Saturday, January 23, 2010

CSVN BẮT CHƯỚC CSTQ, NẾU TQ DÂN CHỦ, VN SẼ DÂN CHỦ

Nhà tranh đấu dân chủ Trung Quốc Ngụy Kinh Sinh thăm báo Người Việt
Hà Giang/Người Việt
Friday, January 22, 2010
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=107287&z=3

WESTMINSTER (NV) - Một cuộc thảo luận sôi nổi về đề tài dân chủ hóa một nước cộng sản đã bộc phát bất ngờ trong chuyến viếng thăm báo Người Việt của nhà tranh đấu dân chủ Trung Quốc Wei Jingsheng tức Ngụy Kinh Sinh hôm 22 Tháng Giêng.
Ông Ngụy Kinh Sinh, mặc dù từng tham gia Hồng Vệ Binh khi còn tuổi thiếu niên, lớn lên nhiều lần viết bài tố cáo chế độ độc đảng, kêu gọi dân chủ hóa Trung Quốc, và sau đó phải trả giá bằng 18 năm tù.

“Tình hình chính trị của Trung Quốc, Việt Nam rất giống nhau, và việc đàn áp các nhà bất đồng chính kiến hiện nay rất cần phải được quan tâm!” Ông Ngụy Kinh Sinh nói.
“Hà Nội luôn luôn bắt chước Bắc Kinh, ông có lời khuyên gì về việc này?” Một người hỏi.
Ông Ngụy Kinh Sinh đáp:
“Và vì thế nếu cộng sản Trung Quốc sụp đổ thì cộng sản Việt Nam cũng sụp theo!”

Cùng đến với ông Ngụy Kinh Sinh có bà Huang Ciping (Hoàng Sĩ Bình), giám đốc Wei Jingsheng Foundation mang tên ông Ngụy Kinh Sinh, là một tổ chức tranh đấu nhân quyền nổi tiếng. Ngoài ra còn có ký giả David Satter, hiện là thành viên cao cấp của Viện Nghiên Cứu Hudson, người chuyên nghiên cứu về chế độ cộng sản Xô Viết, cũng là tác giả của hai cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, có tên Age of Delirum: the Decline and Fall of the Soviet Union, và Darkness at Dawn: the Rise of the Russian Criminal State.
Ông Ngụy Kinh Sinh đã đến báo Người Việt trong dịp qua California dự một buổi hội nghị do đảng Tân Ðại Việt tổ chức. Bác Sĩ Mã Xái, chủ tịch Tân Ðại Việt và là một cựu dân biểu Việt Nam Cộng Hòa, và nhiều thành viên khác trong đảng cũng có mặt trong buổi gặp gỡ.
Qua lời thông dịch từ Hoa qua Anh Ngữ của bà Hoàng Sĩ Bình, nhà nhà bất đồng chính kiến Ngụy Kinh Sinh cho biết tổ chức Liên Minh Dân Chủ Hoa Kiều Hải Ngoại đấu tranh cho một nền dân chủ cho Trung Quốc bằng hai phương pháp: “lốp-bi” hành lang với các chính khách Tây Phương; và huy động người dân Trung Hoa trong nước.
Ông chia sẻ rằng việc các nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam dùng “lòng yêu nước” trong việc tranh chấp về biển đảo giữa Trung Quốc và Việt Nam để tấn công nhà nứơc Hà Nội “là một hành động ngây thơ,” khiến ông hơi quan tâm.
“Ðừng rơi vào cái bẫy của nhà cầm quyền!” ông nói.
Theo ông, các chế độ độc tài cộng sản “rất điêu luyện” trong việc “lợi dụng lòng yêu nước” để mị dân, với mục đích “cướp chính quyền hay củng cố chế độ của họ” như lịch sử đã chứng minh.
“Ngày nay, Trung Quốc đang dùng tinh thần quốc gia để cai trị dân họ, và Việt Nam cũng thế!”
Ông khuyến cáo, “Chúng ta luôn phải nhớ rằng các nhà cầm quyền độc tài này đang nắm giữ hệ thống truyền thông” vì thế không thể đánh họ bằng phương pháp “tuyên truyền,” vì “tuyên truyền” là sức mạnh và sở trường của họ.
“Các nhà bất đồng chính kiến phải khôn ngoan và cẩn thận để đừng biến chính mình thành công cụ!”
Thí dụ, ông nói, nếu “bị dồn vào đường cùng,” thậm chí, Việt Nam có thể khai chiến tranh với Trung Quốc, và dĩ nhiên là họ sẽ thua trận, nhưng họ vẫn sẽ thắng lớn, vì họ đã “lợi dụng lòng yêu nước” để hợp pháp hóa được chính quyền của họ.
“Nếu vậy thì phương cách đấu tranh cho dân chủ hữu hiệu hơn là gì?”
“Chúng tôi dùng công lý để tấn công Bắc Kinh!” Ông Ngụy Kinh Sinh nói.

