Tuesday, January 26, 2010

LẦM LẪN của NHỮNG KẺ LÁI NGỰA

Lầm lẫn của những kẻ lái ngựa
Vũ Đông Hà
Posted by vudongha on January 26, 2010
http://vudongha.wordpress.com/2010/01/26/l%e1%ba%a7m-l%e1%ba%abn-c%e1%bb%a7a-nh%e1%bb%afng-k%e1%ba%bb-lai-ng%e1%bb%b1a/
Để ngựa chỉ có thể nhìn về một hướng và ngoan ngoãn đi theo ý mình, lái ngựa dùng hai mảnh da che hai bên mắt ngựa và chỉ để một khoảng trống vừa đủ phía trước cho ngựa thấy. Thêm một dây cương. Và một roi quất ngựa.

Trong vở tuồng xử án các anh Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Thăng Long và Nguyễn Tiến Trung, những kẻ lái ngựa là các đảng viên cộng sản nắm quyền, ngựa là nhân dân Việt Nam, hai mảnh da là truyền thông nhà nước, dây cương và roi quất ngựa là bộ máy công an.

Tưởng rằng đối tượng mà những người lái ngựa nhắm tới là Định, Thức, Long, Trung; nhưng không phải. Đối tượng của phiên tòa là nhân dân Việt Nam. Mục tiêu là kiềm hãm người dân chỉ được nhìn sự việc trong không gian chật hẹp và đầy đe dọa được tạo dựng bởi đảng lái ngựa cầm quyền, để tiếp tục sống thuần phục.
Vì thế, trong suốt gần sáu tháng trước ngày xử án, bộ phận truyền thông của đảng đã được lệnh sản xuất hai miếng da che mắt ngựa để rầm rộ dựng lên hình ảnh của bốn nhà hoạt động dân chủ: phản dân, hại nước, tuyên truyền chống đối chế độ, âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân. Những thủ thuật cổ điển của những tên lái ngựa trong lịch sử thế giới độc tài được tái sử dụng: đe dọa, khủng bố tinh thần, ép cung, tự thú, trình chiếu lời “thú tội”… Dĩ nhiên, đối tượng thật sự nhắm tới không phải là bốn người này. Đâu cần phải bày binh bố trận, tốn kém nhiều công sức để hà sách các anh. Bởi vì đối với lái ngựa, riêng mỗi người các anh chẳng có nghĩa lý gì đối với guồng máy cai trị. Đối tượng là bầy ngựa nhân dân: nhìn vào đấy, hình ảnh của những tên đang đòi dân chủ, đa nguyên, và cách hành xử của bộ máy cầm quyền, để mà cúi đầu tuân phục và chấp nhận tư thế cầm cương bất khả xâm phạm của tập đoàn lái ngựa.
Vì thế, trong suốt một ngày xét xử, hệ thống công an của đảng, trang bị đầy đủ dây cương, roi quất, đã được lệnh dựng lên những bức màn sắt cộng sản cổ điển.

Từ ngoài phòng xử: rào bằng cách cô lập toàn bộ khuôn viên xử án; chắn bằng những mảnh giấy triệu tập, bằng việc hốt luôn người từ quán cà phê vỉa hè về đồn; ngăn bằng những chuyến “thăm viếng” của công an khu vực đến tận nhà các thành phần “đáng lưu tâm” và ở lì từ sáng tới tối; cản bằng thủ thuật thay đổi visa nhập cảnh của quan sát viên thẩm án quốc tế, chận bằng cách không cho phái đoàn luật sư ngoại quốc giám sát phiên tòa và cử công an mật vụ thẩm vấn để đe dọa tinh thần; bịt bằng việc phá hoại một số trang mạng thông tin độc lập.

