Friday, January 29, 2010

NHÀ BÁO XHCN và CON MÈO của TRẠNG QUỲNH

Nhà báo XHCN và con Mèo của Trạng Quỳnh
Blogger Kami
29/1/2010
http://postsbykami.multiply.com
Thân tặng blogger Beo

Mấy hôm vừa rồi trên trang Dân Luận, một trang website lề bên trái khá nổi tiếng và thu hút được nhiều bạn đọc có giới thiệu một bài viết "
Vì sao họ cô đơn đến thế" của blogger beo, nói về sự cô đơn của Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung nói riêng và các nhà đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền Việt nam, mà theo đánh giá của blogger beo thì những nhân vật nói trên hầu như không được ai quan tâm và đếm xỉa đến. Bài viết này trên Dân Luận có rất nhiều ý kiến góp ý phản biện làm tôi tò mò vào thử nguồn dẫn thì biết đó là blog có tên "beoBLOG".

Là blog cá nhân thì ai cũng có thể mở một cách dễ dàng và tự viết được theo khả năng của mình về những điều mà mình thích hay quan tâm, blog cũng là một chỗ giãi bày những suy nghĩ trên trên mạng điện tử theo dạng mở, có thể để người khác đọc các suy nghĩ của mình. Blog đơn giản là như thế.
Nhưng beoBLOG không đơn giản như vậy, vì theo thông tin trên mạng đó là blog của một nguyên phó Tổng biên tập một tờ báo có tiếng lề bên phải của nhà nước có tên là Hồ Thu Hồng, một nhà báo(!?). Điều đáng bàn ở đây là kiến thức và sự hiểu biết của một trí thức thuộc dạng có tuổi làm công tác tuyên truyền sặc giọng Hồng Vệ Binh (HVB), nói những điều nghe rất ngớ ngẩn, thiếu hiểu biết đặc biệt là sự ngạo mạn và tự mãn đến mức buồn cười. Do vậy với trách nhiệm của một người làm báo thì blogger beo nên có trách nhiệm về những suy nghĩ và bài viết của mình với bạn đọc. Chúng ta cùng xem blogger beo đã viết gì?

Trong bài "
Một ngày buồn…cười" blogger beo viết "Chế độ trong nước, sau khi ngồi ghế Hội đồng bảo an, nay tiếp chủ tịch ASEAN và một ngày không xa nữa, biết đâu chễm chệ thay chỗ ông Hàn cuốc ở UN. Những hội nghị thượng thượng đỉnh oang oang trên diễn đàn không dúm dó như xưa. Tiền bạc từ bốn phương tám hướng rùng rùng đổ vào giải ngân không kịp thở để mở đường bắc cầu xây cao ốc… từ nam chí bắc ".

Những điều blogger beo viết làm tôi liên tưởng tới bài "Chính trị VN: Khả năng thích ứng nhanh với lịch sử hiện đại" của PGS - TSKH Phan Xuân Sơn (Phó Viện trưởng Viện Chính trị học – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cách đây không lâu cũng kiểu đưa bạn đọc đi tàu bay giấy, bài viết có đoạn viết "Trên thế giới có rất nhiều mô hình hệ thống chính trị và thể chế nhà nước. Chúng ta không thể khẳng định mô hình nào là ưu việt nhất mà vấn đề là ở chỗ, mô hình nào phù hợp, thích ứng đối với mỗi quốc gia. Thực tế đã minh chứng rất rõ ràng: Sự ổn định, phát triển và năng lực của chúng ta đang được rất nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đánh giá cao và coi là hình mẫu có thể tham khảo."

Và tương tự như vậy, ông Giáo sư, Tiến sĩ, Ủy viên Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Tổng giám đốc Đài TNVN Vũ Văn Hiền trong bài báo có nhan đề: “Việt Nam thênh thang đường lớn” trên Đài TNVN, post trên mạng VOVNews của Đài TNVN và được đăng trang trọng trên báo TNVN. GS Vũ văn Hiền viết về hành trang trên con đường lớn của Việt nam như sau "Chúng ta đã đánh đổ thực dân phong kiến, đánh thắng Pháp, thắng Mỹ, thành quả của 22 năm đổi mới và “Bóng đá nước ta vô địch Đông Nam Á”.

Còn rất nhiều các bài viết của các nhà báo XHCN, những người cầm bút lề bên phải đã đang và sẽ nhả ngọc phun châu trên các phương tiện truyền thông đại chúng do nhà nước độc quyền quản lý nhằm ru ngủ hay định hướng tư tưởng bạn đọc. Những bài viết mang tính ca ngợi sự lựa chọn đúng đắn của Đảng kiên định đi theo chủ nghĩa Maxr-Lênin (cái mà sai lầm đã sụp đổ) và thành tựu trong công cuộc phát triển kinh tế bằng các con số nhưng không dẫn các dữ liệu để bạn đọc so sánh.

