Monday, January 4, 2010

NGÀY ĐẦU NĂM NHỚ LẠI CHUYỆN 50 NĂM

Ngày đầu năm nhớ lại chuyện 50 năm
Hoàng Hưng, nhà thơ
Gửi tới BBC từ Sài Gòn
Cập nhật: 12:24 GMT - chủ nhật, 3 tháng 1, 2010
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2010/01/100103_hoanghung_newyear.shtml
Sáng mùng 1 năm mới khởi đầu thập kỷ, khai bút viết gì đây?
Chẳng lẽ lại viết ra những ám ảnh từ những ngày cuối năm cũ còn đeo đẳng: buổi chia tay các tu sinh Bát Nhã bị buộc phải giải tán bất chấp những nỗ lực “còn nước còn tát” của bao nhiêu con người tử tế?
Hay những bức thư phẫn nộ về vụ hai trang mạng nổi tiếng của trí thức Việt bị một bọn lưu manh tin học dùng mọi thủ đọan đánh phá, bản án dành cho người cựu chiến binh âm mưu “lật đổ chính quyền” bằng... con chuột?
Phải nghĩ đến những chuyện vui.
Chợt nhớ ra: năm nay là kỷ niệm 50 năm ngày mình bước vào đời, bỏ trường đại học ở Hà Nội xung phong lên Tây Bắc dạy văn hoá cho các sĩ quan quân đội nhân dân thiếu chữ!
Lại chợt nhớ: đó chính là năm tốt nghiệp của thế hệ học sinh đầu tiên của “nhà trường xã hội chủ nghĩa” (1958-1960).
Năm nay đây, chắc chắn sẽ có những buổi gặp mặt sau 50 năm của những cụ ông cụ bà xuýt xoát “cổ lai hy”, chắc chắn họ sẽ cười vui như Tết, sẽ ca vang bài “Lòng ta hằng khao khát và ước mơ/ bàn tay son sắt giương cao ngọn cờ/ để ngàn đời bền vững Tổ quốc ta…”, sẽ say sưa ôn lại những kỷ niệm không thể nào quên, những chuyện buồn giờ cũng thành vui…

Tuổi của ngập tràn nhiệt huyết
Bốn năm sau ngày bộ đội cụ Hồ tiếp quản thủ đô từ tay lính Pháp, hệ thống nhà trường xã hội chủ nghĩa chính thức được thiết lập.
Các trường cấp ba (ngày nay gọi là phổ thông trung học) ở Hà Nội lúc ấy là: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Trưng Vương (nguyên là trường nữ sinh), Phổ thông 3 (còn có tên là Việt Đức do có tài trợ của CHCD Đức, nguyên là trường Đạo mang tên Cố Puginier).
Tôi là một học sinh của trường Việt Đức, nhà trường này có đặc sắc là trộn lẫn học sinh từ vùng kháng chiến về với học sinh ở “trong thành” (Hà Nội bị Pháp chiếm).

Khát khao công hiến
Lũ chúng tôi, chủ yếu là con em các thành phần mang cái tiếng không hay ho gì là “tạch tạch xè” (tiểu tư sản), đã “tự cải tạo” một cách thành tâm và hăng hái.
Bằng những buổi tối đạp xe xuống các khu lao động ven thành phố xóa mù chữ cho bà con nghèo hay dạy bổ túc văn hóa cho công nhân viên các xí nghiệp.
Bằng những buổi sớm tinh mơ đẩy xe bò đi lấy phân tươi ở các “thùng xia” đằng sau mọi nhà để cung cấp cho nông dân bón ruộng, những buổi “lao động xã hội chủ nghĩa” gánh đất, đẩy xe gạch đá dựng lên công viên Thống Nhất, con đường Thanh Niên ven Hồ Tây…
Và chúng tôi đã trưởng thành rất nhanh.
Chắc các bạn trẻ bây giờ khó hình dung: người viết bài này, hồi mới 17 tuổi, học sinh lớp 9/10, đã là “hiệu trưởng” trường Bổ túc văn hóa nhà máy Gỗ Diêm Cầu Đuống, chỉ huy khoảng 50 thầy cô giáo trẻ mỗi tuần hai buổi sang tận Cầu Đuống (cách Hà Nội 15 km) dạy học cho công nhân viên nhà máy; hàng mấy trăm học sinh kỳ nghỉ hè tự tổ chức vào tận nông trường Đồng Giao (cách xa hàng trăm km) lao động tình nguyện giúp nông trường hay về các vùng ngoại thành giúp nông dân cấy, gặt cho kịp mùa vụ.
Chúng tôi là con em những gia đình 36 phố phường chấp nhận chia nhà sẻ cửa cho cán bộ kháng chiến về, miền Nam tập kết ra, những gia đình bị quy “tư sản” chấp nhận lui vào tít sâu bên trong những ngôi “nhà ống” nhường mặt tiền (mặt hái ra tiền) cho hợp tác xã, công ty hợp doanh, cửa hàng quốc doanh các kiểu (để rồi về sau sẽ biến thành nhà riêng của các cán bộ lãnh đạo những cơ sở ấy).
Trong số chúng tôi, không ít người đã “đấu tranh” với cha mẹ mình để các cụ “khai báo thành thật” tài sản với “đội cải tạo”, thậm chí có người “mách” với “đội” số vàng mà cha mẹ mình chôn giấu…
Và ngày ra trường, chúng tôi đã “theo sự phân công của Đảng” để vào những trường đại học ít người thích nhưng Đảng bảo cần cho sự nghiệp xây dựng đất nước: Sư phạm, Nông lâm…
Có thể nói phần lớn tinh hoa của học sinh Hà Nội thuở ấy đã trở thành nhà giáo, những người mang ánh sáng văn hóa đến khắp các vùng quê nghèo của miền Bắc.