Từ trong phòng xử: rào bằng cách buộc thân nhân bị cáo ngồi riêng, trong khi đảng viên chi bộ dân phố được trả tiền thuê bao chiếm cứ phòng xử; chắn bằng cách gom hết nhân viên ngoại giao, phóng viên quốc tế tay không đi vào phòng kín; ngăn bằng cách cấm không đem theo máy ảnh, máy thâu, máy vi tính; chận bằng những lời phát biểu dài dòng của đại diện Viện kiểm sát; cản bằng những ngắt lời liên tục của Chánh án chủ tọa phiên tòa; bịt bằng những cái loa kiểm duyệt rè và câm rất ư tùy tiện.

Tất cả công sức dàn dựng chỉ để sản xuất một thành phẩm sau cùng: Hình ảnh một chế độ ưu việt, một nhà nước văn minh, một nền pháp lý công bằng, một nhóm người phản bội dân tộc đáng bị lên án, và sự thuần phục của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo độc tôn và trường kỳ của đảng.

Nhưng những kẻ lái ngựa đã lầm lẫn!

Trong thời đại văn minh tin học hiện nay, hai miếng da che mắt ngựa không thể bịt kín tất cả những gì mà đảng và nhà nước mong muốn che đậy. Những suy tư, khát vọng, lý tưởng của các anh Thức, Định, Long, Trung đã được truyền bá rộng rãi từ lâu, trước khi các anh bị cầm tù. Sau khi tin tức các anh bị bắt giam được công bố, việc tìm đọc bài viết của các anh, những bài báo ca ngợi các anh do chính các cơ quan truyền thông của nhà nước đăng tải trước đây đã gia tăng cấp lũy thừa. Người đã quan tâm tìm đọc lại. Người chưa quan tâm lục lọi khắp các trang mạng kiếm tìm. Ở từng dòng chữ, từng ý tưởng người ta tìm thấy được hình ảnh những người trẻ tuổi nhiệt tình, sinh ra, lớn lên và thành đạt ngay trong môi trường xã hội chủ nghĩa. Hình ảnh này đã phá vỡ mọi luận điệu tuyên truyền về những kẻ bất đồng với nhà nước là tàn dư của chế độ cũ, là những kẻ chạy ra nước ngoài làm tay sai cho đế quốc. Sự thành công của Lê Công Định trong nghề nghiệp, vị trí nguyên phó chủ nhiệm đoàn luật sư tp-HCM, đời sống gia đình; những thành công trên thương trường của anh Trần Huỳnh Duy Thức – tổng giám đốc công ty OCI; của anh Lê Thăng Long – Phó Tổng giám đốc Công ty EIS, Chủ tịch HĐQT Công ty One Connection Internet; và tương lai sáng lạn đang mở ra cho anh Nguyễn Tiến Trung – Thạc sĩ Tin học du học ở Pháp về… đã đánh sập những luận điệu bôi bẩn những người bất đồng với đảng là bất mãn vì bị chế độ ngược đãi hay thất bại trong đời sống cá nhân.

Thành quả sự nghiệp và những đóng góp tích cực của các anh Định, Long, Thức đã được đăng tải trên nhiều trang mạng của nhà nước trước những ngày tháng 6 và đã được hối hả lấy xuống nhằm xóa đi những tang chứng lịch sử. Nhưng hệ thống thông tin ngày nay không còn là một kênh đào của thời cải cách ruộng đất. Bước vào thế kỷ 21, nó đã là một đại dương thông tin vô biên cùng khắp. Không một tập đoàn nào có thể đào lũy, xây tường để ngăn chận, bưng bít.