Ví dụ Việt nam tự hào thu hút được 8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, nhưng tại cùng thời điểm ấy vốn đầu tư của nước ngoài chảy vào các nước láng giềng cũng chẳng kém mà có phần lớn hơn thì cũng chẳng có gì là ghê gớm, hơn nữa từ số vốn đăng ký tới khi triển khai đầu tư thật là chuyện hoàn toàn khác. Theo báo cáo phát hành ngày 17 tháng 9 của Hội nghị Liên Hiệp quốc về Thương mại và Phát triển, năm ngoái Việt Nam đã thu hút được 8 tỷ USD , bản báo cáo của Hội Nghị này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào Malaysia (cũng 8 tỉ), Singapore (22,7 tỷ) và Thái Lan (10 tỷ). Tới mức hết chuyện ca ngợi, còn lôi cái vô địch bóng đá Đông Nam Á ra khoe và coi đó là một hành trang quan trọng, có nơi nào như Việt nam ta không, đem cả đội bóng đá mới vô địch một lần ở khu vực thuộc hàng cuối của bóng đá thế giới để đi khoe với thế giới. Tại sao GS, TS… Vũ Văn Hiền không dẫn chứng các nước, có đội bóng, mấy lần vô địch thế giới, mấy lần vô địch châu lục, có được chính phủ nước đó đưa vào “ hành trang” ngoại giao, “hành trang” kinh tế, “hành trang” kiến thiết đất nước giống như ở Việt Nam ta, để thuyết phục bạn đọc?

Hay với ông PGS - TSKH Phan Xuân Sơn (Phó Viện trưởng Viện Chính trị học – Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) khi viết "Sự ổn định, phát triển và năng lực của chúng ta đang được rất nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế đánh giá cao và coi là hình mẫu có thể tham khảo." không đưa dẫn chứng ra là nước nào, người phát biểu điều đó là ai để bạn đọc tiện theo dõi và tăng thêm sự chặt chẽ và tạo sự tin tưởng. Có ai hay quốc gia nào lấy Việt nam một nước xếp hạng gần bét về mọi mặt làm mẫu nhỉ, hóa ra các quốc gia đó họ muốn thụt lùi hay sao?

Cũng vậy blogger beo (Hồ Thu Hồng) nguyên phó TBT báo TTVH mang vấn đề Việt nam đảm nhận vai trò chủ tịch Hiệp hội quốc gia ĐNA (Asian) coi đó là niềm tự hào mà không hiểu (hay cố tình không hiểu?) rằng đó chỉ là chức Chủ tịch luân phiên của các quốc gia thành viên, nó cũng tương tự như cậu học trò làm nghĩa vụ làm trực nhật quét lớp đến phiên phải làm chứ ai họ làm thay cho, tài cán gì chuyện này? Tại sao trình độ kiến thức của một người lãnh đạo một tờ báo có tiếng như tờ TTVH là bà Hồ Thu Hồng mà lại ngây ngô đến đáng ngờ, chẳng lẽ Việt nam không còn cái gì để tự hào hay sao, hay họ cố tình lừa bạn đọc?

Những kiểu ca ngợi lập lờ thiếu dẫn chứng đó là một hành động coi thường kiến thức của bạn đọc, họ quên rằng do sự độc quyền về báo chí đối tượng bạn đọc của họ là toàn bộ dân chúng bao gồm cả tầng lớp trí thức có hiểu biết và bằng cách này hay cách khác những người đó họ được tiếp cận với thông tin đa chiều muôn hình muôn vẻ, chứ bạn đọc không phải đơn thuần là những người lao động tay chân không có điều kiện tiếp cận với internet.

Tại sao và lý do gì làm cho những người làm báo Việt Nam tuy có bằng cấp, có học vị này nọ càng ngày càng thụ động, viết không có suy nghĩ độc lập và sáng tạo. Người viết xã luận thì lên gân lên cốt nhai đi nhai lại nghị quyết bỏ qua thực tiễn khách quan và sự thay đổi của tình hình, bài năm nay sao chép lại của bài năm ngoái. Người viết mảng điều tra của các báo thì chỉ dựa vào chỉ đạo của Ban Tuyên giáo làm thay công việc của Tòa án, kết tội và chụp mũ cho bất kỳ tiếng nói phản biện kiểu đánh hội đồng nhằm định hướng tư tưởng của người dân. Do vậy dẫn tới tình trạng tạo nên một lớp nhà báo thiếu lòng yêu nghề, chỉ hám chức tước, bổng lộc sẵn sàng uốn cong ngòi bút bất chấp công lý và sự thật và cái đích cuối cùng là vừa lòng cấp trên, vừa lòng đảng vì mục tiêu thăng quan tiến chức vụ lợi cho cá nhân mình.