Những ước mơ bị giết chết…
Chúng tôi cũng đã cực đoan ngây thơ đến mức cản trở những ước mơ rất chính đáng.
Trường hợp nhạc sĩ Phó Đức Phương là tiêu biểu. Có năng khiếu âm nhạc ngay từ thuở học trò, nhưng anh vẫn phải vào Sư phạm.
Học được một năm, không thể chịu đựng nổi sự dằn vặt của mơ ước, anh phải nghĩ ra một “mưu” để có thể theo đuổi khát vọng riêng.
Lúc ấy mỗi trường đại học đều có một cơ sở sản xuất để sinh viên tập lao động vào kỳ nghỉ hè.
Phương đã viện cớ hoàn cảnh gia đình không cho phép học tiếp, xin lên nông trường Lương Sơn của Đại học Sư phạm để lao động.
Một năm sau, với tư cách anh chăn bò của nông trường Lương Sơn, Phương xin thi vào trường Nhạc. Thế mới thoát bị bắt tội “không chấp hành sự phân công của Đảng”.
Ngày ấy, cũng như đến tận bây giờ, nhiều người trong chúng tôi vẫn mê đắm cái lý tưởng “xã hội chủ nghĩa”, mà chúng tôi hiểu đơn giản y như cái mục tiêu hiện nay Đảng Cộng Sản Việt Nam nêu ra cho toàn dân: “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh”.
Chỉ khác một cái: những người dìu dắt, dạy dỗ chúng tôi lúc ấy là những thầy cô giáo chúng tôi yêu kính, những trí thức từ kháng chiến về, dẫn đầu là thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Vận (sau đó, có lẽ vì không phải đảng viên, thầy không được “lãnh đạo” nữa, mà chuyển đi dạy học ở khoa Pháp văn trường Đại học Sư phạm)

… và lý tưởng sống bị đánh cắp
Thế nhưng sự cố đầu tiên dưới “Mái trường xã hội chủ nghĩa” của chúng tôi lại là từ một người “lãnh đạo” đứng sau lưng thầy.
Đó là một giáo viên dạy môn chính trị, tên D. Chẳng biết ông hành nghề giáo từ bao giờ, chỉ rõ ông là thương binh, vì lúc nào ông cũng ngẩng cao đầu trong bộ quân phục cũ với một con mắt giả là chiến tích ai cũng thấy.
Chúng tôi nghe xì xào ông có vai trò cực lớn trong trường, vì là Đảng viên Đảng Lao Động, nhưng không ra mặt, vì cho đến lúc ấy, Đảng vẫn chủ trương chưa “ra công khai”.
Nhưng rồi ngày ấy đã đến. Cả trường tất bật chuẩn bị chào mừng.
Tôi là lớp phó, lại phụ trách phân đoàn Thanh niên Lao động (cánh tay phải và đội hậu bị của Đảng), có nhiệm vụ làm một cuốn tập san công phu (viết và trình bầy bằng tay) để kính biếu Đảng trong lễ “ra công khai” ấy.
Đêm ấy là một đêm khó quên. Cả hội trường im phăng phắc chờ đợi. Từ cuối hội trường, có tiếng giày đinh dận từng bước oai vệ từ từ tiến lên.
Ngàn con mắt đổ về: ông D. trong bộ quân phục, ngực đỏ huân chương, đang làm cuộc “diễu binh một người” lên sân khấu: ông chính là bí thư Chi bộ Đảng Lao Động.
Và tôi đã run rẩy vì cái vinh dự được cầm cuốn tập san của lớp lên kính dâng Đảng, qua ông.
Ngày trọng đại qua chưa lâu thì chúng tôi nhận được một cái tin rụng rời: ông D. là đảng viên giả hiệu!
Thì ra, chính trong cái đêm “Đảng ra công khai” ấy, có một nhà báo của báo Quân đội Nhân dân đến dự đã phát hiện bộ mặt thật của ông D.
Ông đã lấy cắp thẻ Đảng của một thương binh nằm giường bên khi người này qua đời trong quân y viện!
Ít lâu sau, chúng tôi đi dự phiên toà xử ông D. tội giả danh, lừa đảo, tiếm quyền.
Con tim trong trắng của chúng tôi đã bị hằn một vết đen như thế.
Đó là một trong những lý do khiến suốt đời tận tụy phục vụ “công nông binh” nhưng tôi không bao giờ vào Đảng!
Và hôm nay, ngày đầu năm của thập kỷ mới, tôi hy vọng và cũng hết sức tin tưởng rằng mọi sự giả danh, lừa đảo, tiếm quyền sẽ bị phơi trần trước tòa án dân tộc.
Chính chúng là tội phạm đánh cắp lý tưởng sống của chúng tôi, những con người tử tế.

Nhà thơ, dịch giả Hoàng Hưng sinh năm 1942, hiện sống ở Sài Gòn. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Bấm vào đây để xem ý kiến độc giả.


No comments:

Post a Comment