Những kẻ lái ngựa đã lầm lẫn! Vì các anh Định, Trung, Long, Thức đã không theo đúng kịch bản xếp sẵn của vở tuồng.
Trong bốn người bị xử án, có thể nói Luật sư Lê Công Định là người được dư luận chú ý đến nhiều nhất. Ngay cả đối với cộng đồng quốc tế, giới ngoại giao, thành phần luật sư, các tổ chức nhân quyền, tên tuổi của anh đã trở thành quen thuộc trong một thời gian ngắn ngủi. Trong vở tuồng xử án, thành quả mà những người lái ngựa cầm quyền muốn có, sau những màn cắt dán, rè loa, câm tiếng, là đoạn video “nhận tội” của luật sư Lê Công Định. Họ đã hồ hỡi phấn khởi đăng tải ngay sau đó trên các kênh truyền thông của nhà nước. Đó là không gian hạn hẹp tầm nhìn mà những người lái ngựa muốn toàn dân Việt Nam nhìn thấy.

Những người lái ngựa đã lầm lẫn lớn. Trí tuệ của họ không cho phép họ có những phân tích chính xác, nhanh chóng về ý nghĩa và thông điệp của lời phát biểu, không cho phép họ có khả năng hiểu được tại sao luật sư Lê Công Định nhất định đòi tự bào chữa, không cho họ nhận thức được con người của Lê Công Định, một người mà mỗi hành động, thái độ là một chọn lựa chiến lược. Vì thế họ đã không làm rè loa, câm tiếng, không kiểm duyệt cắt bỏ mà còn phổ biến dùm Lê Công Định đến nhân dân cả nước, đến cộng đồng thế giới, lời lên án chế độ công khai của anh, khi anh đang đứng ngay giữa trung tâm quyền lực của đảng CSVN:
“Thứ nhất xét về hành vi khách quan, luật pháp và hiến pháp của Việt Nam đã quy định và bảo vệ quyền lãnh đạo duy nhất của đảng CSVN đối với nhà nước và xã hội Việt Nam. Cho nên là những lời kêu gọi đa nguyên đa đảng mặc nhiên là muốn thể hiện ý muốn thay đổi thể chế chính trị hiện nay. Và những tổ chức nào chủ trương đa nguyên đa đảng thì như vậy là đương nhiên vi phạm vào điều 79 theo định nghĩa của điều 79 của luật hình sự. Đảng Dân Chủ Việt Nam là một tổ chức có cương lĩnh và mục đích kêu gọi đa nguyên đa đảng như tôi đã trình bày trong phiên xử sáng nay, mà tôi thì tham gia vào tổ chức này cho nên xét về phương diện hành vi khách quan là tôi đã vi phạm điều 79 của bộ luật hình sự”.

Những điều muốn cho công luận biết đến đã là như thế, huống gì rất nhiều điều đã được che giấu bằng hai miếng da che mắt ngựa ? Từ đó công luận đã thấy rõ vụ việc, đã hiểu rõ những gì thật sự xảy ra. Phiên tòa là một vở tuồng vừa xảo trá, vừa lố bịch, vừa vụng về. Từ đó những tiếng nói đã cất lên. Từ mãnh đất của trấn áp đang lan tràn, của sợ hãi đang bao trùm, người ta đã công khai kể về những điều tồi tệ đã chứng kiến tận mắt trong phiên tòa, đã mỉa mai về thời gian 15 phút nghị án và 45 phút tuyên án, đã xác định những người bị kết án là những người con ưu tú của đất nước. Và muôn nghìn những lời lên tiếng khác, ở các mạng thông tin, những diễn đàn mạng độc lập, cùng với những tiếng nói thầm lặng khắp nơi đang trở thành những đợt sóng ngầm.

Trần Huỳnh Duy Thức,
Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thăng Long…
những cái tên khởi đầu của bài ca chúng ta sẽ hát
tình yêu dân tộc đã điểm chuông thánh thót
bản án chỉ lối cho những người đi tới
và chế nhạo những ai cho rằng không có ngày mai…

(Gởi những người biết khóc trong hôm nay – thơ Trần Tiến Dũng)

Từ khắp nơi trên thế giới, bên cạnh những bài tường thuật của báo chí, những lên tiếng phản đối mạnh mẽ của chính giới và các tổ chức nhân quyền, xuất hiện một góc nhìn mới: người ta không chỉ lên án sự bất công, phi lý của nền pháp lý Việt Nam mà còn bày tỏ thái độ khinh miệt trước những thủ thuật xảo trá và trơ trẽn của nhà nước Việt Nam. “Phiên tòa này là một trò nhạo báng công lý! Bà Brittis Edman – Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế. “Dĩ nhiên phiên tòa này là một trò đùa. Thật ra cả hệ thống truyền thông của Việt Nam đã “xét xử” và “kết án” những người này cả mấy tháng nay bằng những bài báo của họ.” GS Carl Thayer.