Để có câu trả lời chúng ta cùng nhau ôn lại câu truyện dân gian "Ăn trộm Mèo" chắc ai cũng còn nhớ, câu chuyện dân gian này phần nào cũng giải thích được một phần lý do. Chuyện rằng "Nhà vua có nuôi một con mèo tam thể quý lắm, xích bằng xích vàng và cho ăn toàn những đồ cao lương mỹ vị. Quỳnh vào chầu, trông thấy, liền tìm cách bắt trộm về, cất xích vàng đi buộc bằng xích sắt, nhốt lại. Đến bữa đợi cho con mèo thật đói, Quỳnh để hai cái đĩa, một đĩa cơm trộn thịt cá và một đĩa cơm trộn rau. Mèo nhà vua quen ăn miếng ngon chạy đến chỗ thịt cá chực ăn. Quỳnh cầm sẵn roi, hễ ăn thì đánh. Mèo đói quá, phải ăn đĩa cơm rau. Dạy như vậy được một thời gian, mèo quen dần, không bao giờ dám gì ngoài rau nữa mới thả ra. Vua mất mèo, tiếc quá, cho người đi tìm, thấy nhà Quỳnh có một con mèo tam thể giống như hệt, nghi lắm, bắt Quỳnh mang mèo vào chầu. Trạng Quỳnh xin vua mang một đĩa cơm cá và một đĩa cơm rau ra thử cho mèo ăn. Vua sai làm thử. Con mèo chạy thẳng đến bát cơm rau, ăn sạch. Quỳnh nói: - Xin bệ hạ lượng cho, người ta phú qúy thì cao lương mỹ vị, bần tiện thì cơm hẩm rau dưa. Mèo cũng vậy, phải theo chủ."

Con mèo bản chất tự nhiên của nó là ăn thịt ăn cá cũng giống như con người, bản chất của con người là yêu sự tự do và tôn trọng công lý. Nhưng dùng roi vọt đối với mèo thì cũng cải tạo được cái bản tính tự nhiên đó của nó buộc nó phải "thích" ăn rau hơn là ăn thịt ăn cá bởi thà ăn rau còn hơn bị đánh đập, cái đó khoa học gọi là phản xạ có điều kiện.

Con người hay nhà báo ở Việt nam hiện nay cũng vậy, tuy họ khộng bị đánh bằng roi như con mèo nhưng vì sự sợ hãi bị vu khống, bị đàn áp, bỏ tù như những nhà báo các lớp trước. Cứ đọc lại báo chí Việt Nam hồi Cải cách Ruộng đất và chống Nhân văn – Giai phẩm như ông Nguyễn Hữu Đang, nhà yêu nước lão thành (người thiết kế và chỉ đạo thi công lễ đài Ba Đình cho kịp buổi lễ Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945), nhà báo, học giả Phan Khôi, nhà báo, nhà văn Thụy An… trở thành những tên gián điệp nguy hiểm!. Hay gần đây nhất như nhà báo Lan Anh, các nhà báo trong vụ án này đều là những người trung thành với lý tưởng làm báo cách mạng, quyết lôi bọn tham nhũng ra ánh sáng, làm trong sạch bộ máy Đảng và nhà nước. Nhà báo Nguyễn Việt Chiến ra trước tòa vẫn khăng khăng rằng mình không có tội mà chỉ có quyết tâm chống tham nhũng. Các ban biên tập báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên và nhiều đồng nghiệp của họ đã hăm hở viết bài bảo vệ họ. Việc làm đó đã bị dập tắt ngay lập tức. Tất cả báo chí cả nước im phắc cùng một ngày. Tiếp theo là án tù ngồi cho người không tự biết mình có tội (Nguyễn Việt Chiến), tù treo cho người biết nhận tội (Nguyễn Văn Hải). Tiếp theo nữa là tước quyền hành nghề của các phó tổng biên tập, tổng biên tập của các báo Thanh Niên, báo Tuổi Trẻ, những người đã viết bài hoặc duyệt bài bảo vệ những người bị bắt. Theo tổng kết năm 2008, báo chí Việt Nam vốn ngoan ngoãn với chức năng công cụ, đã bị trừng phạt nặng nề: 6 cơ quan báo chí bị cảnh cáo, 252 trường hợp bị khiển trách, 15 nhà báo bị thu thẻ hành nghề, trong đó có 2 Tổng Biên tập, 4 phó Tổng Biên tập, 6 nhà báo bị khởi tố, 2 nhà báo vào tù.

