hun Chea bỏ đi. Nạn nhân nằm chết trên đường vì mất máu.
Hun Sen còn có một người cháu trai ngỗ nghịch khác, đại giàu có và nhiều người sợ là Hun To ("Hun nhỏ"). Vào năm 2006 một biên tập viên của một tờ báo đã kiện Hun To vì đã đe dọa tính mạng mình, nhưng rồi ông phải chạy sang nước ngoài tị nạn với sự giúp đỡ của Liên Hiệp Quốc. Hun To từng được thấy ngồi trên chiếc thuyền cao tốc sang trọng của mình với dàn âm thanh mở hết cỡ, do một chiếc Humvee kéo chạy quanh Phnom Penh. Vài tuần trước đấy, Victor đang ở Los Angeles và lái thử món hàng mới nhất của Hun To trước khi nó được đóng thùng gửi sang Cambodia: chiếc siêu xe Mercedes McLaren SLR trị giá 500 nghìn Mỹ kim. "Anh ta đã xây sẵn nhà đậu đặc biệt cho nó rồi," Victor nói.
Victor sẽ không và cũng không dám phê phán Hun To. Nhưng cậu ta phê phán xã hội Cambodia. "Từ trên xuống dưới, mọi người đều tham nhũng," cậu nói. Cậu hi vọng một ngày nào đấy sẽ gây dựng một quĩ tài trợ để giúp đỡ những người Cambodia nghèo khổ gửi con của họ đi du học. "Chúng tôi muốn thay đổi, nhưng chúng tôi phải đợi đến khi cha mẹ mình về hưu," cậu nói.
Nhưng thế hệ người lớn vẫn chưa thấy có dấu hiệu về hưu - trong khi còn quá nhiều bánh để ăn. Vào tháng Giêng, các tổ chức viện trợ nước ngoài tuyên bố sẽ cấp 1 tỉ Mỹ kim cho Cambodia, món viện trợ lớn nhất từ trước đến nay. Gần một nửa ngân sách của Chính quyền Cambodia dựa vào viện trợ. Họ có thể từ bỏ sự dựa dẫm này bằng cách khai thác lượng dầu, khí đốt và khoáng sản dự trữ của mình: Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự đoán rằng trữ lượng dầu hằng năm của Cambodia có thể đạt đến 1.7 tỉ Mỹ kim vào năm 2021. Có thể, nhưng sẽ không. Tại sao? Vì cũng chính những lớp người tinh tuyển từng phá rừng và bán đất này đang sẵn sàng khai thác dầu hỏa và khoáng sản, với sự trợ giúp của con cái họ.
Một số người trung thành với Hun Sen đã xoay sở được giấy phép khai thác mỏ. Một trong bọn họ là Tướng Meas Sophea, tư lệnh lục quân. Ông vừa thuê một nhân viên tạm thời làm sĩ quan phụ trách quan hệ quốc tế. Người sĩ quan tạm thời ấy là con trai của ông. Con trai ông tên là Victor.
Nguồn: Cambodia News
No comments:
Post a Comment