Ngày hôm nay, khi quan hệ thương mại quốc tế được xây dựng trên nền tảng lợi nhuận, người ta có thể quay lưng lại với những nguyên tắc và giá trị nền tảng để nhắm mắt làm ăn buôn bán với một tập đoàn bạo tàn. Tuy nhiên, không ai muốn hợp tác lâu dài với những kẻ xảo quyệt, chuyên thói lọc lừa và đạo đức giả.

Sau khi công an hoàn tất thủ tục thẩm vấn, ông George Hwang, thành viên của nhóm luật sư của IBA đến Việt Nam dự trù quan sát phiên tòa, đã hỏi người công an đối diện “nhưng tự chính anh, anh nghĩ gì về phiên tòa này và những việc mà các anh đang làm?”. Người công an cộng sản cúi đầu không nói. Chính họ, những người thừa lệnh cầm roi quất ngựa cũng có nhiều điều muốn nói, nhưng không thể hay chưa thể nói. Ít ra, cũng còn có những người mặt không dày và còn chút lòng tự trọng.

Hành động cúi đầu của người công an là một trong những chỉ dấu báo hiệu cho sự cáo chung. Đã sắp hết thời những kẻ lái ngựa. Họ chỉ đang thụ hưởng những gì còn sót lại từ gia sản của tư thế độc quyền cai trị của quá khứ. Nhưng chính họ đang tự hủy diệt cái di sản quá vãng đó. Vở tuồng xử án 20 tháng 1 là một trong những hành động tự hủy diệt này. Chính họ, trong khi loay hoay cắt dán miếng da che mắt ngựa, đã phơi bày toàn bộ bản chất vừa tàn ác, vừa xảo quyệt, vừa ngu dốt của những kẻ lái ngựa.

Không một miếng da nào có thể che mắt ngựa. Dân tộc Việt Nam không phải là một bầy ngựa chỉ biết an phận cúi đầu gặm cỏ như đảng mong muốn để từ đó có thể mặc nhiên hành xử như những kẻ lái ngựa. Không một bản án nào có thể đe dọa và tiêu diệt lương tâm của những người yêu nước. Không một nhà tù nào có thể giam hảm những ước mơ và khát vọng chân chính.

Lê Công Định, Lê Thăng Long, Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Phong, Nguyễn Bình Thành, Nguyễn Bắc Truyền, Huỳnh Nguyên Đạo, Lê Nguyên Sang, Điếu Cày – Nguyễn Văn Hải, Phạm Thanh Nghiên, Nguyễn Xuân Nghĩa, Nguyễn Văn Tính, Nguyễn Mạnh Sơn, Nguyễn Văn Túc, Ngô Quỳnh, Nguyễn Kim Nhàn, Phạm Văn Trội, Vũ Hùng, Trần Đức Thạch, Nguyễn Bá Đăng…
Họ là những người Việt Nam yêu nước.
Là những vốn quý của dân tộc.
Là những ánh lửa thắp sáng hy vọng vẫn cháy rực từ trong lòng ngục tối.


Phiên tòa ngày 20 tháng 1 chỉ làm sáng ngời những ngọn lửa này, đồng thời đổ dầu thêm vào những ngọn lửa khát vọng đang âm ỉ cháy trong lòng những người đang bị giam hãm trong một nhà tù lớn hơn – nhà tù Việt Nam.


No comments:

Post a Comment