Cách đây không lâu, nhà báo, văn nghệ sĩ lại bị trấn áp với tội danh mới, “tội yêu nước”! Đó là vụ ông Nguyễn Trung Dân, phó Tổng Biên tập báo Du Lịch Việt Nam, bị cách chức, thu thẻ nhà báo vì đăng tin bài chống Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa, Trường Sa.v.v..

Chính vì vậy buộc các nhà báo muốn tồn tại phải tuân thủ nghiêm khắc và triệt để các yêu cầu của Ban Tuyên giáo TW nghĩa là “Hoàn toàn có tự do, nếu đi đúng lề đường bên phải!” như lời của Bộ trưởng Bộ 4T Lê Doãn Hợp. Ông Lê Doãn Hợp còn tuyên bố “Tổng biên tập là người của Bộ Thông tin và Truyền thông sau này cắm ở từng tờ báo” và Bộ 4T sẽ quản lý chặt cả báo mạng và các blog cá nhân. Trong cuộc giao lưu trực tuyến với bạn đọc, ông Bộ trưởng đã giải thích nguyên tắc của ông quản lý báo chí là: “Quản một cách có lý, bao gồm cả đạo lý và nguyên lý. Đạo lý là ủng hộ người tốt, răn đe người không tốt. Nguyên lý là tạo hành lang cho người ta hành động”.

Gần đây nhất phát biểu tại Hội nghị tổng kết của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 15/1/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: "Báo chí phải thông tin chính xác, kịp thời chủ trương, chính sách của Nhà nước, đứng trước một vấn đề phải đưa tin khách quan, chính xác, đúng định hướng để có lợi cho đất nước, cho dân tộc. Những thông tin không có lợi cho đất nước, cho dân tộc thì không đưa".

Chưa hết sợ rằng siết chưa đủ chặt Thủ tướng còn nói "Sự thật lúc nào cũng là sự thật, nhưng phải chọn thời điểm nói lúc nào thì mới có lợi cho quốc gia, cho dân tộc. Hơn 17.000 nhà báo phải là những chiến sĩ trung thành phục vụ cho đất nước, cho dân tộc"

Nguyên tắc của báo chí là "Nhanh chóng, chính xác, trung thực và công bằng" vậy những chỉ thị tương tự như trên của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu hơn 17.000 nhà báo hãy là chiến sĩ trung thành thì lại một lần nũa đã phá hủy toàn bộ những gì còn sót lại một nền báo chí Việt nam đang được coi là là một trong những nền báo chí thiếu tự do nhất thế giới.

Xin được hỏi tin thế nào là có lợi và không có lợi? Với vai trò của báo chí có trách nhiệm đưa tin tức về mọi mặt của đời sống xã hội nhanh chóng, chính xác, trung thực và công bằng, việc của báo chí là như vậy sao lại lợi và hại. Những thông tin nhạy cảm như các vụ tham nhũng nổi cộm như PMU18, CPI, hay vụ in tiền polymer của Úc có hại cho uy tín của đảng CSVN nhưng ngược lại nó lại có lợi cho công tác phong chống tham nhũng, báo chí góp phần làm sáng tỏ và phanh phui theo đúng chức năng giám sát của nó là có lợi cho đất nước
Ai cũng biết chính quyền nhà nước ở Việt nam hiện nay là chính quyền độc đảng lãnh đạo, Đảng CSVn là chính đảng duy nhất được quyền lãnh đạo xã hội, các cơ quan Lập pháp-Hành pháp-Tư pháp không hoạt động độc lập mà chịu sự lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng CSVN từ trung ương đến địa phương. Ngoài bao quyền lực nói trên, báo chí mà người ta gọi là quyền lực thứ tư nhằm giám sát, theo dõi các hoạt động của nhà nước và xã hội trên mọi phương diện cũng bị chính quyền vô hiệu hóa. Coi báo chí là công cụ phục vụ cho lợi ích của đảng cầm quyền thì quả thật là quá vô lý, chả có ở đâu mà báo chí không được nói sự thật khi mà sự thật ấy không có lợi như ở Việt nam.