Theo ông thì dùng mọi phương tiện thông tin để giải thích cho người dân hiểu rằng nếu có dân chủ thì xã hội sẽ công bình hơn, và làm cho họ hiểu rằng dưới chế độ độc tài, thì những người cầm quyền nắm hết tài nguyên của quốc gia, trong khi đó đa số dân chúng sẽ tiếp tục cuộc sống lầm than nghèo khổ.
Ngoài ra cũng phải chú trọng đến việc liên kết với các tổ chức đấu tranh cho dân chủ của các quốc gia đang cùng một hoàn cảnh với Trung Quốc như Bắc Hàn và Việt Nam.
Ông Ngụy Kinh Sinh đồng ý với nhận xét của một người là việc “lốp-bi” các chính khách Tây Phương giờ đây có lẽ không còn hữu hiệu lắm nữa.
“Ðồng ý là hiện giờ có một số chính trị gia phương Tây nghiêng về chế độ Cộng Sản để thủ lợi!” Ông nói.
“Tuy nhiên nếu chúng ta không ‘lốp-bi’ họ còn khuynh tả nhiều hơn.”
Theo ông thì không phải chính trị gia nào cũng nghĩ giống nhau, và “họ cũng không hành động như một khối.” Vấn đề là phải tìm ra những chính khách ủng hộ việc dân chủ hóa và kêu gọi sự hỗ trợ của họ.
“Trình độ hiểu biết về thể chế cộng sản của các chính sách này non kém lắm! Và chúng ta có bổn phận phải giải thích cho họ biết thế nào là cộng sản!”
Rồi ông đùa:
“Thú thật, đôi khi nói chuyện với các chính trị gia này về cộng sản, tôi có cảm tưởng mình đang giảng bài cho học sinh tiểu học!”
“Nhưng cũng phải cố kiên nhẫn mà làm thôi!” Ông kết luận.
Ðược hỏi là với kinh nghiệm tù đầy của mình, ông có nghĩ những bản án nặng nề có sẽ làm cho các nhà bất đồng chính kiến nhụt chí, không dám chống đối nữa, hay sẽ hun đúc sự bất mãn của họ, ông hóm hỉnh:
“Ngày xưa chúng tôi khi chống đối chế độ là chấp nhận đi tù dài hạn, còn bây giờ các nhà bất đồng chính kiến lạc quan hơn, họ cho rằng chế độ cộng sản sẽ sụp đổ trước khi họ mãn hạn tù!”
Ông giải thích thêm là điều này cũng không phải là không có lý, vì ngày nay, các tù nhân chính trị cũng được đối đãi một cách có chút nhân bản hơn, vì cả những quản giáo cũng sợ là “lỡ chế độ sụp đổ,” những người này sẽ trả thù.
“Cũng có thể xem những mạnh tay đàn áp này là nỗ lực cuối cùng của chế độ Cộng sản để nắm giữ quyền lực.” Ông kết luận.

Cuộc thảo luận đến đây bước qua lãnh vực kinh tế.
Ông Ngụy Kinh Sinh cho rằng sau khi Hoa Kỳ chấp nhận cho Trung Quốc, rồi Việt Nam được quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (Permanent Normal Trade Relation) thì đã tạo ra một số công ty Mỹ, nhờ giao thương với hai nước này, mà trở nên rất giàu có, vì họ được hưởng giá nhân công rẻ mạt.
“Vì quyền lợi, những công ty này sẽ luôn luôn bênh vực chế độ cộng sản!” Ông nói.
Và trong khi nhân công của Trung Quốc và Việt Nam tiếp tục bị bóc lột, thì một nhóm người cầm quyền tại hai quốc gia đã trở nên tỷ phú vì họ độc quyền nắm hết mọi huyết mạch của thương mại.
“Nhưng điều này cũng giúp tạo ra bất ổn của hai chế độ, vì sự chênh lệch giầu nghèo, cũng như tranh chấp quyền lợi trong chính nội bộ.” Ông nói.

Học giả David Satter đưa ra một nhận xét khác.
Ông cho rằng với kinh nghiệm rút ra từ sự sụp đổ của cộng sản ở Xô Viết, thì ngoài lý do kinh tế, sự mất niềm tin của người dân vào chủ thuyết cộng sản đã tạo ra “một cuộc khủng hoảng tâm lý,” dẫn đến sụp đổ của chế độ.
“Ở một nơi mà chủ nghĩa cộng sản được xem là một tôn giáo, và đồng nghĩa với tinh thần quốc gia, thì khi người dân không còn tin vào chủ nghĩa ấy nữa, thì chế độ không thể tồn tại.” Ông nhận xét.
“Không thể tiếp tục duy trì chế độ cộng sản trong khi lại có một nền kinh tế tư bản!”
Tuy nhiên, ông cũng cho là so với Xô Viết, hai chính quyền Trung Quốc và Việt Nam khôn ngoan hơn, vì giờ đây họ chỉ nhắc đến chủ nghĩa cộng sản như những giá trị tiêu biểu thôi, chứ không hô hoán “yêu nước là yêu chủ nghĩa cộng sản” nữa.
“Vì thế các nhà bất đồng chính kiến của Trung Quốc và Việt Nam phải khôn ngoan hơn, nghĩa là vẫn phải tấn công chủ nghĩa cộng sản, nhưng còn phải tìm những cách khác để tấn công chế độ.”



No comments:

Post a Comment