Nói về chất lượng của lực lượng nhà báo của Việt nam với số lượng trên 17 ngàn nhà báo, nói chung về trình độ nghiệp vụ còn non do vấn đề đào tạo qua quýt lấy số lượng thay cho chất lượng cộng với sự quản lý chặt chẽ kiểu bàn tay sắt nên dẫn đến tình trạng đa phần tới 99% cúi đầu làm việc theo chỉ thị và chỉ đạo, có thể phân ra làm ba nhóm:

1. Nhóm rất thiểu năng : Vốn liếng duy nhất là thuộc lòng chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước đọc đủ báo này báo khác rồi tưởng mình là giỏi, đọc được cái gì của báo đảng nói thì cho cái ấy là đúng, tất nhiên họ trở thành kẻ nô lệ cho bộ máy tuyên truyền của Đảng. Những nhà báo này khi được giao nhiệm vụ thì họ hết sức mình bất chấp đạo lý và lẽ phải miễn là đáp ứng được yêu cầu của cấp trên.

2. Nhóm hơi thiểu năng nhưng khôn vặt và vụ lợi: Tuy biết XH có nhiều vô lý và bất công nhưng vì mình còn được lợi, vì cuộc sống của cá nhân và gia đình họ thì cứ chặc lưỡi, ừ thì tuy còn mặt có mặt yếu kém nhưng XH như thế này là tốt rồi.

3. Nhóm thông minh nhưng vụ lợi: Là nhóm những nhà báo đã có dịp va chạm và tiếp xúc với nền báo chí tự do, nhưng hoàn cảnh đưa đẩy họ vào chốn cúi đầu để tồn tại buộc họ phải nhắm mắt làm ngơ. Cuộc đời họ bị giằng xé giữa lương tâm và cơm áo, đa số họ chấp nhận im lặng để bảo toàn tính mạng với nguyên tắc "Im lặng là vàng"

4.Nhóm dũng cảm: tuy biết hiểm nguy luôn rình rập họ nhưng họ không muốn lặng im vì họ là những người có tâm với dân tộc với đất nước. Họ tôn trọng lẽ phải và công lý, bằng mọi cách họ lách luật để nói lên những suy nghĩ của cá nhân đồng thời lên tiếng đánh thức dư luận quan tâm tới những vấn đề nhạy cảm. Nhóm này số lượng ít nhưng thường tuổi thọ ngắn vì trước sau cũng bị xử lý.

Con người ta hơn con vật ở chỗ biết suy nghĩ để phân biệt phải trái và có cái tâm, bất kể làm công việc nào hay trên cương vị gì cũng phải lấy cái nền tảng đạo đức, tôn trọng công lý và sự thật làm trọng mới là người đáng kính. Ngược lại những kẻ có kiến thức, có trình độ, có sự hiểu biết nhưng cố tình bẻ cong ngòi bút để viết sai sự thật, viết không đúng với lương tâm của một nhà báo thì bị nguyền rủa là bọn "bút nô" hay bồi bút. Nhưng cũng có những nhà báo vì khiếp nhược buộc phải viết những điều trái với lương tâm họ vì sự tồn tại của cá nhân mình và gia đình họ thì họ là những kẻ đáng thương bởi họ chót sinh nhầm thể kỷ và nhầm tọa độ là đất nước Việt nam, nơi mà chỉ chấp nhận một tư tưởng chính thống là phụng sự đảng CSVN, nơi ấy những tiếng nói sự thật hay nói lên suy nghĩ của cá nhân đều bị coi là phản động chống phá nhà nước hay hoạt động nhằm lật đổ.

Thời Mãn Châu cai trị Trung quốc, họ tàn sát dân chúng đến độ người Trung quốc tan rã và mất hết nhân cách, trí thức Trung quốc khi ấy đã lấy câu "Thà làm chó hòa bình hơn làm người chiến tranh!" làm lẽ sống, xem ra chẳng khác gì với thực trạng cộng đồng nhà báo Xã hội chủ nghĩa dưới sự dẫn dắt của bộ máy tuyên truyền của đảng CSVN. Họ quên mất cái bản năng cơ bản của con người là yêu tự do và sự thật, họ đã quen và chấp nhận roi vọt như con mèo mà Trạng Quỳnh ăn cắp của vua khi xưa, họ chấp nhận tránh né và hy sinh bản năng tự nhiên của con người theo kiểu "thà là con mèo của Trạng còn hơn làm một nhà báo chân chính".

Như thế thì quả nguy lắm rồi, đừng quên Albert Camus đã nói “Không có tự do báo chí thì sẽ chẳng còn gì ngoài sự tồi tệ”.

29/1/2010
© 2010 Kami


No comments:

Post a Comment